Lát sau, bà tôi như sực nhớ ra điều gì, quay ra bảo với ông tôi:
– Có rồi mình ơi! Làng mình có một người theo nghề thầy pháp, là cụ Ninh, nhà ở đầu thôn.
– Cụ Ninh, có phải cái ông mà thọt chân, độ 60 tuổi phải không?
Ông tôi thắc mắc hỏi.
Bà tôi gật đầu. Giải pháp thì đã có, nhưng trước hết phải vượt qua đêm nay đã. Ông bà tôi đi kiểm tra, khóa cửa nẻo cẩn thận, rồi lên giường ngủ sớm. mặc kệ mâm bát vẫn để ngoài giếng chưa rửa. Mọi thứ cứ thế diễn ra êm đẹp, cho đến độ 3 giờ sáng. Đang ngủ, bỗng ông bà tôi bị tiếng của con vện đánh động mà tỉnh dậy.
Ông tôi tay cầm cây gậy, run run lại gần cửa sổ, hé mắt qua cái khe hở mà quan sát, cảnh tượng làm ông thấy toát cả mồ hôi, lạnh sống lung. Lúc ấy, con vện đanh quần thảo với một cái bóng trắng ở ngoài sân.
Cái bóng kia công kích thì con vện nhanh nhẹn tránh đòn rồi nhảy bổ lên vừa cào, vừa cắn dữ dội vào cái bóng trắng đó. Lát sau, dường như không đánh lại con vện, cái bóng trắng nhằm phía vườn vải mà chạy mất tăm. Con vện cũng mệt mà thở hổn hển rồi chạy vào lên hiên nhà nằm, như để cảnh giới những thứ không sạch sẽ có thể xâm phạm vào nhà bất cứ lúc nào.
Sau khi chứng kiến cảnh tượng đó, ông tôi càng vào sự tồn tại của cõi vô hình. Cả đêm đó, ông tôi không ngủ, ông cứ thức mãi mà suy nghĩ làm sao để bảo vệ gia đình khỏi những thứ không sạch sẽ ngoài kia. Chẳng mấy chốc, gà đã gáy, mặt trời cũng bắt đầu ló rạng đằng đông.
Sau bữa sáng hôm ấy, ông bà tôi đi về phía cuối thôn tìm nhà cụ Ninh thọt. Trước khi đi, bà cũng không quên dặn các bác tôi ở yên trong nhà, đóng cổng và tuyệt đối không được ra ngoài. Nhưng dường như mọi thứ đã được trời sắp đặt, muốn tránh cũng không được.
Khi gặp được cụ Ninh, ông bà tôi đã thuật lại chuyện mấy ngày hôm nay cho cụ nghe. Ông cụ Ninh đứng dậy, đi đi lại lại, vẻ mặt trầm ngâm như đang suy tính một điều gì đó. Một hồi lâu sau, ông mới nói:
– Nói thật với cô chú, chuyện nhà chú Tự tôi cũng biết rồi. tôi cũng đã lên trạm xá thăm thằng cu Bình, nghe nhà đó thuật lại chuyện tối đó rồi.
Cụ Ninh cầm cái chén chè lên nhấp một ngụm rồi nói tiếp:
– Thú thực với cô chú, con tà ở cái cây đa đó mạnh lắm, nó thành quỷ từ lâu lắm rồi, tôi từng đánh với nó để cứu một người đàn bà bị nó nhập. Phải cố sức lắm tôi mới đuổi được nó đi chứ không thể nào thu phục nó. Đó là chuyện của mười năm trước rồi, từ đó đến nay, đã có mười mấy người bị nó hại, tôi đoán pháp lực của nó cũng mạnh lên rất nhiều rồi, e là…
Thấy cụ Ninh có vẻ ngập ngừng, ông tôi mới mở lời:
– E là làm sao hả cụ?
– E là hiện tại, tôi cũng không phải đối thủ của nó. Thôi cô chú đưa tôi về nhà cô chú để tôi xem sao.
Ông bà tôi gật đầu, cùng thầy Ninh về nhà. Trên đường về, ba người gặp ông Tự đang dắt bác Bình về nhà. Thấy bác Bình, cụ Ninh lại gần hỏi han sức khỏe, thấy sắc mặt ổn định thì cũng gật đầu bảo ông Tự phải chăm sóc cẩn thận.
