Tôi giật bắn người, đánh rơi cả chiếc điện thoại đang cầm trên tay xuống sàn xe tạo thành một âm thanh khô khốc. Ba tôi nghe động thì liền quay xuống hỏi:
– Sao vậy con?
Tôi vừa cúi xuống nhặt điện thoại lên vừa đáp:
– Dạ không sao đâu ba, con không cẩn thận nên làm rớt điện thoại thôi ấy mà.
Ba tôi ừ một tiếng rồi quay lên. Sau khi nhặt điện thoại xong, tôi vờ như mình đang chăm chú xem gì đó, nhưng thực chất tôi đang lắng tai nghe lại cho thật kĩ tiếng cười khi nãy. Không biết là do tôi đi xe hơi mệt nên sinh ảo giác hay là giọng cười khi nãy là trân thật nữa. Mà nếu giọng cười khi nãy tôi nghe được không phải vì bị ảo giác thì tôi hơi lo lắng. Bởi rất lâu rồi tôi không thấy hay nghe tiếng của một vong hồn nào nữa cả, nhưng hôm nay lạibắt đầu nghe và nhìn thấy lại, chỉ sau khi nhận tin ông ba mất được một lúc, chẳng biết do trùng hợp hay có điềm gì không nữa.
Chạy thêm được hai mươi phút nữa thì cũng đã đến thị trấn gần nhà ngoại. Từ đây vào còn phải đi thêm hai cây số nữa. Nhưng vì đường nhà ngoại xe hơi không vào được nên chúng tôi đành gửi xe ở thị trấn rồi đi xe ôm vào. Sau khi gửi xe xong, tôi và ba mẹ vừa định tìm xe ôm thì điện thoại của mẹ chợt reo vang. Mẹ lấy điện thoại ra xem rồi quay sang nói với tôi và ba:
– Má gọi.
Nói xong mẹ ấn trả lời. Chờ cho mẹ và bà ngoại nói chuyện xong tôi liền hỏi:
– Giờ mới có năm giờ rưỡi sáng à, sao mà tìm được xe ôm đi vào trong nhà ngoại bây giờ mẹ.
Mẹ tôi vừa bỏ điện thoại vào túi, bà vừa đáp:
– Thì bà ngoại vừa gọi cho mẹ đó, hỏi mẹ tới chưa để bà ngoại nhờ cậu năm với cậu bảy ra rước gia đình mình vào.
Tôi nghe thế thì chỉ gật gật không nói gì thêm, ba và mẹ cũng lặng im khoanh tay đứng cạnh. Không khí sáng sớm có phần hơi lạnh, tôi khẽ đánh cái rùng mình. Tôi đưa mắt nhìn xung quanh, thị trấn bây giờ cũng dần có người qua lại. Không khí không còn lặng ngắt nữa, mà dần chuyển sang nhộn nhịp hơn. Đứng được một lúc nữa thì ba tôi chợt hỏi:
– BÀ với con có muốn ăn gì không, tôi đi tìm mua.
Tôi nghe vậy thì nghĩ nghĩ một lúc rồi đáp:
– Hay con ăn bánh bao nghen ba.
Tôi vừa dứt câu thì mẹ tôi cũng nói vào:
– Vậy ông mua cho tôi ổ bánh mì luôn đi.
Ba tôi ừ ừ rồi rảo bước sang đường rồi hòa vào dòng người. Một lúc sau ông quay lại, trên tay cầm theo khoảng chục cái bánh bao với chục ổ bánh mì. Tôi mở tròn mắt ngạc nhiên hỏi:
– BA mua gì mà nhiều thế ạ?
– Thì mua cho cô dì chú bác ăn nữa mà con.
Ba tôi vừa nói xong thì cậu bảy và cậu năm cũng vừa hay ra tới. Nhìn thấy hai cậu ba tôi liền đánh tiếng chào:
– Chào hai anh, hai anh dạo này vẫn khỏe chứ?
Cậu năm vừa đưa cái nón bảo hiểm cho ba cậu vừa đáp:
– Tụi anh khỏe re à em, em với gia đình vẫn ổn chứ hả?
