(Trong truyện ngắn này Dương có sử dụng tư liệu về nạn đói năm 1945 ở các tỉnh miền Bắc. 75 năm đã trôi qua, câu chuyện này gửi tới mọi người như một kỉ niệm về thời kì lịch sử đen tối đất nước ta đã trải qua. Toàn bộ câu chuyện là sự hư cấu dựa trên sự kiện lịch sử có thật là nạn đói năm 1945, mong người đọc không đi sâu tìm hiểu)
Mỗi dịp hè tới hay bất cứ dịp nào trong họ có giỗ chạp hoặc chuyện quan trọng, Linh Nhi vẫn cùng bố mẹ và em gái trở về quê ở Nam Định để thăm viếng họ hàng và gia đình ông bà nội. Cô gái 17 tuổi tuy không quá háo hức chuyện về quê, nhưng câu nói của nhiều người luôn làm cô tò mò từ lúc cô nhận thức rõ cho đến nay. Họ nói cô rất giống với Thoan- người bạn thân của bà nội cô khi xưa. Cô đem câu chuyện đó hỏi bà nội cô thì bà chỉ nói Thoan là một cô gái xinh đẹp nhưng không may đã bị chết đói trong nạn đói năm 1945. Dĩ nhiên Linh Nhi không thể biết được rằng bà nội cô đã nói với mọi người giấu cô sự thật về Thoan vì không muốn cô hoảng sợ. Nhiều người thấy thái độ của bà nội cô như vậy, một phần vì câu chuyện về Thoan quá đáng sợ nên họ không kể cho cô nghe. Hôm nay, ngày 18/2/2020, tròn 75 năm Thoan mất, Linh Nhi không hề biết điều này, cho đến khi cô nghe em gái, vốn dĩ hay chơi cùng bọn trẻ con ở quê, nói rằng “Thoan là ma nữ đã ám hại cả nhà lý trưởng” thì cô mới cảm thấy bất ngờ. Hình như có một câu chuyện gì đó rất đáng sợ mà bà nội và nhiều người đã giấu cô. Làm thế nào để biết được sự thật về câu chuyện đó? Đi dò hỏi bọn trẻ con thì chúng sợ bị người lớn mắng nên không kể cho Linh Nhi biết. Cô trở về nhà với tâm trạng hoang mang. Vẫn biết cô và cô gái tên Thoan đó không có gì liên quan đến nhau, nhưng cô vẫn không khỏi hoang mang khi nghe mọi người nói cô giống cô ta. Suy nghĩ về Thoan vẫn ám ảnh Linh Nhi cho đến đêm hôm đó, đúng 12h đêm, khi mọi người trong nhà đã ngủ hết. Sau khi lên trên Internet thử tìm kiếm thông tin về cô gái tên Thoan nhưng không ra kết quả, Linh Nhi mệt mỏi ngủ thiếp đi. Cơ thể cô nhẹ bẫng, lâng lâng như bị gió thổi. Cô thấy mình được đưa về một không gian lạ lẫm, tối om, bảng lảng, với những con người kì lạ. Những người ở đó ai nấy đều rất gầy gò, quần áo rách rưới, khuôn mặt và cơ thể hốc hác, đi vật vờ như những bóng ma trên những con đường làng đầy rơm rạ. Bịch… một cơ thể người ngã xuống ngay trước mặt cô, khiến cô không khỏi giật mình mà kêu lên hoảng sợ. Người đó đã chết vì đói, thân thể nom như tàu lá chuối khô, mắt mở trừng trừng, miệng vẫn còn vương rơm rạ. Những đứa trẻ con nom càng thê thảm hơn, không một mảnh vải che thân, gầy đến mức cô có thể đếm được những chiếc xương sườn nhô ra. Cảnh tượng này chỉ có ở trên phim nói về nạn đói năm Ất Dậu ở các tỉnh miền Bắc. Bịch… lại một người nữa ngã xuống, trông bà ta cũng thê thảm như người đàn ông vừa nãy. Đứa bé trong tay bà ta cũng rơi xuống theo, đau quá nên oà khóc, nhưng cũng không còn sức để khóc sang câu thứ hai, cũng vì đói, nó cố gắng kéo áo mẹ nó lên, ghé miệng vào nhay nhay cái bầu vú da đã nhão xệ của người mẹ đã chết. Linh Nhi động lòng thương đứa bé, cô đưa tay ra bế nó nhưng không được vì cô là người thuộc thế giới khác, không thể tiếp cận được vào con người hay sự việc ở không gian đó. Từ sau lưng, một người đàn ông đẩy một chiếc xe cút kít ở trên đã có vài người đã chết cứng từ lúc nào, tiến đến bên người phụ nữ vừa ngã xuống, hất đứa bé ra, tóm hai tay bà ta vứt lên xe. Ở xa xa cách chỗ cô đang đứng khoảng năm, bảy mét, một người đàn ông gương mặt khắc khổ, nhìn ngó khắp lượt, miệng không ngừng gọi tên con gái:
– Thoan ơi, Thoan, đi đâu rồi?
Tiếng gọi của ông ta đứt quãng, nghe không rõ, cứ như chỉ cần có một luồng gió nhẹ thổi qua là tiếng ông ta sẽ hoàn toàn bị nuốt mất. Một người phụ nữ tay bưng một chiếc rá bị rách đôi chỗ, tiến đến bên ông ta, nói những câu rất khẽ, nhưng vẫn đủ cho Nhi nghe thấy:
– Con Thoan đi ra đồng đã về đâu. Có chuyện gì không ông?
– Tôi tìm nó có việc. Bà đi đâu về thế?
