NGOẠI ĐÃ GIẾT BAO NGƯỜI 3
***
(Chuyện có thật về việc dùng bùa ngải để giết người)
Sau khi nghe xong câu nói của bà Thìn thì gai ốc tôi nổi hết lên. Tôi linh cảm đang có một thế lực nào đó cố vồ lấy mình. Tôi giằng co vô thức với cái thế lực ấy rồi ngất lịm đi. Tôi tỉnh lại trong một màn đêm vô định và lặng im như tờ. Tôi sợ đến mức không dám nhúc nhích cũng chẳng dám thở mạnh. Tôi nằm nghe thấy tiếng gió rít bên khung cửa sổ mới ý thức được rằng mình đang nằm trên giường của chính mình. Tiếng gió lùa cứ lạo xạo như có ai đang cào những móng vuốt cầu cứu bên khung cửa. Trời lạnh thấu xương nhưng mồ hôi cứ thi nhau chảy bên ngấn cổ. Tôi sợ chính căn nhà của mình.
Tiếng gà gáy báo hiệu một ngày mới, cũng là lúc tôi thấy mẹ thắp đèn thức giấc, tôi lục đục ngồi dậy cuộn tròn mình trong tấm chăn được bện bằng rơm. Tôi với giọng ra hỏi mẹ:
– Mẹ có biết bà Thìn không?
Mẹ đang lục tìm thêm tấm áo mặc vào cho bớt lạnh, nghe tôi hỏi mẹ dừng lại ngẫm điều gì đó vài giây rồi mới lên tiếng trả lời:
– Có, bà ấy là bạn nối khố với ngoại của con.
Tôi không hỏi gì thêm nữa, lại để mọi thứ tự rơi vào màn đêm tĩnh mịch vốn sẵn của nó. Sau ngày hôm đó tôi không sang nhà ngoại, cũng chẳng biết bà Thìn đã ở lại chơi thêm bao lâu. Chỉ biết rằng một thời gian khá lâu sau, trong 1 lần đi học về, vừa bước chân ra khỏi cổng trường tôi đã thấy bà Thìn đứng sẵn ở cổng như đang đợi mình. Thấy tôi bà chủ động lên tiếng:
– Khổ thân đứa bé, cả cuộc đời con đều vận đến cõi âm.
Tôi ngơ ngác tính hỏi bà vài câu nhưng bà Thìn lại đưa tay ra chạm nhẹ lên vai tôi nói tiếp:
– Bà chỉ muốn cho con được gặp lại bố của mình.
Vừa nói dứt câu thì bà lại quay lưng bước đi thật nhanh để lại tôi với vô vàn thắc mắc. Bóng dáng của người đàn bà có phần dị hợm và cô độc càng lúc bước càng xa.
***
1999 (13 tuổi)
Thời điểm đó đang đón mùa bão lớn, hết cơn bão này đến rồi cơn bão khác ập vào. Khung cảnh xơ xác tiêu điều đến tội nghiệp. Cũng trong một lần tạnh bão, tôi cầm rổ đi mót khoai ngoài ruộng, đang lúi húi nhặt khoai bỏ rổ thì mấy bà trong làng gọi bảo:
– Ra cây đa đi Tuệ, mẹ mày bị ma nhập rồi.
Lời mấy bà vừa dứt thì cơn mưa rào đổ ào xuống. Ai cũng ôm khoai chạy toán loạn về phía làng, riêng mình tôi chạy ngược ra phía đồng tìm mẹ. Mưa to, gió lớn cứ giật ngược cái đứa con gái nhỏ thó như tôi ngã ngửa ra phía sau. Tôi khom người, cúi thấp xuống, vịn vào cỏ làm điểm tựa mà lê đi từng bước. Đi gần đến gốc đa tôi thấy mẹ đang ngồi quay lưng về phía mình còn mặt thì quay vào phía gốc. Thấy mẹ, tôi căng giọng lên gọi nhưng tiếng mưa cùng tiếng gió át hết tiếng gọi của tôi. Tôi cố đi lại gần mẹ hơn, nhưng lại đến mẹ rồi mà gọi mẹ vẫn không nghe thấy. Xung quanh lúc này thì không một bóng người, chỉ có một màn mưa trắng xoá cùng những con lốc mạnh muốn bật tung gốc gạo lên. Tôi thấy mẹ không nghe thấy giọng mình thì hậm hực giận dữ lắm, tôi đi lại gần đặt mạnh tay lên vai mẹ mà lắc:
– Mẹ, về!
Khi mẹ quay người lại, tôi giật mình hết hồn. Thật sự cảnh này đã ám ảnh tôi suốt phần đời còn lại, dù đã xảy ra hơn 20 năm qua, nhưng không một chi tiết nào tôi có thể quên đi được. Đó là khi mẹ tôi quay lại nhìn tôi, trên tay mẹ đang vốc đầy phân bò bỏ vào mồm nhai ngấu nghiến. Lúc này tôi hoảng sợ quá, ngã ngửa ra phía sau chân này vắt lên chân kia bỏ chạy. Nhưng mưa cùng với gió làm tôi lại ngã nhào thêm một lần nữa. Khi này thấy tôi, mẹ đưa tay giữ tôi lại đồng thời lên tiếng:
– Tuệ, con ơi. Tuệ, bố đây. Bố đợi con cả trưa nay. Tuệ, con ơi. Bố đây.
