36.
Từ thành phố đi về quê ngoại Phương phải đi qua một đoạn ngã ba đường phải cua vòng rất khó đi, tên gọi là ngã ba Miểu, nơi đây đã là địa danh nổi tiếng gây ám ảnh lên cánh lái xe đường dài bởi lẽ đường gồ ghề khó đi, mà thường xuyên xảy ra tai nạn.
Lại nói khi chiếc xe khách chở mẹ Phương đi qua đây, tài xế bỗng thấy buồn ngủ, đầu óc quay cuồng, rồi chợt thấy có hai bàn tay màu đen hiện lên bưng che lấy mắt, tài xế sợ hãi hét lớn lên đạp phanh nhưng phanh không ăn, rồi đánh lại vội vào bên đường nhưng đụng trúng cột mốc, xe lăn thẳng ra giữa đường nghiêng đổ cả xe, ngay khi đó có một xe công đi ngược chiều chạy tới lao vào trực diện gây ra tai nạn thảm khốc. Tài xế xe công bị chấn thương nặng, còn trên chuyến xe khách đi từ thành phố kia, hai mươi hai người trên xe đã chết cả không còn một ai…
…
Nhận được tin mẹ bị tai nạn mất, xác đã được cậu Thức đưa về nhà bà ngoại, Phương vội vàng ra xe về quê ngay, cậu cũng biết điềm báo rồi nên cũng chẳng còn bất ngờ, chỉ thấy trống trải trong lòng, nước mắt cũng đã cạn khô, đôi mắt đau như bị mù, cứ hé ra là đau…
Đại Trí đang đi làm việc Phật sự ở tận miền nam nên chẳng có đây, các sư muốn cử vài người đi cùng Phương về quê nhưng Phương không cho ai đi cùng, cứ vậy lầm lũi lên chuyến xe đêm muộn cuối cùng về quê tang mẹ…
…
Phương ngồi trên xe chẳng nói năng gì, chỉ im lặng ngắm nhìn con đường qua khủng cửa sổ…
Đã một giờ sáng rồi, nhưng ngoài đường cũng chẳng phải quá tối… đêm nay trời có sao, và lại có rất nhiều đèn đường.
Phương thò hẳn đầu ra ngoài xe ô tô để hóng gió, gió thổi tạt đến làm rối cả đầu.
Lạnh lẽo quá…
Rồi lại rụt đầu vào, rồi bật cười lớn thành tiếng, tiếng cười man dại vô thức đến mức người nghe cũng phải hoảng sợ, các khách đi cùng nghe tiếng Phương cười trong đêm ai nấy kinh hãi chẳng dám ngoái lại nhìn.
Đây là gì? Là trên cả đau thương sao? Là tận cùng của nỗi đau sao? Là đau tới mức không còn cảm nhận được đau đớn sao?
Tại sao chỉ thấy trống rỗng vô định…một giọt nước mắt cũng không rơi…
Phương gục đầu vào thành ô tô, đôi mắt vô hồn thẫn thờ nhìn về nơi xa vắng, ngước lên bầu trời cao, cậu tự hỏi rằng những vì sao xa xôi kia, đâu là mẹ?
Đi ngang qua nơi ngã ba Miểu, Phương nhìn ra ngoài, mắt pháp hé ra liền thấy hai bên đường trùng trùng cơ man những bóng đen vong ma ngạ quỷ, chính bọn nó là những người đã chết trên con đường này, không siêu thoát được nên ở lại bắt những người khác.
Phương cố gắng căng mắt ra xem nhưng không thế bóng mẹ đâu, chắc có lẽ mẹ ăn hiền ở lành, cả đời tin Phật sống lương thiện, do vậy không phải chịu kiếp ngạ quỷ nên sớm được đi đầu thai rồi.
