NGOẠI ĐÃ GIẾT BAO NGƯỜI 2
***
(Chuyện có thật về việc dùng bùa ngải để giết người)
Xế chiều mẹ đội chiếc khăn tang trắng về nhà. Trên tay cầm chiếc tang khác đưa cho tôi:
– Đội vào đi con không người đời họ cười cho.
Tôi chẳng nói gì, đưa tay nhận chiếc khăn tang đem lại đầu giường dập xuống dưới chiếu rồi chạy ù ra bờ đê, nằm vắt vẻo gần mé sông nhớ lại về cái chết bất thường của bố.
3 năm trước:
Bố là con sâu rượu, ngày nào bố cũng uống, bữa nào bố cũng uống. Bố uống rượu chay, chẳng cần mồi cũng chẳng cần ly, bố cứ cầm chai rượu đưa lên mồm tu ừng ực. Khi đắng miệng, sót ruột quá thì bố lặt miếng rau đưa lên bếp luộc để làm mồi nhắm. Khi thì đơn giản ra ngay vườn vặt mấy dái mít non chấm muối làm mồi. Bố cứ lặng lẽ uống, chẳng nói năng cũng chẳng chửi bới gì ai bao giờ. Chỉ biết rằng hôm đó mẹ đi ra bờ sông vớt bèo về cho lợn ăn, thấy bố vẫn ngồi rung đùi tu rượu thì vỡ bờ quát tháo chửi bới. Lời qua tiếng lại rồi bố dơ tay xén mẹ 1 bạt tai. Mẹ ấm ức chạy qua ngoại ngồi khóc. Từ ngày đó bố ốm liệt giường. Bố cứ nằm đó nhìn trân trân lên trần nhà, bố chẳng nói được cũng chẳng cử động được, lâu lâu tôi lại nhìn thấy bố chảy 2 hàng nước mắt ngược xuống mé tai. Bố nằm liệt được gần tháng thì chết. Người ta đến khâm liệm tắm rửa cho bố, chuẩn bị cho bố nhập quan thì hô hào chạy toán loạn vứt bố nằm bơ vơ dưới sàn đất lạnh. Ngày đó tôi còn bé, ngơ ngác chẳng hiểu gì. Chỉ biết rằng cái chết của bố có điểm đáng ngờ rồi chính quyền vào cuộc. Họ khiêng xác của bố đi để khám nghiệm tử thi. Ngày người ta trả xác bố về người ta kết luận:
– Có dị vật trong bụng phá hủy nội tạng gây ra cái chết.
Rồi cánh báo trí về đến tận vùng quê nghèo, họ ác tâm phỏng vấn mẹ rồi quay qua hỏi đứa con nít như tôi rằng:
– Con có biết vì sao bố con chết không? Cô nghe bên pháp y họ nói có con cá trê to như cẳng tay sống trong bụng bố con. Nó làm thủng ruột của bố con khiến bố con chết có đúng vậy không?
Mẹ ngồi ngay cạnh đó, đưa ánh mặt giận dữ nhìn về phía họ rồi giật lấy cái máy ghi âm đang để sát miệng tôi đập vỡ tan tành.
Tôi chẳng biết sự thật đến đâu, chỉ biết rằng mấy người tắm rửa cho bố họ bảo, đang chuẩn bị khiêng bố vào hòm thì thấy bụng bố ùng ục như đang thở, thế là họ sợ quá bỏ chạy.
Sau cái chết của bố, người ta đồn thổi đủ điều. Người thì nói bố tắm sông, tắm ao để trứng cá chui vào bụng rồi nở thành con. Con cá lớn dần trong bụng rồi nó đục ruột chui ra ngoài nên bố mới chết. Người thì nói bố bị bùa bị ngải. Tôi chẳng biết sự thật đến đâu, chỉ biết rằng từ đó trở đi tôi không còn bố nữa.
Sau cái chết của bố, mẹ chẳng có nhiều thay đổi. Mẹ vẫn lầm lũi một mình giống y với cái cách mà bố luôn để mẹ một mình. Hay nói đúng hơn là mẹ có chồng hay không có chồng cũng giống nhau vậy. Chỉ thấy mẹ chăm làm hơn, mẹ ít để cho bản thân có thời gian rảnh rỗi. Cứ rảnh mẹ lại đem thân chuối ra băm cho lợn ăn. Băm nhiều đến mức lợn ăn không hết để chuối với phân ùn ứ vào góc chuồng. Con lợn ngộp quá rồi chết, khi con lợn chết mẹ mới ngồi thụp xuống góc bếp ngồi khóc. Tôi chạy lại gần mẹ, chẳng ôm cũng chẳng an ủi mẹ chỉ hỏi mẹ rằng:
– Mẹ ơi, mẹ đau ở đâu, sao mẹ khóc thế?
Mẹ đưa tay kéo tôi ngồi bệt xuống nền đất quệt đám nước mắt đi:
– Con lợn chết rồi con ạ.
