Chương Cuối:
Hơi thở chết chóc như lúc càng thêm gần, cả người bà Tâm bị một sức mạnh vô hình nhấc lên khỏi giường ngủ. Hai mắt của bà ta trợn trắng lên, mũi không ngừng thở dốc vì bị thiếu dưỡng khí. Bà Tâm cố gắng vùng vẫy, thế nhưng bây giờ bà ta chẳng khác gì con cá nằm trên thớt, bao nhiêu nổ lực thoát khỏi tay của đứa trẻ kia đều vô ích. Mà đứa trẻ kia, khi nhìn thấy bà đau đớn như vậy lại bày ra biểu cảm vui vẻ khôn xiết, tựa như bao nhiêu uất ức hận thù bấy lâu nay đều được đáp trả. Nó nhe hàm răng cười thật lớn, âm thanh đó rít qua từng ngõ ngách trong căn phòng, kèm theo tiếng cười là lực bóp của bàn tay mạnh thêm. Bấy giờ, bà Tâm cũng không còn sức để phản kháng nữa, cả người vô lực buông thõng hai tay, ánh mắt thẩn thờ như kẻ sắp cận kề cái chết.
Ngay lúc bà Tâm tưởng mình sẽ bị giết chết bởi đứa trẻ ma quỷ này thì bỗng nhiên giọng nói của thằng Phúc và ông Hạnh lại vang lên. Tiếp sau đó hai mắt bà Tâm như bị giật điện mà vội vàng mở ra, trên trán bà ta bấy giờ đã đổ đầy mồ hôi, gương mặt nhợt nhạt như bị đổ bệnh. Sau khi quan sát quanh chỗ ngủ một mình, lại trông thấy biểu cảm lo lắng của chồng thì bà ta mới chợt nhận ra đó chính là giấc mơ. Tuy đó chỉ là một cơn ác mộng, thế nhưng cho đến hiện tại trái tim vẫn đập rất mạnh bởi vì sợ hãi. Bà Tâm cứ ngỡ trong phút chốc ấy, bản thân mình sắp bị thứ kia giết chết. Ánh mắt bà ta bỗng dấy lên sự hận thù, nếu năm xưa bà ta diệt cỏ tận gốc, thì bây giờ làm gì có những chuyện rắc rối xảy ra, chỉ trách lúc ấy mềm lòng, giờ lại hối hận không kịp.
Thằng Phúc nhìn khuôn mặt của mẹ mình, bản thân không hiểu vì sao mà lại sởn gai ốc, nó cũng chẳng biết rõ từ lúc nào mẹ của mình lại có ánh mắt độc ác như vậy, từ bé đến lớn, đây là lần đầu tiên. Thằng Phúc biết, những chuyện quỷ quái xảy ra dạo gần đây ở trong làng, nhất định đều có liên quan đến mẹ của mình, thế nhưng cho dù nó có đi dò hỏi như thế nào thì cũng không thu được chút tin tức nào. Tựa như mọi thứ, ngay từ đầu đều không liên quan đến bà ấy! Thằng Phúc có chút nôn nóng, lỡ như đứa trẻ quỷ quái kia thật sự làm hại tới bà ấy hay gia đình nó thì sao? Bao nhiêu ý nghĩ kinh hoàng nảy ra, càng khiến thằng Phúc sợ hãi vô cùng.
Mà bà Tâm đâu biết, con trai mình đang nghi ngờ bản thân. Bà ta ngay tại lúc này chỉ muốn cái giếng hoang kia bị phá đi thật nhanh, để con quỷ ở dưới đáy không tìm đến bà ta nữa. Bà ta bỗng nhiên ngẩng đầu, cất cái giọng nói khản đặc hỏi:
“Khi nào cái giếng hoang mới bị phá?”
Ông Hạnh bị hỏi cũng ngẩn người, tại sao vợ của ông ấy lại quan tâm đến những chuyện này nhỉ. Mà kể ra cũng lạ, sao từ hồi cưới đến giờ bà ta luôn cấm gia đình tới gần cái giếng hoang kia, phải chăng bà ấy có điều gì giấu giếm hay là biết ở dưới giếng có thứ không sạch sẽ. Bao nhiêu nghi ngờ hiện lên trong tâm trí của ông Hạnh, thế nhưng xưa nay ông đều không hỏi nên chỉ để trong bụng nghĩ thầm.
