Đêm hôm đó , bà Bình cùng chồng là ông Nam đang lội mưa gió để soi ếch nhằm đắp đổi miếng cơm qua ngày . Ở làng Cô Vong dạo đó, mùa mưa là mùa của ếch. Thuở ấy trên địa bàn còn nhiều bưng trảng cỏ, mùa mưa ếch tập kết về rất nhiều. Cặp theo hai bên bờ dòng Cái có nhiều bàu và hố đất to , mưa về nước suối tràn vô, ếch ra khỏi mả, đêm kêu như hát bội.
Ban ngày làm thuê cuốc mướn , ban đêm như thường lệ hai ông bà lại dắt díu nhau ra bãi hoang ven làng mà soi mà vạch . Đêm hôm ấy , sau khi hai giỏ tre đã đầy chặt thì lục tục bảo nhau ra về nghỉ ngơi . Đặng ngày mai bà Bình sẽ đem số ếch đó sang ngôi làng bên cạnh , nhẩm tính cũng được một đấu gạo trắng . Ở cái thời miếng ăn như máu thịt thì một đấu gạo trắng cũng quý giá vô cùng .
Trời đã ngớt mưa hẳn . Vọng trên con đường độc mộc trở về làng , bà Bình bất giác chau mày lắng tai nghe , vẳng trong tiếng gió vi vút , tiếng kẽo kẹt của mấy khóm tre già đang rũ xuống nhễu nước ra mặt đường lầy lội. Bà Bình nghe thấy tiếng trẻ con khóc váng lên . Lắng tai nghe kĩ mấy lần thì hốt hoảng giật gấu áo ông Nam , lúc này đang dò dẫm trên con đường nhầy nhụa bùn đất mà rằng :
– Này ! Ông có nghe thấy gì không ? Hình như có tiếng trẻ con khóc thì phải !
Ông Nam không thèm quay lại , năm đầu ngón chân vẫn gắng bám chặt vào lòng đường vì sợ ngã mà rằng :
– Bà mơ ngủ à ? Nửa đêm mưa gió thế này lấy đâu ra trẻ con mà khóc ? Làng này làm gì có nhà nào có trẻ con ? Hoạ chăng có là ma !
Cái tiếng Ma mà ông Nam chồng bà cố ý nhấn mạnh làm bà cũng bất chợt rùng mình nổi gai ốc . Sinh ra và lớn lên ở cái làng này , bà Bình còn lạ gì mấy chuyện ma tà quấy phá ! Nói đâu xa dạo nọ , bà Sáu bị ma giấu vào lúc chạng vạng làm cả làng này được một phen thất kinh .
Số là bà Sáu đi qua miếng đất hoang rồi tụt quần tiểu tiện, nhưng mãi đến khuya vẫn chưa thấy về. Con cháu đốt đuốc đi tìm cả đêm nhưng không gặp, đến khi trời vừa hừng sáng người ta phát hiện bà ta đang bị kẹt giữa bụi tre Tàu ngay cạnh con sông Cái trong tư thế đứng, mắt mở trừng trừng ngây dại, tóc ướt đẫm vì sương, và đáng sợ nhất là trong miệng của bà ta…có rất nhiều phân bò khô trong miệng và hình như bà ta đã nuốt rất nhiều thứ vào trong bụng rồi.
Vất vả lắm mọi người mới đốn bớt vài cây tre để tìm được khoảng trống lôi bà Sáu ra, mọi người đều không biết bà ta vào đứng giữa bụi tre bằng cách nào và tại sao đêm đó mọi người cầm đuốc đi ngang qua đó hàng chục lần nhưng không hề thấy bà ta đứng đó.
