Câu chuyện này xảy ra cách đây đã ngót 17 năm. Từ khi mà em còn là một thằng trẻ trâu học lớp 8, năm đó là năm 2006… Hôm nay nhân 1 đêm trăng thanh gió mát, trời thì trong và khắp nơi là những tiếng sáo diều vi vu.. lúc em cầm máy viết những cái dòng tâm sự này lên thì trùng hợp là ở khúc sông làng em ngoài kia nước đang về… nước về… bây giờ thì gọi là nước về chứ trước đây thì gọi là lũ. Tâm sự qua với các bác một tí là quê em nằm ở khu vực trung du miền núi, nói là trung du miền núi nhưng thực ra lại giáp với đất Sóc Sơn của thủ đô Hà Nội, chỉ cách Sóc Sơn có 1 con sông và 1 cây cầu. Là Sông Cầu, hay có tên gọi khác mỹ miều hơn là sông Như Nguyệt đấy các bác ạ … Quê em ở Bắc Giang. Nói đến Bắc Giang thì chắc nhiều bác sẽ nghĩ ngay đến đặc sản vải thiều Lục Ngạn, bánh đa Kế, hay là rượu làng Vân ý nhỉ??? Cơ mà đó là đặc sản của những huyện khác. Những huyện cách nhà em xa nhà em đến hàng chục với cả trăm cây số. Chứ Huyện Hiệp Hoà nhà em, nhất là vùng giáp sông thì trước kia khi em còn nhỏ, có 1 đặc sản không thể thiếu mỗi mùa tháng 7 tháng 8 âm lịch này.. đó chính là lũ lụt… và cái câu chuyện em muốn kể cho các bác nghe sau đây chính là những câu chuyện liên quan đến cái mùa lũ hàng năm ấy…mùa lũ năm 2006
Làng em nghèo lắm, đã nghèo mà lại còn đông dân. Mùa lũ năm 2006 là một mùa lũ đáng nhớ, đáng khớ không chỉ với gia đình em, với làng em.. mà đáng nhớ với cả huyện em… hôm đó em đi học về. Là buổi khai giảng đầu tiên bước vào lớp 9 và hôm đó thì trời mưa to lắm. Mưa tối mặt tối mày, mưa thối đất thối cát. Cơn bão số 4 của năm 2006 kéo theo mưa về suốt 5 ngày trời làm cho con đường đê đang đắp dở của làng vừa lầy lội vừa lổn nhổn những cục đá tảng. Năm ấy cũng là năm đắp đê chắn lũ vì con đê đã nhiều nơi sạt lở. Em đội cái nón lá của mẹ , lưng khoác tấm vải mưa đi cùng chúng bạn nhìn sang dòng nước sông đỏ quạch toàn rác rưởi từ thượng nguồn đổ về đã cao xâm xấp đến tận lưng chừng mà cảm giác tim đập chân run. Buổi khai giảng chỉ qua loa với vài thủ tục nhanh gọn, lúc tiếng trống tan trường vang lên thì cũng là lúc mà từ học sinh cho đến các thầy cô giáo ai nấy vẻ mặt lo lắng. Đã khá lâu từ trận lũ lịch sử 1996 qua đi đến thời điểm ấy cũng đã 10 năm. Năm 1996 khi em mới 4 tuổi là một thằng nhóc bé tí. Em đã được bố cõng ở trên lưng đi chạy loạn lên ngọn núi Y Sơn cách nhà 3km và em vẫn nhớ như in cái cảm giác đáng sợ này…. đang xì xào nhỏ to cùng mấy thằng bạn về vụ nước ngập. Mấy chú mấy bác công nhân đội mưa, lái máy xúc máy ủi kè đá quành quạch trông thấy mấy thằng nhóc lảng vảng thì chỉ tay nói
“Mau về nhanh đi chứ còn lang thang ở đây mà xem! Nước lên cao đấy. Đừng có thằng nào lại gần mép đê đấy nhá.!”