Ông Hạnh trả lời:
“Ngày mai trưởng thôn sẽ dẫn đám trai làng ra ngoài đó lấp cái giếng hoang kia lại.”
Dứt lời, ông ấy bỗng lên tiếng:
“Bà năm mơ thấy ác mộng gì mà khi nãy la hét dữ vậy! Tôi gọi mãi mà bà không tỉnh, còn luôn miệng nói cái gì mà xin tha lỗi. Bà, bà làm chuyện gì sai sao?”
Bà Tâm bị hỏi thì giật mình, nhưng rất nhanh liền trở lại bình tĩnh mà trả lời.
“Dạo này trong làng có nhiều chuyện lạ làm tôi nhớ đến năm xưa có người chết ở dưới đấy! Tôi nằm mơ thấy cảnh tượng đó…”
Ông Hạnh thấy nổi sợ bủa vây trên gương mặt vợ thì cũng không dám hỏi nữa. Có lẽ kí ức năm xưa đã quá in sâu tâm trí của bà ấy, khiến cho bà ấy đến tận bây giờ vẫn không thể thoát ra được. Câu chuyện về cơn ác mộng kết thúc vào đêm ấy, thế nhưng mỗi người lại mang một suy nghĩ mà chìm vào giấc ngủ.
Sáng sớm ngày hôm sau, bà Tâm thức dậy chuẩn bị đồ đạc cho ông Hạnh từ rất sớm, trên gương mặt của bà ta lộ rõ nét vui vẻ không giấu được. Tất nhiên là phải vui rồi, cuối cùng cái thứ uy hiếp đến mạng sống của bà ta cũng biết mất hoàn toàn trên thế gian này, rồi từ đây về sau bà ta không cần phải sống thấp thỏm lo lắng nữa. Chỉ cần cái giếng bị lấp, mọi chuyện sẽ kết thúc nhanh thôi.
Trời bên ngoài rất nhanh đã có ánh sáng, đám thanh niên trong làng cũng đã lục đục cầm cuốc xẻng rủ nhau ra giếng hoang. Khác xa với bầu trời xanh mát ngày hôm qua, hôm nay không khí lại u ám đến lạ thường. Thấy giờ đã đến, ông Hạnh liền cùng với đám người lục đục lên đường. Tất nhiên là thằng Phúc đi theo, nó muốn tận mắt chứng kiến cái giếng bị lấp thì mới cảm thấy an toàn. Dạo gần đây nó cứ nằm thấy ác mộng, mà bà Tâm ở trong mơ lại gặp chuyện chẳng lành, qua đời rất thảm. Người ta luôn nói giấc mơ trái ngược với hiện thực, thế nhưng nó thật sự có cảm giác không lành. Trong lúc nó nơm nớp lo sợ, thì bà Tâm lại thản nhiên đội nón hòa vào đám đông đi theo dân làng.
Ra tới ngoài giếng hoang, bấy giờ ở nơi này đã nghi ngút khói hương, vụn tàn bay vất vưởng trong làn gió. Khi mọi người đã tới đông đủ, thì trưởng thôn cũng huy động mọi người cầm cuốc xẻng đến để phá cái tiếng. Thế nhưng, khi mọi người mới chuẩn bị xúc đất thì trên trời bỗng đổ mưa, mà cơn mưa này không hề nhỏ, gió thổi xung quang rất mạnh, thậm chí ở trên trời còn có sấm chớp. Cơn mưa lớn như đang ngăn cản sự việc mà mọi người sắp làm lúc này.
Dân làng thấy trời mưa như thác trút thì liền rủ nhau chạy đi kiếm chỗ trốn. Bà Tâm nhìn đám người đang dần thưa thớt, cuốc xẻng vẫn còn bị vứt ở trên miệng giếng thì bàn tay nắm chặt lại, nghiếng răng nghiếng lợi không thôi. Là nó, là do cái thứ kinh tởm kia, nhất định là do nó, nó muốn hại bà, nó muốn giết chết bà nên mới như vậy. Trong cơn mưa vội vã, lúc bà Tâm đang thù hận thì bất chợt bóng dáng của đứa trẻ kia lại thấp thoáng hiện lên. Nó nhìn bà ta, vẫn là nụ cười và ánh mắt oán hận, như thể đang khiêu khích chính bà ấy. Thế nhưng rất nhanh, bóng dáng kia liền biến mất dưới cơn mưa nặng hạt. Thằng Phúc đứng quan sát từ đầu tới cuối, cuối cùng chịu không nổi nữa mà tức giận chạy ra túm lấy bả vai bà Tâm.
