NGOẠI ĐÃ GIẾT BAO NGƯỜI 10
***
(Chuyện có thật về việc dùng bùa ngải để giết người)
Tôi đến ở với ông nội được hơn 5 năm thì ông mất vì bạo bệnh. Mộ ông chưa xanh cỏ, chú bác đã đến tranh giành đất đai. Lại một lần nữa tôi khăn gói ra đi. Trước khi đi, tôi mua nửa lít rượu cùng vài quả nem nắm khi còn sống ông thích ăn nhất đưa lên phần mộ ông bà ngồi. Tôi rót đầy cốc rượu uống một hơi hết sạch, không biết rằng do rượu cay hay do cuộc đời tôi cô độc mà nước mắt tôi thi nhau rơi. Tôi nằm giữa 2 phần mộ, ngửa mặt lên trời nhìn những đám mây chầm chậm trôi, gió trời hôm ấy mát quá, tiếng thiên hạ í ới gọi nhau cười khúc khích thật yên bình. Lúc ấy tôi thiết nghĩ, nếu có chỗ cho mình nằm lại ở đây, bình yên như thế này thì tốt biết mấy. Nằm gần hết nửa buổi sáng tôi mới ngồi dậy. Rót lên phần mộ ông bà 3 ly rượu đầy:
– Thua nội, con đi!
Hành trang của tôi cũng chẳng khác mọi lần, chỉ một chiếc túi đựng vài bộ quần áo và tiện tay tôi cầm thêm mấy cuốn sách mà ông nội hay đọc để làm kỷ niệm. Lang thang vô định một thời gian, khi tới Ninh Bình tôi quyết định dừng lại. Ninh Bình lạ lắm, nó cho tôi cái cảm giác quen thuộc như nơi đây chính là nhà. Rồi một lần tình cờ, tôi giải cứu được một cháu bé trong đường dây chăn dắt ăn xin ở một địa điểm du lịch khá nổi tiếng của tỉnh. Tôi nhận cháu làm con rồi đưa về nuôi. Cuối năm 2020 cháu đã đến tuổi để đến trường, tôi lại không đủ giấy tờ để chính quyền hoàn tất thủ tục nhận nuôi. Lại một lần nữa tôi buộc phải quay trở lại quê hương!
***
Gần 17 năm ra đi, quê hương thay đổi rất nhiều. Những đoạn đường đất xưa đã được thay bằng đường nhựa. Những ngôi nhà cao tầng thi nhau mọc lên san sát nhau, những bụi tre bụi ruối cũng chẳng còn nữa. Cầm tay con đi trên đoạn đường làng, tim tôi đạp loạn xạ. Bao nhiêu ký ức xưa cũ hiện về, sống động như mới xảy ra ngày hôm qua. Đến đầu xóm, hình như có vài người già nhận ra tôi, họ đứng xa xa nghi ngờ chỉ chỏ. Tôi đứng đó như chết chân vài phút rồi quyết định không quẹo vào. Tôi dắt tay con đi thẳng ra phía cánh đồng. Chính đoạn đường này những lần thơ bé, dỗi cha dỗi mẹ tôi chạy ra đây ngồi khóc thút thít một mình. Rồi cũng chính đoạn đường này, khi lớn hơn chút nữa, tôi chạy ra đây, chẳng giận ai chẳng khóc ai, chỉ nằm ngửa mặt lên trời nhìn những đám mây lững lờ trôi cả một buổi chiều. Chẳng biết rằng do người dân trồng lúa ít hơn trước, hay do mùa đông ít lạnh hơn thời đó mà tiếng gió thổi lại không cuộn trào như hồi xưa nữa. Tôi xiết chặt tay con, đứng khựng lại vài giây để lấy can đảm đi tiếp vì tôi biết đi thêm một chút nữa gốc gạo sẽ hiện ra ngay trước mắt…
***
Khi nhìn thấy cây gạo, nước mắt tôi thi nhau rơi, tôi khóc nấc lên y như một đứa trẻ. Gốc gạo vẫn sừng sững ở đây, 17 năm sau vẫn rì rào như tiếng ai đang thổi sáo. Tôi đứng giữa đường đồng, nhìn chân chân vào cây gạo khóc. Đứa con trai lắc tay tôi hỏi:
– Mẹ ơi, sao mẹ lại khóc?
Câu hỏi như phá vỡ những kìm nén bao lâu nay tôi tự lừa dối bản thân phải quên đi. Tôi cúi xuống, ẵm con trên tay. Đi lại sát phía gốc gạo, cầm tay con đặt lên trên thân cây xù xì. Tôi hỏi con:
– Con có nghe thấy tiếng ai đang hát không?
Con ngây thơ trả lời:
– Mẹ sai rồi, tiếng gió thổi chứ!
– Ừ, mẹ sai rồi. Là tiếng gió thổi!
