Năm giờ sáng hôm ấy, tiết trời vẫn đổ một màu đen như mực. Toàn khu phố vẫn chìm trong giấc ngủ mộng mị thì ánh đèn căn hộ nhà bà Dương đã bật sáng. Ngọc Ngà con dâu nhà bà Dương đã trở dậy làm bữa sáng cho cả nhà để kịp giờ đi làm sớm vì hôm nay có cuộc họp quan trọng. Đang cặm cụi chuẩn bị đồ ăn thì cô chợt dừng lại đưa mắt ra nhìn. Ngay bên ngoài cửa căn bếp sang trọng, con gái cô là Hà My đã trở dậy, tay vẫn ôm khư khư con gấu bông đồ chơi, đứng nhìn mẹ chằm chằm. Ngọc Ngà đặt cái tô thịt bằm xuống chiếc bàn ăn sơn một màu trắng tinh khôi rồi tiến lại hỏi nhỏ:
– Bé con ! Sao con thức dậy sớm thế? Ngủ đi nào! Vẫn còn sớm lắm!
Con bé con nghe thấy mẹ nói vậy thì không nói không rằng, chỉ ậm ừ tiếng gì đó trong cổ họng rồi lầm lũi xách con gấu bỏ về phòng. Con bé chợt dừng lại ở ngay chỗ cầu thang rồi chăm chăm nhìn vào một con bướm mới bay lạc vào nhà. Con Bướm có lẽ bị thương nên dù cố gắng đập cánh ba, bốn lần cũng không thể nào cất cánh.
Con bé con đứng chăm chăm nhìn những màu sắc bắt mắt trên cánh con Bướm rồi thích thú quỳ xuống ngắm nhìn. Đang định giơ tay ra chạm vào thì bất thần một bàn chân to tướng dẫm lên con Bướm. Một tiếng ” bẹp” vọng ra khô khốc kéo con bé trở lại thực tại. Ông nội con bé mới bước xuống từ cầu thang, không biết vô tình hay cố ý mà đạp trúng con Bướm tội nghiệp. Thoáng thấy nét mặt đứa cháu gái chùng lại, lão Nam tò mò nhấc chân rồi lẩm bẩm:
– Mấy giờ sáng rồi còn lang thang ra đây hả? Đi về phòng ngủ mau.
Con bé nghe tiếng ông nội quát thì chẳng nói chẳng rằng nhặt xác con Bướm rồi trở về phòng đóng cửa im ỉm. Hai tiếng đồng hồ sau, hai vợ chồng ông Nam, bà Dương đã trở dậy ăn sáng. Theo thói quen con bé My cũng ăn sáng để tiện giờ lên lớp mầm non. Chồng của Ngọc Ngà vẫn ngủ nướng, còn cô thì đang lục tục dọn dẹp trong bếp. Trên bàn ăn chỉ có hai vợ chồng bà Dương cùng đứa cháu gái là con bé My mới tròn năm tuổi.
Thoáng thấy con bé cháu ngồi gục mặt không ăn, ông Nam chau mày gắt nhẹ:
– Con kia! Sao mày không ăn sáng đi ?
Con bé vẫn gục mặt, tay đảo đảo bát cháo mà không đáp. Bà Dương thấy thái độ của cháu gái thì giận giữ lẩm bẩm:
– Mày cả ngày cứ lầm lì rồi trưng cái mặt sưng một đống ra thế hả? Đồ của nợ này!
Ngọc Ngà vừa trở lại bàn ăn, nghe thấy tiếng mẹ chồng gằn hắt con bé thì bực mình phản đối:
– Mẹ ! Cháu nó còn nhỏ, mẹ đừng nói cháu thế!
Bà Dương bĩu môi:
– Ối dào ơi! Trước mẹ tôi cũng bảo tôi thế đấy! Có làm sao đâu mà chị cứ vẽ chuyện!
Ngọc Ngà giận tím mặt nhưng lặng im không đáp, cô tiến lại gần con gái rồi ân cần hỏi han:
– Bé con! Con sao lại không ăn sáng? Đồ ăn không hợp hay là trong người không khoẻ vậy?
Con bé nhìn mẹ mình mấy giây rồi vẫn giữ thái độ lạnh nhạt đó không đáp. Nó đẩy ghế đứng lên bỏ về phòng. Bà Dương thấy thế thì lẩm bẩm:
– Nói nặng nhẹ mấy câu là lại lầm lì, thái độ. Cô chiều con mình quá rồi nó sinh hư đấy !
Sau khi chuẩn bị đồ đạc xong xuôi, Ngọc Ngà bèn dắt con gái đi học. Chưa ra khỏi cửa thì tiếng mẹ chồng đã vọng ra:
– Làm gì làm tối đừng có tăng ca! Suốt ngày chỉ biết công việc, riết rồi cô không đặt cái nhà trong mắt nữa !
Ngọc Ngà với lấy bọc cơm trưa của con gái trên bàn rồi nhỏ nhẹ:
– Cơm trưa con đã nấu sẵn rồi. Khi nào ăn thì mẹ hâm nóng lên. Chào cha mẹ, con đưa cháu lên lớp.
Cánh cửa gỗ bóng loáng nước sơn vừa đóng lại, tiếng bà Dương mẹ chồng cô vẫn vọng ra trách cứ:
– Đàn bà con gái thì an phận ở nhà đi, cứ đâm đầu đi làm gì không biết!