QUỶ NGỰ ĐÌNH LÀNG
Tác giả: Lê Như Tiên
Chương 1: thần hoàng làng đổ lệ.
5 giờ 30 sáng, đất trời hẵng còn mờ hơi sương, ai nấy đều đang chìm trong giấc ngủ say thì bất ngờ bị đánh thức bởi tiếng kẻng ráo riết phát ra từ ngoài đình làng. Cái âm thanh leng keng leng keng cứ cất lên liên hồi, như là dục dã, như là hối thúc. Nghe tiếng kẻng dồn dập như vậy lại vào buổi sáng còn chưa rõ mặt người, người dân làng Hồ đều hiểu trong làng lại có chuyện hệ trọng xảy ra. Không ai chậm chễ, mọi người nhanh chóng trở dậy, khoác thêm cái áo vào người, xỏ đôi dép vào chân rồi tất tả chạy ra ngoài đình làng. Chỉ một loáng sau đó, người ta đã tập trung rất đông ở sân đình. Người ở gần thì đi bộ, người ở xa hơn chút thì đạp xe đạp, người đi xe máy nhốn nháo nhộn nhịp cả một quãng đường. Đến sân đình, người ta thấy cổng đình đã được mở từ bao giờ, và trên bậc hè trước cửa đình, ông cụ Tích – người trông đình vẫn đang liên tục dùng cây búa nhỏ trên tay gõ liên hồi vào cái kẻng được làm bằng vỏ một quả bom đã cũ được cưa thủng đáy để tạo tiếng vang. Thấy dân làng kéo đến đã gần đông đủ cụ Tích mới dừng tay lại, treo cái búa lên cạnh cái kẻng. Cụ Tích năm nay đã gần 80 tuổi, là cụ ông già nhất của làng Hồ, gia đình cụ đã có truyền thống trông đình làng từ nhiều đời nay, từ thuở đầu tiên đình làng được xây dựng. Tuy tuổi đã cao nhưng cụ vẫn còn minh mẫn, đi đứng nhanh nhẹn, sáng nào cụ cũng dậy từ rất sớm ra thắp hương ở đình làng và lau dọn ban thờ thần hoàng làng.
Cả đám đông nhốn nháo xì xào bàn tán với nhau không hiểu có chuyện gì mà trời còn chưa sáng hẳn cụ Tích đã đánh kẻng báo hiệu dân làng tập trung ở sân đình như vậy. Làng Hồ nói lớn thì cũng không phải là lớn, mà nói bé cũng không hẳn là bé. Từ trên xuống dưới làng có đến hơn 100 nóc nhà nằm rải rác quanh một hồ sen rất rộng. Có lẽ cũng chính vì vậy mà từ bao đời nay người ta vẫn quen gọi làng với cái tên là làng Hồ. Theo truyền thống của làng, mỗi lần làng có việc chẳng cần mất công đi từng nhà thông báo, cũng chẳng cần phải gọi điện bảo nhau cho tốn kém, cứ ra hẳn sân đình mà gõ kẻng. Đình nằm ở giữa làng, là một vị trí thuận lợi mà chỉ cần gõ kẻng từ đây thì khắp đầu thôn cuối xóm nhà nào cũng có thể nghe thấy. Cái kẻng đã được treo ở đây từ mấy chục năm trước, cái thời bao cấp còn đi làm công khoán cho hợp tác xã. Lúc đấy cái kẻng này được dùng để báo hiệu giờ giấc ra đồng cho xã viên. Bây giờ đất nước đổi mới, xã hội hiện đại tuy nhiên làng Hồ vẫn giữ được những nét truyền thống đáng quý. Trong khu vực những xã lân cận, làng Hồ là làng duy nhất đến nay vẫn giữ được nguyên vẹn mái đình làng cổ kính rêu phong có tuổi đời cả hơn trăm năm trước.
Cụ Tích sau khi dừng đánh kẻng lại thì từ từ chậm rãi bước xuống khỏi bậc tam cấp, tiến gần lại phía đám đông đang tụ tập trước sân đình. Thấy cụ lại gần, mọi người đồng thanh chào lớn:
“Con chào cụ ạ.”
