Nằm bên dòng sông Cả, làng Bến Hoà có cuộc sống luôn bình lặng như dòng Cả hiền hòa chảy quanh làng. Thế mà cách đây hơn ba mươi lăm năm, đã xảy ra một vụ án khủng khiếp còn được kể cho đến tận bây giờ. Không có đốt nhà giết người, không máu chảy đầu rơi, nhưng đó là tội ác thuộc loại táng tận lương tâm: Đào trộm mồ mả, làm cho người chết cũng không được yên thân.
Ngược dòng thời gian về ba mươi lăm năm trước , tức là những năm một ngàn tám trăm , một ngàn tám trăm lẻ một . Câu chuyện báo oán tháng cô hồn và ngôi làng đất độc sẽ dần được hé lộ khi tôi có dịp được nghe ông cố tôi kể lại từ những việc chính mắt ông được thấy , chính tai ông được nghe và cả dân làng vẫn còn đồn nhau cho tới tận bây giờ
Những năm một ngàn tám trăm trở về trước , làng Bến Hoà vẫn chìm trong chế độ phong kiến tăm tối . Trong làng hơn một ngàn hộ dân thì có tới chín phần mười là dân cùng đinh và tuyệt nhiên không hề biết chữ .Người dân làng Bến Hoà quanh nǎm tay lấm chân bùn, đầu tắt mặt tối, nhưng vẫn nghèo khổ. Địa chủ thì không nhắc chân động tay, mà lại cửa cao nhà rộng, phú quý phong lưu, kẻ hầu người hạ , ăn trên ngồi trốc vì hầu như đất đai của nả đều nằm trong tay họ .
Thói đời , người nghèo thì loay hoay thế nào cũng không đổi vận , kẻ giàu có thì cứ thìa vàng thìa bạc . Làng Bến Hoà cũng không thoát khỏi cái bóng của tàn dư chế độ đó . Hay như người ta vẫn thường nói với nhau rằng ” con quan thì lại làm quan , con sãi ờ chùa thì quét lá đa ” quả không sai !
Đêm hôm ấy trời mưa rả rích lê thê , kéo theo từng cơn gió thổi từng chặp đang vần vũ trên tầng không . Trời càng về khuya càng lạnh , trên con đường độc mộc dẫn ra nghĩa trang làng Bến, lúc nửa đêm không một bóng người lai vãng, lâu lâu chỉ có tiếng ếch nhái , ễnh ương kêu lên từng chặp . Xen lẫn vào đó là tiếng cú mèo đi ăn đêm lâu lâu gào lên những tiếng quái dị càng làm cho không gian thêm phần u ám và có phần bức bách , ngột ngạt lắm .
Tiết trời vào mùa đông cuối tháng mười một của miền Bắc rét cắt da cắt thịt , lại thêm từng đợt mưa phùn gió bấc càng làm cho cái không khí cực kì lạnh lẽo . Con đường dẫn ra nghĩa trang cạnh cánh đồng đầu làng vốn đã ít người qua lại , nay lại càng vắng lặng, u uất chỉ còn bóng một người đàn ông cắm cúi nhắm thẳng một ngôi mộ cuối nghĩa địa mà tiến bước . Người đó chẳng phải ai xa lạ mà chính là Bảy Săm – một tên cùng đinh mạt hạng nhất trong làng.
Nghĩa địa làng Bến lố nhố hàng trăm ngôi mộ đủ hình , đủ cỡ đang phơi mình dưới mưa gió . Một màn đêm đen đặc , lạnh cóng và ướt nhẹp, làm đám bùn lầy dẫn vào ngôi mộ mới chôn chiều nay, ở vị trí nằm khuất sâu cuối nghĩa địa trở nên nhơ nhớp và bó chặt lấy bước chân của gã . Mặc kệ rét buốt xộc vào tận gan phổi , Bảy Săm xăm xăm tiến về cuối nghĩa địa cho kịp giờ , vì hôm nay là ngày quyết định để hành sự – ngày đầu tiên hạ thổ chôn bà Tình. Một người vợ của phú hộ giàu có nhất trong vùng là lão Hoàng Nam, mới chết khi mới ngoài ba lăm , ba sáu tuổi .
Kể thêm về Bảy Săm . Nói hắn là kẻ bần cùng mạt hạng nhất trong cái làng Bến Hoà này kể cũng không oan . Cha hắn mất khi đang đi làm mướn ở bên kia thôn làng , cách làng Bến những mấy chục dặm , đúng ngày Bảy Săm cất tiếng khóc chào đời . Mẹ hắn vì thương chồng nên nửa đêm mưa gió sức cùng lực kiệt , mặc kệ lời khuyên ngăn của hàng xóm mà lao đi nhận xác chồng và cũng mất tích ở cánh rừng rậm rạp .
