Gã thầy cúng nói rồi ném ra một trinh rồi cắm đầu đi thẳng . Thế là một đồn mười , mười đồn trăm thành thử cái danh ” con ma rừng ” cùng sự xa lánh của dân làng đổ lên người thằng bé tội nghiệp từ dạo đó .
Hai mươi lăm năm sau
Không biết có phải lời lão thầy cúng là đúng hay bản chất ngang tàng ngấm sâu vào dòng máu trong cơ thể mà thằng Tũn ngang tàng hống hách lắm dù ông bà Nam đã hết lời khuyên can . Nói thêm một chút về Tũn , năm nay hắn hai mươi lăm tuổi , thân hình gầy gò với khuôn mặt hốc hác và hai hốc mắt trũng sâu lúc nào cũng ánh lên cái nhìn liên láo . Người ta thấy hắn lúc nào cũng lê la rượu chè ở mấy quán thịt chó cạnh mé sông . Cái bản tính tắt mắt , đầu trộm đuôi cướp lại mang cái danh con đẻ của Ma rừng nên hắn chẳng kiêng dè ai, và luôn tự hào vì điều đó lắm .
Hắn chửi làng, chửi xóm , gặp ai hắn cũng chửi. Hai mươi lăm tuổi mà hắn không chịu làm ăn như bao thanh niên khác mà học được ngón nghề đạo chích. Hắn lại có cái tài mở khoá , nhà ai không canh chừng thì chỉ nửa khắc dù khoá có khó cỡ nào hắn chỉ cần búng tay cái là xong , chỉ cần nhà nào sơ sẩy ra là hắn trộm .
Hắn trộm từ con gà , con chó , đến đấu thóc nhà ai hở ra không canh hắn cũng nẫng đi mất .Trộm được tiền rồi thì hắn lại lao vào bài bạc và rượu chè bê tha chẳng mấy chốc lại mất sạch , hết tiền rồi hắn lại chặn đường một người nào đó mà hằm hè xin đểu vài xu đi mua rượu . Hắn say triền miên , say là hắn chửi . Nhưng dân làng Cô Vong chẳng ai thèm dây vào thằng dở hơi như hắn .
Sau cái chết của ông Nam, thằng Tũn càng hỗn láo hơn . Bà Bình cứ thế lầm lũi sống chỉ mong qua ngày đoạn tháng . Có lẽ nhân đức cả đời tích tụ lại nên bà Bình trong một lần đi mò cua ở mảnh ruộng hoang cỏ mọc cao hơn đầu người , lớ ngớ thế nào lại mò trúng một chĩnh vàng thau ước chừng lên tới mấy chục thỏi .
Cuộc sống của người đàn bà cũng thay đổi từ đó , lại thấy thằng Tũn ra chiều phá phách nên bà mau chóng thúc giục nó lấy vợ và xây hẳn cho nó một căn nhà lớn nhất làng này . Những mong thằng con trời đánh của mình sớm biết đường tu chí làm ăn mà báo hiếu lúc bà về già .
Bà Bình đã dạm ngõ mấy đám con nhà lành mà thế nào thằng Tũn lại cưới phải ả . Nói thêm về đứa con dâu trời đánh này . Ả ta tên Thị Tình , năm nay mới hai mươi ba tức là kém thằng Tũn con bà hai tuổi . Con Tình làm nghề bán thịt lợn ở cái sạp thịt giáp ranh hai làng .
Con Tình nổi tiếng là chua ngoa đanh đá , không biết trên biết dưới . Bà Bình đã mấy phen ra can vào cản nhưng không biết vì lí do gì mà thằng Tũn nhất định chỉ muốn cưới con Tình . Cực chẳng đã bà đành phải tổ chức cưới xin theo đúng ý nó .
Hai vợ chồng chuyển ra ở riêng còn bà Bình vẫn giữ thói quen giản dị là ở lại căn nhà mấy chục năm sinh sống để tiện hương lửa cho ông Nam . Bà còn cho hai vợ chồng thằng Tũn toàn bộ số vàng mà lấy vốn làm ăn , tuyệt không giữ lại cho mình một đồng, một cắc nào .