– Em dạo này cũng bình thường thôi à, công việc sức khỏe cũng vậy.
Nói đoạn ba tôi lên xe ngồi phía sau cậu năm. Cài nón bảo hiểm xong xui ba tôi quay sang hỏi cậu bảy:
– Anh chở luôn vợ con em được không, còn nếu không được thì anh với anh năm chở vợ con em vào trước đi, em ở lại chờ cũng được.
Cậu bảy nghe thế thì xua xua tay bảo:
– Tay lái anh yếu lắm, anh chở được một người thôi. Dì năm có nhờ thằng Tường ra nữa, chắc nó cũng sắp tới rồi đó.
Cậu bảy nói dứt câu thì mẹ tôi chỉ tay về phía trước hỏi:
– Phải nó không anh bảy?
Cậu bảy đưa mắt nhìn người thanh niên chạy chiếc xe cà tàn từ xa lại gần một cái rồi gật đầu xác nhận:
– Đúng rồi, nó đó em.
Nghe vậy mẹ liền quay sang nói với tôi:
– Vậy mẹ đi với cậu bảy nghen, con đi với thằng Tường đi. Lâu rồi hai đứa không gặp, mẹ nhường không gian cho hai đứa ôn chuyện đó.
Nói rồi không chờ cho tôi đồng ý thì mẹ và ba đã lên xe cùng với chú năm và chú bảy phóng đi. Tôi chỉ biết cười khổ nhìn theo bóng lưng của cả hai. Dừng xe trước mặt tôi, anh Tường vừa chìa cái nón bảo hiểm ra, anh vừa bảo:
– Em lên xe đi, anh chở vào nhà này.
Tôi cười nhẹ với anh một cái rồi đưa tay nhận lấy cái nón. Sau khi tôi đã yên vị rồi, anh Tường mới đề máy cho xe chạy. Tôi với anh cứ nói câu được câu không. Phần lớn là anh hỏi tôi dạo này sống thế nào, học hành ra làm sao. Còn tôi thì chỉ hỏi gì đáp nấy, vì hơi ngại nên cũng không dám bắt chuyện với anh. Tôi nhớ hồi còn nhỏ tôi với anh thân lắm, do nhà anh kế bên nhà bà ngoại tôi, nên ngày nào anh cũng sang rủ tôi đi chơi cả. Sau này nhà tôi dọn lên thành phố sống, thành ra tôi với anh cũng không còn thân như trước nữa. Anh sống với bố, mẹ thì bỏ đi biệt sứ lúc anh còn bé, bởi thế nhà tôi thương anh lắm, coi anh giống như người trong gia đình vậy. Lúc anh vừa tròn mười tám tuổi thì ba anh mất, anh phải sống một mình. Ai thuê gì anh đều làm cả, người dân trong làng thấy anh tháo vác nên ai cũng quý anh. Anh cũng hay sang trông nôm, bầu bạn với bà ngoại tôi trong những khi bà đau ốm. Nói thật là gia đình tôi biết ơn anh lắm. Lúc đầu mới dọn lên thành phố, mẹ tôi lúc nào cũng không yên lòng, sợ bà ngoại ở dưới có một mình những lúc bệnh tật không ai lo. Bà ngoại chỉ có mỗi mình mẹ tôi thôi, nên lúc mẹ đi bà cũng buồn lắm. Nhưng vì lo cho tương lai, mong muốn con cháu có cuộc sống đủ đầy hơn nên bà ngoại chưa từng có một lời nào oán trách cả. Sau này biết được anh Tường hay qua lại săn sóc cho bà nên gia đình tôi dần yên tâm hơn. Đi gần đến nhà ngoại tôi rồi, anh Tường chợt lên tiếng, giọng nói hơi ngập ngừng:
– Linh… Linh này… anh biết nay em về nên anh có bắt mấy con cua đồng cho em ấy, nếu em không chê thì nhận cho anh vui nghen.
Tôi cười xòa:
– Anh có quà cho em là em vui rồi, sao mà không nhận được. Mà lâu lắm rồi anh vẫn còn nhớ em thích ăn cua đồng luôn há.