…
Về đến nhà, người nhà ngoại đã liệm xác cho mẹ Phương xong cả, bà nằm trong hòm gỗ đặt ở giữa nhà, nơi thường ngày đặt bộ bàn ghế uống trà tiếp khách, nay đã bỏ ra sân, hòm mở nắp, đặt dọc theo chiều nhà từ trong ra, ngay chính giữa nhà là bàn thờ gia tiên ông bà ông vải…
Thấy Phương về, người nhà lao lại ôm trầm lấy, rồi dạt hết sang cho Phương lại nơi quan mẹ, cậu Thức, là cậu ruột của Phương đi kè kè sau sẵn sàng sợ cháu nhỏ không chịu được sốc. Phương đi lại quan, mẹ mặc bộ đồ đỏ, phủ mặt bằng vải trắng. Phương mở vải quàn trắng ra mà nhìn thấy mặt mẹ, lúc đó bao nhiêu tâm tư mới ùa ra, xúc động đến nghẹn ngào, Phương khóc như mưa, gào khóc vang vọng cả nhà, ai khuyên cũng không nghe, mắt pháp chưa lành hẳn, máu mắt lại trào ra, cả họ nhìn thấy ai cũng kinh sợ không dám nói năng gì, mãi hồi lâu mới nín được.
Họ hàng người nhà nhìn cậu vật vã bên xác mẹ, ai ai cũng chạnh lòng, các cô các bà không kìm được cũng lén khóc theo, lấy khăn mùi soa mà chấm mi mắt.
Thật là,
Mất mẹ ai chẳng đớn đau
Con thương con khóc, con hầu cạnh thây
Vải quan phủ lấy thân gầy
Người ngay sao nỡ chịu đày chết oan.
Bà ngoại Phương thì từ lúc nghe tin con gái mất khi về quê chăm mình thì ngất luôn, các con đã đưa bà lên viện cấp cứu trong hồi đêm rồi, người trong nhà chia nhau ra vừa ở viện theo dõi bà vừa ở nhà lo việc cho mẹ Phương. Vì nay Phương còn nhỏ, thì việc tang của mẹ Phương lại do cậu Thức liệu cả.
Đến gần sáng ai nấy cũng đã về nghỉ vì cả đêm nhốn nháo, nhà mới tạm yên. Trong phòng khách chính, nơi đã tạm dẹp bàn ghế để làm gian phòng liệm cho mẹ Phương, bây giờ chỉ còn Phương và cậu Thức, cậu đã chạy xe máy chín mươi cây số ngay trong đêm để về nhà lo cho chị, vì Phương còn nhỏ chưa lo được việc.
Phương nhìn cậu Thức, trông cậu Thức hốc hác lắm, người gầy mà đen nhẻm, đôi mắt trũng sâu do thiếu ngủ nhiều ngày, hai gò má hóp lại, giờ đây mắt lại cũng đang sưng lên, cậu Thức cứ nhìn chăm chăm vào xác mẹ mãi, rồi nắm lấy tay Phương nói:
“Cậu bất tài chẳng ở nhà lo được cho bà, để mẹ cháu phải đi về đây nên mới có việc thế này…”
Phương chẳng nói gì.
Cũng lâu lắm rồi Phương chưa gặp cậu, gia đình quá nghèo, các con cậu đều còn nhỏ, vợ cậu là mợ Hoài lại quanh năm ốm đau, không đi làm được, chăm các con đã vất vả, lại phải chăm cả mẹ chồng già yếu, nên cũng khổ lắm rồi, vậy nên mợ mới ghét bên nhà Phương ra mặt, âu cũng chỉ là vì do cảnh nghèo mà sinh ra tật đó… cậu Thức buộc phải nhận đi theo công trình ở xa, có thêm chút thu nhập, thì mới cáng đáng nổi gia đình, thương em, thương mẹ nên mẹ Phương mới về mà chăm sóc, nào ngờ lần này chưa kịp gặp thì người đã mất.
Phương ngồi bên quan quách, chẳng nói năng gì, rồi chợt thấy bóng trắng bay mờ mờ ở cửa nhà thì khẽ thở dài, đưa bàn tay lên vẫy ra hiệu cậu Thức tiến lại.