Cụ Tích gật đầu chào lại mọi người. Cụ đảo mắt nhìn khắp một lượt như để điểm danh xem các nhà đã đến đủ cả chưa, sau đó cụ đưa tay ra hiệu cho mọi người im lặng rồi chậm rãi nói:
“Trước hết, tôi xin lỗi bà con vì đã đánh thức mọi người dậy sớm như vậy. Chẳng là đình làng có việc hệ trọng cần đông đủ bà con chứng kiến nên cực chẳng đã tôi mới phải gõ kẻng vào giờ này.”
Một người đàn bà đứng ở đầu hàng đon đả nói lớn:
“Cụ vì việc của đình của làng ngày nào cũng phải dậy sớm vất vả còn chưa nói gì, chúng con dậy sớm một hôm thì cũng có thấm vào đâu. Mà có chuyện gì lại gấp như vậy hả cụ?”
Cụ Tích ho khan vài tiếng trong họng rồi mới đáp lại:
“Thưa bà con, cũng như mọi ngày hôm nay tôi dậy sớm để ra đình thắp hương dọn dẹp ban thờ thần hoàng làng. Nhưng vừa ra đến nơi thì phát hiện có sự lạ. Cánh cửa ra vào cổng đình thì vẫn được khoá ở ngoài cẩn thận, chìa khoá tôi vẫn cầm ở đây, nhưng cánh cửa gỗ của gian thờ thì đã bị ai đó cậy tung ra. Ngày hôm qua tôi đã đóng cửa cài then rất cẩn thận, trước nay chưa từng dám lơ là bao giờ. Hơn nữa, ở sân đình có hai dấu chân lạ từ ngoài cổng tiến vào dẫn đến cửa gian thờ thì mất dấu. Đoán có sự chẳng lành nên tôi chưa dám vào trong kiểm tra xem có mất mát gì không mà đã nhanh chóng gọi bà con tới đông đủ để cùng nhau kiểm tra. Chuyện của đình là chuyện quan trọng, một mình tôi không thể xử lý được.”
Vừa nói cụ Tích vừa đưa tay chỉ vào cánh cửa gỗ màu đen đã cũ trước mặt. Hướng ánh mắt theo tay cụ chỉ, lúc này người ta mới để ý thấy cánh cửa vẫn đang khép hờ, nãy giờ mọi người chỉ nghĩ là do cụ Tích đến sớm đã mở nó ra chứ không nghĩ là bị ai đó cậy ra từ đêm hôm trước. Lúc này đám đông lại lao nhao lên mỗi người một câu không ai chịu nhường ai.
“Thôi hỏng rồi! Kiểu này thì chắc quân mất dậy nào nó túng quẫn quá vào ăn trộm rồi. Cha bố tiên sư đứa nào đến chốn linh thiêng như đình làng cũng ăn trộm cho bằng được, rồi nó không sợ thần hoàng làng vật cho trắng mắt ra hay sao.”
Một người đàn bà cất giọng chanh chua lên mà chửi, ngay lập tức người đàn ông bên cạnh vội lên tiếng phản bác:
“Cha bố cái nhà chị này, còn chưa rõ đầu đuôi tai nheo ra làm sao đã chửi loạn lên thế hả, nhỡ may không phải ăn trộm ăn cắp gì thì sao? Trong đình làng nào có gì giá trị mà sợ mất?”
Ngay lập tức bà kia lại phản pháo lại:
“Tôi là tôi cứ nghĩ thế đấy, mình ở đây thì biết trong đình không có gì giá trị, chứ bọn ở tận đẩu tận đâu đến thì nó biết được đấy phỏng? Mà chú bảo nửa đêm nửa hôm cậy cửa vào đình không phải ăn trộm thì dễ nó đi thắp hương khấn thần hoàng làng đấy hả? Lén lút vậy rồi ai chứng cho?”
Vừa nói bà ta vừa bĩu môi rồi còn cố kéo dài từng chữ một, giọng chua ngoa lanh lảnh thiếu nước như muốn chửi nhau với người đối diện.
