Người ta không hiểu vì lí do gì mà sau ba tháng rời làng , Bảy Săm quay lại và trở nên giàu có lắm . Đến mức đám chánh tổng , hương thân trong làng đều phải khép nép nịnh bợ mỗi khi hắn xuất hiện . Dân làng đồn nhau hắn trúng mẻ trầm hương nên mới lên đời nhanh đến vậy .
Từ một thằng tứ cố vô thân , đầu trộm đuôi cướp . Bảy Săm nghiễm nhiên được xếp vào hàng danh gia vọng tộc trong làng , hắn xây một căn nhà gỗ bề thế gấp mấy lần nhà lão Chánh , gia nhân trong nhà , kẻ hầu người hạ có chiều tấp nập lắm . Hắn lại cưới được cô vợ hết sức xinh đẹp tên là Quỳnh Nga, vốn là một ca nương của Thanh Loan đoàn – đoàn ca kĩ nổi tiếng nhất mạn đồng bằng dạo đó .
Hắn không tiếc tay chi ra năm mươi lạng vàng mà mua đứt cô ả về làm vợ , khiến nhiều kẻ sinh lòng đố kị lắm . Nhưng đố kị thôi thì làm gì được ? Tiền hắn nhiều như quân nguyên thử hỏi ở cái làng toàn cùng đinh này ai ai mà dám động chạm tới hắn ? Rồi tới cửa quan thì chỉ có thiệt thân
Mụ Nga ngoài mặt thì xinh đẹp như hoa nhưng lòng dạ thì độc ác , hẹp hòi có phần còn hơn cả hắn . Ăn bớt tiền công , đánh đập kẻ hầu người hạ dường như đã trở thành một thói quen ăn sâu vào máu mụ . Vậy nên đám gia nhân trong nhà sợ hắn ba phần , thì sợ mụ bảy tám phần . Kể đâu xa , con Trâm người ở năm nay mới mười hai tuổi được mụ mua về làm đứa hầu . Hôm đó đói quá mới ăn vụng một miếng giò lúc sắp cơm . Mụ Nga ngồi chống chân xếp bằng rồi rút chiếc đũa đang ngậm trong miệng ra đếm , chỉ vài giây sau đã hầm hầm đập tay lên cái sập sáng loáng nước sơn rồi gầm lên quát lớn :
– Rõ ràng sáng nay tao đếm còn mười hai miếng , sao bây giờ chỉ còn có mười một ? Mất đi đâu một miếng ? Hả ?
Vốn biết tính chủ mình cay nghiệt độc ác , nên con Trâm hãi quá quỳ mọp xuống lạy như tế sao mà lắp bắp :
– Con xin bà ! Con lạy bà . Con đói quá nên trót ăn vụng . Con xin bà tha cho con .
Mụ Nga hầm hầm sắc mặt lao hẳn xuống cái phản mà giật tóc con hầu rồi vả đôm đốp vào mặt mà rít lên qua kẽ răng :
– Á à ! Con cùng đinh mạt kiếp này , mày còn giám ăn trước của vợ chồng bà à ?
Cứ một tiếng gầm lên là một cái bạt tay giáng xuống làm con bé mười hai tuổi thân hình gầy nhẳng như ma đói co rúm cả lại mà luôn mồm van xin . Bảy Săm cũng điên tiết không kém gì mụ vợ nên gầm lên :
– Đánh ! Đánh bỏ mẹ cái thứ mất dạy ngồi lên đầu chủ ! Nuôi ong tay áo có ngày có dẫn cướp vào giết sạch cái nhà này không biết chừng ! Đánh ! Đánh mạnh vào cho nó bỏ cái thói trộm cắp !
Chẳng hiểu trong cơn điên máu không kìm lại được , hay con bé người ở không còn sức chống cự mà cái tát thứ mười bốn của mụ Nga vừa cật lực giáng xuống thì con bé ngã bật về sau , đầu đập vào bậc đá ở cửa làm máu chảy ra chan hoà đỏ lòm nền gach . Con bé giãy giụa mấy cái rồi chết không kịp nhắm mắt .
Vậy mà chỉ tốn mấy chục quan tiền mọi việc đã xử lí êm xuôi . Dân làng lúc đó mới biết cái uy quyền của nhà hắn . Nên nhất mực ai ai, nếu chẳng may gặp hắn đi trên đường đều cúi rạp người mà một câu ” bẩm ông ” hai câu ” bẩm ông ” dù năm đó hắn còn trẻ lắm .