Cậu Thức ngạc nhiên lắm, bình thường thằng này rất hiền chẳng bao giờ hỗn, sao nay lại làm hành động lạ thế? Hay nó đau đớn quá, hóa bệnh rồi chăng? Nhưng cậu Thức vẫn bò lại gần thằng cháu đang ngồi ở đầu hòm.
Chợt Phương làm hành động rất lạ, đầu hơi ngước lên, đôi mắt long lên sắc đỏ, Phương bỗng đặt tay lên vai cậu Thức vỗ nhẹ rồi nói trống trơn:
“Thôi cho cậu về phòng nghỉ đi để cháu trông quan mẹ, có chuyện gì nghe thấy tiếng gì cũng đừng có ra.”
Cậu Thức lấy làm lạ, nhưng nhìn mặt Phương thấy trang nghiêm rõ rệt, đôi mắt lại như sáng quắc lên, nên sợ hãi rùng mình, liền đứng dậy lẳng lặng vào nhà trong đi nghỉ.
…
Cậu Thức đi rồi trong phòng liệm chỉ còn mình Phương và xác mẹ, lúc này chợt có tiếng động ở cửa, rồi có làn gió lạnh ở đâu lùa vào trong nhà.
Phương nhìn ra cửa thì thấy tiếng động phát ra nơi cánh cửa do có con mèo đang cọ thân vào cánh cửa gỗ, cất tiếng “meo meo”, đẩy cửa gỗ kẽo cà kẽo kẹt những thanh âm rùng mình, con mèo đó phải to như con chó nhỏ vậy, lông nó đen tuyền, đôi mắt lại sáng quắc lên, trông rất ghê. Phương trừng mắt nhìn, con mèo chạy biến đi ngay.
Rồi Phương bắt chú hộ thân, sau đó cất tiếng gọi:
“Tao biết mày có đây…nếu đang bắt hồn mẹ tao thì thả ngay ra cho mẹ tao về Phủ…rồi tao sẽ lo việc của mày.”
Hóa ra chính là Kinh Tâm vẫn đang lấp ló ở cửa, nghe Phương nói thế thì bước vào nhà đứng đối mặt với nhau, Phương chỉ có thể nghe giọng Kinh Tâm chứ không thấy được, do Kinh Tâm dùng phép Ẩn thân rất giỏi, chỉ có ma quỷ thần linh mới thấy, con người không thấy được.
Bấy giờ phu nhân nói:
“Tao giết mẹ mày nhưng không bắt được hồn mẹ mày. Mẹ mày bị Tột Khốc dẫn về Phủ lâu rồi.”
Phương nghiến chặt răng căm tức, quỷ liền lớn giọng mà rằng:
“Mày đã sợ phép tao chưa?”
Nói đoạn quỷ Kinh Tâm niệm chú, rồi vung tay ra thì một sợi xích vàng vút lên, từ đầu kia của sợi xích thấy có một đám khói bay lên, khói đó tụ lại thành hình ngay trước mặt Phương, nguyên là một con quỷ mặt đỏ có sáu cánh tay, tay nào cũng lăm lăm binh khí rất sợ, cổ quỷ tròng vào sợi xích Kim lưu vàng, quỷ đó nói giọng vang như sấm rền:
“A-tu-la đến đây! Hôm nay tao đứng trước gia tiên nhà mày mà phát nguyện…”
Nói đoạn quỷ nhảy phóc lên quan tài đứng trên xác mẹ Phương, tay cầm kiếm chỉ thẳng vào giữa tủ thờ gia tiên đặt trên đầu quan tài mà hét vang trời dậy đất:
“…tao được thả ra thì tao giết hết tông tộc nhà mày!!!”
Nói đoạn hét ầm lên vang trời dậy đất, tay mua tít các binh khí định lao vào Phương mà đánh nhưng Kinh Tâm dật sợi xích vàng trói cổ, quát lớn lên:
“Im ngay.”