Một cụ ông áng chừng đã ngoài 60 tuổi vuốt vuốt bộ râu đã điểm hoa râm của mình gật gù nghe cuộc đối thoại của hai người kia rồi cũng chen vào:
“Thôi thôi các cô các cậu đừng cãi nhau nữa, ai cũng có cái lý của người đó cả. Theo như tôi thấy đúng là trong đình không có gì giá trị để bị trộm dòm ngó, cũng không có ai nửa đêm nửa hôm lén lút cậy cửa vào đình để mà thắp hương cho thần hoàng làng cả. Vậy tại sao lại có người đột nhập vào đình giữa lúc cao điểm thế này? Các cô các cậu đã quên hồ sơ xét duyệt đình làng mình trở thành di tích lịch sử cấp tỉnh vẫn đang trong quá trình xem xét hay sao? Giữa lúc này mà xảy ra sự cố gì thì xem như bao nhiêu cố gắng gìn giữ của dân làng mình từ đời ông bà mấy trăm năm nay đổ sông đổ biển hết rồi còn đâu. Tôi là tôi nghĩ có kẻ ghen ăn tức ở với làng mình nên chủ ý muốn phá hoại đó. Bây giờ chúng ta vào trong xem rõ sự tình, có gì gọi công an đến điều tra bắt gô hết cổ chúng lại bỏ vào đồn, gì chứ cái tội phá di tích lịch sử có mà đi tù mọt gông chứ chả chơi đâu.”
Đa số mọi người đều gật gù tán thành với ý kiến của ông cụ. Lúc này từ ngoài cửa một cậu thanh niên trẻ dáng người rắn chắc, vạm vỡ mặc bộ quần áo đá bóng đang tiến vào. Đám người lớn bé trong sân đình thoáng trông thấy cậu đã niềm nở chào hỏi:
“Chào đồng chí công an xã. Chà vừa nhắc đến tào tháo tào tháo đã tới, có cậu Long ở đây bà con chúng ta có thể yên tâm rồi.”
Cậu thanh niên tên Long cười tươi đáp lại:
“Xin chào bà con! Không biết hôm nay làng ta có việc gì mà trời còn chưa sáng hẳn đã đánh kẻng tập trung vậy ạ?”
Cụ ông lúc nãy lại lên tiếng:
“Mời cậu vào trong này, đúng lúc đang cần có bên an ninh làm chứng. Chả là sáng nay cụ Tích phát hiện ra đình làng tối qua có người đột nhập. Chúng tôi cũng vừa mới tới cả thôi, còn chưa ai vào trong xem rõ sự tình thế nào, có mất mát hay sáo trộn gì không. Nay bà con đã đến đông đủ, lại có cả cậu Long là phó công an xã ở đây, chúng ta hãy vào trong để kiểm tra cho rõ tình hình. Phát hiện ra điều gì bất trắc phải ngay lập tức báo lên chính quyền xã để tìm hướng giải quyết mới được.”
Long đưa ánh mắt nhìn về phía cụ Tích cũng là ông nội của mình để thăm dò. Lúc này cụ vẫn đang đứng thất thần ở trên bậc hè mà nghe ý kiến qua lại của bà con bên dưới. Thấy Long nhìn mình, cụ khẽ gật đầu như để xác nhận những gì ông Phùng vừa nói là chính xác. Long im lặng không nói gì, đưa mắt nhìn một lượt khắp sân đình, ánh mắt của anh dừng lại ở hai dấu giày còn in lại trên nền sân gạch. Long quan sát thật kĩ để phán đoán, hai dấu giày đó có một dấu rất to còn in rõ số size 44. Chắc hẳn chủ nhân của dấu giày này phải là một người đàn ông cao to lực lưỡng lắm. Vết hằn trên nền sân gạch rất rõ ràng, những kí tự ở dưới đế giày cũng hằn lại vết rất rõ, từng hàng ô vuông tập trung chủ yếu ở phần gót và đầu mũi giày. Những kí tự này rất quen, có vẻ như Long đã từng nhìn thấy kí tự giày này ở đâu đó rồi nhưng hiện tại anh không thể nhớ ra được nó là của hãng giày nào. Một dấu chân còn lại thì bé hơn hẳn, nhìn qua hình dạng vết giày còn lưu lại thì không khó để nhận ra đây là một đôi giày da khá phổ biến. Lấy từ trong túi quần ra chiếc điện thoại di động, Long bấm máy ảnh chụp lại hai vết giày trên nền sau đó cùng cụ Tích dẫn đầu đoàn người tiến vào trong đình.