Hắn thích đóng vai khệnh khạng và già trước tuổi . Và càng thích hơn khi dân làng này và mấy làng khác khi nghe đến danh lão thì từ bọn đầu trộm đuôi cướp , tới đám hủ nho quanh năm thơ phú đều e dè mấy phần . Vì sao ư ? Vì hắn có tiền ! Cửa quan cũng như nhà hắn vậy . Hai vợ chồng ác bá đó vẫn sống oai vệ và hách dịch giữa cái làng chín phần mười mà nghèo đói này. Nhưng ở đời luật nhân quả có chừa một ai ? Lưới trời lồng lộng , tuy thưa mà khó thoát . Chỉ có điều nhân quả đôi khi thường đến chậm nên những kẻ như hắn mãi mãi không thể tỉnh ngộ .
Bẵng đi ba mươi năm sau
Bảy Săm lúc này đã ngót nghét năm mươi tuổi . Hắn và vợ mình là mụ Nga có với nhau hai người con một trai, một gái . Đứa lớn là thằng Toàn năm nay hai mươi lăm, đã lấy vợ và được lão cất cho một căn nhà ở ngoài huyện lị , đứa con gái Út là cái Chanh thì đang theo học ở tận trên tỉnh . Lão Bảy Săm lấy cái nghề cho vay nặng lãi và tiền thuê ruộng mà tích cóp làm giàu , vợ lão thì ma mãnh hơn chỉ mua khi cuối mùa và bán ra khi giáp hạt . Vì thế nên nhà lão đã giàu còn giàu hơn . Dân làng đồn nhau lão Bảy có cả chục rương vàng giấu ở trong buồng lúc nào cũng có gia nhân và mấy con chó canh giữ .
Ba mươi năm giãi dầu , Ở cái làng Bến Hoà lúc này đã có hơn hai ngàn hộ dân nhưng chín phần mười đều là dân cùng đinh , chữ bẻ đôi không biết . Quyền lực và của cải trong làng đều dồn hết vào tay của mấy tên địa chủ , cường hào ác bá đương thời nổi bật hơn hẳn chính là gia đình lão. Người dân đa phần là làm thuê , làm mướn để đắp đổi miếng ăn qua ngày . Lại rơi vào cái thời buổi đói kém , loạn lạc nên số phận cái kiến, con sâu càng bế tắc đến cùng cực .
Dạo đó , con sông Cả quanh năm cung cấp nước tưới tiêu cho mấy trăm mẫu ruộng trong làng không hiểu vì lí do gì tự dưng trơ cạn cả đáy. Ba tháng ròng rã cây cối hoa màu không thể lớn lên được , lương thực khan hiếm , kiếm miếng cơm củ sắn mà nhét đầy bụng nghe chừng khó khăn lắm .
Ba tháng trước thì gia đình nào có tiền cũng có thể ngẩng cao đầu mà hưởng sự sung túc trong khi loạn lạc. Vật đổi sao giời , con tạo xoay vần mà đùng một cái , chồng chồng lớp lớp tai hoạ đổ xuống cái làng hiền hoà này .
Cho đến bây giờ thì dù có tiền cũng chẳng thể mua nổi gạo, tiền vàng để mốc trong nhà mà không dùng được. Phú hộ hay kẻ giàu có, thành ra cũng chẳng khác gì dân đen chân đất mắt toét, lắm khi còn phải tha hương cầu thực, đại nạn đó lại rơi đúng vào đầu tháng 7 mở cửa mả nên bức tranh làng Bến hệt như ma đói với xác chết đầy đường, kẻ thoi thóp nằm lăn ra la liệt . Nhưng không hiểu tại sao nhàn lão phú hộ Bảy Săm vẫn đàn ca sáo nhị , ăn chơi hưởng lạc có phần ghê gớm lắm
Vợ chồng lão nhân cảnh đói kém lầm than mới bày ra cái trò bán gạo đổi đất . Nghĩa là cứ năm đấu gạo thì đổi ra một mảnh ruộng . Đám hương thân đành cắn răng cắt đất cho lão để đắp đổi miếng ăn qua ngày đặng qua cơn bĩ cực . Tất nhiên văn tự giấy tờ phải được hai bên điểm chỉ cẩn thận và có triện của cửa quan đói kém . Nên chỉ ba bốn ngày , lão thu về bao nhiêu của nả
Còn những người cùng đân không tấc đất cắm dùi thì chỉ phủ phục nằm chờ chết . Nếu vô phúc có kẻ to gan lớn mật nào dám mon men đến cửa nhà lão xin ăn thì lão sai người đuổi thẳng cổ hoặc đánh cho bằng chết . Lão thường tâm niệm rằng thời buổi đói kém , ma nhiều hơn người này nếu không muốn bị người ta ăn xương uống máu, thì dẫu cho có là bạn bè thì lão cũng giết. Mình thương tình nó thì mình cũng chết, cho nó ăn không khác gì đem máu thịt của mình ra mà chiêu đãi. Sống bữa nay bữa mai, biết thế nào mà làm phúc cho thiên hạ, chỉ làm cho kẻ biếng nhác được dịp hưởng thụ, lũ sâu mọt thì mục kiếp vẫn là sâu mọt không thể tồn tại trên đời.