Bà Sáu trở về nhà như một cái xác không hồn, hơi thở yếu ớt, không cử động được và chẳng nói được tiếng nào, trong khi đôi mắt trắng dã vô hồn nhìn về phía những người thân của mình như có điều gì đó u uất cần bày tỏ…
Mọi biện pháp được bày ra, đánh gió, uống nước cốt chanh nhưng bà Sáu vẫn không tỉnh. Một cụ già trong xóm cho rằng bà Sáu đã bị trúng tà, hãy lấy quần dơ của đàn bà có kinh đánh vào đầu bà ta ba cái nhất định sẽ tỉnh lại. Và biện pháp trên đã thực sự hữu hiệu, bà Sáu đã tỉnh lại. Một cách thều thào đầy khó khăn nhưng mọi người nghe bà ta nói đều có thể hiểu được chuyện gì đã xảy ra với bà ta.
Bà Bình nghe vậy thì cũng ớn lạnh mấy phần , nhưng mỗi lúc tiếng gào khản đặc của đứa trẻ con nơi bụi tre đầu làng vọng đến làm bản tính thiện lương của bà trỗi dậy mà quên cả cơn sợ , mặc cho ông Nam ra sức ngăn cản bà vẫn chăm chăm tiến về nơi phát ra tiếng khóc đó . Một tiếng kêu hãi hùng vọng lại làm ông Nam nổi hết gai ốc , vất vội hai giỏ ếch rồi nhanh chóng lao đến .
Ông Nam kinh hãi giật tay vợ mình rồi lắp bắp :
– Cái gì thế ? Cái gì mà mẹ đĩ gào toáng lên thế ?
Bà Bình lắp bắp chỉ tay vào gốc khóm tre già mà lắp bắp không thành lời :
– Có … có …
Ông Nam nhìn theo hướng tay vợ chỉ thì thấy một bọc quần áo màu nâu sồng vá chằng vá đụp , lại có gì đó cựa quậy bên trong. Khi lôi cái bọc đó ra , ông Nam thất thần nhận ra đó là đứa bé sơ sinh bị bỏ rơi thì thất kinh thốt lên :
– Ôi giời ơi ! Sao lại có đứa bé đứa nào vất ở đây thế này ?
Nói rồi ông bỏ mặc bà Bình rồi lao lại ẵm đứa bé lên . Đứa bé đỏ hỏn còn nguyên dây rốn , toàn thân tím ngắt đang khóc nấc lên từng chặp . Ông Nam run rẩy khẽ kéo tấm áo xuống thì mừng rơn bảo :
– Ối dời ! Con chim to bằng quả ớt chỉ thiên này ! Con trai ! Là con trai mẹ đĩ ơi !
Chỉ nghe ” phẹttttt” một tiếng , rồi mùi thum thủm bốc lên và cảm giác ấm nóng lan ra lòng bàn tay . Ông Nam chau mày rồi cười lên ha hả :
– Cha tiên sư bố mày ! Ỉa đầy ra tay ông rồi !
Bà Bình sau giây phút á khẩu thì đã định thần lại mấy phần , thấy đứa bé trong tay chồng mình đang tím tái da thịt . Tiếng khóc đang nhỏ dần nơi cổ họng thì hốt hoảng :
– Ông còn đứng đó mà cười sao ? Mau ! Mau đưa nó về nhà kẻo cảm chết bây giờ !
Ông Nam lúc này mới nhận ra thằng bé chỉ được quấn trong một lớp áo mỏng, môi nó đã thâm sì cả lại, có kẽ do dầm mưa đã lâu bèn nhanh chóng bế thằng bé một mạch đi về nhà . Vui mừng đến nỗi bỏ quên cả hai giỏ ếch !
Tin ông bà Nam nhặt được đứa bé đồn ra nhanh lắm làm cả làng huyên náo một phen . Kẻ ác miệng thì bảo nhau rằng:
– Ở cái thời cơm không có mà nhét kẽ răng , chiếu không có mà bó thây này , ốc không mang nổi mình ốc còn đòi bọc cho rêu . Rõ là vợ chồng gàn dở !
Người hiểu chuyện thì thương cảm mà rằng :
– Hai vợ chồng nhà đó vốn ăn ở nhân đức không hiểu tại sao mãi không có mụn con . Giờ nhặt được đứa bé này , âu cũng là ông trời sắp đặt . Thôi thì mừng cho họ !
