Rạng sáng, thấy mặt trời là hai thằng lên đười. Trước khi đi thằng Bảy tiện tay đốt luôn cái nhà tranh thành nhà tro.
Hai thằng đi đến giữa trưa thì dừng lại ăn uống rồi mới đi tiếp, cuộc bộ đến chiều thì thoát khỏi rừng, đi thêm đến chập tối thì ra tới sông Hàm Luông. Tôi mừng trong bụng là cả ngày không gặp phải thứ gì quái gở nữa.
Ra tới sông thì chẳng có ghe đò, đành phải ngồi chờ, may ra sáng mai mới có người từ trên thượng nguồn sông Cái đi Trà Vinh chạy ngang qua. Tôi đi nhóm lửa, thằng Bảy thì bắt cá, nó lội xuống sông, mò mò một lúc thì thấy dưới nước quẫy lên sủi bọt. Thằng Bảy mặt nhăn nhó, một lúc sau nó từ từ lôi lên bờ một con cá lớn, dài gần một mét, có râu, con này tầm nặng chắc cũng phải gần tám chin chục ký… Tôi ngẩn người, sông nước thì tôi không rành, con cá nhìn bự vậy mà thằng Bảy lôi lên được, bây giờ mới biết sức nó ghê cỡ nào.
Mà lúc nó lôi con cá lên tôi mới để ý… Một tay nó nằm trong mồm con cái, còn tay kia thì nó nắm mang lôi lên. Con cá lên bờ quẫy đành đạch như muốn kéo thằng Bảy xuống nước mà bơi với nó luôn vậy. Nhưng thằng Bảy có thế, một lúc sau là nó lôi lên được. Lúc này nó gỡ miệng con cá, cầm con dao đâm vào mang cái. Con cá hết quẫy nữa.
Tôi nhìn lại tay thằng Bảy, thấy nó bọc bên ngoài là cái áo của nó, lúc này để ý… thấy cái vết thương bị con Út cắn trong hầm mộ chảy máu, tôi mới nghĩ bụng mình tệ quá, thằng nhỏ bị thương như vậy mà suốt cả đường không hề đề ý, để nó tự băng tự bó. Giờ còn để con cá ngậm vào họng kiểu này… Tôi thở dài nhìn nó vừa định nói thì thấy thằng Bảy run cầm cập, tôi lấy trong balo bộ quần áo khô đưa cho nó. Nó thay xong ra ngồi, vẫn lạnh run. Tôi đốt lửa lớn hơn bảo nó ngồi lại gần cho đỡ lạnh.
Ngồi một lúc bổng thằng Bảy ngã bật ra phía sau, tay chân co giựt… Tôi nhìn là biết sốt rừng, vì hồi đi lính cũng có vài trường hợp tương tự. Tôi bẻ một cành cây, nhét ngang miệng nó rồi ráng giữ nó thật chặc, giữ được một lúc thì người nó bổng nóng hừng hực… Tôi vớ lấy cái áo ướt còn chưa khô của nó, chạy xuống nhúng miếng nước, vắt cho ráo rồi đem lên thấm mặt.
Một lát sau thì nó nằm im rồi ngủ luôn.
Tôi lúc này mới yên tâm nướng cá. Cắt mấy miếng cá rồi quăng lên hòn đá đang nóng, lúc sau thì cá chín đều, tôi lấy đôi đũa để trong balo ra gắp miếng cá đưa lên miệng. Thịt cá ngon, nhưng còn hơi mùi sông. Nhưng tôi đang đói cũng chẳng quan tâm, ăn liền một mạch…
Lại sờ trán thằng Bảy, lúc này nó cũng đã bớt sốt nhiều. Nhưng không phải vì thế mà giỡn chơi, sáng mai nếu có ghe có xuồng gì đi ngang thì tốt, còn không thì chắc phải cõng nó đi qua hơn vài chục cây số xuống phía hạ lưu để tìm chổ chữa trị, chứ cái sốt rừng này nguy hiểm lắm, để muộn là chết chứ không phải chơi.
Tôi lại móc cái chén sứ tôi tiện tay lấy từ cái nhà tranh của con sơn quỷ ra, lúc đó tôi nghĩ bụng dọc đường cũng phải có cái gì đựng đồ ăn nữa chứ.
Tôi nướng thêm mấy miếng cá rồi bỏ vào chén, dùng đũa miết cho mấy miếng cá nhiễn ra rồi đút cho thằng Bảy.
Nó lờ mờ tỉnh, ăn được mấy miếng cá thì lăn ra ngủ tiếp. Phần tôi thì đêm ngủ với một con mắt nhắm.
Sáng sớm tỉnh giấc, thấy thằng Bảy hoạt động lại bình thường, cũng tạm yên tâm.
Lúc này tự nhiên cảm thấy khó thở, ho lên khụ khụ mấy cái, rồi khạc ra một bãi đờm đen.