Bọn em chẳng thằng nào đáp lời. Thực ra lúc đó nhìn thấy nước lên thằng nào thằng nấy tuy sợ nhưng lại thích thích nhiều hơn. Trẻ con mà, cảm giác mỗi khi lụt nó khó tả lắm bác ạ. Làng em được cái là có một bãi bồi rất lớn , dài và trồng rất nhiều dâu. Không biết có tuổi thơ bác nào nhà ở rìa sông giống như em không. Cơ mà bọn em hồi đó cứ canh mỗi khi nước lớn. Anh em chú cháu lại rủ nhau mang thuyền ra đi ven ở chỗ bãi bồi để tìm những thứ chẳng mấy khi kiếm được.. có lẽ các bác cũng đang tò mò rồi chứ gì?? Để em tả qua với các bác nhé. Nước lên là nó ngập hết lưng lưng bờ bãi. Những bãi dâu tằm bị ngập nước thì những con vật sống ở đây nó cũng bị ngập cho nên chúng nó tìm cách trèo hết lên trên cành cây cao. Dân làng em thường chèo thuyền ra…. Nhiều nhất những thứ ở đây bắt được là dế mèn, tiếp theo là rắn và còn cả đủ thứ cầy hoang, chim chóc. Mỗi năm nước lên là cả vùng có đặc sản dế mèn ngon lắm. Khi nào các bác có dịp về quê em chơi , vào mùa tháng 7-8 âm nhất định sẽ được thử dế mèn rang lá chanh đảm bảo không say không về… quay trở lại với câu chuyện.. bọn em đi thẳng về nhà mà đằng sau thì vẫn là những tiếng làm việc, những tiếng nói chuyện nhỏ to đầy lo âu. Về đến nơi thì thấy mẹ đang ngồi đợi cơm, anh trai em đợt đó thì đã đi học đại học ở dưới thành phố. Bố thì làm trong quân đội đóng ở tận sân bay Kép Lạng Giang cho nên cũng ít khi về nhà. Em chạy về khoe với mẹ
“Mẹ ơi.!! Nước lên nước lên rồi.. há há.!!”
“Nước lên thì có gì mà mừng??”
Em chưng hửng. Cũng chẳng biết mình vui vì chuyện gì có lẽ khi ấy em đang nghĩ tới mấy cái thú vị khi nước lên. 2 mẹ con ngồi ăn cơm. Ánh mắt mẹ lo lắng nhìn ra triền đê vẻ mặt suy tư lắm có lẽ mẹ đang nghĩ tới một điều gì đó. Hồi ấy thú thực là em còn bé, chuyện nước lên năm nào cũng xảy ra tuy nhiên thì năm đó lại là một năm nó đặc biệt hơn. Đê làng em nhiều đọan chưa đắp xong, mặc dù bước vào mùa bão chính quyền địa phương đã lường trước, cho gia cố đê điều trước tuy nhiên tiến độ không kịp , con đê vá chằng vá chịt. Em ngồi ăn cơm với mẹ mưa cứ rơi rào rào lộp bộp. Mẹ hỏi em vài chuyện về buổi khai giảng, ăn cơm xong thì lại đội nón bê mâm xuống dưới bờ giếng khơi. Suốt cả ngày mưa càng lúc càng to hơn. Đêm đó em ngồi ở trong nhà, đúng 9 giờ nghe thấy phát loa thì vọng trong tiếng mưa có tiếng của ông trưởng thôn nói
“A lô .. a lô.. tôi là Trưởng Thôn Ninh Hội. Hiện nay mực nước sông lên cao. Các gia đình chú ý khi có thông báo của địa phương lập tức di dời chuyển đến nơi an toàn nhất. Dân quân, bộ đội đã về hỗ trợ chắn lũ. Các nhà có thanh niên trên 16 tuổi. Đúng 30 phút nữa tập trung ở đình làng để hỗ trợ địa phương.. a lô .. a lô ..!!”
Mẹ em đứng nhìn ra cửa thở dài thườn thượt.. quả này có lẽ là căng rồi cho nên bộ đội mới về và huy động cả con em địa phương ra hỗ trợ luôn. Em thì bé cho nên không phải ra… mẹ âu lo quay vào thắp hương, chẳng biết xin gì thế nhưng càng lúc vẻ mặt của mẹ càng lo sợ lắm, xanh lắm.. em tắt đèn học nói
“Mẹ sợ gì à??”