Anh Tường nghe tôi nói thế dường như thở phào ra một hơi nhẹ nhõm. Anh vừa cười hí hửng vừa nói:
– Chèn ơi, cái gì em thích ăn mà anh không nhớ. Để mai anh chạy ra đồng hái bông điên điển nấu canh chua cho em ăn. Mà lần này em về lâu hong đó.
– Em định lần này về ở tầm mấy tháng luôn ấy, tại em cũng vừa tốt nghiệp xong rồi. Em đang định nghỉ xả hơi vài tháng rồi xin vào dạy một trường nào đó ở thành phố.
Anh Tường nghe vậy thì suýt soa:
– Em giỏi thật đấy Linh.
Tôi cười cười:
– Cũng bình thường thôi à anh ơi. À mà lần này về em có quà cho anh đó.
Anh gật gù đáp:
– Em về là anh vui rồi, quà cáp chi em ơi.
Anh Tường vừa dứt câu thì cũng đã đến nhà ngoại. Tôi xuống xe rồi cởi nón bảo hiểm ra trả lại cho anh, miệng không quên cảm ơn. Tôi đi vào trong nhà, thấy họ hàng đông đủ cả, tôi vội thưa:
– Dạ thưa cậu mợ, cô chú con mới về ạ.
Bà ngoại đi nhanh lại phía tôi, bà ôm tôi vào lòng, bà nghèn nghẹn:
– BÀ nhớ con quá Linh à.
Tôi cũng ôm chặt bà ngoại. Bà vỗ vỗ lưng tôi vài cái rồi buông tôi ra, bà nói:
– Thôi con vào ăn uống rồi nghỉ ngơi đi. Người con yếu sẵn rồi mà còn đi xe ban đêm như vậy chắc mệt lắm.
Tôi dạ rồi đi theo ngoại ra nhà sau. Ăn uống xong xui, tôi ra nhà trước, thấy họ hàng cũng đã về hết cả ba mẹ cũng không thấy đâu, đoán chắc là cả hai đã sang nhà ông ba để thắp nhan và phụ giúp gia đình ông ba lo đám tan cho ông rồi. Tôi đi lại bàn thờ ông ngoại, thắp cho ông một nén nhan. Sau khi đã khấn vái xong, tôi cắm nhan vào bát hương. Nén nhan vừa được cắm vào bát hương thì ngay lập tức bị tắt. Tôi cầm ống quẹt đốt lại lần nữa, nhưng nhan cứ cắm vào bát là tắt. tôi quay người định gọi bà ngoại lên giúp thì bát hương đột ngột bốc cháy dữ dội. Tôi thấy vậy thì hoảng sợ gọi lớn:
– Ngoại, ngoại ơi, bát hương… bát hương… bốc cháy rồi…
Bà ngoại đang ở nhà dưới nghe tôi hô hoáng thì liền vội chạy lên. Nhìn thấy bát hương vẫn đang bốc cháy thì bà có hơi thất thần, bà lùi lại một mạch mấy bước trong vô thức, môi run run nhưng chẳng nói được gì. Một lúc sau lấy lại bình tĩnh,bà đi nhanh vào phòng mình lấy ra một nén nhan màu đỏ, nhìn thoáng qua tôi cũng không biết nó được làm từ chất liệu gì nữa. Bà ngoại thắp nén nhan ấy lên, rồi khấn lầm rầm gì đó. Xong, bà cắm nén nhan ấy vào bát hương đang cháy. Ngay lập tức điều kì lạ xảy ra, ngọn lửa trong bát hương nhỏ dần rồi tắt hẳn.Ngoại thở phào một hơi, tôi cũng thấy cả người nhẹ nhõm. Chưa nói đến tâm linh, cả ngôi nhà của ngoại được lợp bằng lá, lỡ mà ngọn lửa lan ra thì vô cùng nguy hiểm. Ba và mẹ định cho ngoại ở nhà tường gạch cho an toàn, nhưng ngoại một mực không chịu, bà nói ở nhà lá mát mẻ, dễ chịu hơn. Tôi hít sâu một hơi để trấn an bản thân rồi cất tiếng hỏi, giọng nói vẫn còn run run:
– Sao… sao… bát hương đang yên đang lành lại tự nhiên bốc cháy vậy ngoại?