Ông Tự thấy cụ Ninh đi cùng ông bà tôi thì thắc mắc hỏi, cụ Ninh cũng thẳng thắn nói ra:
– Tôi qua nhà chú Bảo để kiểm tra cái cây đa, xem xem có thể giải quyết việc này ổn thỏa ngay không.
Nghe đến vậy, ông Tự bỗng chỗng nổi giận, ông nói với cụ Ninh bằng vẻ mặt hằm hằm:
– Còn giải quyết thế nào nữa cụ! Để cháu xách dao ra đốn cái cây đó là xong, để xem cái hình thù con ma con quỷ như nào.
– Chú bị dở người à, muốn chết hay sao mà đi chặt cái cây đó, mà tôi đố chú chặt được đấy, khéo chưa kịp đụng vào thì chú đã bị con quỷ vật cho méo mồm rồi.
Ông Tự nghe cụ Ninh tức giận nói vậy thì cũng im bặt, rồi mấy người cùng đường đi về luôn. Lúc đến nơi, bác Giao tôi hớt hải chạy ra, hổn hển mà nói:
– Thầy… thầy bu ơi! Em Lâm… em Lâm đi đâu mất rồi, con tìm không thấy.
Nghe vậy, ông bà tôi sững người, ông tôi giọng giận dữ mà rằng:
– Thầy đã bảo ba đứa chúng mày ở nhà trông thằng Phúc cơ mà, tuyệt đối không được ra ngoài cơ mà, soa mày lại để thằng Lâm ra ngoài hả con. Thế con Quỳnh đâu?
– Em Quỳnh đang bế cho em Phúc ngủ trong nhà, còn em Lâm, em bảo với con là đi tè nên con mới cho ra mà thầy.
Cụ Ninh đứng đứng bên cạnh, nghe vậy thì đưa tay lên bấm một quẻ. Rồi, sắc mặt cụ tối sầm lại:
– Chú im đi, mau đi tìm con đi nhanh lên, không thì không kịp mất, tôi bấm quẻ, là quẻ đại hung, nhanh lên, tìm đi.
Thế là mấy người chia nhau ra tìm. Tìm từ đồi vải xuống ruộng nhưng không thấy đâu, cả ông Tự, bà Mùi, ông Tấn cũng tìm nhưng bác Lâm vẫn bặt vô âm tín. Đến giữa trưa, mọi người mệt mỏi lắm rồi, chợt ông tôi nói to lên:
– Thôi đúng rồi, cây đa, mau ra đó tìm.
Thế là mọi người không quản nắng to chạy ra gốc cây đa. Thế rồi, điều xấu nhất đã xảy ra. Ông tôi phát hiện ra bác Lâm treo cổ trên cây đa bằng những nhánh rễ của cây đa, khuất phía sau cây. Điều kì lạ là chỗ bác bị treo là ở chỗ mà đến người lớn cũng rất khó để mà với tới.
Chứng kiến cảnh tượng đó, bà tôi khóc toáng lên rồi ngất lịm, ông tôi đứng cũng không kìm được nước mắt mà quỳ xuống ôm mặt khóc nức nở. Ông Tấn và ông Tự thấy thế, vội vàng trèo lên cây đa, tính gỡ bác tôi xuống thế nhưng làm cách gì cũng không thế gỡ mấy cái rễ đa ra:
– Cụ ơi! Mấy cái rễ đa này càng gỡ càng siết chặt, thằng bé không ổn rồi! Người nó cứng đơ rồi.
Cụ Ninh thấy vậy, không nói không rằng liền đi ra sau gốc đa làm gì đó. Được một lát thì ông Tấn và ông Tự cũng gỡ được bác tôi xuống, nhưng lúc này, bác tôi đã ngưng thở, người cứng đơ. Cụ Ninh vội chạy ra kiểm tra thì lắc đầu ngao ngán:
– Không kịp rồi. Thằng bé bị con nữ quỷ kia bắt hồn đi rồi. Thôi các chú giúp tôi đưa xác thằng bé về, đêm nay đến giờ đẹp mang đi chôn luôn, tôi sẽ tìm cách để lấy lại hồn phách cho thằng bé.