” Cho con gánh mẹ một lần , cả đời mẹ đã tảo tần gánh con . Cho con gánh mẹ đầu non , cả lòng mẹ đã gánh con biển trời ”
Bà Hạnh có ba người con , hai trai một gái tất cả đều đã lập gia đình riêng ở nội thành Hà Nội . Tâm là con trai lớn , Kha là đứa thứ hai cũng đã lấy vợ và ở tận quận Hoàng Mai . Sang là con gái út, mãi năm vừa rồi mới cùng chồng rời bỏ Quảng Ninh mà lên Hà Nội sinh sống .
Mấy chục năm về trước , bà Hạnh cũng là một đoá hoa xinh đẹp có tiếng trong vùng . Rồi theo tiếng gọi tình yêu mà nên duyên với chồng bà . Ở với nhau chưa được chục năm thì vào một đêm tối trời, ông bỏ bà mà đi . Chiếc thuyền bị bão đánh, vùi dập xác ông xuống lòng biển lạnh lẽo đúng ngày bà Hạnh trở dạ sinh hạ đứa con gái út là Sang .
Bà Hạnh goá chồng đã mấy chục năm , thương thân thì ít mà lo cho đàn con nheo nhóc thì nhiều nên mấy chục năm qua, bà ở vậy nuôi ba đứa ăn học nên người rồi lập gia lập thất .
Bà Hạnh vốn dĩ trước đây ở với người con gái út . Sau khi Sang lấy chồng thì chuyển hẳn lên Hà Nội , nên căn nhà gỗ ba gian chỉ còn bà thui thủi sống mà lo hương lửa cho chồng .
Bà Hạnh năm nay ngoài 70 tuổi , cái tuổi đáng lẽ được tịnh dưỡng, an nhàn bên đàn con, đàn cháu . Thì bà Hạnh vẫn phải nhai ra mò cua bắt ốc mà đổi chác miếng ăn qua ngày . Hàng xóm nhiều khi thấy tội lại mang cho bà khi thì củ khoai, bát gạo . Khi thì con cá, rổ trứng . Bà Hạnh cứ thế lủi thủi sống, như một bóng mờ ở cù lao này .
– Bà Hạnh ơi !!! Bà Hạnh !!!
Tiếng bà Tư hàng xóm gọi vọng sang từ cái rào tre ngăn cách hai ngôi nhà . Vốn dĩ biết bà Hạnh già , lại chỉ một mình trong căn nhà tre ba gian , nên lâu lâu bà hàng xóm vẫn qua bắt chuyện cho nhanh qua ngày đoạn tháng .
Bà Hạnh hai mắt đã mờ , lần từng bước khó nhọc ra hiên nhà đáp :
– Bà Tư đó à ? Sang đây … sang đây uống chén nước với tôi !
Bà Hạnh nói rồi lại dò dẫm lê cái lưng còng rạp mà ngồi xuống hiên nhà . Với tay lấy tích nước trà xanh ủ trong cái chăn mà chầm chậm rót hai bát nước chè vào hai cái bát đã ố vàng . Tiếng bà Tư hối hả ngoài sân :
– Ôi ! Cụ còn tâm trạng mà uống nước sao ? Lẹ … lẹ lên … chết đến nơi rồi cụ ơi !!!
Bà Hạnh đẩy nhẹ bát nước chè sang bên rồi ngước gương mặt nhăn nheo với hai hốc mắt trũng sâu mà rằng :
– Chết… ai chết hả bà Tư ?
Bà Tư ngồi xuống bưng chén nước trà nhấp một ngụm rồi ghé sát tai mà nói như gào lên vì biết bà Hạnh đã già , tai nghe lúc rõ , lúc không :
– Không ai chết cả ! Bão … Bão về ! Cụ nghe rõ chửa ?
Bà Hạnh hấp háy đôi mắt rồi ” à ” lên một tiếng .
– Bão … bão về hả ?
Bà Tư lại hét lớn :
– Bão !!! Bão về …. Bão to lắm , đánh đắm được cả con tàu lớn .
Bà Hạnh nhíu đôi lông mày bạc , chép chép miệng :
– Bão à ? Chết … chết thật !
Bà Tư tiếp :
– Thế mấy đứa con cụ đâu ? Thấy bảo chúng nó giàu sang , phát đạt lắm cơ mà ? Cụ bảo chúng nó đón cụ lên Hà Nội đi ! Trên đó không có bão đâu ! Ở lại đây bão đến đổ nhà như chơi . Đài báo là bão to lắm cụ ạ !