Bấy giờ nó mới thôi, thật là dù biết A-tu-la là giống thích tranh đấu tàn sát, sinh từ lửa sân* nhưng đúng là quá kinh khủng gần như không có suy nghĩ gì, chỉ hở ra là muốn đánh giết…
(*Lửa sân: giống A-tu-la sống ở cõi A-tu-la trong Lục đạo, được tạo nên từ ngọn lửa sân hận rất mạnh nên lúc nào nó cũng nóng nảy, bực bội. trong giống người, mỗi người cũng đều có ngọn lửa sân hận như thế nhưng vì có ý thức giới và các thức khác kiềm chế nên con người khống chế được, A-tu-la không có các thức đó nên sân hận nóng nảy lúc nào cũng phát ra, rất thích tranh đấu.)
Các Bát bộ khác khi hiện ra là chúng nó nhận cảm ứng Ý thức giới của Kinh Tâm mà nhất nhất thi hành, chỉ riêng khi A-tu-la hiện ra là Kinh Tâm phải cùng ra để khống chế…
Thật là,
Sống ở cõi Phi thiên
Trong Lục đạo Thánh hiền
Mãnh tướng trong Bát bộ
Thích chém giết triền miên.
Phương biết rõ điều này, liền trỏ mặt A-tu-la mà quát lớn:
“À sao mày chẳng dám đánh tao? Tao ở cõi người đâu sợ gì cõi quỷ chúng mày?”
Kinh Tâm bấy giờ mới cười mà nói:
“Thôi đừng có dụ tao làm gì, tao biết thân mày vẫn còn pháp bảo, đâu cần chống lại pháp bảo mà đánh với mày cho phí đi thần binh, sớm muộn gì tao cũng có cách trừ đi thôi, tao bắt mày lúc nào chẳng được, đâu có phải vội vàng gì.”
Lại nói tới A-tu-la, nghe Phương thách thức thì lúc này máu nóng xung thiên, nhưng lai sợ Kinh Tâm quở trách chẳng dám đánh Phương, liền nhảy tót lên xà ngang ngồi rồi trỏ tay vào nơi thờ Tổ họ ngoại nhà Phương, nằm cả ở nhà cậu Thức vì người cậu là con trai duy nhất nên đảm nhiệm việc thờ họ, xong lại trỏ vào quan tài mà mắng:
“Giết mày không được thì tao giết cả ba họ nhà mày, tao băm xác mẹ mày ra…”
Quỷ vừa mắng dứt lời thì bỗng gió lạnh từ đâu nổi tới ào ào, rồi chợt gian điện thờ lóe sáng lên một thứ ánh sáng xanh mờ mờ, từ bàn thờ Tổ hiện ra một bóng người nữ rất đẹp, mặc khăn xếp áo the của người xưa, răng đen môi thắm, đầu cuốn khăn vuông, chân đi hài cỏ, thắt đai khảm ngọc, trông thanh nhã muôn phần.
Thật là,
Đẹp lạ thay Ban Mẫu
Tọa án trên thờ cao
Phúc lộc vì con cháu
Ma quỷ chẳng dám vào.
Người nữ đó đứng trên bàn thờ mà trỏ thẳng vào quỷ đang bám trên xà ngang quát lớn:
“À chúng mày ma quỷ nơi nào? Dám đến đây mà làm loạn họ tao? Con cháu tao chết rồi chúng mày còn dám đến phá, lại còn dám dọa tộc tao à? Có muốn tìm đến cái chết thì để cô cho chúng mày vừa lòng.”
Thì ra là bà Cô* của họ Thiều, họ ngoại nhà Phương.
(*Bà Cô: họ nào cũng có một người âm rất linh thiêng, được gọi chung là bà Cô hoặc ông Cậu, người này huyền thuật cao minh, chết đi quỷ tốt không bắt được nổi, được con cháu mở phủ mà hầu, rồi lấy lộc trên ban cho con cháu ấy, lại ban cho một số huyền thuật, mách cho một số việc cơ mật mà giúp đạo giúp đời.)
Quỷ chẳng kinh sợ gì, nhảy xổ xuống quan tài mẹ Phương. Phương thấy thế cả sợ liền ôm lấy quan mà che chở cho xác mẹ bên trong. Kinh Tâm thấy vậy giật mạnh dây xích, quỷ biết ý nên nhảy chồm ban thờ, búa phang thẳng vào bà Cô.