Mẹ gật đầu… mọi lần nếu em hỏi chuyện gì khó khăn mẹ đều lắc đầu thế nhưng đây là lần đầu tiên mẹ gật khiến em thoáng ngạc nhiên.. mẹ bảo mẹ lo cho em, lo cho mẹ, và lo cho con lợn, con trâu… cả đàn gà hàng chục con mới nuôi bây giờ mà đê vỡ, nước tràn vào chỉ sợ là chạy cũng chẳng kịp mất… Mẹ em đưa tay vái vái. Tấm di ảnh ông bà nội ngồi ở trên bàn thờ nhìn hai mẹ con ánh mắt thoáng buồn và trên mái thi nhoảng lại rớt xuống vài rọt gianh cứ lách tách rơi. Hai mẹ con chẳng ai nói thêm gì mỗi người về một giường ở hai bên hông. Em nằm đắp chăn mà gió rít qua khe cửa nghe to và rõ. Tiếng đập đá, kè đã vẫn vang lên không ngớt. Em nhớ em nằm được một lúc thì chú được độ một giờ sau, có tiếng loa của ông trưởng thôn tiếp tục phát lên è è.. lần này thì dồn dập
“A lô.. nhân dân thôn Ninh Hội chú ý.. chú ý chú ý.. sơ tán khẩn cấp.. sơ tán khẩn cấp..!”
Mẹ em bật dậy.. em còn đang mơ màng chưa kịp định hình thì chỉ nghe thấy ngoài xa có tiếng lắc rắc như tiếng cành cây gãy .. tiếp theo đó là tiếng sạt lở rất to… xen lẫn vào trong tiếng mưa, tiếng người ta la hét.. mẹ em kêu ầm ĩ chạy thẳng sang bên này kéo tay em dậy làm em bàng hoàng tột độ
“Dậy.. chạy.. vỡ đê rồi!!!”
“Vỡ đê rồi!!” Câu nói của mẹ khiến em hoảng hốt thực sự và cho đến bây giờ khi nhớ lại thì giọng nói của mẹ khi ấy vẫn còn vang lên như in ở trong đầu em. Em chỉ nhớ em hoảng tới nỗi vùng dậy luýnh quýnh hết cả tay chân. Điều đầu tiên em làm chính là lao ra chỗ bàn học ọp ẹp vơ lấy đống sách vở chẳng biết vì sao mình lại làm thế mặc dù hồi đó em học dốt lắm. Mẹ em kéo em lại rồi mau chóng chạy vào trong buồng lục lọi lôi ra cái hòm nhôm đựng tiền…
“Giữ cho mẹ cái này..!!”
Em lúc này không biết phải làm gì, răng môi va vào nhau lập cập khi nghe thấy những tiếng gọi ầm ĩ. Những tiếng chân vội vã và tiếng chó sủa, tiếng trâu bò rống, lợn kêu cứ loạn. Em ôm hòm tiền bé tẹo cho mẹ trông thấy mẹ trèo lên hạ cả ba bát hương. 2 tấm di ảnh của ông bà nội cũng được mẹ hạ xuống rồi mẹ nhanh tay gói ghém cho hết vào một cái bao bố… mẹ em nói
“Nhanh nhanh. Chạy ra đường. Nhanh..!!”
Thế là thực sự vỡ đê rồi. Em đưa hòm tiền cho mẹ rồi vác cái bao đựng ảnh ông bà nội cùng 3 bát hương vắt ra sau lưng. Có lẽ đây là những thứ quý nhất trong nhà em cho nên mẹ chỉ có thể mang được theo những thứ ấy còn đâu thì bỏ lại hết. Nhà em hồi ấy có nuôi 1 con chó, 2 con bò, 1 đàn gà và 1 đôi lợn éc… em chạy xuống bếp tháo xích cho con mích thì lúc này nó cũng như biết chuyện sủa lên lồng lộn
“Gâu gâu gâu..!”
Con mích hoảng sợ sủa loạn. Tiếng nước chảy nghe như những tiếng sạt lở to dần rồi em cũng chỉ kịp cứu con mích thôi thì những dòng nước đầu tiên đã tràn tới cổng nhà em…. mẹ em ứa nước mắt vội tới nỗi không dám chạy vào chuồng bò ở chỗ vườn sau. Bây giờ có lẽ tính mạng là trên hết, đê vỡ nước lên nhanh lắm nếu chỉ chậm trễ vài phút có khi nước sẽ ngập lên tới tận đỉnh đầu. Hai mẹ con vớ lấy cái xe đạp đèo nhau lôi theo con chó phi ra ngoài đường
“Ối làng nước ơi.. chạy mau đi.. vỡ đê rồi.. ối trời ơi..!!”