Lúc đó tôi ngơ ngác chẳng hiểu, sao khi bố chết mẹ chẳng khóc nổi mà giờ con lợn chết mẹ lại khóc? Giờ thì tôi hiểu, người lớn họ kìm nén giỏi lắm, họ mượn cớ con lợn chết để khóc cho cuộc đời.
***
Cũng sau cái chết của ông Lương mẹ có vẻ bận rộn hơn, hay nói chính xác hơn là mẹ không muốn bản thân được rảnh rỗi. Mẹ đi ra chợ huyện mua một đàn lợn con về bắt đầu ngày đêm băm chuối cho lợn ăn. Có khi 2,3 giờ sáng tiếng cành cạch cành cạch bổ trên thớt lại vang lên. Giờ tôi lớn hơn 1 chút rồi, tôi biết tiếng băm chuối không chỉ là tiếng băm chuối.
Thời gian cứ thế trôi đi, chẳng nhanh cũng chẳng chậm mà cứ lặng lẽ cô độc một cách đáng sợ.
Tôi dần xa cách hơn với ngoại và cả với chính mẹ của mình, mọi câu hỏi cứ quẩn quanh trong đầu, nó không chỉ là sự tò mò mà còn giống như bản án đang tự bản thân tôi kết tội ngoại và mẹ qua những lời đàm tiếu của người đời. Tôi cho rằng mẹ và đặc biệt là ngoại là một thế lực nào đó vô cùng đáng sợ. Những điều đáng sợ đó đè bớt cái trí tò mò của tôi lại, tôi không dám tìm hiểu thêm gì vì thật ra thời điểm đó tôi sợ sự thật hơn là sợ những lời đàm tiếu. Mọi thứ chỉ thay đổi khi có bạn của ngoại ở xa đến chơi. Thời gian này tôi nhớ rõ lắm, vì mấy ngày này gần tết, trời đông lạnh tê tái. Hôm đó đi học về, mẹ nói tôi cầm rổ khoai lang luộc đưa qua cho ngoại, lúc đầu tôi có vẻ lưỡng lự toan từ chối nhưng thấy khuôn mặt mẹ hằn lên những nếp nhăn đầy vất vả, tôi lại lẳng lặng cầm rổ khoai bước qua 3 luống rau diếp để đưa cho ngoại. Vừa đến đầu sân tôi đã nghe tiếng của ngoại cười nói cùng với một người nữa. Tôi lấy làm lạ vì từ ngày ông Lương chết, người ta đồn thổi đủ điều về nhà tôi nên chẳng thấy có ai ra vào chơi cả. Tôi đi nhanh đặt rổ khoai xuống thềm rồi nói với vào bên trong:
– Ngoại ơi, mẹ bảo con đưa khoai qua cho ngoại, con để ngay ngoài thềm nha.
Tôi quay người, co rúm lại vì gió rít bên hiên nhà lùa vào chỗ bậc thềm lạnh cứng. Định thở một hơi chạy một mạch về nhà thì bạn của ngoại nhanh nhẹn bước ra khỏi cửa lên tiếng:
– Chào con, bà tên là Thìn bạn của ngoại. Con tên là gì? Vào đây đã nào.
Tôi khá bất ngờ vì cách nói chuyện có phần hoa mỹ trong câu nói của bà Thìn. Tôi lí nhí trả lời:
– Dạ con tên Tuệ.
Bà đi gần lại phía tôi một chút, đưa tay ra bắt lấy tay tôi nói:
– Rất vui được gặp con.
Kiểu nói chuyện giống như người phương Tây này làm tôi thấy hơi nhột, tôi ngượng ngùng đưa tay chạm vào tay của bà nhưng lại giật vội ra vì bàn tay này lạnh buốt, lạnh như nước đá vậy. Bà Thìn thì như người cõi trên hạ phàm, bà mặc bộ đồ mỏng tang màu trắng sáng, trên đầu bà đội chiếc mũ len cũng màu trắng nhìn tổng thể rực rỡ 1 cách kỳ lạ. Bà nở nụ cười rất tươi rồi ra hiệu kêu tôi vào trong nhà cho đỡ lạnh. Nhưng tôi lấy lý do từ chối:
– Dạ con phải về để đi nhà thờ dự lễ thiếu nhi.
Bà Thìn nghe thấy thế thì ánh mắt hạ xuống có chút thất vọng:
– Vậy hả con, bà tưởng con rảnh lại ngồi nói chuyện với bà chút. Mà bà công nhận là con nhìn rất giống bố con, đặc biệt là ánh mắt. Vô cùng thông minh.
Tôi cúi nhẹ người cười trừ không nói gì. Bà Thìn lúc này lại nói tiếp:
– Con có muốn gặp bố con không?
Tôi rất bất ngờ về câu hỏi của bà, định lên tiếng trả lời thì ngoại đi ra kéo bà Thìn vào trong nói:
– Bố nó chết hơn 3 năm rồi.
Bà Thìn nghe thế thì lên tiếng:
– Bố nó đang ở đây, xin tôi cho gặp con bé Tuệ.
….còn