Chương 1: Về quê
“Hai, ba… hai ba…” Tiếng hô hào của mấy người đàn ông vang lên cả một vùng trời.
Chẳng là thế này, mấy tháng trước thằng cu Chiến con trai độc đinh của nhà ông Bộ mới ở trên thành phố về. Tính ra cũng đã cả mấy chục năm rồi gã mới quay trở lại cái nơi trôn rau cắt rốn này.
Chiến bây giờ đã là thanh niên cao lớn phổng phao, nghe nói còn mới tốt nghiệp thạc sĩ gì gì đó ở tuốt bên trời Tây. Lần này về là để lo hương hoả cho bà Bền, gớm thôi lúc còn tại thế thì chẳng ai dòm ai ngó. Vừa mới nằm xuống một cái là thi nhau nhận mang hương hoả về nhà để làm tròn cái đạo làm con.
Gớm, không phải nhà bà có cái miếng đất rộng thì ai nó thèm quay về cái xứ này.
Chiến lái con xế hộp màu trắng trông oách lắm, tới đầu làng đã nghe mấy bà hàng nước khen đáo để. Cũng đúng thôi, ở cái vùng chó ăn đá gà ăn sỏi này người người nhà nhà còn đang chật vật chạy ăn từng bữa, ai đã nhìn thấy xe xịn như thế bao giờ.
Bà Mẹo hàng nước thấy Chiến bước xuống từ xe sang liền đứng dậy, cười toe toét để lộ cả hàm răng đen nhánh như hạt na: “Cậu tìm ai, mà cái làng nghèo này có ai mà để cho cậu tìm?”
Chiến ngồi xuống chiếc ghế bằng tre được đóng thô xơ, vừa ngồi đã thấy được sự không chắc chắn của nó.
Bà Mẹo rót cho Chiến một cốc nước vối, ôi cái mùi quê hương không lẫn vào đâu được. Hương thơm ngào ngạt nhảy múa quanh đầu mũi khiến Chiến nhớ đến người bà nội quá cố của mình.
Ngày trước bà Bền cũng là một người nghiện nước vối, trong trí nhớ của gã thì hồi lên năm trước cửa nhà gã cũng có một cây lá vối cổ thụ to lắm. Mỗi sáng bà Bền lại hái một nắm thật to sau đó cho vào một cái siêu nước lớn, cứ như vậy là đủ uống cả ngày.
Chiến nhấp một ngụm cho ngọt giọng, cảm xúc trào lên làm hai mắt gã đỏ hoe. Ngày trước nếu gia đình không có lục đục thì khéo gã còn được sống với bà Bền lâu nữa. Bây giờ nghĩ lại Chiến không khỏi tự trách chính mình.
Bà Mẹo nhìn người thanh niên trước mặt trong bụng cũng lấy làm ngờ ngợ, phe phẩy cái quạt nan bà hỏi: “Cậu là con nhà ai nhỉ, tôi cứ thấy trông cậu quen quen.”
Đặt chén nước vối xuống cái bàn tre cũ kĩ, Chiến cười cười trả lời: “Cháu là Chiến con trai của ông Bộ, cháu bà Bền đây ạ!”
Bà Mẹo nghe thấy Chiến nói là cháu của bà Bền sắc mặt liền thay đổi, thái độ cũng không còn niềm nở như ban đầu. Bà quay sang thở dài một tiếng, đưa cái quạt xua xua mấy con ruồi đậu trên bàn nói bâng quơ: “Úi dồi bà Bền ơi là bà Bền, lúc bà còn sống thì làng xóm người ta trông, cơm ăn hai cữ hàng xóm nấu. Thế mà còn chưa 49 ngày đã hết đứa này tới đứa nọ về. Lúc sống còn chẳng ăn ai, chết rồi mâm cao cỗ đầy cho ruồi nó đậu.” Vừa nói bà Mẹo còn vừa đập mạnh cái quạt nan xuống bàn.
Tuy bà không nói đích danh nhưng Chiến biết bà Mẹo đang nói đến mình, cũng không tiện ở lại lâu gã đứng dậy lấy ra một đồng polime 500 nghìn chẵn đưa cho bà Mẹo.
“Bác cho cháu gửi tiền nước ạ!”
Bà Mẹo nhìn đồng 500 nghìn chẵn nhàn nhạt cười, miếng tràu trong miệng còn nhai nhóp nhép: “Cốc nước này của tôi có đáng bao nhiêu mà cậu đưa đồng tiền lớn như thế, già không có tiền thối lại cậu.”