Người dân trong làng mẹ hắn bị ông thần Hổ bắt đi vì dám phạm vào chốn u mình , rừng thiêng nước độc . Thành thử dạo ấy , dân làng thay nhau bữa cháo , bữa rau , lại cậy nhờ mấy người đàn bà đang cho con bú mà cứu sống được tính mạng hắn .
Nhưng người dân làng Bến dạo đó nào có giàu có gì ! Đến miếng ăn, miếng mặc còn đang quay quắt từng ngày thì làm sao họ có thể đèo bồng thêm một miệng ăn . Người thương tình thì cưu mang dăm bữa , kẻ bần cùng chỉ góp được củ khoai , cái sắn mà thôi . Nên dân làng bàn nhau đưa hắn lên chùa , những mong hồng ân đức Phật che chở bảo bọc mà cứu lấy cuộc đời đứa trẻ tội nghiệp .
Ở với sư trụ trì đến năm mười hai tuổi thì hắn trốn đi . Dường như kinh phật mà sư trụ trì ra sức giảng dạy chẳng ngấm được vào đầu hắn , hắn chỉ vui thích với đám trẻ con trong làng trong những lần trộm chuối , bẻ ngô hay chọc phá bà con làng Bến . Sư trụ trì trách phạt và bắt hắn chay tịnh ghê lắm , cực chẳng đã hắn lựa một đêm mưa gió tối trời , lúc sư trụ trì và các tiểu đồng đang ngủ mà lẻn vào chính điện trộm cắp được mấy đạo sắc phong, hai cái đỉnh đồng cùng một khúc trầm rồi bỏ đi mất dạng
Mười hai tuổi nhưng hắn có phần khôn ranh hơn hẳn so với đám bạn cùng trang lứa . Lão bá hộ Kha trong một lần đi thúc giục đám người làm thấy hắn đang hì hục be bờ bắt cá thì dụ dỗ ngon ngọt bảo hắn về ở đợ vì thiếu chân hầu điếu đóm trong những lần lão ngồi chầu tổ tôm hay khi lão cần chân chạy vặt việc nhà . Cái khôn ranh của thằng bé mười hai tuổi cũng không thể giúp hắn nhận ra được âm mưu của con cáo già nổi tiếng quỷ quyệt ở cái làng này . Lại nghe lão bá hộ nói cơm trắng ba bữa , một năm hai quan tiền thì hắn bỏ hẳn cái bờ đang đắp dở mà lạy lục xin theo hầu
Đã mấy lần hắn tính chuồn đi nhưng ngặt nỗi lão Kha ra bảo tiền công một năm trả một lần , nếu nó dám bỏ đi thì không được một hào , một cắc nào từ lão . Cực chẳng đã nó bèn bấm bụng ở lại .
Chiều hôm ấy , vì mải mê chơi đánh trận giả với đám trẻ con trong làng ở bãi bồi ven sông mà hắn để đàn trâu hơn hai chục con béo múp sang tàn phá ruộng ngô của bà hộ Nhân , một bá hộ cũng khét tiếng độc ác ở cái làng này . Thành thử lão Kha phải cắn răng đền hai lạng bạc , đúng bằng số hoa màu mà đàn trâu đã dẫm nát. Lão Kha điên máu đánh cho hắn một trận thập tử nhất sinh rồi bỏ đói mấy ngày, lần đó tưởng hắn chết hẳn. Chị bếp thương tình lâu lâu dúi cho hắn nắm cơm cháy thừa nên mới qua cơn bĩ cực đó .
Bẵng đi một tuần thì nhà lão bá hộ Kha có tang . Ấy là ông cụ thân sinh ra lão chẳng hiểu lí do gì đang hồng hào khoẻ mạnh lại lăn đùng ra chết, người ăn kẻ ở trong nhà và gia quyến lão Kha thương tiếc ông cụ lắm , có lẽ chỉ có hắn là hả hê . Có thể nói ông cụ thân sinh ra lão Kha là một người tốt , sống có tính cảm và vô cùng nhân nghĩa . Trong thôn được lòng rất nhiều người , và con cháu trong nhà xem như cũng có hiếu thuận . Ông cụ ngoài chín mươi tuổi nhưng đi đứng bình thường và vô cùng minh mẫn thì đột nhiên trúng gió . Một người khoẻ mạnh đang sống bình thường đột ngột lăn ra chết thì có gì đó đáng sợ lắm .
Lớ ngớ thế nào hắn được lão chỉ định cho cái chân canh quan tài trong gian phòng thờ, ở cách nhà chính chừng hai , ba chục bước chân và tối om như mực.Theo phong tục ngàn đời nay , người chết phải để trong nhà trong ba ngày rồi mới được đem đi chôn cất . Nhà lão Kha hôm ấy khăn tang trắng rợp nhà . Dân làng Bến Hoà có một tập tục, là khi có người chết đặt trong nhà , thì con cháu phải thắp hai ngọn đèn cầy màu trắng , to cỡ bắp chân người . Trong ba ngày hai đêm phải đặt ở đầu quan tài và tuyệt đối không được để tắt .
