Mụ Tình giang bàn tay thô kệch và đen đúa với mấy cái móng tay cáu bẩn tát đen đét vào miệng và khuôn mặt khô đét như ma đói của bà Bình rồi luôn mồm quát to:
– Con khọm già này , mày mở miệng ra ngay cho bà ! Bà đã bảo mở miệng ra để bà đút cháo cho ! Cháo nóng còn bốc khói nghi ngút đấy ! Hốc đi cho khỏi chết !
Thìa cháo nóng làm bỏng rát đôi môi khô khốc đã có mấy vết nứt nẻ đến bật cả máu làm cụ Bình đau đớn gạt ra, lắc đầu nguây nguẩy xua tay. Miệng thều thào từng tràng thanh âm đứt quãng :
– Con ơi … mẹ … mẹ xin con !
Đoạn cụ Bình chắp hai bàn tay khô quắt chỉ còn da bọc xương mà luôn miệng van nài
– Cháo nóng quá con ơi… mẹ xin con !
Mụ Tình vẫn không tha, trợn cặp mắt trắng dã mà hằn học nói:
– Á à ! Con khọm già này ! Mày mà không mở mồm ra ăn cho tử tế, đừng trách bà đây đổ cả bát cháo này lên đầu mày . Lúc ấy đừng gào mồm lên mà bảo con này độc ác !
Cụ Bình rơm rớm nước mắt, nhìn sang đứa con trai độc nhất là thằng Tũn , lúc này đang trợn mắt , hóp má rít cái điếu cày đến long sòng sọc mà khẩn khoản :
– Tũn ơi … con ơi … cháo nóng lắm ! Mẹ đã nói mẹ không ăn được. Con bảo vợ con cứ để đấy rồi lát nữa mẹ tự ăn… Tũn ơi !!!
Mụ Tình hằn học đặt bát cháo đến ” rầm ” một cái lên cái bàn gỗ kê ngay sát đầu giường mà gằn giọng lên khinh bỉ và chì chiết :
– Cháo nóng ăn nó mới nhanh khỏi ! Rồi còn sống để con này còn hầu còn hạ . Mụ mà không ăn hết thì tí nữa chết đòn với tôi ! Nhà này không thừa thóc , thừa gạo mà phung phí với giời . Nghe chửa ?
Vốn biết tính con dâu mình trước giờ cay nghiệt . Cụ Bình quệt nhanh giọt nước mắt trên gò má sạm đen rồi giơ hai bàn tay run rẩy gắng gượng cầm bát cháo đưa lên miệng để húp ít nước. Dẫu vậy, dường như bát cháo có mùi hôi thối quá, cụ Bình nhăn mặt không ăn nổi. Cụ quay mặt nhìn thằng Tũn như cầu cứu nhưng nó vẫn ngồi đó nhìn cụ chằm chằm mà khinh khỉnh không đáp .
Cụ Bình cay đắng đặt bát cháo xuống bàn rồi hai vai rung lên khẽ nấc thành từng tiếng. Lại thấy mụ Tình vẫn ngồi ở cái bàn gỗ cạnh thằng Tũn mà trợn mắt nhìn mình hằm hằm nên tiếng khóc cứ nhỏ dần rồi tắc nghẹn trong cổ họng. Mụ Tình nào có tốt đẹp chi , sáng sớm nay ra chợ cố ý bỏ ra hai xu lẻ mua đống thịt đã bốc mùi thiu về đặng nấu cháo cho cụ Bình, dù mụ biết mẹ chồng mình đang ốm liệt giường đã một tuần trăng .
Cụ Bình liếc về phía bát cháo. Bát cháo ấy tanh tưởi còn mùi hôi của thịt lợn đã hơi thiu bốc ra nồng nặc, người ốm lại gặp mùi xú uế và nghĩ ngợi một hồi thế nào, cụ Bình gập bụng nôn sạch ít nước cháo ra nền đất.
Thằng Tũn thấy vậy gầm lên:
– Trời ơi là trời ! Đã tốn mấy đồng bạc mua thịt nấu cháo cho bà tẩm bổ mà bà lại còn nôn ra, khổ cái thân tôi không. Sao mà bà ngu thế hả bà, ngu như lợn ấy! Sao bà không chết quách theo lão già kia cho rồi mà cứ hành hạ cái thân thằng này thế hả ?