Những tiếng la hét thất thanh vang động cả làng. Ánh đèn điện từ những ngôi nhà tắt phụt không rõ lí do nhưng bây giờ trên đường làng là rất nhiều người cũng đang lao ra. Tội nhất là nhà chú Quang cô Nguyệt ở cạnh nhà em. Cô chú ấy thì 3 đứa con bé đẻ san sát đứa lớn mới lên lớp 6. Cô chú dắt díu chúng nó thậm chí đứa bé nhất được bố bế thì quần còn chưa cả kịp mặc vào. Mọi thứ diễn ra quá nhanh, quá kinh hoàng
“Chạy.. chạy..!!”
Những tiếng chân, tiếng xe máy càng lúc càng dồn dập. Từ phía ngoài đê vang lên tiếp tục là một tiếng lở sạt… tiếng lở sạt rất to nghe như tiếng sấm có lẽ đê đã vỡ tiếp rồi tiếng nước chảy ầm ầm như thác đổ đã ở ngay phía đằng sau lưng bám theo sát nút. Bắt đầu có những tiếng la hét. Em thấy nước chảy rí rách ngoảnh lại thì thấy nước đã ùa vào trong cổng của nhà bà Toan gần nhà mất rồi… bà Toan sống một mình… lúc đó em cũng chẳng cả kịp quay lại xem bà đâu nữa mà chỉ biết chạy và chạy mà thôi… làng em thì nhà nào nhà nấy đất bé tí và san sát nhau. Chẳng hiểu ngày xưa các cụ kiểu gì không quây đất cho thật rộng như những ngôi làng khác mà làng em đất thì chật mà người thì đông lắm… Em đèo mẹ ngồi sau ôm cái bao tải đựng hòm tiền và mấy bát hương mặt xanh như tàu lá. Đôi bàn chân em run bần bật rồi chỉ còn biết cắm đầu mà đèo theo mẹ xuyên qua đường làng hướng về ngọn núi Y Sơn cách làng một con đường liên xã thẳng tắp nối qua 5-6 thôn. Tả qua cho các bác về ngọn núi này ở quê em. Đó là ngọn núi duy nhất trong bán kính mấy chục cây số nổi lên giữa vùng bằng phẳng. Nơi đây thờ y sơn linh tích đại vương Hùng Linh Công. Người đã có tích cùng với thánh Gióng đánh giặc Ân tả sơ qua thì là như thế. Trên con đường liên xã những ánh đèn xe máy, tiếng người kêu khóc ầm ĩ. Các bác đừng thắc mắc vì sao lại không chạy trước, hay là lấy xe máy mà đi bởi vì nhà có mỗi cái xe simson ghẻ thì bố em dùng để đi lên đơn vị mất rồi và tình huống thì quá bất ngờ. Em chỉ nhớ rằng mình đèo mẹ mà đạp thục mạng… chẳng biết trời đất là gì đâu vì khi đó chỉ biết chạy mà thôi. Lúc đi được tới núi Y Sơn thì cả một vùng sau lưng là một biển nước mênh mông… con mích trong lúc hỗn loạn thì đã bị tuột dây chạy mất, tất cả chìm trong sợ hãi, tối tăm, mịt mù. 2 mẹ con cùng mọi người dắt díu nhau lội qua một đoạn ruộng rồi trèo lên lưng chừng. Cơn mưa lớn hoà cùng những giọt mồ hôi, những tiếng khóc ai oán có lẽ cả mấy xã đều đã bị nước tràn vào hết cho nên khi đến Y Sơn thì người cứ đông kìn kìn ai nấy nhìn về làng mình khóc … trên núi chẳng có lấy nổi một cái lán che. Từ đây không nhìn được đến làng em thế nhưng nước lên thế này thì chắc chắn làng em đã ngập hết bởi làng ở gần sông nhất. Đêm đó thực sự là một đêm đáng nhớ. Thế nhưng câu chuyện về trận lũ này mới chỉ là sự bắt đầu và nó cứ ám ảnh em cho đến tận bây giờ