34.
Thế nhưng kì diệu thay tám thức Phương thoát ra ngoài không tan mà tụ, không lạnh mà ấm, không động mà tĩnh, không sợ mà vui, lúc này đứng trân trân cạnh xác mà mắt hướng nhìn lên nơi tượng Đại thế chí Bồ tát.
Bỗng thấy nơi tượng Bồ tát lắc nhẹ, rồi không khí trong phòng thoáng nhiên sáng rực, mây ngũ sắc bay tỏa xà xuống đầu, hương thơm ngào ngạt, các hoa Mạn đà la, Mạn thù sa bay rợp lả tả, rồi từ tượng Bồ tát Đại thế chí vụt ra một bóng hình tôn giả, mang thân nữ nhi, khuôn mặt xinh đẹp khác thường, đôi môi căng đỏ, mắt biếc mà sâu, tay chân mảnh mai, mặc xiêm y màu xanh, cổ đeo chuỗi Anh lạc, tay cầm một cành hoa sen xanh tượng trưng cho sự thanh khiết trong sạch, không dính dáng đến danh lợi trên thế gian, có sức mạnh tồn tại vượt khỏi bùn nhơ cám dỗ, tu hành thành đạo, nhìn người nữ ấy tâm định như gương, mang năng lực giữ giới của người tu hành, không bị khuất phục, không bị ô nhiễm, tuyệt đối chứng giác.
Người nữ ấy chính là tôn giả mang danh hiệu cao quý tột đỉnh hư không, chúng sinh các cõi, từ trời thần quỷ thánh, người cho tới thú đều thường ngưỡng vọng mà kêu tên người nữ ấy bằng năm chữ cung kính: Đại thế chí Bồ tát.
Thật là,
Đẹp lạ lùng cõi tịnh
Nữ Bồ tát thọ trì
Hồng danh: Đại thế chí
Giữ giới luật kiến tri.
Bấy giờ Bồ tát trỏ tay vào hồn Phương, nghiêm trang mà truyền:
“Kẻ kia thấy tôn sư sao không đảnh lễ?”
Phương vui mừng quá mà hóa ngơ ngác, bấy giờ bị câu truyền của Bồ tát làm cho thức tỉnh, vội quỳ rạp xuống mà cung kính lễ người ba lạy.
Bồ tát nói:
“Khen cho người khéo dụng phép khổ hành xác, chịu dày vò thể xác, sẵn sàng bỏ cả thân thể để mà ngộ được đại đạo rốt ráo, nên mới có căn duyên mà gặp được Bồ tát ngay giờ phút lâm chung này, trước khi giảng cho ngươi hiểu về đạo mầu cũng như căn duyên gặp được Bồ tát, ta truyền cho ngươi bài chú Bát nhã Ba la mật, xem ngươi hiểu đạo ta tới đâu?”
