Sau khi mọi việc tạm ổn, trời cũng ngả bóng xế, ông tôi mới xách đồ vào lán, mọi người cũng xin phép về để lo nhà cửa, cơm nước, chỉ có một ông ở lại giúp ông tôi dọn dẹp đó là ông Tấn. Xong xuôi, ông Tấn niềm nở bảo:
– Hay là tối nay anh qua nhà tôi tắm rửa rồi ăn cơm đi Tôi cũng ở có một mình, nhà tôi cách đây có một đoạn thôi”.
Ông tôi tỏ ra hơi e dè khi nghe thấy lời đề nghị :
– Ờm… chuyện này… liệu có ổn không anh, vì đằng nào tôi cũng mới đến…
Thấy ông tôi có vẻ lưỡng lự, ông Tấn mới cất lời:
– Ầy… anh Bảo, anh không cần phải ngại đâu, ở làng này thì ai cũng thế thôi, anh cứ sang nhà tôi ăn cơm tối nay, mai mốt ổn định nhà cửa sân vườn rồi mời tôi qua ăn lại là được rồi. Dù gì chỗ này bếp núc chưa có, nước chưa lấy được, cứ qua nhà tôi ăn đi cho vui
Ông tôi nghe vậy thì cũng bớt e dè hơn:
– Ôi thế thì quý hóa quá, anh chờ tôi chút, tôi vào lấy quần áo để thay với ít đồ ăn tôi mang theo, coi như quà làm quen, mấy món này ngon lắm đấy.
Nói đoạn, ông tôi vào lán, mở cái hòm quần áo ra lấy một bộ để thay, lại mở tiếp một hòm khác, lấy ra một cái túi nhỏ rồi cùng ông Tấn về nhà của ông ý để tắm rửa và ăn cơm.
Nhà ông Tấn cách đó cũng không quá xa, đi độ 10 phút là đã tới. Lúc ấy, ông Tấn chưa lập gia đình, ông chỉ có một người em trai nhưng hiện đang đi làm thanh niên xung phong mở đường ở đường Trường Sơn và vẫn chưa có tin tức gì. Bố mẹ của ông thì mất cách đây mấy năm, để lại cho ông và em trai một căn nhà vách đất, một mảnh vườn và 3 sào ruộng.
Tối hôm ấy, ông tôi và ông Tấn dắt nhau về nhà ông Tấn, ông Tấn bắt một con gà trống, cắt tiết, làm một bữa cũng ra trò. Ông tôi tắm rửa xong thì cũng ra phụ ông Tấn một tay. Đang nấu gần xong, ông Tấn từ ngoài sân gọi với và trong bếp:
– Anh Bảo ơi! Anh cứ nấu đi nhá, tôi chạy qua cuối làng mua ít rượu, đừng đi linh tinh, anh chưa biết đường sá ở đây, dễ lạc đấy
– Ờ! Tôi biết rồi, anh cứ đi đi. Mà trời nhá nhem rồi, anh đi cẩn thận nhá
Nói rồi, ông Tấn xách cái tích nước trà ở cái chõng ngoài hiên ra giếng rửa sạch rồi quấn giẻ, đốt đuốc đi mua rượu.
Nói về ông Tấn, ông là một người có tính cách cởi mở, hiếu khách. Ông từng tham gia chiến tranh chống Pháp, nhưng trong trận Điện Biên Phủ, ông trúng đạn vào chân trái và bả vai phải. Cũng may, các bác sĩ đã phẫu thuật và chữa lành vết thương, nhưng do không thể lấy hết những mảnh đạn nên hai chỗ đó của ông Tấn cứ đau dai dẳng mỗi khi trái gió trở trời. Cũng vì điều đó mà ông không thể tham gia chống Mĩ dù nhiều lần đệ đơn lên đơn vị, yêu cầu được quay lại chiến đấu. Thật trùng hợp là ông nội tôi cũng vậy, nhưng ông tôi thì nặng hơn. Phát đạn của quân Pháp năm đó đã làm ông tôi phải cắt bỏ một đoạn ruột, một ngón tay trái, thành thử ra ông tôi không thể sinh hoạt như người bình thường được.
Thương tật là thế, thế nhưng ông tôi và ông Tấn vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan, không đánh giặc được thì ở nhầ cày cấy, làm hậu phương cho những đồng đội ngoài mặt trận, chẳng phải Bác từng nói:
“Ruộng rẫy là chiến trường,
Cuốc cày là vũ khí.
Nhà nông là chiến sĩ,
Hậu phương thi đua với tiền phương”.