BÀ ngoại thở dài đáp:
– Ngoại cũng không biết nữa, có thể là có điều gì đó mà ông ngoại bây muốn báo cho gia đình hay.
Nghe đến đây tôi hơi lạnh người. Ngay từ khi nghe tin ông ba mất tôi đã cảm thấy bồn chồn, bất an trong người rồi, nay nghe bà ngoại bảo vậy nữa thì trong lòng tôi bắt đầu nhen nhóm lên cảm giác sợ hãi. Nhìn cái đồng hồ được treo trên vách nhà được lợp bằng lá, bà ngoại bảo:
– Mới đây mà đã mười giờ kém rồi, con chờ ngoại đi bốc lại bát hương cái rồi ngoại dẫn con sang nhà ông ba nghen.
Tôi dạ với ngoại rồi bê bát hương từ trên bàn thờ xuống đưa cho bà. Ngoại đưa tay cầm lấy rồi quay người đi ra sau nhà. Tôi vừa định quay người đi theo ngoại thì anh Tường phía ngoài bước vào, trên tay còn cầm theo một rỗ cua đồng đã được làm sạch sẽ. Nhìn thấy tôi, anh cười bảo:
– Anh mang cua qua cho em này, có gì em bảo ngoại nấu canh cho em ăn nha.
Tôi đưa tay nhận lấy rỗ cua rồi đặt lên cái bàn gần đó, vừa đi tôi vừa nói:
– Úi, em cảm ơn anh nhiều lắm ạ.
Anh Tường không nói gì mà chỉ đưa tay lên gải đầu cười ngây ngô. Đặt rỗ cua lên bàn xong, tôi quay sang nói với anh:
– Anh chờ em chút nha, em đi lấy quà cho anh luôn.
Nói đoạn tôi đi vào phòng ngoại bê ra một cái thùng nhỏ nhỏ ra đặt trước mặt anh Tường. Nhìn thấy thế, anh mở tròn mắt ngạc nhiên hỏi tôi:
– Em mang cái gì cho anh mà nhiều thế?
– Thì chỉ là mấy cái đồ linh tinh thôi anh, quần áo sách vở thôi á.
Tôi thấy anh có vẻ hơi ngại, anh cứ đứng lóng ngóng mãi, thấy vậy tôi bảo:
– Anh không nhận là em buồn đó.
– Vậy em cho anh cảm ơn nhiều nghen. Mà ngoại đâu rồi em?
Tôi chỉ tay ra phía sau nhà đáp:
– Ngoại em đang bốc bát hương mới ở ngoài đó á?
Anh Tường thắc mắc:
– Bốc bát hương á, sao phải bốc lại thế em, nay đâu phải dịp gì đặt biệt đâu.
Tôi mang chuyện bát hương bốc cháy khi nãy ra kể lại cho anh Tường nghe. Nghe xong anh cau mày như đang nghĩ gì đó. Một lúc sau vẫn không thấy anh nói gì, tôi lên tiếng phá đi bầu không khí yên tĩnh:
– Lát anh có bận gì không, nếu không thì anh qua bên nhà ông ba với em được không?
Anh Tường nghe thế thì vội đáp:
– Được, dù gì thì cả ngày hôm nay anh cũng rảnh, không bận gì cả.
Anh Tường vừa nói xong thì ngoại tôi cũng bê bát hương từ sau nhà đi vào. Đặt bát hương lên trên bàn thờ của ông ngoại xong, rồi chúng tôi cùng nhau đi nhanh sang nhà của ông ba.