Nói rồi , thằng Tũn sấn sổ lồng lộn lao tới túm chặt mớ tóc bạc phơ nhưng thưa thớt của cụ Bình , cánh tay lực điền của gã bóp miệng cụ Bình và đổ bát cháo đó vào miệng cụ. Vừa đổ gã vừa quát tướng lên :
– Đây ! Cháo thịt đây ! Bà hốc cho hết đi! Ăn nhanh không tôi giết bà…
Bát cháo chảy đến đâu, cái mùi tanh thiu lại xộc lên đến đấy khiến cụ Bình dùng chút hơi tàn giãy lên mấy cái phản đối, tiếng giường tre khẽ kêu lên những âm thanh cọt kẹt theo sức chống cự .Nước cháo văng ra bắn nhoe nhoét vào người gã . Gã càng tức giận, đem cái thìa sắt chọc chọc vào miệng cụ Bình hòng ép cụ ăn cho nhanh. Thìa sắt va chạm vào hàm răng cải mả đen sì, cái còn cái mất của cụ Bình tạo ra những âm thanh cực kì ghê tai . Đến lúc bát cháo đã trơ cả đáy, cụ Bình đã ngất ra nên không còn nôn và giãy dụa thêm được nữa .
Ngược dòng thời gian ba mươi lăm năm về trước !
Dạo đó giao thương qua vùng xóm nghèo này còn thưa thớt lắm , lâu lâu mới thấy một gánh dầu đèn hay vài ba vựa muối thồ trên chiếc xe ngựa lầm lũi tiến vào rồi nhanh chóng mất hút ở chỗ gốc cây Đa già cuối làng . Đói kém , dịch bệnh và cướp bóc triền miên , nên làng này cũng không tránh được cái thời thế mạt vận đó.
Người sống thì ít hơn người chết. Họ nằm rải rác khắp nơi không mồ mả lạnh lẽo trong đất hoặc có khi phơi đám xương tàn ngay bên vệ đường hoặc những gò hoang tối tối đầy đốm lửa ma trơi mà mặc cho diều quạ lột da uống máu .
Những tấm bia nhấp nhô san sát nhau như một rừng bia mộ tại một khu nghĩa địa. Thời buổi đó , cơm ăn áo mặc còn là điều lo lắng đến vàng mắt thì lấy gì mà thờ với phụng . Vậy nên khung cảnh hoang tàn của mấy chân hương trên những bát nhang đã rụng rời vì từ lâu không có người cúng kiếng, và cũng là vì mưa gió ảnh hưởng khiến cho những cái bát nhang trông càng ẩm ướt bẩn thỉu thiếu trang nghiêm.
Những cái miếu nhỏ được người dân làng này tạm thời lập nên để thờ cúng cho những người xấu số đã chết bỏ thây ở chốn đất độc này nhiều vô số kể …
Những vùng đất khai phá mà con người đã trải qua, kéo dài vô số năm tháng. Cũng kèm theo đó là sự xuất hiện những tích chuyện hết sức ly kỳ mà mỗi một vùng đất đều tự tô vẽ thêm về sự huyền ảo của nó. Và ngôi làng này cũng không năm ngoài sự xoay vần của con tạo .
Ở cái vùng đất heo hút âm thịnh dương suy này ,bao nhiêu năm giao thương qua lại cuối cùng sau bao thăng trầm cũng lập thành một cái làng , theo thời gian thoi đưa, cái làng ấy dần dần lớn mạnh và đến dạo đầu năm Ngọ thì quy tập khoảng trên dưới một ngàn hộ và đặt tên là làng Cô Vong
Sở dĩ ngôi làng có cái tên ma mị như thế là vì địa thế của nó nằm cạnh một bãi bồi của con sông Cái . Bãi bồi đó là một vùng nước trũng hàng năm dân làng vẫn vớt được mấy thi thể chết trôi dạt vào . Toàn tứ cố vô thân nên người ta hò nhau chôn vội ở ngay cạnh bãi bồi rồi đặt tên là bãi Cô Vong .
Dân làng đồn nhau rằng nơi đó tích tụ quá nhiều âm hồn còn vướng bận hồng trần nên mỗi năm ma da thường bắt một người xuống để thế mạng . Ba năm liền chết những bẩy mạng làm dân làng lo lắng lắm , nên bãi Cô Vong hầu như chẳng còn ai lai vãng . Người lớn trong làng thường cấm trẻ con lại gần đó thả trâu hay tắm dù chỗ đó cỏ mọc xanh rờn tươi tốt và nước thì quanh năm sạch sẽ khác hẳn những đoạn khác lúc nào cũng đục ngầu cuồn cuộn phù sa . Và cũng từ đó ngôi làng khoác lên mình cái tên ma mị – Làng Cô Vong .