CHAP 5
Lên đại học mỗi đứa 1 nơi, tôi học ở Hà nội con Ngọc thì học trong Sài Gòn vì khoảng cách địa lý quá xa nhau nên chúng tôi chỉ có thể gọi điện hỏi thăm nhau qua facebook zalo còn để mà gặp nhau thì 1 năm chỉ gặp được 1 đến 2 lần vào mỗi dịp nghỉ hè và Tết Nguyên đán nhưng không vì thế mà tình cảm của chúng tôi bị phai nhạt, đi học đại học sống ở môi trường mới cùng với những con người mới đứa nào cũng có thêm bạn nhưng vẫn không bao giờ quên đứa bạn thân từ hồi mặc quần đùi đi dép rách đã cùng nhau lớn lên và trải qua biết bao nhiêu chuyện vui buồn.
– Alo Ngọc à. Thi xong chưa? Còn mấy môn nữa? Khi nào thì về?
Tôi gọi điện cho nó xin cái lịch ngày về để còn đi đón nó ở sân bay, từ Sài Gòn ra phải bay về Hà Nội rồi mới bắt xe khách về nhà, tôi thi xong và có lịch nghỉ hè rồi nhưng ở lại thêm vài hôm nữa đợi nó về cùng
– Ơi. Tao đặt vé rồi sáng mai thi xong tao về luôn chiều mai là có mặt ở Hà Nội nhé
Thế là mai được gặp nhau, thảo nào vừa nãy bác Ánh gọi điện bảo tối mai về sang nhà bác ăn cơm, thì ra là con Ngọc nó đã gọi báo mẹ nó rồi. Tôi sắp xếp lại đồ đạc cho gọn gàng, năm nay được nghỉ hè tận 2 tháng nên quần áo giầy dép phải mang về nhiều, 1 năm rồi 2 đứa mới được gặp nhau nên thấy vui lắm, tôi vừa xếp đồ vừa nghĩ lịch trình lên kế hoạch đi chơi cho mùa hè năm nay, nhưng trước tiên mai về nhà phải đập phá 1 trận tanh bành cho chán đã. Loay hoay 1 lúc thì trời cũng sẩm tối, phải đứng dậy đi chợ nấu cơm không lát nữa 2 chị cùng phòng đi học về lại không có gì ăn, tôi ở ghép với 2 chị khoá trên năm nay các chị đăng ký học vượt để ra trường sớm nên còn 1 số môn vẫn chưa được thi, tôi cũng tính sang năm đăng kí học vượt nhưng thấy các chị thế này chắc thôi, cứ học theo đúng tiến trình cho đỡ vất, sức khoẻ tôi không tốt mà lại học như này nữa thì die sớm thôi
Hôm nay thời tiết quá đẹp, ở Hà Nội hiếm khi nào có được cảm giác như này trời không nắng cũng không âm u, gió nhè nhẹ, không khí dễ thở chứ không oi bức khó chịu như những ngày bình thường, có lẽ là đang kì nghỉ hè sinh viên về quê vãn nên Hà Nội bớt đông đúc bớt ngột ngạt. Đứng trong sảnh chờ nhìn ngắm các cặp đôi tay trong tay mà tôi có chút tủi thân, mình cũng sắp 22 tuổi rồi nhưng vẫn chưa có một ai để ý là tại mình xấu? hay tại duyên chưa tới?????
– Hú…hú Nga ơi, tao ở đây
Mẹ bố con điên gọi bạn mà như gọi khỉ :))), chen vào giữa cặp đôi đang nắm tay nhau cho bõ ghét ai bảo đứng đâu không đứng lại đứng trước mặt 1 đứa đang cô đơn, xin lỗi nhé tại 2 bạn quá đen thôi. Tôi chạy thẳng đến ôm con bạn thân cười nói hớn hở hỏi han đủ điều rồi cùng nhau ra bến bắt xe về nhà, trên đường về 2 đứa luyên thuyên đủ chuyện cho đến khi mệt quá mà ngủ lúc nào không hay. Xe dừng ở trước cửa nhà, 2 bố 2 mẹ đã đứng chờ sẵn cái cảm giác ấy mới vui sướng làm sao, giống như hồi bé đi mẫu giáo được bố mẹ đón về mặc dù là mỗi tháng tôi được về nhà 1 lần nhưng vẫn thấy hồ hởi. Chào hỏi người lớn xong thì đứa nào về nhà đứa nấy, tôi xin phép bác Dương với bác Ánh tối nay ăn cơm ở nhà vì vừa mới về tôi cũng muốn được ăn cơm với bố mẹ, hẹn con Ngọc trưa mai sẽ sang nhà nó ăn cơm rồi ngày kia mẹ tôi lại nấu cơm nó. Tối nay cũng giống như mọi lần về nhà tôi xin mẹ cho ngủ cùng để tâm sự, vẫn câu quen thuộc mà lần nào về mẹ cũng hỏi “có người yêu chưa?”