Nói đoạn Bồ tát cất tiếng tụng, lời ngài như mật rót vào tai, Phương nghe theo mà như say đắm mê hoặc, bài thần chú Bồ tát truyền cho Phương như sau:
“Nam mô bổn sư thích ca mâu ni Phật, khi Bồ tát quán tự tại hành sâu Bát nhã Ba la mật đa, người soi thấy năm uẩn* đều không, liền qua hết thảy khổ ách. Này Xá-lợi-phất*, sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc, thọ tưởng hành thức, cũng lại như thế. Này Xá-lợi-phất, tướng không của các pháp, không sinh không diệt, không nhơ không sạch, không thêm không bớt, nên trong tướng không không có sắc, không có thọ, tưởng, hành, thức, không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới, không có vô minh cũng không có hết vô minh, không có già chết cũng không có hết già chết, không có khổ, tập, diệt, đạo*, không có trí tuệ cũng không có chứng đắc. Vì không có chỗ được nên Bồ tát nương theo Bát nhã Ba la mật đa tâm không ngăn ngại, vì không ngăn ngại nên không sợ hãi xa hẳn điên đảo mộng tưởng, đạt đến cứu kính niết bàn, chư Phật trong ba đời đều nương theo Bát nhã Ba la mật đa liền đạt được đạo quả Vô thượng chính đẳng chính giác*, vì vậy nên biết Bát nhã ba la mật đa là đại thần chú, là đại minh chú, là vô thượng chú, là vô đẳng đẳng chú*, thảy trừ được hết thảy khổ ánh chân thật không dối, vì vậy nói chú bát nhã ba la mật đa liền nói chú rằng: Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha…”
(*Năm uẩn: gồm có sắc, thọ, tưởng, hành, thức. *Xá lợi Phất: đại đệ tử của thích ca mâu ni Phật, *khổ tập diệt đạo: tứ diệu đế, bốn chân lý của Phật giáo. *quả Vô thượng chính đẳng chính giác: quả vị Phật tối cao, còn gọi là nơi niết bàn; *đại thần chú, đại minh chú, vô thượng chú, vô đẳng đẳng chú: là thần chú tối cao không thần chú nào hơn, cũng không thần chú nào sánh tương tự được.)
Bài chú này Phương đã đọc nghe tới trăm ngàn lần nhưng lần này nghe Bồ tát niệm thì bỗng chốc thấy tâm thần như bừng tỉnh, toàn thân mát rượi, mọi u mê chấp phá theo gió mà tan đi hết, ngước lên lại thấy tượng Đại thế chí mỉm cười, tỏa ra ánh sáng hào quang đẹp rực rõ muôn phần. Phương thấy thanh mát trong lòng, hoan hỉ vui mừng chẳng nói nên lời.
Chợt Phương thấy thân thể như hư không, các pháp trên thân chẳng có gì, nó vốn không có nên không sinh ra, cũng vì không sinh ra nên không bị diệt đi, đã là hư không nó chẳng xấu chẳng tốt, chẳng bẩn chẳng sạch, chẳng phân to nhỏ, chẳng thể thêm vào. Lại chợt thấy mắt tai mũi lưỡi thân ý đều tan đi, chẳng còn cảm biết được gì, mắt không còn thấy ánh sáng, ý thức chẳng còn biết gì, chợt thấy đầu óc u mê, rồi như nơi u mê đó lại chợt giác ngộ, chẳng còn u mê cũng chẳng hết u mê, vì bản thân đã không u mê. Lại chợt nhận ra thân thể này là giả tạm do tứ đại hợp thành, chẳng có việc sinh tử thì cũng chẳng thấy có già chết, nên việc đó cũng chẳng thể hết. Rồi chợt thấy tâm rổn rang thanh tịnh, thân với tâm hòa làm một, chẳng cần biết, chẳng cần nghĩ bàn, do vậy chẳng cần tu, chẳng cần đắc, chẳng cần đạt quả, chẳng cần chứng quả…
Bồ tát dùng Huệ nhãn mà quan sát được hết những sự giác ngộ ngay tức khắc đó của Phương sau khi nghe bài thần chú, liền nói:
“Chỉ nghe niệm chú mà thấu đại đạo, ngươi nên biết ngươi là kẻ có thượng căn đạo ta, lẽ ra phải trở thành người dẫn dắt tăng đoàn, chèo lái con thuyền chính pháp trở chúng sinh vượt qua cõi biển nước u mê khổ ải, vậy mà nay lại phạm một trong năm đại cấm giới, làm phá bỏ mất thượng căn tu hành. Ta đây là Đại thế chí Bồ tát giữ giới tu trì của người học đạo, tuyệt đối thân tâm trong sạch sẽ thấy được ta, nay ngươi bỏ đi công giữ giới tu trì, lẽ ra chẳng thể gặp nhưng cũng may ngươi thành tâm, hoại thân mà sám hối, lại cộng thêm công đức tu nên bổn sư cũng không đành mà bỏ, do đó thị hiện mà răn dạy cho ngươi.”