Đình làng Hồ có lịch sử từ hơn một trăm năm trước, toàn bộ kiến trúc gần như đều được sử dụng bằng gỗ là chất liệu chính. Vì bình thường an ninh ở đây rất tốt, trong đình cũng chẳng có gì giá trị nên cửa chỉ được khoá bằng một cái khoá sắt bé bằng ba ngón tay. Lúc này cái khoá đã bị ai đó dùng viên gạch đập gãy phần bản lề, vụn gạch rơi xuống còn vương vãi dưới nền đất. Tiến vào phía trong đình nơi có ban thờ thần hoàng làng, tất cả mọi thứ vẫn còn nguyên vẹn không có gì thay đổi hay bị sáo trộn.
Trong đình chỉ có duy nhất cái bóng tròn phát ra thứ ánh sáng vàng nhạt không đủ để soi rõ mọi thứ xung quanh. Mọi người chia nhau ra để kiểm tra thật kĩ mọi ngóc ngách trong đình nhưng không phát hiện ra điều gì bất thường. Ban thờ thần hoàng làng vẫn còn nguyên vẹn, cái lư hương màu xám ngắt chạm trổ hình rồng phượng đã cũ bên trên cắm đầy những chân hương, cạnh đó là một cái lư hương màu vàng đen đã úa màu theo thời gian, có nắp màu đen bóng đúc nổi hình một con sư tử đầy uy nghi, phía trên còn dán một tờ giấy màu vàng có những con chữ ngoằn nghoèo rất rối mắt. Không ai biết cái lư này được đặt ở đây với mục đích gì, chỉ biết từ đời này qua đời khác của những người trông đình đều giữ gìn nó rất cẩn thận, không ai được phép động vào.
Người ta còn cẩn thận kiểm tra kĩ cả những phần được chạm trổ rồng phượng hết sức tinh xảo trên xà dọc, xà ngang và vì nóc của mái đình. Tất cả vẫn còn nguyên vẹn, khéo léo và rất tinh tế. Lúc này người đàn bà đứng cãi nhau ban nãy lại cất tiếng:
“Đó các ông các bà đã thấy tôi nói đúng chưa? Chỉ có là quân trộm cắp ở nơi khác đến nghĩ trong đình có đồ giá trị nên nửa đêm cậy cửa vào để xem có khua khoắng được gì không thôi. Chắc không lấy được gì nên nó bỏ đi rồi.”
Đây cũng là suy nghĩ chung của phần đông những người có mặt lúc này. Người đàn ông với bộ râu dài ban nãy gật gù mà nói:
“Thôi như vậy thì cũng vẫn còn may. Không mất gì là tốt rồi. Những nhà ở gần đây nhớ cẩn thận, chú ý kẻo kẻ gian trộm đồ của nhà mình nghe chưa?”
Một người khác bất ngờ la lớn:
“Ôi các ông các bà nhanh lại đây mà xem, tượng thần hoàng làm sao thế kia?”
Mọi ánh mắt đổ dồn về phía bức tượng thần hoàng làng được đúc bằng đồng sơn son thếp vàng được đặt uy nghi bệ vệ trên ban thờ. Và ai nấy đều kinh hãi khi phát hiện ra, trên bức tượng đồng lạnh ngắt ấy, có hai dòng chất lỏng được rỉ ra từ khoé mắt trông giống như một người đang khóc, nhưng mà thứ chất lỏng đó không phải là nước mắt mà có một màu đỏ như màu máu.
Những người đàn bà kinh hãi chắp hai tay lại vái lia lịa mà nói:
“Tượng thần hoàng đổ huyết lệ, trong đình có động, làng này sắp có tai ương giáng xuống rồi.”