– Tôi đi đổi gạo.
– Thế có đổi được không?
– Được nhưng nói mãi họ mới đổi, họ nói chỉ đổi cho chúng ta nốt hôm nay thôi… người phụ nữ lắc đầu. Thời buổi này ai còn chịu đổi gạo cho người khác nữa chứ?
– Thế này thì không biết còn trụ được đến lúc nào? Thôi đành vậy…
– Đành gì cơ?
– Không có gì, thôi về đi, thằng Hoạt, con Bé đang đói lắm rồi đấy…
Linh Nhi cứ đứng nhìn theo bóng đôi vợ chồng nghèo. Chỉ 5’ sau, một cô gái xuất hiện theo hướng ngược chiều với cô, trên tay xách một chiếc giỏ cói, đi chậm rãi ra chỗ đứa bé tội nghiệp đang khóc không thành tiếng, bế nó lên an ủi giỗ dành:
– Ngoan nào, đừng khóc nữa em, chị bế em về nhà chị nhé.
Linh Nhi kinh ngạc khi nhìn thấy khuôn mặt cô gái. Cô ta giống hệt cô, cả về gương mặt lẫn vóc dáng. Nhìn cô ta bế đứa bé đi, không hiểu vì lí do gì, Nhi lững thững đi theo. Đi mãi, đi mãi, tới một ngôi nhà 3 gian ngói tranh vách đất, cô gái bế đứa trẻ vào trong, cất tiếng gọi:
– Thầy, u, con về rồi đây.
– Con đi đâu mà lâu thế? Con nhà ai đấy? Người đàn ông cất tiếng hỏi.
– Dạ, em bé này tội nghiệp lắm, mẹ nó chết mà nó vẫn rúc vào bú, tội quá nên con bế về nhà mình.
– Haiz. Nhà mình còn không biết có sống qua nổi ngày mai không mà con còn bế đứa bé này về. Mẹ cô gái kêu lên.
– Con bắt được ít cá đây. U để con đi nấu cơm.
– Thoan, vào đây thầy bảo đã…
– Dạ… Thoan đưa đứa bé cho mẹ cô rồi đi theo bố vào trong buồng. Cánh cửa buồng đóng lại khiến mẹ và hai đứa em nhỏ của Thoan không thể nghe rõ cuộc nói chuyện của hai người bên trong. Linh Nhi chỉ đứng gọn ở một góc, nhìn hết góc này sang góc khác, căn nhà nghèo nàn đơn sơ quá. Đúng là vào năm đó, chẳng mấy nhà giàu có.
Cạch…. sau một hồi, Nhi thấy cô gái tên Thoan bước ra, mắt đỏ hoe còn bố cô trông cũng căng thẳng. Mẹ Thoan đến bên con gái hỏi han nhưng cô nói phải đi nấu cơm. Thấy con gái có thái độ lạ, bà quay sang hỏi chồng. Sau mấy giây im lặng, người đàn ông nghèo khổ dằn lòng kể cho vợ nghe chuyện ông lý muốn lấy cái Thoan làm vợ ba, đổi lại ông ta sẽ chu cấp gạo và lương thực cho cả gia đình cho đến khi nào mọi chuyện ổn thoả, nạn đói qua đi và sản xuất bình thường mới thôi. Mẹ Thoan nghe vậy, bà phản đối ngay:
– Trời, lão lý nổi tiếng là độc ác, lại còn có 2 người vợ. Liệu gả con Thoan sang đó có ổn không?
– Bây giờ cũng đâu còn cách nào khác? Người chết đói ngày một nhiều, trong làng chỉ có lý trưởng với chánh tổng là thừa mứa gạo ăn, gả con gái sang đấy cũng là cách cuối cùng mà thôi.
– Khổ thân con Thoan. Con gái lớn của lão lý nghe đâu còn bằng tuổi Thoan ý.
Bố của Thoan nghe vợ nói mà ông càng cảm thấy đau lòng. Ông biết chính quyền ở cái làng này toàn những kẻ lòng lang dạ sói, có phát chuẩn gạo cho dân thì cũng ki kiết, bày ra đủ trò, thậm chí ai vì đói mà xông vào cướp gạo sẽ bị đánh chết. Lão lý để mắt tới cái Thoan, không biết là hoạ hay phúc, bởi lão ta thân Pháp, sẵn sàng làm những việc độc ác để vơ vét cho chúng. Gia nhân của lão nói mát:
– Phận cùng đinh mà được ông lý để ý là phước cho cái Thoan rồi. Cứ bám lấy hai cái thân già thì chẳng mấy mà chết đói.
– E hèm… lão lý đằng hắng… thằng Tít, mày để ông nói chuyện. Ta để ý đến con Thoan, ông gả nó cho ta, ta sẽ cho người mang gạo sang hàng tuần, đủ cho cả nhà ăn no nê.
– Tôi… xin ông lý cho tôi suy nghĩ thêm ạ…
– Úi giời còn bày đặt làm cao, thằng Tít chen vào nhưng bị lão lý ngăn lại: được cứ suy nghĩ kĩ đi. Khi nào đồng ý thì báo, ta sẽ cho gia nhân mang gạo và thức ăn sang.
Nói rồi lão lý trưởng khệnh khạng quay lưng bỏ đi, để lại sau lưng vẻ khúm núm của người dân tội nghiệp. Sau một ngày suy nghĩ, Thoan đồng ý. Cô chấp nhận bán thân để cứu thầy u và đàn em nheo nhóc mà không biết rằng mình sắp bước vào một nơi chỉ toàn những kẻ mặt người dạ quỷ.