Nghiệp gia truyền
+++ Xư An +++
Quán nhậu Năm Dĩnh là quán thịt cầy nổi tiếng nhất ở cái huyện này. Các món ngon từ thịt chó được quán làm rất công phu. Thịt luôn đảm bảo được độ tươi ngon vì ông Năm Dĩnh kiêm luôn cả việc thu mua và giết mổ. Quán của ông thịt mỗi ngày ít nhất 4 5 con cho mới đủ để phục vụ khách. Cái nghề này được nhà ông duy trì đã ba đời từ ông nội, cha ông đến đời ông thì đều làm ăn rất khá khẩm. Kẻ ra người vào tấp nập từ chiều đến tối muộn, quan chức hay những kẻ nát rượu đều tìm đến quán ông để thưởng thức món ngon từ thịt chó như tiết canh chó, chó luộc hay dồi chó đều được dân nhậu đánh giá cao. Do từ nhỏ đã được chứng kiến cảnh cha ông giết chó làm thịt nên cái máu đã ăn sâu vào con người ông. Ông Năm Dĩnh xem việc giết chó như một thói quen, hôm nào không được đập đầu chó cạo lông chó là y như rằng hôm đó ông bức rức khó chịu trong người. Ông Năm dáng người cao lớn, đầu lại hói da thì đen bóng loáng nên nhìn rất bặm trợn, hàm răng ngả vàng vì thuốc lá. Người đời có câu nồi nào thì úp vung nấy vợ ông là bà Vân cũng vậy bà mập hơn cả cái thùng phi, tóc xoăn miệng hô, giọng nói thì chua ngoa đanh đá nhìn chung rất xứng đôi vừa lứa với ông.
Trái với vẻ ngoài bặm trợn ông Năm Đinh lại là một người kĩ tính nên ông luôn chỉnh chu chuẩn bị mọi thứ trước khi thịt chó, ông có một con dao bầu gia truyền được truyền lại từ đời ông nội của ông. Theo lời kể thì con dao này được rèn rất kĩ từ lò rèn của một người bạn thân của ông nội nên rất sắc bén, mũi dao nhọn dùng để thọc tiết, lưỡi dao bén để xắt thịt. Con dao lướt đến đâu thịt con vật bị đứt đến đó, chặt sự xương như chặt củi khô. Vừa bén vừa nặng bản dao to lưỡi dao bóng loáng. Con dao đã lấy mạng không biết bao nhiêu con chó từ ba đời nhà ông. Cung không đủ cầu, số lượng thịt ra mỗi ngày không đủ để bán thế là ông đánh tiếng gần xa để mua lại chó với giá cao, nạn trộm chó ở huyện tăng lên đáng kể. Đối tượng ban đầu chủ yếu là chó nuôi để bán , dần dà chó ghẻ chó hoang ở gầm cầu, hay chó giữ nhà đều bị câu trộm để bán. Thằng Tài con ông và cả bà Vân vợ ông cũng là những người nghiện thịt chó. Lâu lâu nó lại mua về một con mập mạp để làm riêng cho cả nhà ăn. Nó nghêu nghao, kênh cái mặt lên điệu bộ đắc ý nói lớn:
— Rượu tăm thịt chó nướng vàng
Mời đi đánh chén cách làng cũng đi
Ông Dĩnh cũng có ý định truyền nghề lại cho nó nên ông thường kêu nó vào giúp việc vặt mỗi khi ông làm thịt chó. Quán của ông nằm ngay cạnh một con rạch, nước phù sa đục ngầu nhưng nó lại là nguồn nước sinh hoạt chính của việc kinh doanh của nhà ông, nước được múc lên lóng phèn cho lắng lại rồi sử dụng. Chó mua về bị ông cột mõm, bốn chân lại rồi bỏ vào bao bố quăng thẳng xuống con rạch cho đến khi nó ngộp nước chết ngạt thì vớt lên rồi mới nhúng nước sôi mổ bụng cạo lông. Con nào mập mạp thì ông sẽ cột mõm lại , cạo sạch phần lông bên hông cổ trái của con chó, ở chỗ đó sẽ nổi lên những sợi gân xanh. Tiết lấy ra sẽ thơm ngon và tươi hơn. Sau khi rửa sạch phần lông và nước máu chó sẽ được bà Vân vợ của ông đổ thẳng xuống con rạch. Đây là toàn bộ quá trình tự cung tự cấp nước của quán ông Năm Dĩnh, trái ngược với sự sạch sẽ bên trên quán thì dưới bếp là cả một mớ hỗn độn. Đầy hôi hám dơ dáy và bẩn thỉu. Ấy thế mà thực khách vẫn tắm tắc khen quán ông vừa ngon vừa rẻ mà không hề hay biết mình đang ăn thứ thịt đầy bẩn thỉu và tội lỗi kia.