Một số người khác thì bán tín bán nghi, người ta nghi hoặc hỏi nhau, thứ chất lỏng đấy có từ bao giờ? Nhiều người khẳng định lúc mới bước chân vào đền không ai trông thấy, lại có người bảo không để ý đến nên có thể nó xuất hiện từ đầu rồi cũng nên. Cụ Tích là người trông đình cẩn thận lấy tấm khăn sạch thử lau thứ chất lỏng đó đi. Kì lạ thay, ở trên tượng thì nó có màu đỏ tươi như máu, nhưng khi được thấm vào khăn thì lại không để lại dấu tích gì, nó thấm ngay vào khăn rồi sau đó biến mất như chưa từng tồn tại. Suốt cả mấy chục năm làm nhiệm vụ trông đình, đây là lần đầu tiên cụ Tích gặp trường hợp kì lạ như vậy. Mặc dù không nói ra, nhưng trong lòng cụ cũng bắt đầu dấy lên một dự cảm không lành. Do không tìm thấy thêm dấu hiệu gì khả nghi của kẻ đột nhập vào đình nên sau đó mọi người cũng chia nhau ra về.
*****
Trở về đến nhà, lúc này cũng đã là hơn 7 giờ sáng, mặt trời đã lên cao chiếu ánh nắng chói chang xuống mặt đất. Long nấu hai tô mì cho hai ông cháu ăn sáng. Nhà chỉ có hai ông cháu nên việc ăn uống cũng rất đơn giản. Bố của Long là liệt sĩ đã mất từ khi Long còn trong bụng mẹ. Mẹ của Long ở vậy nuôi các con khôn lớn và phụng dưỡng bố chồng chính là cụ Tích. Ở trên Long còn có thêm một người chị gái, chị lấy chồng ở tít huyện bên cạnh lại vừa sinh em bé được vài tháng, hai vợ chồng kinh doanh bận rộn nên đã đón mẹ Long qua đó ở chăm cháu một thời gian, định bụng khi nào đứa bé cứng cáp thì bà sẽ về. Thành thử ra trong nhà lúc này chỉ còn lại hai ông cháu với nhau. Long hiện đang là phó công an của xã, nhà cách uỷ ban không xa nên đi về chăm sóc ông nội cũng tiện.
Từ ngoài đình trở về, trong lòng Long vẫn không thôi suy nghĩ về những sự việc kì lạ diễn ra ở đình ban nãy. Khoá cửa bị đập, rõ ràng có kẻ gian đột nhập vào nhưng trong đình lại không có gì bị sáo trộn, cũng không bị mất mát gì. Vậy mục đích của kẻ gian đột nhập vào đình là gì? Cái thứ chất lỏng xuất hiện trên bức tượng thần hoàng làng đó là gì? Với nghiệp vụ của một người công an, ngay từ khi vừa bước chân vào đình Long đã chú ý quan sát tất cả mọi thứ rất kĩ. Long có thể khẳng định chắc chắn rằng, lúc mọi người tiến vào trên bức tượng chưa hề xuất hiện thứ chất lỏng đó. Vậy nó từ đâu mà có? Chẳng nhẽ lại đúng như người ta nói, tượng thần hoàng đổ lệ thật sao? Điều này thì Long không thể tin nổi.
Thấy bát mì trước mặt Long đã nở trương hết cả lên mà Long vẫn ngồi ngây ra như phỗng, cụ Tích lên tiếng dục:
“Long, nghĩ gì mà ngây cả người ra thế hả cháu? Mì trương hết rồi còn không mau ăn đi. Hôm nay không phải đi làm sao mà giờ này còn cà kê thế hả?”
Nghe tiếng ông giục Long mới thoát khỏi được những suy nghĩ vẩn vơ trong đầu. Như sực nhớ ra điều gì, Long gãi đầu gãi tai rồi bảo:
“Ôi cháu quên mất còn chưa bảo với ông. Mới ban nãy cháu có gọi điện báo qua tình hình ở đình cho chú Thịnh chủ tịch xã, cháu dù gì cũng là người dân của làng mình. Đang trong thời điểm quan trọng chờ được xét duyệt, để chắc ăn cứ phải báo lên uỷ ban nhỡ sau này có phát hiện ra cái gì làng mình không gánh hết trách nhiệm đâu ông ạ.”
Cụ Tích nghe vậy thì cũng gật gù:
“Cháu làm như vậy là đúng lắm. Chuyện này vẫn còn nhiều điểm khả nghi chưa thể giải thích được. Không hiểu sao ông cứ có dự cảm không lành, cảm giác như có chuyện gì đó rất tồi tệ sắp xảy ra ấy.”