Phương nghe Bồ tát nói vậy thì trong lòng sợ hãi, cứ quỳ phục xuống dập đầu sát đất chẳng đám ngẩng lên.
Bồ tát truyền:
“Trên người ngươi có năm câu thần chú ba la mật, được Quan thế âm yểm lên người ngươi, nó chính là năm phép Biến di Vô thượng không phép Biến di nào sánh bằng, mỗi khi ngươi gặp nguy vạ mất thân, một thần chú sẽ phát động mà gọi lên một La-hán giúp ngươi qua được tai ương, nay người dùng mất ba thần chú, chỉ còn có hai thần chú, khi ngươi phá giới lẽ ra đều mất cả nhưng vì công đức của ngươi, lại do dính mẹo lừa của ma quỷ, nên chỉ mất đi thần chú của La Hán Ưu Ba li*, câu thần chú cuối cùng là của La Hán Mục kiền liên* thì vẫn chưa bị mất đi. Lẽ ra các thần chú Biến di Vô thượng này không có một thế lực nào ngoài chư Phật chư Bồ tát tróc được, nhưng do ngươi phá giới nên thần chú cuối cùng tuy không mất nhưng cũng chẳng còn mạnh như ban đầu, nay ngươi phải tự dụng công phu của mình mà gìn giữ nếu không sẽ bị yêu ma tróc đi ngay. Kinh tâm có tám thuộc hạ chính là ứng với tám loài trong Bát bộ chúng, nay nó mất đi năm thì chỉ còn ba, nhưng ngươi chỉ còn có một thần chú nên phải liệu đó mà dùng kẻo phải họa mất thân.”
(*Ưu ba li: Một trong mười đại đệ tử của Phật, có danh hiệu mật hạnh đệ nhất; *Mục kiền liên: Một trong mười đại đệ tử của Phật, có danh hiệu thần thông đệ nhất.)
Phương nghe Bồ tát nói đến đây chợt uất ức, ngẩng mặt lên mà thưa:
“Hóa ra Bồ tát sớm đã tỏ tường mọi việc, vậy xin hỏi tại sao Bồ tát ban cho con năm thần chú, mà không giúp con tróc nã ma quỷ ra khỏi người, để nó hành hạ con đến nông nỗi này?”
Bồ tát bấy giờ mới nghiêm trang mà thuyết:
“Ngươi nên biết không phải ngẫu nhiên chẳng sớm chẳng muộn mà khi bị ma nhập ngươi gặp Quan m, cũng không phải ngẫu nhiên chẳng sớm chẳng muộn mà giờ phút lâm chung lại gặp ta thị hiện, cũng chẳng phải tự nhiên ngươi vướng vào họa Kinh Tâm, để ta nói cho ngươi hay, các Bồ tát đều có Huệ nhãn tột đỉnh hư không, lại có Lậu tận thông là phép thần nhìn được khắp chúng sinh pháp giới từ muôn ngàn kiếp trước tới nay, do đó mọi chuyện trong cõi Ta bà này ra sao các Bồ tát đều biết cả, tuy nhiên Bồ tát biết nghiệp nhưng không chuyển được nghiệp, hàng Bồ tát muốn độ cho hàng heo chó cũng phải mượn thân heo chó làm phương tiện nói chúng nó mới nghe, muốn độ cho hàng quỷ thần cũng phải mượn thân quỷ thần tới gặp nói chúng nó mới nghe, muốn độ cho người cũng phải biến thành người mà tới nói họ mới nghe, nay ngươi nhìn thấy chân thân Bồ tát vì ngươi có thượng căn, Bồ tát chỉ cần nói là ngươi hiểu nên không phải như thế, chứ đâu có chuyện Bồ tát thích làm gì, can thiệp vào ai khi nào cũng được? Đâu phải hôm nay bổn sư thấy ngươi sắp chết mà ngẫu nhiên thích thì tới đây thuyết pháp cho ngươi nghe? Ngươi có ân oán với Kinh Tâm là do thập nhị nhân duyên* cấu thành, vậy không trả xong nghiệp cho nó thì ngươi đừng hòng đắc đạo, nay Bồ tát chỉ nói được đến như thế, nếu nói hơn nữa là phạm vào luật nhân quả, mà luật ấy là bất biến trên đời, chi phối vạn vật, Bồ tát hiểu đạo nên sẽ không can dự vào nghiệp, mà chỉ bày cho ngươi cách thức phương tiện để ngươi tùy duyên chuyển hóa.”