haiza… chán chẳng buồn trả lời, tôi đánh trống lảng sang chuyện khác nhưng mà phải kiếm chuyện gì quan trọng hơn chuyện này thì mẹ mới nghe
– Mẹ. Mẹ còn nhớ những lần con kể với mẹ là con bị ma trêu ở bên nhà con Ngọc không?
– Không phải đánh trống lảng, mẹ không nhớ
Bị mẹ bắt thóp. Tôi cười gượng cho qua nhưng vẫn cố làm vẻ mặt nghiêm trọng
– Mẹ. Con hỏi thật mà, vì dạo gần đây con hay bị bóng đè, không biết là tại con học nhiều nên người mệt hay có liên quan gì đến chuyện tâm linh không. Mẹ, mẹ nhìn con đây này mẹ không thấy con gầy đi à, con mệt mỏi lắm
Nói phét để làm căng lên vậy thôi chứ từ ngày đi học ở Hà Nội thì những giấc mơ của tôi nó yên bình lắm :))). Mẹ thấy tôi mặt căng thẳng thì tin sái cổ, nhưng vẫn giữ vẻ nhẹ nhàng ân cần quan tâm tôi
– Học thì vẫn phải học nhưng con học sao cho khoa học hợp lý, phải biết tự bảo vệ lấy sức khoẻ của mình chứ, chịu khó ăn vào, mai mẹ đi mua cho ít sữa, nghỉ hè thì ở nhà tao chăm cho lại sức không có đi làm thêm làm thiếc gì hết
– Vâng con biết rồi nhưng con đang hỏi mẹ mà, mẹ trả lời đi
– Ừ mẹ nhớ, thế làm sao?
– Dạo gần đây mẹ có thấy bên nhà bác Ánh có chuyện gì không?
– Không thấy, nhưng mà mới hôm nọ ở con sông đầu làng thì có chuyện
– Sao vậy mẹ. Chuyện gì thế ạ? (Tôi vứt cái điện thoại sang 1 bên, ngồi im như thóc để hóng xem chuyện gì, mẹ tôi mà đã nói có chuyện thì chắc chắn nó không phải chuyện đơn giản)
– Thằng cu Tôm con nhà cô Oanh chết rồi.
Nghe mẹ nói thằng bé chết mà tôi hoảng hồn cả người nổi gai ốc, thằng bé là con đầu của cô Oanh nhà ở bên cạnh nhà ông Kiên (người đàn ông bị ma Tây nhập ở phần 1), nó mới có 5 tuổi nhưng láu cá lắm cái gì cũng biết, nó rất quý tôi nên lần nào tôi về nó cũng chạy sang chơi nhưng hôm nay từ lúc về đến giờ tôi không nhìn thấy thằng bé, định sáng mai sẽ sang nhà cô Oanh và mang cho nó ít kẹo làm quà mà giờ lại nghe tin này
– Ôi, thằng Tôm bị sao hả mẹ, nó làm sao ạ. Tháng trước về con còn thấy nó khoẻ mạnh lắm mà. Khổ thân thằng bé, trắng trẻo khôi ngô đẹp như con phật ấy mà số lại bạc quá
– Nó bị chết đuối ở con sông đầu làng, mẹ nó bảo trước hôm nó chết mấy ngày thì thấy nó có biểu hiện lạ rồi
– Biểu hiện lạ??? Là sao hả mẹ
Tôi chưa hiểu mẹ tôi nói biểu hiện lạ là có ý gì, chẳng lẽ lại là 1 cái chết bí ẩn nữa sao. Tôi vểnh tai nghe mẹ kể để không lọt mất 1 chữ nào
“Hôm đấy là chiều thứ 7, cả 1 ngày nắng như thiêu như đốt tự nhiên lúc 3h chiều 1 cơn dông ùn ùn kéo đến mây đen che kín làm bầu trời trở nên u ám, cô Oanh bỏ đống vải còn đang may dở vào xọt rồi đứng lên chạy vội ra ban công để cất quần áo, mà cũng quên dặn thằng cu Tôm ở yên trong nhà không được ra ngoài vì trời gió lớn lại sắp mưa. Thằng cu Tôm thấy mẹ đi ra ban công, nó chạy xuống tầng 1 để lấy quả bóng khí hình siêu nhân mà hồi sáng bố nó mua cho, sợ bay mất nên cô Oanh buộc ở chiếc ghế dưới nhà, loay hoay tháo sợi dây nó tuột tay làm quả bóng bị gió thổi bay ra ngoài nhưng vì được buộc một cục đá nhỏ ở dưới nên quả bóng không bay cao mà cứ là là dưới mặt đất, thằng Tôm đuổi theo ra đến con sông đầu làng thì trượt chân ngã xuống nước. Trời đang dông gió lại mưa nên không có ai ra đường, giá như lúc ấy chỉ cần có 1 người đi qua thôi thì thằng bé sẽ không phải chết tức tưởi như vậy”