Long húp mì đánh soạt một cái rồi bảo:
“Ông phát hiện ra thêm điều gì bất thường thì nhớ báo ngay cho cháu nhé.”
Bất ngờ điện thoại của Long đổ chuông, trên màn hình điện thoại hiện tên người gọi được lưu là chú Thịnh chủ tịch. Long bắt máy rồi vừa nghe vừa cầm theo cái tô mì đã cạn xuống bếp. Lúc trở lên, gương mặt Long có chút căng thẳng, Long khẽ cau mày rồi gọi cụ Tích.
“Ông ơi, biết phải làm sao bây giờ nhỉ. Chú Thịnh chủ tịch xã vừa gọi báo cháu phải đi học điều lệnh 1 tuần ở tận Nghệ An cơ.”
Ông cụ nhìn cháu trìu mến mà nói:
“Việc công việc nước thì cháu cứ đi thôi, có gì mà phải lo lắng thế hả?”
“Nhưng mà phải đi ngay trong chiều nay, sáng mai nhập học rồi ông ạ.”
“Ô hay sao chiều nay đi rồi mà bây giờ mới báo? Thế thì cháu chuẩn bị kịp làm sao được?”
“Dạ cũng không phải chuẩn bị gì nhiều, chỉ cần mang quần áo đồ dùng sinh hoạt cá nhân thôi ông ạ. Thực ra lần này trong danh sách là chú Thượng trưởng công an xã đi học, nhưng bác Thịnh vừa gọi báo chú Thượng bị cảm đột ngột không thể đi được nên cháu phải đi thay ông ạ. Cháu chỉ lo một mình ông ở nhà. Thôi để cháu gọi mẹ cháu thu xếp về mấy hôm, khi nào cháu về thì mẹ cháu lại qua bên kia vậy.”
Vừa nói Long vừa đưa tay bấm điện thoại. Sau vài hồi chuông, đầu dây bên kia có người bắt máy, giọng gấp gáp:
“Alo Long đấy hả con, hai ông cháu ở nhà có khoẻ không mà sao gọi mẹ sớm thế hả?”
Long vội vào ngay vấn đề. Đầu dây bên kia dội lại tiếng trẻ con quấy khóc nghe sốt hết cả ruột gan. Mẹ Long nói lớn trong điện thoại:
“Thằng bé bị sốt từ đêm qua đến giờ chưa hạ, mẹ đang chờ xe để đưa cháu vào bệnh viện khám bây giờ đây. Bố nó đi lấy hàng ở cửa khẩu còn chưa về tới, giờ có mình chị con với cháu thì biết phải làm sao. Thôi xe đến rồi, mẹ phải cho cháu đi đã. Có gì tý mẹ bàn với chị rồi mẹ gọi lại cho nhé.”
Nói xong bà vội vàng tắt máy. Long khuôn mặt đăm chiêu còn chưa biết nên giải quyết thế nào thì cụ Tích đã lên tiếng:
“Cháu cứ chuẩn bị mà đi đi, một mình ông ở nhà được, ông còn khoẻ chán có gì đâu mà phải lo. Đó những lúc thế này mới thấy việc lấy vợ quan trọng thế nào đúng chưa. Từng này tuổi rồi chứ có phải còn bé bỏng gì nữa đâu. Làm gì thì làm cũng phải kiếm cháu dâu về đây còn nhanh cho ông bế chắt chứ. Chưa được bế thằng chắt nội trên tay thì ông có chết cũng không nhắm mắt được đâu đấy.”
Long nghe ông nói vậy liền cười tít cả mắt lại mà nói:
“Cháu còn trẻ mà ông. Ông phải sống thọ trăm tuổi với con cháu, cháu chỉ sợ sau này có chắt rồi ông lại phải than suốt ngày ồn ào ông không chịu được thôi ạ.”
Ông cụ mắng yêu:
“Cha bố anh nữa, tôi nói thật chứ không đùa với anh đâu nhé. Mà ông nghe nói cháu và cái Xoan cháu của ông Thượng đang quen nhau phải không? Cái con bé vừa đẹp người lại đẹp nết, không cưới nhanh đám khác nó lại hốt đi bây giờ.”
