Tôi kinh ngạc mở tròn mắt, miệng lắp bắp hỏi lại:
– Mày nói thật á, cái tượng thành hoàng bị rỉ sét sao?
Nhỏ Hân gật đầu, tôi hít sâu một hơi lạnh. Bởi đồng thau là một loại hợp kim có màu vàng, do sự kết hợp của đồng và kẽm tạo thành, có khả năng chống xỉn màu rất tốt. Trên lý thuyết thì đồng thau không thể rỉ được, mà quá trình oxy hóa chỉ khiến đồng thau bị biến màu. Vì vậy, chuyện tượng thành hoàng bị rỉ là điều vô cùng phi lí. Tôi đứng dạy, chạy qua hỏi anh Tường cho rõ ràng vụ này. Nhỏ Hân cũng vội vàng chạy theo sau. Qua đến bên nhà anh, không thấy anh đâu, tôi định quay lại về nhà thì nhỏ Hân liền nói:
– Anh Tường bây giờ tao nghĩ chắc đang ở ngoài miếu thành hoàng rồi, mày muốn tìm ảnh thì ra đó thử xem.
Tôi gật đầu rồi rảo bước đi nhanh về phía đầu làng. Càng ra đến đầu làng, thì người ngày càng đông. Chưa đến miếu thành hoàng nữa thì tôi đã thấy xa xa người vây lại thành cụm lớn xung quanh miếu. Khó khăn lắm tôi với nhỏ Hân mới chen lên tìm anh Tường được. Anh đang đứng ngay cửa miếu nhìn chằm chằm vào cái tượng nằm bất động trên sàn. Tôi nhìn cảnh hoang tàn trước mắt mà không nói nên lời. Nhìn thấy tôi, anh Tường chỉ gật đầu thay lời chào. Tôi tiến lại ghé sát tai anh mà hỏi nhỏ:
– Em nghe bảo cái tượng thành hoàng bị rỉ hả anh.
Anh Tường gật đầu.
– Làm sao có thể rỉ được cơ chứ, nó là đồng thau mà. Thầy em bảo đồng thau chỉ bị quá trình oxi hóa làm cho biến màu thôi chứ không rỉ được.
Anh Tường đáp mà đầu vẫn không ngoảnh lại nhìn tôi:
– Quá trình oxi hóa bình thường thì không thể nào làm cho đồng bị rỉ, nhưng âm khí thì khác em ạ. Nói cách khác, thì tượng thành hoàng không bị rỉ, chỉ nhìn giống bị rỉ thôi. Thực chất nó bị âm khí ăn mòn.
Tôi nghe thấy vậy thì còn bàng hoàng hơn khi nghe tin đồng thau bị rỉ nữa. Nhìn những vết đen trên pho tượng thần mà tôi không biết nói gì. Anh Tường thở dài rồi quay người ra về, nhường mọi chuyện lại cho những bậc già làng lo liệu. Tôi và nhỏ Hân cũng vội vàng bám gót theo sau anh. Về đến nhà, anh hấp tấp chạy đi tìm thứ gì đó, tôi với nhỏ Hân không dám làm phiền nên đành ngồi xuống cái bàn trà đợi anh. Một lúc sau anh đi lại ngồi xuống bên cạnh chúng tôi, trên tay anh còn cầm theo một cái hộp gỗ. Nhỏ Hân thắc mắc:
– Cái hộp đó đựng cái gì vậy anh?
Anh Tường vừa dùng tay mở nắp hộp ra, anh vừa đáp:
– Anh cũng không biết nữa, đây là di vật ba anh để lại cho anh. Ổng dặn khi nào cảm thấy thực sự lâm vào bế tắc thì mới được mở ra.
Cái nắp hộp nhanh chóng bị vứt sang một bên, tôi chồm tới nhìn chăm chú vào bên trong chiếc hộp để xem bên trong đó có những gì. Nhưng sự chờ mong của chúng tôi ngay lập tức bị một ráo nước lạnh dội cho dập tắt. Bên trong chiếc hộp chỉ có vỏn vẹn nửa miếng ngọc màu đen, được khắc một con cá màu trắng, nhưng mắt của con cá ấy thì có màu đen. Anh Tường đưa tay cầm lấy miếng ngọc lên ngắm nghía thật kĩ. Anh Cũng không biết dụng ý của ba mình là gì nữa. Anh cau mày suy nghĩ, nhưng chẳng có manh mối nào nên cũng không tài nào lần theo để suy đoán được. Anh đặt miếng ngọc lại vào bên trong chiếc hộp, rồi ngồi đó suy nghĩ xuất thần. Tôi khẽ chạm nhẹ vào tay anh mà ngập ngừng hỏi:
– Anh Tường này, tối qua đâu có giông đâu mà sao cái miếu thành hoàng bị sập vậy.