Hôm đó là tối thứ bảy cuối tuần khách đến quán khá đông. Một bóng hình thấp thoáng đứng bên hông quán chỗ cánh cửa sổ:
— Ông Năm ơi ông Năm
Tiếng thằng Xíu í ới gọi, nó vừa trộm được ở đâu về một con chó phèn lông vàng ốm nhách ốm nhom, hai chân khẳng khiu mõm dài ra nước dãi lòng thòng nhưng ánh mắt lanh lợi , có chút gì đó dữ tợn đỏ rực nhìn ông. Miệng nó Bị thằng Xíu cột lại bằng băng keo đen.
— Gì mà kêu om sòm vậy mậy…
— Có hàng đây ông mua lại không
Ông Năm Dĩnh chề môi một cái rồi nói:
— Hứ bao nhiêu con tao cũng mua huống hồ con chó ốm trơ xương này
Thằng Xíu hí hửng đáp:
— Vậy ông trả con bao nhiêu
— Để tao coi
Châu mày ông Dĩnh nhìn con chó rồi cụt ngủn đáp:
— Ba xị
— Gì rẻ vậy ông thêm chút nữa đi
— Được thì bán không thì biến tao còn nhiều việc lắm
Thằng Xíu nhăn mặt nài nỉ:
— Thôi thêm năm chục nữa đi ông 3 xị rưỡi nha
— Ừm thôi đem nó vô trong bếp cho tao nhớ đi vòng qua bên hông quán nha mậy. Này là tao cho thêm chứ con chó ốm nhách không tới giá đó đâu nha hông
Vừa nói xong ông móc trong túi ra ba trăm rưỡi đưa cho nó. Xong ông cũng đi vào quán mang bia cho khách. Miệng ông mỉm cười nghĩ thầm “ Vậy là có thêm thịt để bán rồi, tưởng đâu hôm nay hết thịt phải đóng cửa sớm thì tiếc lắm”
Con chó đó vốn là của bà Sáu bán vé số ở cuối xóm, bà không có chồng con sống mười mấy năm nay đều nhờ vào số tiền ít ỏi từ việc bán vé số hàng ngày. Cách đây ba năm trong một lần đi bán về trễ trên đường về ngang qua gầm cầu bà phát hiện một con chó con nằm rúc trong bụi rậm. Nó kêu ư ử khiến bà chú ý, lại gần thì bà thấy đầu nó dính đầy máu cổ hằn lên vết cứa của dây kẽm, bà nhẹ nhàng vuốt ve rồi từ từ gỡ cọng dây kẽm ra khỏi cổ nó. Nó nhướng đôi mắt yếu ớt lên nhìn bà đầy thương cảm. Chắc nó vừa bị câu trộm nhưng không biết mấy mắn thế nào thoát được rơi xuống đây, có lẽ định mệnh sắp đặt nó thoát chết gặp được bà thế là bà Sáu âu yếm nó bế vào lòng mang về nuôi. Bà xem nó như con của bà có đồ ăn bà cũng chia cho nó một nửa, đổi lại nó cũng cùng bà rong ruổi khắp các nẻo đường để bán vé số. Chó không chê chủ nghèo là vậy tối về nó lại rúc vào chiếu nằm với bà. Bà Sáu hát ru cho nó ngủ. Thấm thoát nó đã gắn bó với bà mấy năm nay, mắt bà đã mờ yếu đi và nó dẫn đường cho bà đi đến những chỗ đông người để bán, có người thấy con chó khôn biết thương chủ thì cho nó đồ ăn, cũng có người thấy bà với nó thì chê hôi hám xua tay đuổi đi. Chó con ngày nào giờ cũng đã lớn nhưng do thiếu ăn nên ốm nhom. Ấy thế mà hôm nay bị thằng Xíu câu trộm mất nó canh lúc bà vào chòi lấy đồ thì nhanh chân chích điện con chó rồi ôm đi mất. Bà Sáu chỉ nghe một tiếng hú của con chó , lật đật mò ra thì đã không còn. Bà Sáu đi tìm suốt cả buổi tối mà không gặp nó, bà rấm rức khóc mà quay về cái chòi cũ. Với bà có lẽ nó không đơn giản chỉ là một con vật mà là người thân, người đồng hành. Người quen thấy vậy thì xúm lại hỏi bà càng khóc lớn:
— Có con chó để bầu bạn mà cũng nỡ lòng bắt đi.
Tận cùng của sự uất ức, nỗi đau thì người hiền lành thế nào cũng hoá giận, ánh mắt đục ngầu bà tức tối nguyền rủa:
— Tao nguyền cho đứa nào bắt con chó của tao ăn thịt bị chó nhập, tán gia bại sản chết không nhắm mắt. Kiếp sau đầu thai làm chó lại để người ta siết cổ
Người ta lại xì xầm nói bà mất có con chó mà làm gì ác mồm ác miệng vậy. Thói đời thường là vậy nhưng mấy ai hiểu được nỗi đau bà đang phải hứng chịu. Bà nghe thấy hết nhưng cũng không nói gì thất thỉu lê cái thân già đi về. Bà khóc nấc lên từng tiếng