Người làng Bến gọi đó là đèn trường thọ , và quan niệm trong hai ngày ba đêm đó , nếu hai cây đèn cầy không tắt thì con cháu sau này phát đạt . Rủi nếu hai cây đèn cầy mà tắt thì chắc chắn sau này gia môn bất hạnh, con cháu tan đàn sẻ nghé . Vì lẽ đó mà dù khách khứa đến phân ưu đông lắm vì gia đình nhà lão Kha vốn là một gia thế có tiếng đã lâu , nên dù bận rộn cỡ nào vẫn luôn canh cử người ở cạnh , nhằm bảo vệ hai cây đèn cầy không bao giờ tắt .
Ngày cuối cùng của tang lễ, mọi người trong nhà đã mệt mỏi lắm , nên thay phiên nhau đi nghỉ . Chỉ còn một mình Bảy Săm được cắt cử trông coi . Ngồi trong căn phòng chỉ có ánh đuốc lập loè , và ánh sáng leo lắt của hai ngọn đèn trường thọ làm bằng sáp trắng, đặt cố định trên đầu quan tài . Trong cái không gian u tịch đó , chẳng biết làm gì , lại thêm cái tính thù hận vì trận đòn tuần trước làm thân thể vẫn đau buốt từng chặp nên hắn cay cú mon men tiến lại gần rồi thổi tắt luôn hai cây đèn cầy đó .
Hắn tính nhân lúc cả nhà lão Kha ngủ sẽ lẻn vô buồng mà trộm ít của nả rồi chuồn luôn khỏi cái làng này nhưng người tính không bằng trời tính . Ấy là lão Kha bỗng dưng mắc tiểu vì chầu rượu phân ưu với quan khách suốt cả ngày , nên nửa đêm dậy đi nhà xí . Run rủi thế nào lại thấy hắn đang mon men tiến vào thư phòng, lại thấy hai ngọn đèn trường thọ đã tắt tự bao giờ nên điên máu hô đám gia nhân đánh cho hắn một trận thừa sống thiếu chết, rồi cho hắn rũ tù vì nghe đâu lão đã hối lộ quan trên đến mấy lạng vàng.
Sau năm năm ngồi tù , hắn lại trở lại làng . Vẫn cái bản tính tắt mắt , đầu trộm đuôi cướp lại mang cái danh ở tù nên hắn chẳng kiêng dè ai. Hắn chửi làng, chửi xóm , gặp ai hắn cũng chửi. Đã vậy lúc trong tù hắn còn học được ngón nghề đạo chích , chỉ cần nhà nào sơ sẩy ra là hắn trộm .
Hắn trộm từ con gà , con chó , đến đấu thóc nhà ai hở ra không canh hắn cũng nẫng đi mất . Hắn lại có cái tài mở khoá , nhà ai không canh chừng thì chỉ nửa khắc dù khoá có khó cỡ nào hắn chỉ cần búng tay cái là xong . Gia chủ chỉ có ngồi mà khóc ròng.
Trộm được tiền rồi thì hắn lại lao vào bài bạc và chẳng mấy chốc lại mất sạch , hết tiền rồi hắn lại chặn đường một người nào đó mà hằm hè xin đểu vài xu đi mua rượu . Hắn say triền miên , say là hắn chửi . Nhưng dân làng Bến chẳng ai thèm dây vào hắn .Người ta vẫn bảo với nhau rằng , ở làng Bến ngoài đám chánh tổng , cường hào thì loại thứ hai mà họ không dám dây vào đó là thằng Bảy Săm .
Nói thêm về buổi chiều định mệnh đó , lúc hắn đang lê la tại mấy quán thịt chó ở ngay khúc đê giáp ranh ba làng Bến Hoà – An Bài – Trung Thành thì hắn nghe được một tin quan trọng đó là bà bá hộ Tình , vợ thứ tám của quan sở tại Hoàng Nam đột ngột qua đời ở cái tuổi mới ngoài ba mươi .
Mấy tay bợm nhậu rỉ tai nhau rằng gia quyến thương tiếc bà ta lắm , lại cho táng theo bao nhiêu vàng bạc chôn cùng và chiều nay sẽ chôn cất . Bảy Săm chỉ im lặng lắng tai nghe tuyệt không tham gia bàn bạc vào đám ồn ào đó . Ngửa cổ nốc cạn ly rượu đế rồi lầm lũi nhắm hướng giao lộ sang làng An Bài mà đi mất dạng