Anh Tường không đáp vội, anh ngồi trầm tư một lúc lâu rồi mới chịu trả lời câu hỏi khi nãy của tôi:
– Anh cũng không biết nữa. Anh đoán có thể do long mạch của làng bị âm khí làm ô nhiễm, nên thành hoàng cũng bị ảnh hưởng nhiều. Em không thấy sương mù trong làng ngày một nhiều sao, đó không phải là sương mù đâu, mà đó chính là âm khí đó. Âm khí dày đặt như vậy, từ nhỏ đến giờ đây là lần đầu tiên anh chứng kiến. Từ rày về sau không còn sự che chở của thành hoàng nữa, anh e là làng mình khó mà yên ổn được.
Tôi trầm mặt không biết nói gì, không ngờ mọi chuyện ngày càng tồi tệ như vậy. Tôi cẩn thận suy nghĩ một lúc rồi đưa ra đề nghị:
– Hay anh vận động mọi người lên huyện để tạm thời tránh nạn được không, em sẽ liên hệ ba em thu xếp chỗ ở và chi phí ăn uống cho mọi người.
Anh Tường nghe vậy thì liền lắc đầu liên tục:
– Không được đâu em, tất cả chỉ là suy đoán từ một phía của anh. Giờ đi nói cho mọi người, lỡ mọi người không tin thì mình lấy bằng chứng đâu ra mà thuyết phục.
– Chẳng lẽ mình đợi nước tới chân rồi mới chịu nhảy sao anh?
anh Tường vò đầu, cau mày suy nghĩ một lúc lâu rồi mới đáp:
– Trước mắt bây giờ mình cứ quan sát tình hình, nếu mọi thứ càng ngày càng tệ thì mình thông báo với mọi người sau. Khi đó ai tin thì tin, ai không tin thì đành chịu vậy.
Tôi bất lực thở dài, cũng chỉ biết thuận theo anh chứ chẳng còn biện pháp nào tốt hơn. Nhỏ Hân im lặng từ đầu tới cuối không nói gì, nó cau mày như đang nghĩ gì đó. Tôi nhìn nó chằm chằm mà nó cũng không có phản ứng gì. Ngay lúc anh Tường vừa định đứng dậy cầm cái hộp gỗ đi cất thì bất chợt nhỏ Hân đứng phắc dậy, nó nói lớn:
– Em nhớ rồi, em nhớ ra rồi.
Tôi và anh Tường giật mình nhìn nó. Anh Tường ngơ ngác:
– Em nhớ ra cái gì vậy Hân?
Nhỏ Hân chỉ tay vào cái hộp gỗ, nó hít sâu một hơi rồi bắt đầu kể:
– Em nhớ có lần em thấy bác Lâm trưởng làng cũng cầm một nửa miếng ngọc ra lau chùi. Một nửa miếng ngọc ấy giống hệch một nửa miếng ngọc của anh luôn. Chỉ khác màu thôi. Miếng ngọc ấy màu trắng, cũng được khắc hình con cá nhưng là màu đen, còn đôi mắt thì màu trắng. Có khi nào… có khi nào…
Nói đến đó nhỏ Hân chợt im bặt. Tôi hồi hộp bổ sung:
– Có khi nào một nửa miếng ngọc của anh Tường với một nửa miếng ngọc của bác Lâm, cả hai ghép lại thì sẽ thành một miếng ngọc hoàn chỉnh không?
Anh Tường nghe vậy thì cứng đờ cả người, dường như anh hiểu ra được gì đó. Anh vơ vội cái hộp gỗ rồi ba chân bốn cẳng chạy như bay sang nhà của bác Lâm. Tôi với nhỏ Hân cũng lật đật chạy theo sau. Tôi có cảm giác dường như chúng tôi đã tìm ra được một manh mối vô cùng quan trọng. Qua đến nhà bác Lâm, anh Tường không đánh tiếng chào mà hấp tấp đẩy cửa đi thẳng vào. Bác Lâm nhìn thấy chúng tôi thì trong mắt hiện lên vẻ ngạc nhiên. Anh Tường không nói gì mà vội vàng lấy nửa miếng ngọc trong hộp ra đưa lên trước mặt bác. Bác Lâm nhìn thấy nửa miếng ngọc trong tay anh Tường thì bác liền thay đổi sắc mặt. Bác ra dấu cho chúng tôi im lặng rồi bác dẫn chúng tôi vào trong phòng ngủ của vợ chồng bác. Cẩn thận khóa trái cửa phòng lại, rồi bác quay sang nói với anh Tường:
– Con muốn biết gì, con cứ hỏi, cái nào bác biết bác sẽ trả lời hết.
Anh Tường nghiêm túc suy nghĩ thật lâu rồi mới đặt ra câu hỏi đầu tiên:
– Bác với ba con là quan hệ như thế nào, sao con không nghe ba con nhắc qua bác gì hết vậy?
Bác Lâm ngồi xuống bên cạnh anh Tường, bác trầm giọng kể lại:
– Bác với ba con là huynh đệ đồng môn. Hồi còn trẻ bác có qua tàu học bùa phép, bác quen ba con trong lúc theo học ở đó.