Trời hôm nay không có nắng gì cả, từ sáng đến bây giờ cứ âm u mãi. Mây đen che phủ một góc trời, không khí thì cứ se se lạnh. Tôi đi dưới trời giữa trưa mà chẳng thấy ấm áp gì, mà ngược lại chẳng hiểu sao lại cảm thấy lành lạnh ở sóng lưng. Đi hơn ba phút thì cũng đến nhà của ông ba, chưa bước vào trong tôi đã cảm thấy được một bầu không khí tan tóc bao chùm lên ngôi nhà. Bên trong vọng ra tiếng khóc của một vài người, nghe thê lương, não lòng vô cùng. Tôi đi theo sau lưng của ngoại vào trong nhà của ông ba, anh Tường lúc nào cũng đi sát cạnh bên. Vừa vào đến bên trong, tôi ngay lập tức trông thấy ông ba được đặt nằm trên tấm phản. Gương mặt ông trắng bệt, hai má hóp lại, mắt nhấm nghiền, môi thâm tím cả. Xung quanh ông là con cháu đang đứng nhìn ông. Người thì lau nước mắt, người thì nắm tay ông. Không chịu được những cảnh sinh ly tử biệt như thế nên tôi không nhìn nữa mà quay đi chỗ khác. Tôi đưa mắt tìm ba mẹ nhưng chẳng thấy đâu. Tôi thắc mắc không biết cả hai đã đi đâu được nhỉ. Tôi tìm kĩ lại lần nữa thì thấy cả hai đang ngồi nói gì đó với bà con hàng xóm, do là đông quá nên lúc đầu nhìn sơ qua tôi không thấy. Định bụng đi lại đánh tiếng chào mọi người, nhưng thấy ai cũng lớn tuổi hơn mình rất nhiều, tôi có phần ngại nên thôi. Anh Tường đứng cạnh tôi cũng không nói gì, anh chỉ nhìn ngó xung quanh mãi. Đang đứng bần thần chợt có ai vỗ vai làm tôi giật bắn người. Tôi quay lại thì nhận ra đó là nhỏ Hân, bạn thân từ bé của tôi. Nhìn thấy tôi, nó mừng rỡ:
– Mày mới về à, về khi nào đấy, sao không bảo tao biết?
Tôi nhào tới ôm nó một cái, miệng đáp:
– Tao mới về thôi, về gấp để đi đám tan ông ba này, làm sao mà báo mày trước được.
Tôi buông nó ra, lùi lại vài bước mà cẩn thẩn ngắm nghía nó từ trên xuống dưới. Công nhận là con bạn tôi ngày càng xinh ra. Nó có một mái tóc dài, suôn mượt, đen nhánh, hai mắt to tròn, đen láy, gương mặt tròn bầu bĩnh, kết hợp với làn da không có chút tàn nhan nào, quả là hoa khôi của ngôi làng này mà. Tôi với anh Tường và nhỏ Hân đi về phía cái bàn trống ở ngoài sân, cả ba chúng tôi ngồi vào đó rồi luyên thuyên mãi. Nhỏ Hân cứ hỏi tôi dồn dập, đủ thứ mọi chuyện trên đời. Tôi cũng vui lòng mà trả lời nó tất cả.Mưa bắt đầu rơi, những giọt mưa lất phất rồi dần chuyển sang dày đặt. Mây đen kéo về ngày một nhiều, bây giờ chỉ mới gần bốn giờ chiều mà tôi cứ tưởng như đã bảy tám giờ tối rồi vậy. Cảm thấy không ngồi ngoài này thêm được nữa, vì mưa ngày một lớn hơn. Tôi đứng dậy bảo với nhỏ Hân:
– Thôi đi vào trong thôi mày, ngoài này ướt hết cả người, kẻo không may lại bệnh nữa.
Chúng tôi vừa vào đến nhà của ông ba thì mưa chuyển sang dữ dội. Mưa ầm ầm như trút nước. Trong nhà bây giờ đã mở đèn điện lên, cũng không còn u ám như nãy nữa. Tôi quay sang định hỏi anh Tường sáng giờ đã ăn gì chưa thì đột ngột có một tiếng sét nổ đùng một cái làm tôi giật bắn cả người. Đèn trong nhà cũng ngay lập tức tắt hết, cả ngôi nhà bị nhấn chìm trong bóng tối. Tôi sợ hãi gào lớn, dường như… dường như lúc nãy, trước khi mọi thứ bị nhấn chìm trong bóng tối, tôi trông thấy cái xác của ông ba mở trừng trừng hai mắt.