Điều này với các thương bệnh binh ở nhà mà nói thì quả thực là động lực lớn để họ tiếp tục cống hiến cho nước nhà dù không thể cầm súng đánh giặc.
Đối với một người lính mà nói, vô số lần vào sinh ra tử trên chiến trường đã tôi luyện tinh thần họ trở thành tinh thần thép. Ông tôi và ông Tấn cũng không ngoại lệ. Tối hôm đó, khi đang đi mua rượu trở về nhà từ cuối làng, ông Tấn đã phải chạm trán với thế lực từ cõi vô hình.
Số là lúc về ngang qua cái nghĩa trang ở ven làng, ở đối diện cổng nghĩa trang được đóng bằng cọc tre, có một cây gạo lớn, tán lá xum xuê. Người ta thường nói: “ Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề”, nhưng đối với người lính, đến con ma đầu đen còn chả sợ nữa là mấy thứ “ hồn ma bóng quế” nửa tin nửa ngờ. Lúc đi ngang qua cây gạo đó, ông Tấn đột nhiên có cảm giác hơi ớn lạnh. Đang đi, đột nhiên có thứ gì đó ngáng chân ông, làm ông ngã dúi dụi, đầu gối trầy cả ra, cái vết đạn cũ lại phát đau khiến ông nhăn mặt, cái tích rượu rơi ra, đập vào hòn đá ven đường vỡ choang một cái rõ to. Ông Tấn nhăn mặt, lắc đầu mà than:
– Thôi xong, thế là mất toi mấy đồng tiền rượu nhắm, mả cha cái gì ngang chân ông đấy?
Đoạn nói, ông cầm ngọn đuốc lên, soi ra phía sau để kiểm tra. Bất chợt, ông nhìn thì thấy nguyên một đoạn rễ cây to nhô khỏi mặt đất, băng ngang qua con đường đất nhỏ mà hướng thẳng về phía cổng nghĩa trang.
– Quái lạ, lúc đi mình nhớ là làm gì có cái rễ cây chắn ngang đường như này đâu nhỉ?. Ông Tấn nhíu mày mà thắc mắc.
Đang ngẩn ngơ trong mớ suy nghĩ hỗn độn, thì bất chợt, từ trên ngọn cây gạo, một cái bóng đen thùi lùi xuất hiện, lộn ngược người mà bò xuống, men theo cái rễ cây quái quỷ bò về phía cái cổng nghĩa trang. Ánh trăng, ánh lửa làm cho ông Tấn nhìn thấy rõ hình dáng của cái bóng đen ấy.
Đó là một hình dáng của một người phụ nữ với mái tóc dài xõa ngang, che kín mặt, nó vừa bò, vừa cười khúc khích khiến một người cứng vía như ông Tấn cũng rợn cả tóc gáy và ông thừa biết đó là cái gì. Nhưng với tư cách là một người lính từng vào sinh ra tử, ông không cho phép bản thân mình sợ hãi trước cái thứ kia. Thế là ông đứng thẳng vững chân, tay cầm nhắc ngọn đuốc, tay kia nắm đấm giơ lên thủ thế, quát lớn:
– Mày là đứa nào, chết rồi không yên lại đi phá người khác, mày tin ngày mai tao đào mồ tróc mả mày lên không? Tiên sư nhà mày! Sống làm khổ người nhà, chết còn làm phiền tao à? Tao chửi tông ti ba đời nhà mày lên, để thần đỏ nanh đỏ mỏ, đỏ vỏ đỏ mề, đỏ tí ong vang, đỏ vàng như nghệ nó đánh chết cha mày.
Cái thứ kia đang bò về phía nghĩa trang nghe thấy câu chửi của ông Tấn thì đứng khựng lại. Nó đổi hướng bò về phía ông Tấn, rồi nó từ từ đứng dậy đi bằng hai chân, hai tay giơ lên để lộ ra cái bàn tay đang rụng từng mảng thịt, có ngón tay còn trơ cả xương ra.
Ông Tấn cứng cỏi là thế, ấy vậy mà đứng trước cảnh tượng này cũng đứng sững lại, tiến không được mà chạy cũng chả xong. Đến lúc này, ông Tấn đã lường trước đến sự xấu nhất, thôi thì phen này liều chết với mày. Nhưng bất ngờ, cái thứ kia quay người rồi đi biệt tăm vào nghĩa địa. Lúc này, ông Tấn mới như được thả lỏng cơ thể mà ngồi bệt xuống, tim đập thình thịch, mồm thở gấp, mồ hôi vã ra như tắm.