Quát lên:
“Bà nói đi, rốt cuộc năm xưa bà đã làm những chuyện gì? Tại sao bây giờ lại trở nên như vậy…”
Ánh mắt bà Tâm lúc này đã như người không hồn. Bà ta thẩn thờ chỉ tay về phía cái tiếng, miệng không ngừng lẩm bẩm những câu khó hiểu:
“Là do nó, tao không làm gì cả! Là do nó hại đời tao, ba của nó hại tao… Cả hai chúng nó đều đáng chết, tụi nói đều phải chết.”
Nói đoạn, bà ta như kẻ điên mà lao đến cầm cuốc xúc đất đổ xuống dưới đáy giếng. Thế nhưng một người như bà ta thì có thể lấp được bao nhiêu chứ? Thằng Phúc chạy theo muốn ngăn cản, nó cảm thấy mẹ của mình lúc này chẳng khác gì kẻ điên cuồng. Ấy nhưng chưa chờ nó kịp đụng vào thì bà Tâm đã đưa tay tát mạnh lên mặt nó.
“Chát…”
Cái tiếng tát tai như muốn phá tan bầu không khí quỷ dị. Ánh mắt bà ta bất chợt nhìn về phía nó, mở miệng liền trách móc:
” Mà tất cả cũng tại mày, nếu mày không xé lá bùa kia thì đã không có chuyện này rồi. Cả mày và cả nó, tao hối hận vì tụi mày.”
Thằng Phúc vốn đã giận, nghe bà ta nói thế liền quay lưng bỏ đi một mạch. Sống chết cả bà ta, nó không muốn quan tâm đến nữa.
Mà sau khi bóng lưng của thằng Phúc biến mất, bà Tâm như sựt có lại tâm trí. Bà ta nhớ mình đã đánh con trai, nhưng tại sao, tại vì sao chứ. Lúc này, bà Tâm bỗng nhìn xuống đáy giếng sâu hun hút kia, một nỗi sợ không tên dâng lên từ đáy lòng, bà ta cảm thấy lạnh buốt xương sống. Tại sao trong tiếng mưa lớn này, bà ta lại nghe thấy xen lẫn âm thanh than khóc của em bé chứ. Mà tiếng khóc này, lại giống y chang với những cơn ác mộng năm ấy mà bà ta mơ thấy.
Tại sao…?
Bà Tâm càng lúc càng trở nên điên dại, chẳng hiểu sao cái âm thanh quái dị kia càng lúc lại càng thêm nhiều, khiến đầu óc của bà ta đau buốt. Không biết qua bao lâu, bà ta không chịu nổi nữa mà bịt chặt hai lỗ tai, quay đầu bỏ chạy. Dưới màn mưa lạnh lẽo, bóng dáng của bà Tâm dần dần khuất xa.
Còn thằng Phúc sau khi về làng, nó liền mang một bụng tức giận đi nhận một mạch đến đêm khuyu. Bởi vì thằng Tật đi chung đã say mèm nên thằng Phúc đành phải đưa về nhà. Thế mà khi đến trước cổng nhà, thằng Phúc nhìn thấy bố mẹ của thằng Tật đang ngồi lẩm bẩm gì đó. Bố của nó thì vẫn điên điên dại dại như vậy, còn mẹ nó thì lau nước mắt không ngừng, còn luôn miệng kêu nghiệp báo này nọ.
Khi thấy thằng Phúc, bà ấy bỗng nhiên im lặng, trong ánh mắt có chút oán trách làm cho bản thân thằng Phúc không thể hiểu nỗi. Lúc thằng Tật được đưa vào nhà, mẹ của nó bất ngờ gọi lại.
“Mẹ của mày sao rồi?”
Thằng Phúc thấy lạ lắm, cũng không hiểu sao bà ấy lại hỏi như vậy. Bởi vì bình thường hai người cũng không thân, thế nhưng chẳng hiểu sao nó lại lắc đầu đáp.
“Mẹ của cháu, không ổn cho lắm…”
Bấy giờ, mẹ của thằng Tật lắc đầu thở dài.
” Âu cũng là cái nghiệp, không thể thoát được đâu…”
Thằng Phúc nghe vậy liền hiểu rõ rằng bà ấy biết được chuyện này. Cái chuyện của bà Tâm và cái giếng hoang.