Nhưng cái thói ưa nhậu nhẹt , quen hưởng thủ dường như đã ăn sâu vào trong tâm trí nó mà mọi việc trong nhà thằng Tũn giao hết cho vợ . Con Tình cũng hợp với hắn lắm , nên sau khi nhận được số vàng lên tới cả chục thỏi thì ả bỏ hẳn cái sạp thịt ngoài chợ mà ở nhà hưởng lạc , nghiễm nhiên trở thành bà phú hộ Tình giàu có ức vạn , tiền bạc rủng rỉnh , ruộng đồng lên tới cả trăm công . Trong nhà kẻ ăn người ở ra vào có chiều nhộn nhịp lắm .
Trách con tạo xoay vần hay chính lối sống quen ăn chơi hưởng lạc nên chỉ mấy năm của nả trong nhà cứ thế mà đội nón ra đi . Đến cả cái nhà mà bà Bình cất công dựng cho vợ chồng hắn cũng bán sạch . Thành thử ba người lại chui rúc trong căn nhà gỗ ọp ẹp đã có phần xiêu vẹo lắm . Bà Bình lại bỗng nhiên đổ bệnh to nên gần đây chỉ nằm một chỗ , việc sinh hoạt có phần khó khăn lắm .
Thằng Tũn vẫn giữ cái thói nhậu nhẹt quên năm tháng ngày ,cuộc đời lên voi xuống chó làm nó bất đắc chí lắm nên thói bê tha có điều còn nhiều hơn . Con Tình thì đối xử với bà tàn tệ lắm , như mới sáng nay nó mới vả cho bà mấy cái tều cả mồm vì ói hết số cháo thịt .
Sáng sớm hôm ấy thằng Tũn đang chén chú chén anh với đám cùng đinh đều là dân
bợm nhậu . Trong cuộc vui ngà ngà say đó , tiếng thằng Cả Chép khề khà vang lên :
– Bác Tũn … ợ… thế thường bác đúng là có số giàu sang mà không biết hưởng…ợ …. !
Thằng Tũn mặt đỏ như gà chọi nhìn thằng Chép mà rằng :
– Hưởng ? Hưởng con mẹ mày mà hưởng ? Cái dạo bố mày đi buôn gạo , nếu không bị chúng nó lừa thì đúng là số hưởng thật . Chứ bây giờ mày bảo hưởng là hưởng cái gì ? Bố lại cho mày mấy đạp giờ chứ ở đó mà hưởng !
Thằng Chép nâng chén rượu lên ngửa cổ tu cạn đáy rồi ” khà ” một tiếng tiếp tục khích bác :
– Ối dời ơi bác Tũn ơi là bác Tũn … ợ … cả cái … ợ … cái làng này , ai mà không biết bà Bình mẹ bác còn bao nhiêu của nả , vàng bạc . Thế dễ thường bác tưởng bà ấy giao sạch tiền vàng cho bác mà không giữ lại cho mình phòng thân à ?
Ngưng một hơi , thằng cả Chép nhấc hẳn cái ghế tre tiến lại quàng tay lên cổ thằng Tũn rồi thì thầm bảo :
– Con mẹ đĩ nhà em nghe người ta kể , là bà Bình còn mấy chục thỏi vàng chôn trong nhà . Bác mà kheo khéo có khi lại hưởng cả . Lúc đó nhớ tới thằng Cả Chép này nha .
Thằng Tũn gạt đi rồi bập nhanh mấy chén rượu , nhắm miếng mồi rồi lật đật , ngất ngưởng ra về . Nửa đêm tỉnh dậy thấy họng mình đắng chát, hắn mới uể oải tiến ra chiếc bàn gỗ ở nhà ngoài rồi ngửa cổ tu ừng ực. Men rượu bay đi quá nửa nhưng đầu óc còn đau nhức lắm . Nơi căn buồng ngoài , tiếng bà Bình vẫn rên nhẹ vì cơn đau buốt đang cắn xé .
Thằng Tũn khêu sáng ngọn đèn dầu rồi với cái điều cày rít long sòng sọc , đầu óc hắn mường tượng lại cuộc nói chuyện ở chầu nhậu sáng nay . Tiếng thằng Cả Chép dội lại đều đều :
– Bà Bình còn mấy chục thỏi vàng chôn trong nhà . Bác mà kheo khéo có khi lại hưởng cả ….
(Nhóm kín full rồi . Anh em inbox mình để đọc nàoooo )