Chuyện tâm linh mình tin là có thật.
Năm 2007, lúc đó mình đang học lớp 12, mùng 2 về quê ngoại chúc tết họ hàng. Không hiểu sao khi gặp ông anh họ mình đã có cảm giác bồn chồn rất khó tả, cứ như có linh tính trước về chuyện không may ấy.
Lúc đó đã tính kêu ổng hôm đó đừng ra đường hay ra sông nếu không phải việc gì quá quan trọng nhưng mà lúc đó trong nhà lại có đông người, nói ra sợ mọi người lại kêu mình nói điềm gở xui cả năm nên thôi.
Cả ngày hôm đó mình bứt rứt không yên, đến chiều về nhà thì bác Hai dưới quê điện lên. Bảo ông anh mình đi chơi với đám bạn bị xe tải đụng chết rồi, chết ngay mà không kịp trăn trối gì. Mà điều lạ là thằng ngồi sau chỉ bị xây xát nhẹ, nó còn đủ bình tĩnh để lấy điện thoại ra gọi về báo tin luôn Sau này nó kể lại là thấy xe tải từ đằng xa mà anh mình vẫn chạy như đúng rồi, nó đập vai hay gọi cũng không nghe,mà cả 2 chỉ mới xuất phát, chưa ghé nhà ai, chưa uống cốc nào nên chắc chắn không phải là do say xỉn.
Mẹ mình kể, dì Sáu (mẹ anh mình) sáng mùng 3 gọi điện lên nói là mơ thấy thằng Huỳnh (tên anh mình) tối qua nó về gọi cửa nhưng lúc bà ra thì chẳng có ai cả nên lo lắm, gọi điện lên hỏi thăm và nhờ nhà mình chăm sóc giùm. (mọi người giấu bả, kêu ông anh chỉ bị thương nặng, đã chuyển lên viện tỉnh cấp cứu, định vài bữa ổn định rồi mới nói bả hay)
Làm cả cái tết đó mình cứ ăn năn hối hận. Giờ vẫn thấy day dứt, giá như hôm đó mình cảnh báo với ông anh thì ông ấy chưa chắc đã chết.
Chuyện này mình nghe mẹ kể.
Đầu tiên phải nói đến cái phong tục của xóm mình.
Xóm mình có tập tục rất lạ là gọi là cúng xóm, cứ 15 âm tháng 3 là cúng vào lúc 3 giờ sáng cho đến 6h sáng. Cúng xóm có từ trước khi mình được sinh ra kìa, hồi bé thì háo hức lắm, cứ như tết vậy, vì đêm đó là cả xóm không ngủ, người lớn thì đến nhà ông giáo Lương để chuẩn bị lễ cúng (ông là người già nhất, và cũng có học nhất trong xóm, chữ tây chữ tàu đều rành làu làu, nghe nói ngày xưa còn đi làm thông ngôn cho Pháp, cách mạng về nhưng nhà ông lại chẳng bị gì vì uy tín của ông to ghê lắm). Đoạn này kể lan man mất rồi, đại để là lễ cúng xóm rất trang nghiêm, mình còn nhớ là chỉ các cụ lão làng mới được tham gia tế lễ, cấm rặt đàn bà, con nít đến gần nơi làm lễ. Nhưng giờ khi các cụ mất cả rồi thì cái lễ cúng này cũngmất đi cái không khí trang nghiêm, mấy ông bên cán bộ đoàn hội vẫn giữ vì đó là nét văn hóa, nhưng thay vì 3h sáng thì chuyển qua cúng 3h chiều, không tế lễ (vì có cha nào biết viết chữ nho đâu mà làm sớ) , làm qua quýt cho xong chuyện để nhậu lại còn hát hò om xòm, mấy người lớn tuổi trong xóm mình không thèm đến vì thấy ngứa mắt, chỉ còn các thanh niên đoàn hội tổ chức rồi tự sướng với nhau.
Các bác cứ tưởng tượng cái không khí se se lạnh lúc 3h sáng, đèn đuốc thắp sáng rực, cờ quạt chỉnh tề thêm cả hương nhan thoang thoảng trong gió, rồi tiếng trống cái, tiếng chiêng gõ 3 chặp 1, cụ Lương lên đàn cầm sớ tế trời đất, sau đó từ từ các cụ trong xóm mới vào cúi lạy rồi làm lễ, mọi người đứng xem đều chắp tay thành khẩn, không ai dám ho he tiếng động nào mới thấy nó linh thiêng, vậy mà mấy ông trưởng xóm sau này toàn lên đọc diễn văn rồi a la xô lăn vào ăn nhậu thì bố ai chấp nhận được. Đoạn này cho hồi niệm lan man tí, một trong những kỉ niệm đẹp nhất của tuổi thơ mà.
Chuyển qua chuyện của mẹ mình, nghe mẹ kể mới biết sự tích vì sao lại có cái lễ cúng xóm ấy. Mẹ kể là lúc mới về nhà mình, sáng khoảng 4-5 giờ sáng, mẹ dậy nấu cám cho heo ăn (lúc ấy nhà còn nghèo). Đường trong xóm vẫn là đường đất, chưa rải nhựa, mẹ thấy có 1 người cỡi ngựa chạy vụt qua ngoài đường nhưng tối quá nên không thấy rõ mặt, nghe rõ cả tiếng vó ngựa gõ cồm cộp chạy từ đầu xóm đến mô đất cuối xóm hay dùng làm đàn tế lễ thì tiếng vó ngựa biến mất. Mẹ mình đem hỏi bà nội mình ai mà lại cưỡi ngựa vào sáng sớm như vậy thì bà nội bảo không sao đâu, ông tướng ấy là vong trấn ở xóm mình từ xưa, lâu lâu ông ấy lại về kiểm tra thôi, đừng kể với ai, cứ im đi cho qua chuyện, có kiêng có lành. Đến lúc ấy mẹ mình mới biết đó không phải là người. Nhưng mẹ mình vẫn còn nhớ rõ là con ngựa có 1 cái tua rua màu xám bạc ở cổ.
Không biết có phải vì được vong phù hộ hay không mà theo mình nhớ thì xóm mình rất ít khi có chuyện, nhưng đến khi ông Lương mất vì tuổi cao, bài sớ phải thuê người viết hộ thì ngay năm sau ông Dĩnh cũng mất nốt vì trượt chân té ngã, các cụ già trong xóm cứ ra đi từng năm, trong đó có ông nội mình. Người già mất cả, trong xóm không có người biết tiếng Nho nên để cho trưởng xóm đọc quốc ngữ lúc 3h chiều như mình kể trên ấy. rồi xóm xảy ra quá trời chuyện, tai nạn giao thông, ăn trộm xảy ra liên tiếp 2-3 vụ. Rồi người trong xóm chuyển đi dần, cả xóm chỉ còn lại vài nhà chơi với nhau từ ngày trước, còn lại thì đóng kín cửa, chuyện nhà ai biết nhà đó. Mỗi lần về quê là lại thấy buồn thiu, chả còn mấy ai quen biết nữa, chỉ quanh quẩn ở nhà rồi vào SG làm việc lại.