Thế là nó liền tiếp tục dò hỏi, ban đầu mẹ của thằng Tật còn từ chối không muốn nói, thế nhưng chẳng bao lâu dưới sự nài nỉ của thằng Phúc, cuối cùng bà ấy cũng kể ra toàn bộ sự việc năm ấy. Sở dĩ bà ấy biết được mọi chuyện, là bởi vì người thầy thuốc đã bán thuốc phá thai kia chính là người chồng đã bị điên này. Năm xưa, sau khi bà Tâm phá đi đứa trẻ kia, chồng của bà cũng nhiều lần nằm mơ thấy đứa trẻ dị tật đó. Bởi vì quá sợ hãi, nên sau khi gã Tỵ chết dưới đáy giếng, ông ấy liền đưa ý kiến mời thầy pháp cho bà Tâm. Cứ ngỡ sau khi nhốt cái oán hồn kia thì mọi sự đã xong xuôi, ấy thế nhưng ai lại ngờ được, vào một ngày vị thầy thuốc nổi tiếng khắp vùng kia lại phát điện, trở thành một kẻ tâm thần. Và tất nhiên những sự việc này, lại chẳng một ai biết ngoại trừ bà ấy.
Đến khi thằng Phúc bước ra khỏi nhà của thằng Tật, thì nó vẫn còn bàng hoàng không thôi. Thì ra, thì ra mọi chuyện là như vậy. Bởi vì thế nên từ bé đến lớn bà Tâm mới cấm nó đến gần cái giếng hoang kia. Thằng Phúc thật không ngờ, năm xưa lại có chuyện kinh khủng như vậy. Nhớ lại biểu cảm lúc chiều của bà Tâm, chẳng hiểu sao thằng Phúc có chút bồn chồn mà chạy thẳng về nhà mình. Thế nhưng ở đó ngoại trừ gương mặt lo lắng của ông Hạnh, thì cũng không thấy bóng dáng của bà Tâm ở đâu. Ngoài trời mưa vẫn lớn, một cảnh tượng đen kịt u ám khiến cho người nhìn khó thở.
Tiếp sau đó bà Tâm mất tích, như đã bốc hơi khỏi thế gian này, cho dù ông Hạnh và thằng Phúc có đi tìm bao nhiêu lâu cũng không thấy. Cho đến ngày thứ ba, cơn mưa ngớt dần rồi tạnh hẳn, lúc dân làng ra giếng hoang dọn dẹp cuốc xẻng thì phát hiện ra xác chết của bà Tâm. Mà xác chết của bà ấy, lại giống y chang với gã Tỵ năm xưa. Dân làng Cổ cũng không khỏi bàn tán về chuyện này. Chỉ có thằng Phúc hiểu, đó chính là cái nghiệp mà mẹ nó phải trả cho chuyện làm năm xưa.
Đám tang của bà Tâm diễn ra trong sự yên lặng, chỉ dăm ba nén hương và thăm viếng của hàng xóm. Cái ngày bà ấy được chôn cất xuống đất lạnh, thằng Phúc cũng kể lại toàn bộ mọi việc cho ông Hạnh nghe. Khi ấy, ông Hạnh ngồi tĩnh lặng bên mộ bà Tâm rất lâu sau đó lại lắc đầu thở dài. Rồi chẳng biết làm sao, ông Hạnh liền lên chùa ngày đêm lễ phật, có lẽ là muốn giúp cho người vợ chung chăn gối của mình ra đi thanh thản hơn.
Sau đám tang của bà Tâm, vị thầy pháp hồi trước bỗng nhiên trở về làng, lập bàn cũng để phá cái giếng hoang đi, nhưng ở chỗ đó lại lập lên một cái miếu nhỏ. Cũng chẳng biết để thờ ai, thế ngưng lúc nào cũng có hương khói mù mịt.
Thằng Phúc thắp vài nén nhang vào miếu, sau đó ngẩng đầu nhìn bầu trời. Miệng lại lẩm bẩm:
“Ngày hôm nay bầu trời xanh thật. Mong rằng mẹ ở nơi ấy, thật nhanh sám hối lỗi lần của mình, và nhanh chóng có một cuộc sống mới.”
Và cả, người anh trai bất hạnh kia nữa…
Mong rằng kiếp sau, anh sẽ đầu thai vào một gia đình thật sự yêu thương mình.