(Câu chuyện về Cúc được viết dựa theo câu chuyện Hồn ma nhà họ Hứa)
Bà cả đau xót trước cái chết của Thục, bà ta vốn tin tưởng những quan niệm truyền thống nên cảm thấy lo sợ rằng Thoan đã hiện hồn về trả thù bà và hai đứa con gái. Khi cô ta còn sống, bà ta đã đối xử không ra gì với Thục nên tin rằng nhất định cô sẽ trở về để đưa nốt bà và Cúc đi. Bà ta vội vã lên chùa, đến đền, bỏ tiền bạc ra để làm việc thiện những mong bù đắp được tội lỗi mình đã gây ra. Bà ta cũng cho người tới nhà Thoan tìm ba đứa trẻ nhưng không còn thấy chúng đâu nữa. Cử người đi tìm kiếm thì được báo rằng bọn chúng đã chết đói sau khi bố mẹ của Thoan bị lính bắt đi. Vậy là bà cả đã không còn cơ hội để chuộc lại lỗi lầm với Thoan nữa. Bà ta ngày đêm lo sợ Thoan tới trả thù mình và Cúc nên thường làm những lễ cúng kiếng, mặc cho lý trưởng phàn nàn. Ông ta không tin Thoan có thể trở về để giết mình và người nhà mình nên không tỏ ra hối hận với việc đã làm. Ông ta tin rằng Thoan là một người đàn bà trắc nết, cái thai trong bụng Thoan không phải là của mình nên cô chết là đáng. Bà cả tìm dịp nói chuyện với chồng về Thoan để thanh minh cho cô nhưng bị lý trưởng gạt đi. Ông ta không muốn nghe ai nhắc đến cái tên đó nữa. Đối với ông ta, đó là một sự ô nhục nên khi nghe bà cả nhắc đến cái tên Thoan, ông gắt lên:
– Tôi chỉ hận là không giết chết chúng nó được. Bà đã gàn tôi không được đánh chết thằng đó và con Thoan vì ảnh hưởng đến sự nghiệp sau này, giờ bà còn kể gì nữa? Tôi không muốn nghe.
Nỗi lo lắng của bà cả chưa bao giờ là thừa. Cúc là người tiếp theo gặp tai hoạ- một tai hoạ không giết chết cô ngay nhưng lại đẩy cuộc đời cô vào ngõ cụt của sự đau đớn, tuyệt vọng và uất hận. Sau 49 ngày Thục mất, Cúc trải qua một cơn ốm kéo dài đến 1 tuần lễ mới hồi phục. Nhưng sau đó, tóc và lông mày, lông mi của Cúc cứ rụng dần, cô cũng bị chảy máu cam- điều mà từ trước đến nay cô chưa bao giờ bị. Ông lý đã mời thầy thuốc đến khám cho Cúc, nhận được một kết quả khiến cả ông ta và bà cả rụng rời: Cúc bị bệnh phong- căn bệnh vô phương cứu chữa thời đó. Căn bệnh càng ngày càng tiến triển mạnh khiến Cúc vô cùng đau đớn, trên làn da vốn dĩ trước đây rất mịn màng giờ lại xuất hiện các đốm màu đỏ. Cả thầy thuốc người Việt lẫn người Pháp vì sợ lây lan nên không ai dám khám cho Cúc. Ông lý đành nhốt con vào một căn phòng, hàng ngày đưa cơm và nước uống, người hầu kẻ hạ cũng không dám tiếp xúc với nhị tiểu thư. Các bậc quyền cao chức trọng hỏi thăm về Cúc đều nhận được những cái lắc đầu xua tay của bà cả. Những người dân trong làng lại thỉnh thoảng nhìn thấy Cúc đứng ở bên cửa sổ, chải mớ tóc càng ngày càng mỏng của mình, khóc lóc ai oán, thương xót cho số phận hẩm hiu. Ngón tay và ngón chân của Cúc bị bệnh tật ăn cụt, cơ thể long tróc, khiến cô gái 15 tuổi ngày một đau nhức đắng cay. Bà cả thấy vậy ngày đêm cầu khấn Thoan nhưng vô ích, Cúc sau một thời gian bị bệnh nặng thì qua đời, kết thúc cuộc đời cay đắng của cô gái trẻ. Nhưng trước khi qua đời, Cúc vẫn nói những lời khiến mọi người cảm thấy ghê sợ:
– Tao đã mang con Thục và con Cúc đi. Tiếp theo là vợ chồng ông.
– Các ngươi sẽ không được chết toàn thây. Tao nguyền rủa chúng mày đời đời kiếp kiếp.