(*Thập nhị nhân duyên: vô minh sinh hành, hành sinh thức, thức sinh danh sắc, danh sắc sinh lục nhập, lục nhập sinh xúc, xúc sinh thọ, thọ sinh ái, ái sinh thủ, thủ sinh hữu, hữu sinh sinh, sinh sinh già chết.)
Phương nghe Bồ tát thuyết, liền hiểu ra chân lý, lại cúi đầu đảnh lễ với người rồi nói:
“Thưa thầy năm thần chú La-Hán ấy cứ khi con gặp nguy thì nó phát tác ra, nay xin thầy chỉ cho cách dùng, sao cho con tùy ý linh hoạt điều khiển, thì mới có thể trừ được yêu quỷ.”
Đại thế chí Bồ tát nhân đó liền vì Phương mà thuyết cho nghe về sức mạnh của phép Biến di vô thượng gắn trên thần chú La-Hán:
“Muốn giữ được thần chú bên mình không để mất đi, ngươi phải giữ được năm đại giới của đạo ta, đó là không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, còn muốn dùng được thần chú thì ngươi phải học phép Biến di vô thượng.”
Phương hỏi ngay:
“Xin thầy dạy ngay cho phép Biến di vô thượng.”
Bồ tát nói:
“Vậy nay ta sẽ dạy phép ấy cho ngươi, để ngươi muốn thỉnh La-hán giúp sức khi nào cũng được, nhưng ngươi phải biết phép này vượt xa các phép trên đời, học được nó ngươi phải mang hết ý chí tinh thần ra học, ngươi làm được chăng?”
Phương nghe thế quỳ phục xuống lạy Bồ tát ba lạy mà nói:
“Thưa Bồ tát, con xin phát đại nguyện mang hết tâm trí tinh thần ra mà theo đạo thầy.”
Bồ tát nghe vậy mỉm cười rồi truyền rằng:
“Vậy ta vì ngươi mà dạy cho phép tu, nhưng trước khi nói phép, ta có vài điều căn dặn ngươi như sau, căn cơ ngươi có thừa nhưng trong tam thiên thế giới người như ngươi không ít, do vậy ngươi nên biết, một là, “Phật pháp vô biên, đạo pháp vô lượng”, dù học cả đời nầy hay muôn ngàn ức kiếp các đời sau ngươi cũng chưa chắc thông hết, núi này cao còn có núi cao hơn nên dù công phu có tới đâu tuyệt đối không được sinh ra thói ngông cuồng kiêu ngạo, là phạm vào giới mạn thì đạo chẳng bao giờ thành; hai là, “đạo cao một thước, ma cao một trượng”, “việc thiện nhỏ khó làm, việc ác nhỏ dễ làm”, ranh giới giữa Phật và ma cách chẳng tày gang, chọn giữa lý trí và ham muốn cá nhân rất khó, chỉ cần siêu lòng thì sinh ngay tâm ma, sẽ lạc vào ma đạo, cần có trí tuệ Bát nhã mà nhìn nhận sự việc cho thấu, nhìn nhận được rồi thì lại phải hành đạo cho đúng. Ngươi có làm được chăng?”
Phương quỳ xuống đáp:
“Đệ tử xin nhớ lời thầy.”