Buổi trưa hôm đó
Sau khi chờ mãi không thấy có ai đến nhận con , bà Bình bàn với chồng nuôi luôn đứa bé trong nhà. Lại chạy vạy khắp nơi xin miếng cháo , hoặc bú nhờ bầu sữa của mấy chị trong làng nên thằng bé mới qua cơn bĩ cực .Ông Nam đặt ba chén rượu nhỏ và một bát cơm với quả trứng luộc đặt ngay ngắn lên ban thờ gia tiên rồi lầm rầm khấn bái đoạn xin nhận thằng bé làm con . Đặt cho nó cái tên là A Tũn .
Cô Vong là một thôn làng nghèo, cách trung tâm huyện lỵ không quá xa nhưng ở đây vẫn còn những quan niệm hết sức cổ hủ. Với họ thằng Tũn là đứa trẻ đẻ rơi thường không mang lại may mắn, đặc biệt hơn nữa lại nhặt được nó vào một đêm mưa gió tối trời tại khóm tre ngay cạnh khu mả hoang đầu làng . Dân làng cho rằng, đứa bé được bà Bình cứu về là hiện thân của ma quỷ, là con ma mang lại những tai ương và bất hạnh cho dân làng.
Khắp trong thôn ngoài làng đâu đâu người ta cũng rỉ tai nhau câu chuyện về “con ma rừng”, tức thằng Tũn . Dân làng cho rằng, thằng Tũn bị đẻ rơi ở bãi tha ma, ở nơi linh thiêng lại giữa trưa nên đã bị con ma rừng nó ám. Thằng Tũn chính là hiện thân của những linh hồn vất vưởng không bến đậu. Đáng ra bé nó đã chết ngay từ khi bị mẹ vứt đi nhưng những linh hồn đó nhập vào thể xác của nó, để về ngôi làng quấy nhiễu, đem lại tai ương cho gia đình, dòng họ và cả dân làng nữa. Cứ như thế tin đồn ngày một lan rộng khắp nơi, ai cũng nhìn thằng bé với ánh mắt sợ hãi.
Lời đồn càng ác khẩu khi có gã thầy cúng người Tàu có dịp đi qua làng này . Gã nhìn thấy nó đang lê la chơi ở chỗ gốc cây Đa thì mới hỏi bà hàng nước rằng :
– Ai dà ! Ngộ hỏi khí không phải , thằng bé này là con cái nhà ai ?
Bà hàng nước chả thèm nhìn mà đáp :
– Thằng con ma đấy ! Hai vợ chồng gàn dở nhặt được ở bụi tre đầu làng mấy năm trước đấy mà !
Gã thầy Tàu vuốt chòm râu dài quá ngực rồi gật gù bảo :
– Ai dà ! Ngộ thấy thằng này tướng mạo lạ lắm ! Mắt tứ bạch, lòng lắng nhiều lòng đen ít. Lòng trắng bao quanh lòng đen ở bốn phía được gọi là mắt trắng dã. Đây là tướng mạo người nham hiểm, độc ác, tàn bạo, không từ thủ đoạn nào để đạt được mục đích của mình. Người nào làm ảnh hưởng tới quyền lợi và cản trở con đường của nó thì nó sẵn sàng loại trừ bất cứ lúc nào. Hai tay nó lại dài quá đầu gối .
Ngừng một hơi nhấp một ngụm trà gã tiếp tục :
– ai dà ! Thằng bé này mắt liếc dọc ngang, chưa đi đã chạy, chưa nói đã cười, đang chơi mà dừng tay chau mày thở ra, hay nhún nhảy ca hát một mình, tóc hoe lưa thưa như lông măng thì ngộ khẳng định với nị đây là tướng mạo người gian xảo, tướng người thâm hiểm . Ai dà ! Đúng là nghiệp chướng ! Nghiệt chướng mà . Quả là tướng số này ai rước vào chỉ gặp hoạ diệt gia mà thôi !