Chiến gãi đầu gãi tai khách sáo nói: “Bác cứ cầm cả đi ạ, lâu ngày cháu không về làng mà không chuẩn bị quà cáp gì được thôi có chút gọi là…”
“Ôi cái thân già này mong gì quà cáp hả cậu, tiền cậu cứ cầm. Thiếu một cốc nước tôi cũng không đói, mà thêm một cốc nước cũng chẳng no.”
Trước sự kiên quyết của bà Mẹo, Chiến đành nhận lại tiền sau đó theo hướng nhà bà Bền mà đi.
“Ui dào càng cái dòng lắm tiền nhiều của lại càng tham.” Bà Mẹo bĩu môi, đưa tay vuốt hai bên mép bọt đã trắng toát.
Chiến men theo theo con đường đất đỏ mà đi, sau trận mưa ngày hôm qua con đường đất lại càng lầy lội. Gã đi chen vào vệ cỏ ven đường, trong lòng tức đến phải chửi thề mấy tiếng.
Mò mặt được tới nhà bà Bền cũng đã quá trưa, căn nhà nhỏ ọp ẹp còn vẹn nguyên như trong trí nhớ của gã. Có điều trông nó bây giờ đã tiêu điều xác xơ đi nhiều.
Căn nhà lá ba gian lọt thỏm giữa hai khóm tre già, sân gạch, chum nước nay đã bám đầy những rêu phong.
Chiến nhìn chốn xưa nay nhếch nhác không thành dạng thì lắc đầu ngao ngán, không phải nghe nói bà có mảnh đất này thì đời nào gã chịu quay về đây.
Vừa múc gáo nước trong chiếc chum ra rửa chân thì mùi hôi thối bốc lên làm gã choáng váng đầu óc. Bên trong cái chum có hẳn một con chuột chết chương đang thối inh cả lên.
Vứt đôi giày dính đầy đất đỏ ở bên ngoài, Chiến đẩy cánh cửa bước vào trong nhà. Cả căn nhà không có lấy một món đồ giá trị, đến cái cửa cũng chỉ được hàng xóm khép hờ vào mà thôi.
Giữa nhà có một cái bàn nhỏ gỗ đã mục, trên đó có tấm di ảnh đen trắng của bà Bền. Bên cạnh có một lon gạo cắm đầy những chân hương đã tắt từ bao giờ.
Chiến nhìn lại căn nhà mình từng ở nay đã xuống cấp nghiêm trọng không khỏi cảm thấy ghê tởm, gã tự hứa với mình sau này có tiền rồi sẽ bù đắp lại khoảng thời gian sống khổ cực ở đây. Lấy điện thoại di động ra định gọi thông báo cho Thắm nhưng điện thoại lại không có tín hiệu.
Hết cách gã phải tự thân vận động ở cái chốn này, đầu tiên Chiến bắt đầu sửa lại cái mái nhà dột này cái đã.
Mấy người hàng xóm thấy nhà bà Bền đột nhiên có người thì lấy làm lạ bèn chạy tới hóng chuyện.
Một người thấy Chiến đang chặt lá cọ thì nói vọng vào: “Thằng Chiến có phải không?”
Chiến mồ hôi nhễ nhại quay sang nhìn người đàn ông ở bên kia bờ rào đáp lại: “Vâng ạ!”
Người đàn ông bấy giờ mới đi vào, vui mừng không thôi: “Bác còn tưởng là ai sao lâu lắm mới thấy hả con?”
Chiến cười gượng: “Từ ngày bố mẹ cháu như thế cháu cũng theo mẹ lên thành phố, bà ấy cũng không cho cháu về quê. Lớn hơn thì cháu cứ lu bu chuyện học hành với công việc nên giờ mới có cơ hội về bác ạ! Nhưng vừa định về thì nghe tin bà cháu như vậy…”
Ông Yên vỗ nhẹ vai của Chiến vẻ cảm thông: “Ừ bác cũng biết thế, nhưng thôi về là tốt rồi. Tối sang nhà bác uống rượu, có con gà quê ngon lắm nhắm rượu thì hết bài luôn.”
“Vâng ạ!”
Buổi tối, sau khi tắm rửa sạch gã mới lật đật qua nhà ông Yên.
Nhà ông cũng không khá giả hơn là mấy, cả căn nhà chỉ có một cái bóng đèn sợi đốt chiếu sáng. Dưới đất chải một cái chiếu chỗ rách chỗ lành nhìn còn chẳng rõ.