Bồ tát lúc này đứng trang nghiêm, lại đặt tay lên đầu Phương mà dạy cho phép:
“Để học được phép thỉnh La-hán ấy, ngươi hãy làm theo các điều ta dạy ngươi đây:
Thứ nhất, đối với hai pháp môn tu tịnh độ* và tu thiền là cốt yếu, là trụ cột của Phật giáo thì phải luôn thi hành không một phút buông bỏ, mất đi trụ cột thì công phu ngươi mất hết…”
(*Tịnh độ: tụng kinh.)
Thứ hai, đối với pháp môn tu mật tông, là công cụ để hành đạo, thì ngươi phải dốc lòng mà luyện theo, các thần chú một chữ cũng không sai, dùng hết tâm thức được khai mở mà học theo.
Thứ ba, đối với các pháp môn tu nghiệp là ăn chay, Bố thí, cúng dường*, phóng sinh, giữ gìn tránh thập ác*, tránh tam nghiệp*… công phu cao vô lượng lại dễ thực hành nhưng người phàm chẳng mấy ai để tâm đến, ngươi đừng vì cho đó là dễ mà lơi lỏng, vì công phu trí tuệ các pháp môn đó mang lại là vô lượng vô biên.
(*Cúng dường: dâng lễ Bố thí cho chư tăng gọi là cúng dường, thường là đồ ăn, vật chất; *thập ác: sát sinh, trộm cắp, tà hạnh, nói dối, nói lời cay độc, nói thêu dệt, nói hai lưỡi, tham, sân, si; * tam nghiệp: suy nghĩ, lời nói, hành động.)
Thứ tư, đối với pháp môn tu Đạo vô lượng chính đẳng chính giác, ta dạy cho ngươi đại pháp môn mạnh nhất của thầy ta là Đức Như Lai truyền lại, gọi là bát chánh đạo*, chư Phật các đời đều theo đại pháp môn này luyện mà thành công, đắc được quả vị Phật về Tây phương.”
(*Bát chánh đạo: tám con đường Phật chỉ ra để thoát khỏi khổ trong nhân gian, gồm có tám chánh là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định,)
Thứ năm, đối với pháp môn tu đạo Bồ tát ba la mật, ta truyền cho ngươi pháp môn lục độ ba la mật*, các chư Bồ tát trong ba đời đều nhờ học được sáu phép ba la mật này mà đắc được quả vị Bồ tát.
(*Lục độ ba la mật: gồm có sáu phép ba la mật như sau, Bố thí ba la mật, giữ giới ba la mật, nhẫn nhục ba la mật, tinh tấn ba la mật, thiền định ba la mật, trí huệ ba la mật, là phép tu của Bồ tát.)
Ngươi học theo năm phép tu này thì có thể thỉnh xin A-la-hán lên giúp khi gặp nguy nan.”
Sau khi giảng xong cách tu các đạo đó, Bồ tát liền gõ nhẹ lên đầu Phương để thọ kí khai thị mắt pháp cho Phương. Rồi Bồ tát ân cần dặn dò:
“Còn một điều sau cuối ta căn dặn cho ngươi, đó là trước khi ngươi luyện thành công phép Biến di vô thượng thỉnh La-hán, ngươi tuyệt đối không được sử dụng bất kì đạo huyền, huyền thuật nào vào các việc trong nhân gian, ngươi đặc biệt nhớ kĩ cho ta, nếu ngươi dùng phép mà tróc giết ma quỷ, thì cũng là manh tâm sát sinh, lập tức ngươi phải học phép Biến di vô thượng lại từ đầu. Sau khi ngươi đạt được phép Biến di vô thượng rồi thì khi ấy mới có thể tùy ý mà dùng công phu trở lại.”
Phương cúi đầu lĩnh ý, đoạn hỏi:
“Vậy xin Bồ tát thương mà nói cho, nhân duyên của con và Kinh Tâm ấy thế nào, có cừu thù gì mà hại con đến thế?”