Thật là,
Đời thầy pháp, người thân đều mang họa
Động Tổ tông, Thánh Mẫu tróc yêu ma.
37.
Đoạn Thánh Mẫu hét lên:
“A-tu-la chúng mày sao không về cõi đi, lên cõi người làm loạn hả? Chưa nghe danh Cô Tư họ Thiều hay sao?”
Phương có nghe mẹ hồi còn sống thường hay kể rằng ông ngoại là thứ ba, còn một người em gái đã mất sớm, tên là Thiều thị Nga, con thứ tư trong nhà, nên mẹ Phương hay gọi là Cô Tư, nếu Cô còn sống thì Phương phải gọi là Bà Tư, người em này thiêng lắm, thường nhập về báo mộng cho con của anh cả ông ngoại, tên là Thiều trọng Khang, Phương gọi bằng bác họ. Người bác này có căn đồng số lính lại được Cô Tư thương nên mở phủ hầu đồng, làm ăn xưa nay rất vượng, cả họ đều kính nể. Do bác Khang đã mở phủ nên không thờ họ nữa, bác hai lại là bác gái nên việc thờ họ do ông ngoại Phương lo, ông mất đi là cậu Phương lo, do đó mới có bài vị Cô Tư trên bàn thờ họ ở nhà cậu Phương.
…
Cô Tư hét lên rồi rút trong người ra chiếc quạt giấy, phẩy quạt một cái, một luồng gió lạnh thổi thẳng vào mặt quỷ, tay quỷ cầm chiếc hồ lô mở nút ra, tức thì nuốt cơn gió đó vào hồ lô, xong thì cười đắc chí, đậy nắp lại rồi nhảy lùi về sau sát chỗ Kinh Tâm.
Nhưng chân vừa chạm đất thì chiếc hồ lô trên tay vỡ tan, gió đó thoát ra biến thành sợi dây gió mà trói ngay lấy cánh tay cầm hồ lô, Cô Tư cầm đầu dây bên kia giật mạnh một cái, cánh tay cầm hồ lô đứt lìa rụng xuống.
Quỷ A-tu-la rống lên thảm thiết.
Nói đoạn nó lại nhảy vút lên không, sát đến cả chỗ mái nhà rồi tay cầm búa giáng một nhát búa vào mái nhà, một viên ngói vỡ vụn ra rơi thẳng xuống quan tài.
Cô Tư thấy thế liền phảy quạt cái nữa, gió lại nổi lên biến thành chiếc lưới gió hứng lấy miếng ngói vỡ, rồi hất sang bên cạnh quan, bảo vệ cho thi hài cháu gái.
Bấy giờ quỷ đưa tay lên miệng niệm chú, từ lỗ thủng nơi mái ngói bỗng có một con quạ đen từ bên ngoài lao thẳng vào nhà, ngay lúc ấy Kinh Tâm cũng giơ tay niệm chú, con mèo đen to lớn khi nãy bỗng từ ngoài cửa chạy xộc vào, định nhảy qua quan tài.
Phương hốt hoảng vùng dậy lấy tay gạt lấy con mèo, nó nhảy thẳng lên mặt Phương cào một nhát ngang má, máu chảy thành dòng trên má Phương, rồi nó đè thẳng bài vị để trên bàn thờ Tổ mà nhảy lên, bà Cô rút một que hương trong lư hương bằng đồng trên bàn thờ Tổ ném về phía mèo, nó nhảy dựng lên rồi chạy biến ra cửa chạy thẳng.
Ngay lúc đó Kinh Tâm rút ra một mũi tên từ ống đựng tên, lắp vào cây cung Thanh tẩy trên tay, nhắm thẳng hướng bài vị có ghi chữ “Cô Tư- thiều thị Nga” trên bàn thờ Tổ mà bắn một mũi.