Tôi quay lại nhìn mẹ, một tay mẹ giữ tôi, tay còn lại mẹ vẫn tranh thủ bốc phân bò bỏ vào mồm. Phân với nước hoà cùng với nhau nhỏ tong tong từ mép, nhễu nhão chảy đầy xuống cằm rồi rơi vương vãi lên khắp người vô cùng hôi thối. Tôi không nhớ nổi rằng lúc đó mình đã lấy sức mạnh ở đâu để đi lại gần mẹ, tôi chỉ biết rằng trong phút chốc sợ hãi tột cùng đó tôi lại bình tĩnh một cách lạ thường. Tôi ngồi dậy đi lại phía mẹ rồi dùng tay hất đống phân còn đang dang dở trên tay của mẹ quát trong nước mắt:
– Mẹ bị điên rồi à? Sao lại thế này? Đi về mẹ ơi.
Mẹ tôi kéo tôi lại gần rồi nói:
– Là bố, bố không về được. Bố bị người ta xích ở gốc đa này, bố không đi đâu được, bố đói lắm. Bố đói không có gì ăn toàn phải ăn cứt con ạ. Bố khổ lắm Tuệ ơi. Cứu bố con ơi.
Trời càng lúc càng mưa to, gió tát vào mặt cay xè con mắt. Khi đó trong tiềm thức, tôi biết bố tôi đang nhập vào mẹ. Tôi sợ lắm, chân tay lạnh toát, toàn thân run bần bật. Giữa cánh đồng không 1 bóng người, chỉ có tôi và mẹ mình ở đây. Giờ mẹ lại thế này tôi thật sự sợ vô cùng. Tôi toan bỏ chạy thì mẹ lại lên tiếng:
– Từ ngày bà Thìn bạn của ngoại đến chơi, bố giao tiếp được với bà Thìn xin cho gặp con nhưng bị ngoại phát hiện, ngoại xích bố ngoài gốc đa này. Bố khổ lắm con ạ. Con nghe bố nói đã, rồi bố thoát ra để con và mẹ về kẻo bão lớn.
Nói rồi bố không kịp để tôi lên tiếng lại tiếp tục nói:
– Bố không phải là bố Nhận mà con biết, bố là bố đẻ của con. Là người con chưa gặp bao giờ. Ngày bố và mẹ yêu nhau ngoại con can ngăn, nhưng bố mẹ vẫn cãi lời rồi lỡ có con. Sau khi có con, bố không làm chủ được chính mình. Bố phát rồ phát dại cứ nhảy bổ ra đường bốc cứt ăn. Sau vài tháng phát dại thì bố chết. Bố chết rồi bố mới biết bố bị bỏ ngải, nhưng ngải đó đeo bám bố cho đến tận cả khi bố chết. Nhục nhã lắm con ạ. Bố chết khi con chưa chào đời, rồi ngoại lấy chồng khác cho mẹ con. Chính là ông Nhận, người mà con hay gọi là bố. Ông Nhận mai này biết được con không phải con của ổng nên ổng không yêu thương con. Tuệ ơi, con thiệt thòi quá. Bố xin lỗi con. Giờ bố bị thế này không biết kêu cứu ai, mai này con lớn con đi tìm thầy về gỡ dây gỡ ngải cho bố để bố được siêu thoát. Bố nhục nhã lắm con ơi.
Mẹ đang khóc lóc kể thì tiếng của ngoại phía sau vang lên:
– Tuệ, tổ cha bây. Sao mẹ con bây ngồi đây ướt như chuột vậy?
Tôi giật mình quay lại nhìn ngoại, bàn tay mẹ xiết chặt lấy tay tôi rồi lỏng dần lỏng dần. Tiếng thì thầm nhỏ sát bên tai:
– Con đừng quên bố.
Vừa dứt tiếng thì mẹ tôi ngơ ngác rú lên:
– Trời ơi, sao lại ở cả ngoài này vậy?
Mẹ hoảng hốt đứng dậy cầm tay tôi và ngoại kéo đi. Vừa đi mẹ vừa hỏi, chẳng biết mẹ đang hỏi ai, mẹ hỏi ngoại, hỏi tôi hay đang hỏi chính mình.
– Trời ơi, có chuyện gì vậy? Sao lại ở đây? Sao chẳng nhớ gì hết vậy?
Chẳng ai nói gì, cúi người xuống tránh mưa tát vào mặt mà đi. Tôi cầm tay mẹ thật chặt, như để khẳng định rằng, mẹ bây giờ là người thân duy nhất của con. Đừng lừa con!
Về phía ngoại, cả đoạn đường đi ngoại cố bắt chuyện với tôi để xem tôi đã biết được những gì:
– Tuệ, sao mẹ con lại ngồi đó? Lúc ngoại đến con đang nói chuyện với ai vậy?
Tôi sợ hãi trả lời:
– Dạ, mẹ cứ ngồi khóc. Hỏi gì cũng không nói.
….
Ngoại ơi, ngoại đã làm gì để giết người?
Chuyện hơi dài mọi người thông cảm, do đặc thù công việc nên khi nào rảnh mới viết được ạ.