Cái Hà mang lên một đĩa gà luộc đặt xuống mâm sau đó lại quay vào bếp. Khoảnh khắc nhìn thấy Hà hai mắt gã sáng lên như bắt được vàng, đôi nhãn cầu chòng chọc không chịu rời.
“Đây là?” Gã quay sang hỏi ông Yên.
Ông cười cười rót đầy rượu ra hai cái chén nói: “Nó là cái Hà con gái út nhà bác, hồi mày chuyển đi nó còn chưa đẻ không biết cũng phải.”
Gã gật đầu ra chiều đã hiểu, không ngờ ở cái nơi chó ăn đá gà ăn sỏi này lại có con gái đẹp như thế.
Hà nay vừa tròn 17, nước da trắng nõn mịn màng chẳng giống với con gái nông thôn. Môi vừa mọng vừa ướt át lại thêm đôi mắt biết cười, nói không phải ngoa chứ mấy đứa con gái thành phố khéo còn không bằng Hà. Quan trọng Hà lại còn non… Nghĩ đến đến đây Chiến đã thấy hưng phấn không thôi.
“Con mời bố mẹ, em mời anh ăn cơm ạ!” Giọng Hà nhẹ nhàng như suối chảy.
Chiến như chìm đắm trong mộng cảnh, từ đầu đến cuối cười không ngậm được mồm. Gắp cho Hà một miếng thịt gà gã nói: “Ăn đi cho mau lớn, cái út giờ chắc xinh nhất làng rồi đấy nhỉ?”
Hà nhận lấy miếng thịt gà cười đỏ mặt, từ cổ la hy cô chưa gặp ai lịch sự lại vui tính giống như gã. Mấy thằng choai choai trong xóm thấy Hà lúc nào cũng chỉ biết chọc ghẹo, chẳng nói được lời nào ra hồn bao giờ.
Gặp được gã tâm hồn của con bé như được gột rửa một cách sạch sẽ.
“Ui dời cái con này trông thế chứ đoảng lắm, anh Chiến xem trên thành phố có anh nào ế vợ tôi gả quách đi cho rồi!” Ông Yên khề khà vừa uống vừa nói.
Gã liếc đôi mắt nham hiểm qua nhìn Hà, sau đó lại quay sang nhìn ông Yên: “Bác cứ nói thế, em Hà xinh xắn dễ thương thế này có mà phải xích chó tận ngoài đầu ngõ ấy chứ?”
Cả gian phòng rộ lên tiếng cười trước nay hiếm thấy, cái Hà cũng vì thế mà có không ít thiện cảm với gã.
Hai người đàn ông ngồi khề khà mãi cho tới gần 10 giờ tối, thấy trời đã muộn ông Yên liền ngỏ ý mời Chiến ngủ lại một đêm.
“Theo bác thấy hay là anh cứ ngủ lại ở đây một đêm, chứ sang bên kia thì lấy chỗ đâu ra mà ngủ?”
Gã cười cười, trong lòng mừng như mở hội. Quả thực gã còn đang nghĩ cái nơi rách kia thì ngủ ở đâu được, lớ ngớ ban đêm rắn rết bò vào cắn cho chết tươi.
Nghĩ thì như vậy nhưng gã lại khách sáo từ chối: “Thôi bác ạ, bác mời cháu bữa cơm thịnh soạn như thế này cháu đã thấy biết ơn lắm rồi. Thôi thì cứ để cháu về bên nhà, nằm đất thôi thì cũng xong.”
“Thôi cứ ở bên này ngủ một hôm ngày mai hãy qua, hay là anh chê nhà chúng tôi thế?” Ông Yên nói nửa đùa nửa thật.
Thấy ông Yên cương quyết như vậy gã cũng ậm ờ đồng ý, như vậy vừa có tiếng lại vừa có miếng.
“Vậy thì cháu không khách sáo đâu ạ!”
Buổi đêm, gã nằm trên cái chõng tre ở gian nhà giữa trằn chọc mãi không sao ngủ được. Chẳng là bên ngoài không biết người nào vẫn còn đang quét sân, tiếng chổi que miết xuống nền bê tông kêu quẹt quẹt. Gã đau khổ bịt hai lỗ tai lại cố gắng vỗ về giấc ngủ, nhưng không biết thế nào gã càng bịt tiếng chổi miết càng to.
Bực mình, gã vục thốc người dậy để ra xem cái đứa dở hơi nào đêm hôm còn không chịu ngủ.