Bà Hạnh là ” à ” lên một tiếng , nhíu mày mà rằng :
– Bão … chỗ con tôi không có bão à ?
Bà Tư ngán ngẩm gào lên như quát :
– Cụ ơi là cụ ! Chúng nó ở tít thủ đô lấy đâu ra bão ? Ở đây là đầu sóng ngọn gió , mà nghe nói bão lớn lắm nên nhà tôi sắp chuyển vào chỗ thằng Cả tít ở Nam Định mà tránh rồi ! Tôi là tôi phải qua báo cho cụ một tiếng , cụ gọi chúng nó về đón cụ lên ! Ở đây là chết đấy !
Phải nói mấy lần bà Hạnh mới hiểu ra , bà dò dẫm quay vào nhà rồi lấy trong cái túi vải nâu sồng cũ kĩ ra một mảnh giấy trên đó có ghi rõ địa chỉ và số điện thoại của Kha – người con thứ của bà .
Bà Tư nheo mắt bấm số điện thoại của Kha rồi đưa lên tai nghe , gọi liền mấy cuộc khổn có ai bắt máy mới quay ra bảo :
– Chắc nó bận công việc rồi ! Thôi ,cụ cứ chuẩn bị đồ đạc sáng mai lên đó cho kịp . Tôi sẽ gọi báo cho nó sau ! Cụ nghe không ?
Bà Tư dặn dò thêm vài câu rồi cũng nhanh chóng trở về chuẩn bị gói ghém đồ đạc . Căn nhà ba gian của bà Hạnh cũng chẳng có gì to tác , hành lí chuẩn bị cũng chỉ có ba bộ quần áo , một đôi guốc và mấy chục bạc là số tiền bán cua của bà mấy hôm trước . Bà còn cẩn thận mang theo cả cái tấm hình trắng đen bằng cỡ bàn tay của chồng mà cẩn thận nhét vào giữa cái làn làm bằng cói đã ngả màu cũ kĩ .
Cả đêm hôm ấy bà Hạnh không ngủ . Mới tờ mờ sáng mà bà đã dò dẫm đi ra, đi vào hết sờ chum nước, lại ra gốc cây mít sờ nắn . Bà lưu luyến căn nhà này lắm , phần vì nó gắn với bà cả mấy chục năm , phần vì đâu đó vẫn còn những kỉ niệm còn sót lại trong tâm khảm bà , đùng một cái nói đi sao bà đành lòng .
Bà Tư đẩy cánh cổng tre đã xiêu vẹo một bên rồi bước hẳn vào trong . Thấy bà Hạnh đang lê la chỗ gốc mít, thì thảng thốt bảo :
– giusema lạy chúa tôi ! Sao cụ lại ra đây sớm thế ? Rồi chẳng may trúng gió độc mà lăn ra đấy thì làng xóm biết đằng nào mà lần . Đi ! Đi vào nhà ngay với tôi !
Bà Tư nói rồi dìu bà Hạnh vô nhà , sau khi hỏi han kĩ lưỡng , chắc rằng mảnh giấy ghi địa chỉ con trai bà vẫn nằm nguyên trong cái túi vải ghim chặt bằng cây kim băng ở cạp quần bà Hạnh thì bà Tư mới yên lòng mà rằng :
– Cụ ơi !!! Chiều tôi mới đi cơ ! Để tôi đưa cụ ra bến xe nhé ! Cụ cứ lên địa chỉ này , tôi gọi nó vẫn chưa được !
Bà Hạnh hấp háy đôi mắt rồi gật gật đầu . Buộc lại cái khăn Nhung trùm kín đầu và hai tai , bà Hạnh với tay giật giật cái ổ khoá mấy lần dù bà Tư đã nói đi nói lại là khoá kĩ lắm rồi .
Bà Tư còn thương tình nhét mấy trăm ngàn vào cái túi ở cạp quần bà Hạnh rồi đưa bà ra bến bắt xe đò . Còn cẩn thận dặn tài xế khi đến bến xe thì bắt xe ôm cho bà Hạnh đến đúng địa chỉ ghi trên tờ giấy này . Tiền nong thì bà Tư trả hết , lại cho thêm tài xế mấy đồng giấy bạc gọi là nhờ gã săn sóc bà cụ khi trên đường .
Bà Tư thấy tài xế dìu bà Hạnh ngồi vào hàng ghế đầu thì mới yên tâm quay chiếc Honda cũ kĩ đặng ra về , thì thoảng bên tai là giọng của bà Hạnh cất lên rõ mồn một :
– Tư ơi ! Chị ” đi ” nhé !