Ngày Thoan về nhà lão lý, người dân trong làng xúm đông xúm đỏ vào xem từ nhà cô cho đến tận nhà lý trưởng. Lão cũng hào phóng hơn khi phát một số lượng gạo nhiều hơn mấy dịp phát chuẩn cho những người dân đang chờ chết. Ai nấy đều hoan hỉ mừng rỡ vì nhờ Thoan mà họ được sống thêm một bữa. Linh Nhi, trong bộ pyjama bằng lụa trắng vẫn đi theo đám rước của Thoan, nhưng tất nhiên không ai nhìn thấy cô. Thi thoảng, tiếng người ngã xuống vì chết đói làm Nhi giật mình, hoặc cảnh tượng tuần đinh đẩy xe cút kít đi thu nhặt xác người chết dù ngay trong đám cưới xa hoa của ông lý làm Nhi càng thấy rõ được sự tương phản của hai thế lực ở làng quê thời trước cách mạng. Nhưng lạ là từ khi bước vào giấc mơ này, cô chưa nhìn thấy bà nội cô đâu cả. Rõ ràng bà đã nói bà và cô Thoan là bạn thân mà. Hình như bố cô đã có lần nói do các cụ thân sinh ra bà nội là những người thức thời, nhận biết trước được nạn đói nên đã thuê một chiếc thuyền đi ngược dòng lên Yên Bái, cư ngụ ở đó cho qua nạn đói mới trở về, chính vì thế nên đã sống sót qua tai hoa. Trở lại chuyện của Thoan. Ngay ngày đầu tiên về nhà lý trưởng, cô đã gặp phải sự chèn ép của bà cả trong nhà đó. Bà ta nổi tiếng ghê gớm, dù không dám vượt mặt hay phản đối chồng nhưng sau lưng luôn bày mưu tính kế để hãm hại những người phụ nữ được ông lý để mắt tới. Vợ hai của ông lý thân phận cũng không khác Thoan là mấy, nên không dám phản đối hay chống lại bà trên. Tuy có đến 2 bà vợ nhưng lão lý lại có hai cô con gái đều do bà cả sinh ra, lão đang mong mỏi có một mụn con trai để nối dõi tông đường, và để xua bớt mặc cảm khi gặp các bậc chức sắc khác trong làng và trên huyện. Chính vì vậy nên lão ta luôn đi tìm kiếm một người phụ nữ khoẻ mạnh để có thể giúp lão làm chuyện đó. Vốn dĩ trước đây lão là phó lý ở làng khác, nhưng sau được điều về đây, vô tình gặp Thoan, cảm thấy rung động mạnh mẽ vì vẻ đẹp của cô, lại thấy cô là người khoẻ mạnh, lão hài lòng lắm và quyết định cưới cô làm vợ ba. Gì chứ ở cái thời buổi đói kém này, chỉ cần cho chúng nó ít gạo là cưới được vợ thôi. Mẹ của Thoan, sau một vài ngày không đành lòng, nhưng nhìn cảnh con cái nheo nhóc vì cái đói mà đành chấp nhận. Ngay đêm tân hôn, khi lý trưởng còn bận chúc rượu với các lão làng khác, Thoan ở trong buồng một mình chờ đợi đến nỗi ngủ quên, bà cả đã đi vào phòng, gọi cô dậy đe doạ:
– Tao biết mày trẻ đẹp nên mới lọt vào mắt xanh của chồng tao. Nhưng mày muốn sống yên ổn và chu cấp cho gia đình mày thì đừng có làm gì trái ý tao, không thì tao sẽ cho mày sống không bằng chết.
– Dạ… em biết rồi ạ, xin bà nương tay… Thoan khúm núm van xin “đệ nhất phu nhân”.
– Trong nhà này có nhiều điều mày chưa biết đâu. Tốt nhất là nên biết thân biết phận. Bà cả gằn giọng đe dọa Thoan thêm một lần nữa rồi ra khỏi phòng, đóng sập lại cánh cửa thật mạnh khiến cô giật mình.
Đến canh hai lão lý mới trở về, người ngợm say mèm, toàn thân ám đầy mùi rượu, đã toan gục xuống giường nhưng nhìn thấy Thoan xinh đẹp e thẹn ngồi chờ đợi mình, lão ta lao đến ôm chầm lấy cô, chiếm đoạt đời con gái của cô rồi lăn ra ngủ. Phải lấy một người không yêu để đổi lấy sự no đủ cho gia đình mình, Thoan khóc than cho số phận hẩm hiu của cô. Linh Nhi chứng kiến toàn bộ những cảnh tượng đó, cô không khỏi rùng mình thương xót cho Thoan. Trong thời đại phong kiến, số phận của người phụ nữ thật khổ sở, phải phụ thuộc vào người đàn ông mà không có quyền phản đối bất cứ điều gì. Sáng sớm tinh mơ, tiếng gà gáy đánh thức Thoan dậy, cô lật đật đi xuống bếp để nấu cơm cho mọi người giống như khi còn ở với thầy u. Nỗi nhớ gia đình lại tràn dâng trong tâm trí khiến cô gái trẻ gục đầu vào tường khóc nức nở. Người nhà lý trưởng thấy cô dâu mới dậy sớm hơn họ, lại còn nấu cơm sáng xong xuôi, ai nấy đều sợ hãi vì sợ bị ông chủ trách phạt, họ mời cô lên phòng ăn ngồi đợi rồi sẽ bê cơm lên. Ông lý, hai bà vợ và hai cô con gái đã ngồi đợi ở bàn từ lúc nào, thấy Thoan, ông lý ôn tồn yêu cầu cô ngồi vào bàn và ra lệnh cho những người khác:
– Từ nay Thoan sẽ là bà ba trong gia đình, có vị trí ngang bằng với hai bà. Các bà phải cư xử hoà thuận, không được gây gổ và xích mích. Ai làm trái lời tôi, tôi sẽ đuổi ra khỏi nhà.