Mẹ tôi vừa kể vừa ngậm ngùi, cũng thương lắm chứ thằng bé xinh đẹp lại ngoan ngoãn lễ phép ai cũng yêu quý nó hết. Dừng lại 1 chút để nuốt cơn nghẹ ngào mẹ tôi kể tiếp:
Cô Oanh cất quần áo xong đi vào không thấy thằng Tôm cô nghĩ nó xuống nhà đi vệ sinh nhưng chờ lâu mà vẫn không thấy nó đi lên, ruột gan như lửa đốt cô Oanh mới lật đật chạy xuống nhà vừa chạy cô vừa hớt hải gọi “Tôm ơi, Tôm… Tôm ơi” nhìn đến chiếc ghế mà sáng nay cô buộc quả bóng cho thằng Tôm thì không thấy quả bóng đâu, biết có chuyện chẳng lành cô chạy lên tầng cao nhất để quan sát biết đâu lại nhìn thấy con, đôi mắt ngấn lệ ráo riết nhìn xung quanh: kia…kia rồi…quả bóng kia rồi nhưng còn con cô đâu? thằng Tôm đâu? Cô không nhìn thấy nó. Cô Oanh luống cuống bước xuống nhà, vội vàng chạy ra bờ sông, quả bóng bị mắc vào bụi cây, dưới dây vẫn còn đang buộc cục đá nhỏ, cô đảo mắt nhìn xung quanh Tôm ơi…Tôm, trái tim cô như ngừng đập khi nhìn thấy đôi dép của thằng Tôm đang nổi lềnh bềnh giữa sông, cô lao mình xuống dòng nước lạnh ngắt ngụp lặn mò mẫm tìm con, vừa mò cô vừa nhìn xung quanh với hi vọng nhìn thấy nó còn đang ở trên bờ chạy đến mà gọi mẹ. Mọi người ở xung quanh nghe thấy tiếng gọi gấp gáp của cô Oanh thì chạy ra, nhìn thấy cô đằm mình dưới sông người ta cũng tự hiểu có chuyện chẳng lành, 5 người đàn ông nhảy xuống 1 người đưa cô Oanh lên bờ 4 người còn lại chia nhau ra mò tìm xác thằng Tôm “thấy rồi, thấy rồi” xác thằng Tôm ở giữa dòng – chỗ sâu nhất bị vùi dưới bùn, 1 người phải lặn sâu xuống để gạt bỏ lớp bùn nặng đè trên người, người còn lại ở trên kéo chân nó lôi lên. Xác thằng Tôm được đưa vào bờ người ta vác nó lên vai chạy đi chạy lại rồi lại đặt nó nằm xuống để ép tim… làm đủ mọi cách nhưng thằng bé vẫn không có dấu hiệu tỉnh lại cả người tím tái, bùn ở mũi và miệng liên tục chảy ra, mọi nhìn nhau người lắc đầu ra hiệu không cứu được nữa rồi, thằng Tôm ra đi trong 1 buổi chiều mưa gió, nó ra đi trước sự tiếc thương của tất cả mọi người. Cô Oanh lao vào ôm lấy con ghì chặt nó ở trong lòng mà gào thét mà trách móc ” Tôm ơi. Mẹ xin lỗi con…mẹ xin lỗi con… là tại mẹ…tại mẹ mà con ra nông nỗi này con ơi. Tôm ơi dậy đi con, con đừng bỏ mẹ Tôm ơi” tiếng khóc ai oán của cô Oanh khiến cho những người xung quanh cũng não lòng, nhìn thấy 2 mẹ con cô thì không ai kìm được nước mắt, đưa cô Oanh và thằng Tôm về nhà hàng xóm cũng ở lại để động viên an ủi cô và giúp gia đình lo hậu sự cho thằng bé. Còn chú Luân bố thằng Tôm về đến nhà nhìn thấy con, chú như sụp đổ đau đớn không nói thành lời, chú Luân ôm con lần cuối vuốt mái tóc nó sờ khuôn mặt đôi môi nó chú nấc nghẹn “Nếu có kiếp sau thì lại về với bố con nhé. Bố yêu con. Vĩnh biệt con trai của bố” rồi chú đứng dậy cúi đầu cảm ơn mọi người vì đã giúp đỡ gia đình. Cúi đầu để cảm ơn hay cúi đầu để che đi những giọt nước mắt chỉ chờ trực được rơi ra ngoài, chú không được gục ngã chú phải tỉnh táo phải mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho vợ và đứa con nhỏ mới chào đời. Đám tang của thằng Tôm diễn ra trong lặng lẽ, không ồn ào giống như sự ra đi của nó.