Nhưng Bồ tát chỉ cười không đáp, tiến lại gõ nhẹ lên đầu Phương hai cái mà thọ ký cho. Vậy là Phương đã được Đại thế chí Bồ tát khai thị cho hoàn toàn…Huệ nhãn được khai mở, Phương cúi rạp đầu xuống đất tạ ơn, khi ngẩng lên chẳng còn thấy người đâu nữa, chỉ còn phảng phất mây lành bay ngang, rồi hồn thoát ra khỏi ảo cảnh Ba la mật* do Bồ tát tạo ra, bay nhập lại vào thân, tim đập mạnh một cái rồi thở trở lại.
(*Ảo cảnh Ba-la-mật: ảo cảnh do Bồ tát tạo ra, chỉ có hành giả đắc được quả vị Bồ tát mới dựng lên được ảo cảnh này.)
Bấy giờ cậu đứng phắt dậy, lảo đảo bước ra cửa, nhưng thân thể mấy ngày không ăn uống ngủ nghỉ đã suy kiệt tới cùng cực, cửa phòng vừa mở ra thì ngất xỉu ngã nhào vào vòng tay các sư huynh đang đứng canh bên ngoài, cấp cứu hồi lâu sau mới tỉnh.
Thật là,
Trong ảo cảnh, trò gặp bậc tôn sư
Thương chúng sinh, dạy đạo huyền vô tận.
Trời đã sang chính đông, gió lạnh se sắt, những cơn gió mùa buốt da thịt thổi qua từng chặp khiến người ta phải rùng mình…
Phương đứng lặng nơi mái hiên cao trước cửa phòng thiền mà nhìn xuống dưới nơi sân chùa…
Cậu đã đứng lặng như vậy rất lâu, bất động nơi mái hiên, để dõi theo một bóng hình người con gái đang ngồi trên ghế đã nơi sân chùa, lẻ loi, cô độc, tuyệt vọng…
Vy đã ngồi đó cũng hơn ba giờ rồi, cô khẽ cúi đầu xuống, rúc mũi vào chiếc khăn quàng cổ dày cho đỡ lạnh…Vy hôm nay mặc chiếc áo đỏ dày, bên ngoài khoác thêm một chiếc khăn quàng màu xanh rất đẹp, cô mặc chiếc váy dài phủ quá mắt cá, chân đi giày cao cổ…đôi mắt ngọc khẽ nhắm lại để tránh gió lạnh làm mắt bị khô, đôi môi đào đỏ thắm giờ đã nhạt cả đi, khô khốc, tóc gió bay bay…Khuôn mặt Vy đỏ ửng lên vì lạnh, hai cánh mũi phập phồng, thở ra làn khói trắng, đôi mắt buồn cứ nhìn cụp xuống, hai tay chắp trước ngực, miệng cứ liên tục lẩm bẩm như cầu xin điều gì…
Đã hơn nửa năm trôi qua kể từ ngày cô trao cho Phương, ngày nào cũng vậy, chẳng kể nắng hay mưa, nóng hay rét, hầu như chiều nào Vy cũng tới chùa Thanh Trúc lễ Phật, cầu nguyện cho Phương, rồi ngồi ở ghế đá đợi Phương ra gặp nhưng cô lại luôn phải lủi thủi ra về một mình mà không được gặp, cô không hề hay biết chiều nào Phương cũng đứng nơi mái hiên chùa mà kín đáo nhìn xuống cô theo dõi từ khi cô ngồi vào ghế đá cho tới khi ra về…
Người lớn, nhất là các bậc cha mẹ đối với con cái, luôn có một thứ kinh nghiệm quý báu, một thứ linh cảm cách giao kì lạ… lời những vị ấy nói, đặc biệt là về chuyện tình duyên của con cái, luôn luôn chính xác, mà con cái mãi không bao giờ hiểu được hết…sau khi biết chuyện của Phương, mẹ Vy, người từng rất yêu quý Phương, đã cấm không cho Vy tới chùa gặp Phương nữa, bà đã sống mấy chục năm trên đời, những người có hàng căn như Phương rồi sẽ thế nào bà cũng biết, bà không muốn con gái mình phải nguy hiểm hay đau khổ.