– Dạ… tất cả dạ ran. Họ biết ông lý không giống nhiều ông chánh hay các bậc chức sắc khác hay sợ vợ nên không dám cãi lời.
– Thoan này, em về đây có trách nhiệm sinh con cho dòng họ nhà ta. Nếu em sinh được con trai, ông sẽ càng yêu thương em.
– Dạ… Thoan khẽ đáp lời…
Cảnh tượng trong nhà ông lý thật đẹp, thật sang trọng khác hẳn với căn nhà của Thoan. Đồng hồ quả lắc mạ vàng, bộ ghế gỗ khảm trai, nền gạch lát sáng bóng, người hầu kẻ hạ đi ra đi vào khiến Linh Nhi choáng ngợp. Ở bên ngoài thì có đàn chó lớn, con nào con nấy trông đều rất khỏe mạnh, nhe răng há mõm chạy khắp sân, sẵn sàng cắn chết kẻ nào xâm phạm vào ngôi nhà của chủ nhân, khác hẳn với con chó gầy gò ở nhà bố mẹ Thoan. Những điều này cô chỉ được đọc trong các tác phẩm như Tắt đèn hoặc xem phim chứ chưa bao giờ tận mắt chứng kiến. Bữa sáng kết thúc khá nhanh chóng, lý trưởng đi công việc trên huyện đến chiều mới về, nhưng mọi sự trong nhà thì rất yên bình. Thoan được gặp lại thầy u và các em, biết họ được chu cấp đầy đủ, cô mừng lắm. Xem ra lý trưởng là người biết giữ lời hứa. Mẹ cô vẫn dặn dò cô phải cẩn thận vì nghe nói bà cả đã từng ám hại không biết bao nhiêu phụ nữ được ông lý để mắt. Thậm chí việc bà hai không sinh nở được cũng là do bị hãm hại. Thoan biết lòng dạ của bà lớn rất đáng sợ nên cô chỉ còn cách cẩn thận hết sức mà thôi. Hai cô con gái của ông lý thì cả ngày theo dõi Thoan, hễ có chuyện gì là họ lại đi mách người mẹ của mình. Biết mách lại với ông lý sẽ không được gì vì đối với ông ta, mấy nhúm gạo chẳng đáng là gì nên bà cả đã phân công cho hai cô con gái quản lý kho gạo của gia đình, không cho Thoan lấy quá số gạo cho phép. 1 tháng sau, Thoan có thai, đó là lúc ác mộng xuất hiện, biến Thoan từ một người phụ nữ xinh đẹp thành một ác linh lẩn khuất trong nhà lý trưởng, đẩy toàn bộ những kẻ đã hãm hại cô xuống địa ngục hoặc sống không bằng chết.
Lý trưởng vui mừng ra mặt khi thấy Thoan mang thai. Lão ta rộng rãi với gia đình cô hơn, tỏ ra yêu thương cô hơn trước đây. Lão ta luôn hi vọng cái thai trong bụng Thoan là con trai. Bà cả trước mặt chồng thì tỏ ra yêu thương chăm sóc Thoan, nhưng sau lưng thì bà ta không ngừng suy tính chuyện hãm hại cô. Nhất là đến khi bà ta nghe ông thầy đến khám cho Thoan khẳng định:
– Bà ba đang mang thai con trai. Với kinh nghiệm của tôi thì tôi khẳng định điều đó.
Ông ta đã khám cho bà ta hai lần trước đây khi bà ta mang thai hai đứa con gái nên lời của ông ta rất được ông lý coi trọng. Bà cả biết nếu Thoan sinh ra con trai, hai đứa con gái của bà ta sẽ không còn được ưu ái như trước, ông lý sẽ trao hết tài sản cho thằng con trai chưa thành hình của mình. Ngày đêm bà ta suy tính mưu kế, cuối cùng bà ta cũng nghĩ ra một cách để loại bỏ cái thai trong bụng Thoan, đồng thời có thể loại bỏ luôn Thoan. Một đêm nọ, ông lý lên tỉnh họp, Linh Nhi nhìn thấy bà cả gặp một người đàn ông với dáng vẻ bặm trợn, hai người bàn tán một chuyện gì đó, bà ta đưa cho gã một túi gạo và một xâu tiền, cô cảm thấy sắp có chuyện không lành xảy tới.