Anh Tường thắc mắc:
– Vậy sao ba con lại theo bác về đây?
Bác Lâm cau mày sắp xếp câu chữ cẩn thận rồi mới trả lời:
– Lúc bác học xong chuẩn bị về quê thì sư phụ có coi giùm bác một quẻ. Quẻ tượng báo hiệu điềm đại hung, rằng làng bác có một cái vong quỷ của một người phụ nữ, chết hồi thời nhà Đinh. Trước khi chết phải chịu cực hình nên đã hóa thành quỷ, mất hết lí trí rồi, chỉ còn lại bản năng là giết chốc. Con quỷ ấy đang bị phong ấn trong núi, nhưng theo thời gian, phong ấn đang bị quỷ khí của nó làm suy yếu. Nó có thể thoát ra bất kỳ lúc nào. Mà với sức của bác thì không thể nào đối phó được, nên sư phụ đã cử ba con về đây với bác để coi chừng phong ấn. Do ba con là cô nhi được sư phụ nhận nuôi nên ba con nghe lời sư phụ lắm. Ngày mà bác với ba con về nước, sư phụ lấy ra pháp bảo mạnh nhất của mình để ban tặng cho bác và ba con. Đó là âm dương ngọc bội. Bác giữ dương ngọc, còn ba con giữ âm ngọc. Khi nào hai nửa hợp thành một thì có thể phát huy toàn bộ sức mạnh của âm dương ngọc. Nhưng khi âm dương ngọc xuất hiện, thì cũng đồng nghĩa với việc có tai kiếp giáng lâm. Bác không ngờ cuối cùng ngày này cũng đã tới.
Tôi kinh ngạc mở tròn mắt khi nghe xong toàn bộ câu chuyện, nhỏ Hân ngồi cạnh cũng không nén được bàng hoàng. Miệng nó há hốc có thể để vừa một quả trứng vịt. Tôi không ngờ phía sau ngôi làng này lại có một câu chuyện đáng sợ như vậy. Anh Tường dường như cũng sốc lắm, tôi thấy anh nhìn vào một nửa miếng ngọc trong tay mà suy nghĩ xuất thần. Tôi và nhỏ Hân im lặng không dám thở mạnh sợ làm phiền anh. Tôi với nó cứ nhìn anh chằm chằm. Một lúc sau anh ngẩn mặt lên nhìn bác Lâm, anh nặng nề nói:
– Vậy bác tính như nào, bác cứ nói, giúp được gì con sẽ giúp toàn lực.
Bác Lâm ngẫm Nghĩ một lúc rồi nói:
– Theo như những gì bác tính toán, thì phong ấn trên núi chỉ có thể giam giữ con quỷ nữ đến trung thu thôi. Đến đó phong ấn sẽ bị quỷ khí ăn mòn hoàn toàn. Việc chúng ta cần làm hiện tại là di dời mọi người đến nơi an toàn.
Anh Tường có vẻ khó xử:
– Nhưng mà lỡ mọi người không tin thì sao bây giờ đây bac?
Bác Lâm vỗ ngực tự tin:
– Để bác lo, dù gì đi nữa thì bác cũng là trưởng làng, nên lời bác nói thì mọi người cũng phải cân nhắc ít nhiều.
Anh Tường gật đầu an tâm, rồi anh quay sang nói với tôi:
– Còn chỗ ở, chi phí ăn uống, anh trông cậy vào em cả nghen Linh.
Tôi đưa tay lên làm thủ thế ok. Anh Tường mỉm cười với tôi một cái rồi quay lại nói tiếp với bác Lâm:
– Vậy còn một nửa miếng ngọc này bác giữ hay con giữ bây giờ?
– Con cứ giữ đi, hiện tại âm dương ngọc bội chưa thể xuất hiện. Chờ thời cơ thích hợp thì bác sẽ ghép hai mảnh ngọc lại thành một.
Anh Tường đưa mắt nhìn xuống cái đồng hồ đeo trên tay một cái rồi anh ngẩn đầu lên nói với bác Lâm:
– Không còn chuyện gì nữa thì con về trước nghen bác. Để con về tìm lại mấy cuốn sách của ba mà đọc xem trong đó có gì giúp được bác cháu mình trong tình thế hiện tại không. Chào bác con về ạ.
Nói rồi anh đứng lên đi nhanh ra khỏi nhà bác Lâm, tôi và nhỏ Hân cũng lần lượt chào bác rồi đi theo phía sau anh Tường. Chỉ còn ba ngày nữa là đến trung thu, thời gian để lại cho chúng tôi không còn nhiều nữa. Tôi chào anh Tường rồi chạy nhanh về nhà gọi điện cho ba. Nhỏ Hân cũng gấp gáp đi về thông báo tin này cho cô Nhị và chú Hậu hay để cả hai biết mà còn lo liệu trước. Ngoài trời mưa vẫn rơi rả rích, cả mấy ngày liên tục không có nắng. Toàn bộ ngôi làng dường như bị nhấn chìm trong vẻ âm u