Hôm qua thì Vy được mẹ thông báo là chi nhánh công ty của ba cô đã chuyển vào trong Sài Gòn, ba mẹ sẽ đưa cả nhà vào cùng và Vy sẽ hoàn tất năm cuối đại học trong đó.
Vậy là hôm nay Vy tới chùa, mong được gặp Phương một lần cuối…cô đã chờ hơn ba tiếng đồng hồ, nhưng Phương vẫn chẳng ra, cô không về mà vẫn kiên trì chờ, cô đã chờ cậu suốt gần bốn năm qua, thì thêm ba tiếng nữa có là gì…
Đáng thương thay cho người con gái yêu phải người có căn số U ẩn,
Em yêu chàng, dù muôn ngàn cách trở
Nguyện bên chàng, vui vẻ chẳng âu lo
Mặc em đau, mặc cho em nhung nhớ
Chàng vẫn thế, vẫn vô cảm hững hờ…
Bất chợt, có hạt mưa thoáng bay, rồi rất nhanh nặng hạt, dày lên phủ trắng cả trời.
Tại sao đang vào đông chí lại có mưa lớn thế này? Hay là ông trời đang than khóc cho người con gái chung thủy nhưng số khổ?
…
Phương lo lắng gọi một chú tiểu lại rồi dặn dò mang dù ra cho Vy, chú tiểu vội vàng lọc cọc chạy xuống sân chùa ngay…
Vy cũng đã thấy mưa, cô khẽ giơ hai bàn tay lên chụm lại để hứng mưa…rồi mưa nặng hạt dần, ướt hết cả tóc Vy, nhớ lại hồi ức cũng đã lâu lắm rồi, cái ngày mà Phương còn vô tư vô lo, cái ngày mà mới quen nhau, hai đứa cũng đã có lần cùng tắm mưa, Vy khẽ bật cười qua làn nước mắt…
Rồi cô bật khóc òa lên…trong làn mưa, nước mắt của cô hòa cùng với mưa ướt nhòe khuôn mặt…Vy đau khổ, tuyệt vọng tới cùng cực…chỉ sau ngày hôm nay, mãi mãi chẳng còn cơ hội gặp lại người ấy…Phật ở trên cao kia, vì sao Phật chẳng chứng cho tấm lòng thành của con? Con cũng chỉ là người con gái, cũng chỉ mong cầu hạnh phúc bên gia đình như bao cô gái khác…
Phương đứng lặng nơi mái hiên mà quan sát tất cả những điều đó, trong lòng chợt nhói đau lên rất lạ, giọt nước mắt khẽ lăn dài trên má cậu…nhưng đã phát ra đại nguyện trước Bồ tát, làm sao cậu có thể gặp được cô nữa…
Rồi Phương thấy chú tiểu chạy xuống đưa dù nhưng Vy không nhận, cô khẽ lấy trong ngực áo ra một phong thư, đưa cho chú tiểu, rồi lặng lẽ cất bước, thất thểu đi về phía cổng chùa…
Chú tiểu bối rối chẳng biết làm sao, liền hướng mặt lên chỗ Phương đứng chờ hiệu lệnh, hóa ra Vy biết chú tiểu là do Phương sai xuống nên giả vờ đi ra, vừa thấy chú tiểu ngước nhìn lên thì cô rất nhanh đưa mắt nhìn theo hướng chú tiểu vừa nhìn…
Quả nhiên Phương bối rối tránh không kịp, vậy là hai mắt chạm nhau, một người đứng dưới làn mưa, một người đứng trên mái hiên vắng, cứ vậy mà lặng nhìn…
Vy bật khóc nấc lên một lần sau cuối, vậy là đã thấy mặt người…rồi dứt khoát quay mặt chạy thẳng về cổng chùa…
Phương hốt hoảng, cậu cũng lờ mờ hiểu ra rằng lần này không giống mọi lần, có thể sau này cậu sẽ không còn được gặp cô nữa, cậu lao xuống sân chùa rồi chạy vụt ra cổng, nhưng đã chẳng còn thấy Vy đâu, cậu cứ vậy đứng lặng dưới mưa, chú tiểu chạy vội lại che ô nhưng cậu gạt đi, cứ thế rất lâu rồi lủi thủi quay vào.