Thằng Bảy nhìn thấy, hoảng lên hỏi:
“Cái gì mà ghê vậy ? Máu đen à ?”
Tôi lắc lắc đầu, lại ho đến nhăn mặt.
Thằng Bảy nói:
“Chứ là cái gì ? trời ơi là trời, gặp chưa đủ chuyện hay sao?”
Tôi thều thào nói thằng Bảy:
“Không phải máu, là đờm”
Nó tròn mắt hỏi lại:
“Sao anh biết?”
Tôi nói:
“Vị của máu nó khác, anh không thấy lợm giọng chắc không phải là máu”
Thằng Bảy lắc lắc đầu.
Hai thằng lại xẻ thịt còn lại của con cá ra ăn, vừa ăn xong là nghe có tiếng xuồng cano chạy. Thằng Bảy mau mau chạy ra, hét to:
“Xuồng ơi, xuồng ơi”
Cái xuồng máy từ đằng xa chạy ù ù tới, tôi đang ở đây bỏ chén đũa rồi gom đống đồ đã khô của thằng Bảy nhét vào balo, vừa quay lại thì cái cano cũng đã đến tới nơi. Tự nhiên thấy thằng Bảy nhảy cẫn lên, người trên cano cũng cười tươi nhìn nó.
Thằng Bảy quay lại tôi nói:
“Người quen anh ơi, là người quen”
Tôi mừng ra mặt
“Người quen mày hả? tốt quá”
Cái xuồng máy ghé vào bờ, hai thằng liền leo lên. Lúc này nghe thằng Bảy với người lái xuống nói chuyện tôi mới biết, ông lái xuồng này còn gọi là Tư Xuồng, ổng chuyên đi chở đồ từ Trà Vinh lên mấy khúc thượng nguồn sông Cái. Tư Xuồng hơn tôi độ năm tuổi, khoảng bốn chín năm mươi. Thằng Bảy gọi ổng là chú, mà tôi bây giờ vai anh thằng Bảy, nên cũng gọi ổng là chú Tư luôn.
Có người quen ở Trà Vinh, tôi cũng hỏi thăm tình hình ông Tư Huyền, người đang giữ con gái mình. Thì nghe ông Tư Xuồng bảo:
“Tư Huyền à? Tôi có quen ổng, nghe đâu giờ ổng đi buôn cái gì đó mà phất lắm, bà con bảo là ổng buôn đồ lên Sài Gòn, mà buôn cái gì thì không rõ, bây giờ ở Trà Vinh, ổng có ba bốn cái cửa hàng bán tạp phẩm lận, muốn thì chút tôi dẫn đi gặp ổng, giác trưa thì chắc ổng có ở nhà ăn cơm”
Sau đó Tư Xuồng cũng hỏi tôi gặp ổng làm cái gì, tôi phân vân không biết nên nói thằng cha này hay không, nhưng nghĩ lại ổng là người quen thằng Bảy, tôi cũng kể ra sự tình tôi xuống gặp Tư Huyền để tìm lại con gái.
Nói xong thì Tư Xuồng quay qua hỏi chuyện thằng Bảy:
“Bảy bại, con Út Mỹ đâu ? sao không thấy nó ?”
Nghe đến đoạn này, tôi bấc giác quay nhìn thằng Bảy. Mặt nó buồn hiu, hai mắt bắt đầu đỏ hoe.
Tôi lại ho lên khụ khụ mấy cái, rồi tôi đỡ lời thằng Bảy:
“Chú Tư, chuyện dài lắm, từ từ lên bờ rồi con kể cho chú nghen, giờ đừng có hỏi nó”
Ông Tư xuồng chẳng hiểu, nhưng thấy thái độ hai thằng chắc cũng biết là có chuyện không phải nhỏ. Ổng cũng im không nói gì.
Ghe chạy xuôi dòng một lúc thì cũng vào địa phận Trà Vinh
.
Để cho những ai đồng phần 10 không biết về cá Lăng thì em xin chú thích
Quote:
Cá lăng (danh pháp khoa học: Hemibagrus elongatus) là tên gọi một loài cá trong họ Cá lăng, bộ Cá da trơn. Cá lăng là một trong những loài cá nước ngọt lớn nhất, trong tự nhiên đã bắt được những con từ 40 -50kg.
Ở Việt Nam chúng chỉ có mặt ở một vài con sông ở miền núi và chỉ có ở những đoạn nhiều ghềnh thác, dòng chảy mạnh, chúng có rất nhiều ở sông Đà, sông Lô vùng Phú Thọ, sông Đồng Nai và các chi lưu. Ở Lâm Đồng có rất nhiều tại sông Đạ Quay, sông Đạ Tẻh, ở Đắk Lắk, cá lăng cũng có phân bố ở một số dòng sông nhưng nhiều nhất vẫn là sông Srêpốk và cá lăng ở vùng này là giống cá lăng đuôi đỏ, cá lăng vàng.