Cô Tư hốt hoảng hét lên một tiếng, vung vạt áo lên mà đỡ mũi tên nhưng tên đó xé gió bay đi, tới đâu sáng rực rỡ tới đó, xuyên qua áo cô găm thẳng vào bài vị, ngay khi tên đó chạm vào bài vị thì con quạ nãy bay vào nhà cũng sà xuống ngay bài vị mà đạp một cái, bài vị rơi từ trên bàn thờ Tổ xuống đất vỡ tan, rồi quạ nhắm hướng cửa chính mà bay thẳng ra khỏi nhà.
Cô Tư kêu lên tức tối, thân ảnh mờ dần đi, âm lực cũng đã yếu hẳn, nhưng vẫn còn thừa sức giết A-tu-la. Cô tức giận định lao về phía A-tu-la thì Kinh Tâm đã lắp thêm một mũi tên nữa lên cung.
A-tu-la lúc này đã cụt mất hai tay, chỉ còn bốn tay, cũng nhảy chồm từ trên xà nhà xuống mà vung tay kiếm chém một nhát vào Cô, Cô Tư phất quạt một cái thật mạnh, luồng gió biến thành một lưỡi gió liếm qua A-tu-la, nó hoảng sợ giơ tay kiếm lên đỡ thì kiếm chạm vào lưỡi gió gãy đôi, cánh tay cầm rìu bị lưỡi gió liếm trúng đứt lìa rơi xuống, cô rút từ thắt lưng ra thanh roi quất một cái, đứt luôn cả hai tay cầm Hồ lô và Dạ minh châu củA-tu-la, A-tu-la gầm lên đau đớn rồi búa mà giáng vào cô.
Tay cô vừa bắt được búa A-tu-la thì nghe tiếng dây cung vút một cái.
Kinh Tâm đã bắn tên ra, Cô Tư không kịp đỡ bị mũi tên thanh tẩy găm vào thân mình, ngã vật từ trên bàn thờ Tổ xuống đất, A-tu-la được đà vung búa lên đè thẳng đầu cô đập một nhát.
Cô Tư hét một tiếng căm tức rồi liền tan đi mất.
Phương gắng sức niệm mật tông tâm chú Đại thế chí Bồ tát dạy cho để gọi cho ra A-la-hán lên định bụng giết ngay Kinh Tâm nhưng cố gắng cỡ nào cũng chẳng thấy cảm ứng gì, chỉ thấy nơi ngực hơi nóng một chút rồi lại thôi, cuối cùng đành bất lực từ bỏ, nghiến răng căm tức, tiếc nuối hùi hụi mình nỡ phạm giới mà lỡ đánh mất pháp môn, Bồ tát lại đã dặn không được dùng các huyền thuật khác, đoạn chẳng biết làm sao, chỉ biết chạy lại mà ôm lấy bài vị Cô Tư giấu vào lòng, rồi lại quỳ bên quan tài mẹ.
Quỷ A-tu-la lúc này bay xuống trước mặt Kinh Tâm mà quỳ phục xuống, chỉ còn duy nhất một cánh tay đang cầm cây búa A-tu-la.
Kinh Tâm nghiêm sắc mặt, trỏ tay vào A-tu-la mà dạy nó về việc thờ Tổ họ như sau:
“Chỉ vì thứ cục súc mày mà chút nữa mang họa, các bà Cô ông Cậu được phong chức Phụ Mẫu trong nhân gian, uy lực ngang hàng Thánh*, giữ gìn cho con cháu dòng họ được yên, ra ngoài thì họ cũng không còn mạnh nên các vị này không thường ra ngoài mà chỉ ở nơi thờ tự trong nhà mà phù cho con cháu họ, nơi thờ họ linh thiêng đời đời, khí lực có khi đến cả chín đời trong họ đó tụ lại, cứ vậy mà chồng lên nhau, tạo thành kết giới cực dày…có nhiều dòng họ có kết giới mạnh, trong Tổ có nhiều cậu nhiều cô nên tủ thờ nhỏ không chứa được phải xây cả đình riêng nhà riêng mà thờ, đến cả thần làng thổ địa, thần sông thần núi, ma quỷ tứ tán các nơi cũng chỉ giương oai nơi có thủy thổ của chúng nó, chứ nào dám xông thẳng vào Tổ họ của nhà ai mà phá? Lâu nay sông không phạm sông giếng chẳng phạm giếng, nếu dám động mả* động vị* họ thì cỡ quỷ thần như mày sao đánh lại được Thánh Mẫu? nếu không có tao thì mày đã tan nát hồn phách rồi.”