Cơ thể cô được khâm liệm rồi chôn cất ở nghĩa trang đầu làng. Không ai dám tới viếng Cúc vì sợ bị lây bệnh. Bà cả sau khi mất cả hai người con thì đau khổ héo hon. Ông lý vẫn cứng đầu cứng cổ nhất quyết không chịu thả bố mẹ của Thoan. Nhưng ở trong làng bây giờ, ngoài sự đe dọa của nạn đói, người dân còn đồn thổi nhau về hồn ma của Cúc. Vào những đêm trăng tròn, người ta vẫn thấy một cô gái mặc váy trắng, tóc buông xoã, dáng thanh mảnh, ngồi bên mộ chải tóc, cất tiếng hát du dương. Bà cả vì nhớ con mà đã tâm trí đã trở nên không ổn định, thỉnh thoảng bà ra mộ Cúc hoặc đến bên miệng giếng nơi Thục chết, ngồi đó rồi ngủ gật luôn lúc nào không hay. Lý trưởng lúc này rất chán nản, lại thêm tin tốt là ông ta sắp được thăng chức và chuyển lên huyện, nên ông ta quyết định sẽ đưa bà hai đi cùng, còn đâu sẽ để lại bà cả và một vài người hầu ở lại căn nhà này. Ông ta không còn quyến luyến gì bà cả nữa, còn bà hai thì là một người hiền lành nên ông chấp nhận đưa đi cùng. Lý trưởng cũng chi ra rất nhiều tiền để chạy chức, lo lót nên nhận được rất nhiều lời hứa hẹn của những tay phó chánh rồi chánh tổng ở trên huyện. Ngày tháng cứ thế qua đi, cho đến một ngày ông lý nghe tin bà cả đã thắt cổ tự vẫn, người làm cũng xin nghỉ, ông ta chỉ cảm thấy chột dạ một chút nhưng lại gạt đi ngay. Vốn là một người vô tình nên lý trưởng không mảy may thương xót người vợ cả của mình, trong tâm trí ông ta đang ấp ủ chuyện chạy chức thành công và lấy được những người vợ mới, sinh cho ông ta những đứa con khác. Trong tâm trí người đàn ông này, Thoan, người vợ cả và hai đứa con gái bạc mệnh không có ý nghĩa gì mấy.
Nhưng người tính không bằng trời tính. Đến khi ông lý bỏ ra quá nhiều tài sản để chạy chức thì nhận được tin thất bại. Chức phó chánh thuộc về tay một kẻ mà ông ta không bao giờ nghĩ có thể đối đầu được với mình. Chán nản ông ta đi nghe hát ả đào trên Hà Nội, chơi thuốc phiện nhiều hơn để quên đi nỗi buồn. Sau một thời gian đâm đầu vào những thú vui vô bổ, đến một ngày nọ, ông ta phải lòng một ca kĩ và muốn cưới ả làm vợ tư, nhất là khi nghe ả nói ả đã mang thai con của ông ta. Lý trưởng vung tiền ra mua ả ca kĩ ra khỏi lầu xanh, tổ chức đám cưới long trọng. Làng trên xóm dưới người ta đồn đại rồi cười sau lưng lão không ít, nhất là khi họ cảm thấy no nê:
– Cứ tưởng lão lý là người như thế nào, hoá ra cũng chỉ lấy được loại gái lầu xanh về làm vợ.
– Nhưng thôi nhờ lão mà chúng ta cũng được thêm một bữa no. Bình thường lão không hào phóng vậy đâu.
Tuy không được làm phó chánh nhưng quyền lực và tiền bạc của lý trưởng vẫn rất nhiều. Lão lại trở về làng, mời thầy đến cúng kiếng giải hạn để đưa hai người vợ về đó sống. Căn nhà của lý trưởng vốn đã rộng giờ lại càng thêm âm u lạnh lẽo. Lý trưởng ra lệnh cho người làm phá sập cái giếng nơi Thục và Thoan tự sát, vì theo lời nhiều người thì ở đó vẫn lẩn khuất linh hồn của hai hồn ma. Bà hai trở thành bà cả, còn ả kĩ nữ trở thành bà hai nhưng ra mặt khinh thường bà cả, luôn tỏ ra lấn lướt. Trong lòng ả biết rõ cái thai trong bụng không phải là của lý trưởng, nhưng vốn với nhiều ngón nghề mồi chài đàn ông, ả đã khiến cho ông ta tin rằng đó là con của mình. Địa vị của ả càng vững chắc khi nghe ông thầy quen thuộc của nhà lý trưởng khẳng định cái thai là con trai. Mọi chuyện cứ vậy tiếp diễn cho đến một ngày nọ có người phát hiện ra. Đó là khi cái thai của ả được gần 2 tháng.
Hôm đó lý trưởng đi có việc trên huyện. Ả ngủ một mình trong căn buồng ngủ của ả và ông lý. Thầy thuốc được mời đến khám cho ả như đã định. Do là người quen nên ông ta không cần đưa dẫn như những người khác. Bà cả thấy ông thầy thì nhẹ nhàng mời ông đến phòng bà hai. Khi tới gần cửa phòng, toan đưa tay lên gõ thì cả hai nghe thấy ả nói những lời động trời:
– Đứa bé trong bụng mình cũng biết lựa chỗ tốt để đầu thai phết đấy chứ. Người đàn ông cuối cùng mình ngủ cùng trước khi mình ngủ với lão lý là con trai của chánh tổng, nhưng hắn đã chối bỏ. May sao lão già dại dột này lại đổ vỏ. Đợi sau khi mình sinh đứa bé này ra, mình sẽ đuổi cái thứ cây độc không trái kia đi (ám chỉ bà cả).