“HIẾU để ngày nay đã nhạt mòn
Lơ là bổn phận mỗi người con.
Nào hay nghĩa nặng… như trời biển
Chẳng rõ ân dày… tựa núi non.
Giật khổ năm dài cha góp trữ
Giành kham tháng trải mẹ gom bòn.
Vì yêu đám trẻ thân dầu dãi
Trách nhiệm chu toàn rũ tuổi son…!?
Bà Để có ba người con, hai trai một gái tất cả đều đã lập gia đình riêng ở nội thành thành phố Hà Nội. Giao là con trai lớn đã li dị vợ và ở một mình,Hiền là con trai thứ hai cũng đã lấy vợ và ở bên quận Cầu Giấy, cách chỗ anh cả chỉ ngót sáu cây số. Lý là con gái út, sau khi được gả cho một gia đình ở tỉnh bên thì mãi năm vừa rồi mới cùng chồng rời bỏ quê hương mà lên Hà Nội sinh sống.
Thành thử chỉ còn một mình bà Để còn ở lại căn nhà xưa cũ, sớm nắng chiều mưa mà lặn lội thân cò, lầm lũi qua ngày.
Ngược dòng thời gian trở về mấy chục năm trước, bà Để cũng là một đoá hoa xinh đẹp có tiếng trong vùng, công dung ngôn hạnh vẹn toàn. Bà Để lớn lên ở làng quê nghèo nhưng tiếng lành đồn xa. Biết bao đám công tử quanh vùng đều nhờ bà mối đánh tiếng đến nhưng bà đều khéo léo từ chối. Số phận và tiếng gọi tình yêu giúp bà Để nên duyên với chồng bà là ông Bảo. Ở cái làng này ai cũng biết, ông Bảo mồ côi cha mẹ từ nhỏ, lớn lên làm nghề phụ hồ xây dựng nhưng chăm chỉ và biết đối nhân xử thế lắm.
Tuy rằng cuộc sống gia đình của hai vợ chồng trẻ thiếu trên hụt dưới nhưng căn nhà nhỏ lụp xụp chẳng bao giờ vắng bóng tiếng cười. Sau khi lấy chồng, bà Để học được nghề làm bánh hấp. Số tiền kiếm được từ tiền lương phụ hồ và tiền bán bánh cũng đủ lo miếng ăn qua ngày. Cho đến khi thằng Giao, thằng Hiền và con bé Lý ra đời thì bao nhiêu gánh nặng đều dồn lên đôi vai gầy của cả hai vợ chồng bà.
Ông Bảo bàn với vợ cho ông theo đám chài lưới ở ngoài đảo để đi đánh bắt cá ngoài khơi. Đồng lương cũng tạm gọi là cao, miễn cưỡng cũng có thể duy trì cuộc sống của gia đình và lo cho ba đứa con đang tuổi ăn học. Cuộc sống của hai ông bà cứ thế bình lặng trôi qua như hai cái bóng mờ ở cù lao này nhưng cơn gia biến ập tới làm mọi thứ đảo lộn sạch.
Ở với nhau chưa được mười lăm năm thì vào một đêm tối trời, ông Bảo đột ngột bỏ bà mà đi. Chiếc thuyền bị bão to đánh tan nát, vùi dập xác ông Bảo xuống lòng biển lạnh lẽo đúng ngày bà Để trở dạ sinh hạ đứa con gái út là con Lý. Bà Để đau đớn tưởng mấy lần chết đi sống lại, định đâm đầu xuống biển để theo chồng mình. Nhưng nhìn ba đứa con nheo nhóc thì lại chẳng đành lòng.
Làng xóm dạo ấy thương hoàn cảnh gia đình nên hò nhau gom tiền tổ chức ma chay cho ông Bảo. Chiếc quan tài rỗng không, chôn cùng mấy bộ quần áo xuống đất cũng là lúc bà Để chết đi ba phần hồn vía. Bà Để goá chồng đã mấy chục năm, thương thân thì ít mà lo cho đàn con nheo nhóc thì nhiều, thế nên mấy chục năm qua, bà ở vậy nuôi ba đứa ăn học nên người rồi yên bề gia thất. Bà Để dạo đó đang độ chín của xuân thì, nhưng bà bỏ mặc bao nhiêu lời đường mật mà nén nỗi đau vào lòng, lặn lội nuôi ba đứa con.
Bốn mẹ con cứ thế sống trong cảnh nghèo túng. Sau khi thằng Giao và thằng Hiền lần lượt lấy vợ, có cuộc sống sung túc và chuyển hẳn hộ khẩu ra ngoài chốn phồn hoa thì bà Để sống với con gái út là con Lý. Sau khi con Lý lấy chồng thì chuyển hẳn lên Hà Nội cùng chồng, nên căn nhà gỗ ba gian đã xập xệ theo năm tháng dãi dầu chỉ còn mình bà lầm lũi sống mà lo hương lửa cho ông Bảo chồng mình.
Bà Để năm nay ngoài 70 tuổi, cái tuổi “thất thập cổ lai hy” đáng lẽ phải được tịnh dưỡng, an nhàn bên con cháu, thì số bà có lẽ còn vất vả đến lúc chết. Bà Để vẫn phải nai lưng ra mò cua bắt ốc mà kiếm miếng ăn qua ngày. Hàng xóm nhiều khi thấy tội lại mang cho bà khi thì củ khoai, bát gạo, khi thì con cá, rổ trứng. Bà Để cứ thế lủi thủi sống, như một bóng mờ ở cù lao này, giữa sự đùm bọc thương xót của đám hàng xóm láng giềng, nổi bật trong đó là bà Nụ.
Nhà bà Nụ ở sát vách nhà bà Để, lại là chỗ đi lại lâu năm. Vốn dĩ quen bà Để từ hồi ông Bảo chết mất xác ngoài khơi nên bà Nụ có phần đồng cảm lắm. Bà Nụ vẫn thường đi lại thăm nuôi luôn mỗi khi bà Để ốm đau, hay khi trái gió trở trời phải nằm liệt đau đớn vì căn bệnh thấp khớp hành hạ.