(*Hàng Thánh: cao hơn hàng thần; *mả: mồ mả; *vị: bài vị.)
Quỷ nghe quát, sợ hãi cúi mặt, cứ lạy thế không dám nói gì.
Kinh Tâm lúc này nhìn lại ống tên đeo sau người, thấy còn năm mũi tên, liền rút ra cả mà cắm hết vào năm chỗ cánh tay đã rơi ra của A-tu-la, tức thì năm mũi tên đó biến thành năm cánh tay gắn liền vào thân, liền lại không tì vết gì như thể chưa từng lìa đứt, chỉ khác là các bảo khí kia chẳng còn, cả năm cánh tay đều chỉ cầm kiếm.
…
Bỗng dưng có tiếng cửa buồng mở ra kèn kẹt, Phương hốt hoảng quay sang thì nhìn thấy cậu Thức và mợ Thức đều bước từ trong phòng riêng ra, cậu Thức thì khuôn mặt mệt mỏi mắt nhìn quanh, mợ thì vẫn còn đang lim dim do mới chợp mắt được có một lát, bên ngoài trời đã bốn rưỡi sáng.
Cậu phát hiện ra bài vị vỡ trên tay Phương đầu tiên, rồi thấy mặt Phương có vết máu chảy dài, lại nhìn thấy bên cạnh quan tài có miếng ngói vỡ, nhìn vội lên trần nhà thấy có một lỗ nhưng cách nơi miếng ngói cũng xa, thì thấy vừa lạ vừa sợ, lao đến ôm lấy Phương mà hỏi vội:
“Có chuyện gì thế cháu ơi?”
Mợ Thức thấy chồng thái độ lạ thế cũng tỉnh cả ngủ, chạy lại gấp xem sao.
Bỗng lúc này…bóng A-tu-la đã bay ngang người mợ.
Nó trườn quanh người mợ, rồi nhảy chồm lên vai mợ, một cánh tay đưa thanh kiếm đặt ngang qua cổ mợ rồi ré lên cười nói:
“Sao hả? Mày muốn ai tiếp theo? Nó nhé?”
Phương điếng người rụng rời, đôi mắt mở tròn run sợ, bất giác đôi tay run lên bần bật, đánh rơi cả miếng bài vị mà nắm chặt lấy tay cậu Thức.
A-tu-la lại nhảy chồm lên người cậu Thức, rồi dí lưỡi kiếm vào cổ cậu Thức, đoạn nó lè cái lưỡi phải dài đến ba mươi phân ra liếm quanh má cậu mà nói:
“Hay là nó nhé? Có cùng huyết* với mày nhỉ?”
(*Cùng huyết: cùng huyết thống máu mủ.)
Phương sợ hãi hét lên quát cậu Thức:
“Đã dặn không có việc gì đừng ra, cậu ra đây làm gì?”