Sau 3 ngày chú Luân mời thầy về rước vong thằng Tôm lên, cả làng ra xem kẻ hiếu kì thì đứng chỉ trỏ bàn tán ra vào, người tiếc thương thì sụt sùi trong nước mắt. Vì thương thằng Tôm thương cô Oanh vừa mới sinh con nhỏ sợ cô nghĩ nhiều mà thành ra trầm cảm nên hàng xóm thay nhau đến nhà hỏi han chuyện trò cho cô Oanh đỡ buồn đỡ tủi. Cô kể trước khi chết thằng Tôm lạ lắm thỉnh thoảng những lúc ngồi chơi nó cứ hay nói chuyện một mình rồi lại khoe với mẹ là con có bạn mới, có lúc cô Oanh trêu đùa với con cô hỏi bạn ở đâu? Tên là gì? Bạn trai hay bạn gái? Thì nó trả lời là bạn trai, bạn ấy không có tên nhà ở ngoài kia kìa rồi nó chỉ tay ra hướng con sông đầu làng. Nghĩ là trẻ con hay xem phim hoạt hình, trí tưởng tượng của nó khác người lớn với lại cô Oanh 1 mình ở nhà vừa chăm 2 đứa nhỏ vừa lo dọn dẹp cơm nước nên không có thời gian để bận tâm đến những câu chuyện vu vơ của con trai. Kể đến đây cô oà khóc rồi tự lấy tay đấm thùm thụp lên ngực mình mà oán than
– Hai mẹ con mày không định ngủ hả?
Thấy đèn phòng còn bật, bố từ ngoài vào nhắc mẹ con tôi đi ngủ
– Thôi đi ngủ đi không bố mày lại chửi cho bây giờ. Sáng mai đi sang nhà cô Oanh thắp hương cho thằng Tôm 1 cái nhé. À mua cho nó mấy gói bim bim, có lần nó tưởng mày về nên nó chạy sang chơi. Nó dặn mẹ gọi cho mày bảo lúc nào về thì mua bim bim cho nó.
Mẹ nói làm tôi chảy nước mắt, tôi thương thằng Tôm tôi coi nó như em mình, lần nào về nó cũng quấn lấy tôi không rời có lần còn đòi ngủ lại cùng chị, mai nhất định phải sang với nó. Câu chuyện của thằng Tôm cứ luẩn quẩn trong đầu tôi, càng nghĩ càng thấy không đúng, trước khi chết chẳng phải nó kể với cô Oanh là nó có bạn sao? bạn nào lại ở phía con sông đầu làng? mà ở đoạn này làm gì có nhà nào có trẻ con! nhà ông Kiên đứa út cũng học cấp 3 rồi, nhà con Ngọc cũng làm gì có ai???? Hay là….tôi sực nhớ ra hình ảnh oan hồn 2 mẹ con ở trước cổng nhà con Ngọc mà bác Ánh đã từng gặp 1 lần, thôi đúng rồi có khi thằng Tôm bị ma dắt rồi
– Mẹ ơi, mẹ. Thằng Tôm nhà cô Oanh có khi nào bị ma dắt không?
Tôi không bình tĩnh được liền ngồi dậy gọi mẹ
– Thôi ngủ đi, nghĩ linh tinh làm gì người thì cũng mất rồi. Con nghĩ nhiều cũng có giải quyết được cái gì đâu
Biết là thế nhưng làm sao ngủ được khi mà có hàng bao nhiêu thứ ở trong đầu
……….