Đêm ấy Phương ngồi một mình trong phòng vắng, mở bức thư Vy gửi ra xem, thư ấy như sau:
“…anh Phương, khi anh đọc bức thư này thì em cũng đã đi khỏi nơi đây rồi, gia đình em ngày mai sẽ chuyển vào miền nam, em cũng chẳng mong gặp được anh nên em viết ra đây đôi dòng tâm sự…em chẳng thể trách anh điều gì cả, em biết anh có nỗi khổ trong lòng mà người thường như em không thể biết được, nhưng năm lần bảy lượt em muốn đồng hành cùng anh vượt qua, anh đều đẩy em ra xa. Em lắng nghe nhưng anh chỉ luôn im lặng. Em không sợ chết, em cũng chẳng sợ khổ, em chỉ muốn được cùng anh đi mãi, nhưng mà anh chẳng hiểu lòng em, chỉ cần anh nói một câu yêu, một câu chờ anh, một câu động viên thì có chết em cũng chẳng rời, nhưng anh không thương em phận con gái, anh cứ vậy quay lưng bước đi, bao năm qua em phải chạy theo anh trong lẻ loi cô độc, gia đình ngăn cấm, tăng đoàn ngăn cấm, đến cả anh cũng ngăn cấm em gặp… Có bao giờ anh nghĩ tới cảm nhận của em chưa? Em thực sự đã tuyệt vọng đến chết, có bao giờ anh thương em, dù chỉ là thương hại? Em chẳng thể chịu đựng nổi sự giày vò nữa rồi, cái cảm giác cứ cố chạy theo một điều xa vời, cứ như bơi giữa biển khơi, đi giữa xa mạc hoang vu chẳng thấy đích đến, cảm giác cô độc, cảm giác mình là người thừa…lâu nay em đã luôn phải chịu đựng những điều ấy tới mức phát điên lên… giờ em mới hiểu rằng trong trái tim anh chưa từng có chỗ cho em, anh chưa từng quan tâm đến cảm giác của em, anh chưa từng yêu em, nếu vậy thì từ giờ phút này, em đành từ bỏ… nhưng dù sao đi nữa, em cũng đã yêu anh rất nhiều, em không bao giờ hối hận chuyện ngày hôm đó của chúng mình, đó là kỉ niệm đẹp nhất cuộc đời em, em sẽ mãi nhớ nó, còn anh thì hãy quên nó đi, hãy quên em đi anh nhé…đó là con đường anh đã chọn đi theo, thôi thì em cũng chúc anh bình an…”
Phương đọc thư xong mặt buồn thiu, lẳng lặng chẳng nói năng gì, ngước lên tượng Đại thế chí Bồ tát thở dài, rồi đứng lên đi tụng kinh.
Từ hôm đó, chẳng còn thấy Vy đến chùa Thanh Trúc nữa…
Từ hôm đó, Phương lại khổ tu âm thầm không còn bước ra nữa…
Thật buồn thay cho mối tình,
Yêu anh dốc kiệt cả trái tim
Vậy mà anh vẫn cứ lặng im
Héo hon tinh thần bi lụy xác
Để rồi cũng chỉ sự im lìm.