Cậu Phương nhìn mặt cháu thấy trắng bệch, mặt cắt chẳng còn hột máu, đôi mắt trợn trừng trừng, lại nghe cháu nói vậy thì sợ tái mặt, cho là cháu đau thương mẹ quá thần hồn nát thần tính mất rồi. Nhưng mợ Thức nghe Phương nói hỗn, lại có sẵn ác cảm trong người liền quát Phương im, rồi đoạn cầm lấy bài vị xem, dưới ánh đèn leo lét thì ghép các mảnh bài vị lại thấy ghi “Cô Tư- Thiều thị Nga” thì kinh hãi tái cả mặt, đưa vội cho chồng xem, rồi hai tay nắm chặt lấy vai Phương mà lắc liên hồi:
“Trời ơi tỉnh lại đi, cái thằng mất dạy này…mày điên rồi hả cháu? Mày làm trò gì thế này? Sao mày dám nghịch vỡ bài vị bà Cô… thôi mày chết chắc rồi con ơi…Thằng ranh kia hỗn thế à? Bảo mày trông quan mày làm trò gì mà làm vỡ cả bài vị Thánh Mẫu thế này? Rồi Cô về quở cho, họ này mang họa là do mày hết…”
Mợ thấy tấm bài vị vỡ thì bủn rủn hết cả người, không được bình tĩnh như chồng, la làng cả lên, cả mấy mà mấy người họ hàng đang ngủ trong nhà vội vàng kéo nhau ra xem cả.
Lúc này Trời đã tang tảng sáng, Kinh Tâm thấy thế giật mạnh sợi xích, quỷ A-tu-la thấy vậy tan đi.
Kinh Tâm bay đến ghé tai Phương mà nói nhỏ:
“Chuẩn bị làm trùng tang* đi.”
(*Trùng tang: trong nhà có một người mất vào giờ xấu, sau đó khoảng thời gian rất ngắn thì có nhiều người khác trong họ trong nhà cùng chết, thường là người cùng huyết thống anh em họ hàng, dâu rể không việc gì.)
Đoạn nó cũng tan đi theo A-tu-la…
…
Lại nói trong họ Thiều có ông bác họ của Phương, tên là Thiều trọng Khang, người ta hay gọi là thầy Khang, là anh họ của cậu Thức và mẹ Phương, bố thầy Khang với ông ngoại Phương là hai anh em ruột, từ nhỏ đã sống lạ, lớn lên thì ăn chay, mộng lạ, mà nói ai cái gì thì nói rất đúng, phán là trúng, những ngày giỗ họ hoặc mời thầy về lên đồng thì các cô hoặc ông bà thường nhập vào người bác này, về sau một đêm mộng thấy người con gái rất đẹp, rất lạ về ghé tai nói nhỏ tên là Cô Tư, lại nói thầy Khang có căn đồng số lính rất nặng, không thể tiễn căn được, theo hầu cô thì cả đời ăn sung mặc sướng, không hầu cô thì cô cho đời này sống khổ sống nhục không bằng con chó. Từ đó thầy Khang này ra mở phủ hầu đồng, thờ phụng làm việc cho Cô Tư, nói việc rất đúng, xem giúp cho nhiều người, được lộc rất nhiều nhưng chẳng dám ăn tiêu, chỉ lấy lộc đó đủ nuôi vợ con, ăn uống rất đạm bạc, còn lại bao nhiêu mang đi lên chùa hoặc mang làm từ thiện hết.
Hôm đó thầy Khang đang ngủ một mình trên sập gỗ ngay giữa điện phủ Cô Tư, thì bỗng có cơn gió lạnh thổi qua, hương nhang đèn nến trên bàn thờ ở phủ tắt cả, bài vị Cô Tư trên bàn thờ phủ rơi xuống đất bị vỡ ra, thầy này ho ra máu, rồi mê sảng, người nhà cấp cứu hồi lâu mới tỉnh nhưng vẫn lơ mơ, miệng cứ lẩm bẩm nói bị ai đánh vỡ đầu, rồi cứ lầm bầm mà chửi: “Thằng Phương, thằng trời đánh…rước ma quỷ về nhà giày tông xéo tổ…”.
Thế rồi sau đêm bị gió lạnh đó nhập cảm hàn, mấy đêm sau thì biến chứng á khẩu không nói năng được gì, lúc nào cũng ôm đầu đau đớn, hơn một tuần sau thì chết…
Từ đó về sau phủ Cô Tư chẳng còn linh thiêng, họ Thiều cũng lụi dần, con cháu trong họ làm ăn thường phần nhiều là thất bát, nay ốm mai đau, đi làm xa thì lâu lâu lại có người bị tai nạn, rồi cứ ít lâu lại có người đau bệnh, chết yểu…