Tôi ngồi gục xuống khóc như một đứa trẻ lên ba. Bất chợt gió ở đâu ùa tới, như vòng tay mẹ quấn quýt ôm lấy tôi. Tôi bất giác ngửa mặt lên cành gạo hỏi:
– Mẹ còn ở đó không mẹ ơi? Con xin lỗi! Con xin lỗi mẹ nhiều lắm!
***
Sau khi bình tĩnh lại, tôi dẫn con ra phần mộ của bố mẹ:
– Chào ông bà ngoại đi con!
Đứa con ngoan ngoãn nghe lời, khoanh tay cúi đầu:
– Con chào ông bà!
Tôi ngồi xuống cạnh 2 nấm mộ, đặt lên trên phần mộ bố những dái mít non đã được chuẩn bị từ trước, đặt lên trên mộ mẹ những viên kẹo vị bạc hà mà mẹ thích ăn nhất. Tôi tỉ tê kể lại hành trình gần 20 năm xa quê cho họ nghe. Bỗng tôi nhìn thấy có bóng dáng ai, nhấp nhô sau cánh đồng lúa chín. Trời lạnh quá mà người đó mặc độc một chiếc áo mỏng màu nâu, tay chống gậy vội vàng đi thẳng lại phía tôi, liên tục đưa vạt áo lên khoé mắt. Luôn miệng hỏi:
– Tuệ hả con? Tuệ phải không con?
Là ngoại, ngoại già rồi, dáng người ốm yếu, khuôn mặt nhăn nheo, ánh mắt mờ đục. Ngoại vừa hỏi tôi, hai giọt nước mắt của ngoại vừa rơi ra nơi khoé mắt. Những giọt nước mắt của ngoại bị ngăn lại bởi những nếp nhăn rồi nhoà ngược ra hai bên đuôi mắt. Tôi không nói gì, cầm vội lấy tay con trai mình kéo đi. Ngoại luống cuống đánh rơi cây gậy xuống đất rồi run rẩy giữ tay tôi lại:
– May quá, đúng là con rồi. Đúng là con rồi!
Nói rồi ngoại bưng mặt khóc thút thít. Tôi bậm chặt môi, tự nhủ bản thân mình đừng khóc. Giữa cánh đồng làng, 2 con người máu mủ ruột thịt gặp lại nhau sau bao nhiêu năm giận hờn xa cách. Ngoại vẫn ít nói, chẳng vội buông lời giải thích, chỉ đứng đó run run vịn lấy tay tôi. Giọng nói quen thuộc của ngoại khiến cho bao chấp niệm xưa giờ vụn vỡ. Tôi ngồi thụp xuống, không nhịn nổi nữa, gục mặt vào 2 gối mà khóc nức nở. Từ góc nhìn này, tôi thấy bàn chân già nua nứt nẻ của ngoại, sao trời đông lạnh thế này ngoại lại chẳng đeo vớ tất gì. Chắc ngoại đã phải sống một cuộc sống rất khó khăn! Tôi ngửa mặt lên trời, liên tục đưa tay đấm vào bên ngực trái. Trái tim tôi lúc ấy lạ lắm, cứ nhói lên đau đớn từng hồi!
Đứa con trai bé bỏng của tôi liên tục lắc vai tôi hỏi:
– Mẹ ơi, ai đây?
Tôi ngập ngừng một lúc lâu mới quay lại nói với con:
– Khoanh tay vào chào cụ đi con!
***
Tôi theo ngoại về nhà. Tôi cố gắng bình tĩnh không để những ký ức chi phối mình quá nhiều. Bên nhà tôi, cỏ dại mọc cao quá nửa đầu người, một bên mái bị sụp xuống khiến căn nhà xiêu vẹo có thể đổ sập xuống bất cứ khi nào. Còn nhà của ngoại thì vẫn y như xưa chẳng có gì thay đổi, gian buồng kia vẫn khoá ngoài chắc chắn y như ngày đó. Tôi không bước chân vào nhà ngoại, chỉ ngồi ở bậc ao ôm ghì lấy cậu con trai không cho chạy nhảy. Tôi ngồi đó gần hết ngày chờ ngoại lên tiếng giải thích cho bao nhiêu cái chết xưa kia. Nhưng ngoại vẫn vậy, vẫn chọn cách im lặng. Tôi không đợi được, xế chiều tôi đưa con lên xã làm giấy tờ rồi ôm con quay trở lại Ninh Bình ngay trong đêm.
Đầu tháng 2/2021 tôi nhận được cuộc điện thoại lạ. Đầu dây bên kia thông báo tình hình sức khoẻ của ngoại quá yếu. Tôi một mình bắt chuyến xe về quê. Thấy tôi, ngoại khóc như một đứa trẻ, ra hiệu cho tôi ngồi lại gần. Tôi vừa ngồi xuống ngoại đã nói ngay như sợ rằng không còn đủ thời gian nữa:
– Tuệ, con là kết quả của mối tình loạn luân!
***