Long lúc này giọng nói đã trở nên nghiêm túc hơn:
“Xoan vừa được bổ nhiệm làm bí thư chi đoàn xã đấy ông ạ. Thời gian qua cô ấy còn phải đi học, ra trường còn đợi ổn định chỗ làm. Bây giờ mọi thứ cũng đã ổn định rồi bọn cháu đang tính ra năm dẫn về ra mắt hai bên gia đình đó ông.”
Ông cụ nghe thế thì gật gù vẻ mặt mãn nguyện. Dừng lại một lúc Long lại tiếp:
“Thằng bé nhỏ con chị Hiền bị ốm mẹ cháu đang đưa đi viện rồi không về được, để ông một mình cháu chả thấy yên tâm chút nào cả. Hay để cháu bảo thằng Hậu qua ở với ông mấy hôm được không ạ?”
Ông cụ khoát tay từ chối:
“Thôi không cần làm phiền người khác làm gì đâu cháu, ông còn khoẻ ông tự lo được. Cháu cứ yên tâm mà đi công tác, có gì ông sẽ gọi.”
“Vậy để cháu nhờ Xoan thi thoảng ghé qua lo cho ông chuyện cơm nước. Cần gì ông cứ bảo với cô ấy hoặc gọi thằng Hậu qua giúp ông nhé.”
“Được rồi. Cha bố anh tôi có phải là đứa trẻ đâu mà cứ phải dặn nhiều thế hả.”
Buổi chiều hôm ấy, Long bắt xe ra thành phố Vinh để tham dự khoá huấn luyện. Đến tối, Long không quên gọi điện về hỏi thăm tình hình của ông ở nhà. Bắt đầu vào khoá huấn luyện nghiêm khắc trong quân đội, ban ngày trong giờ huấn luyện Long cùng các đồng chí khác không được dùng điện thoại phải để tại phòng nghỉ ngơi. Đến giờ ăn cơm xong về phòng mới có thể sử dụng. Buổi tối của ngày thứ hai, Long về phòng cầm vào điện thoại thì giật mình khi thấy có rất nhiều cuộc gọi nhỡ từ số của ông nội, của mẹ và cả chị Hiền chị gái Long nữa. Trong lòng dấy lên một dự cảm không lành, Long bấm máy gọi vào số của ông đầu tiên. Mãi một lúc sau mới có người bắt máy, nhưng không phải là ông là mà mẹ của Long. Vừa bắt máy đầu dây bên kia đã bật khóc nức nở:
“Long ơi tại sao bây giờ con mới nghe máy? Về đi con ông nội mất rồi con ơi.”
Nói đến đây thì giọng bà bắt đầu nghẹn lại, Long không thể tin những gì mình vừa nghe thấy lại là sự thật. Trống ngực đập thình thịch, Long hỏi lớn:
“Mẹ, mẹ đang nói cái gì vậy? Ông nội bị làm sao?”
Phía đầu dây bên kia mẹ Long nói trong tiếng nấc nghẹn:
“Gần trưa nay người ta phát hiện ra ông bị ngã ở trong đình, đầu đập vào cái thềm cửa gỗ, mất nhiều máu lắm. Khi phát hiện ra thì ông đã đi rồi, ông chết mà không nhắm được mắt con ơi.”
Trái tim Long ngay lúc này như bị ai đó bóp nghẹn lại không thể thở được. Anh thật không thể ngờ, sáng hôm đó lại là lần cuối được gặp ông nội của mình. Long ngay lập tức báo cáo lên cấp trên xin rút khỏi khoá huấn luyện trở về nhà ngay trong đêm. Khi Long về đến nhà đã là quá nửa đêm, lúc này thi thể của ông cụ đã được khâm liệm, vậy là Long đã chẳng kịp nhìn mặt ông lần cuối. trong nhà Long đã chật kín người, thấy con về mẹ Long lao ra ôm lấy con rồi lại gào lên mà khóc.
“Ôi Long ơi sao bây giờ con mới về? Ông con chết thảm quá con ơi. Ôi bố ơi sao bố lại bỏ con bỏ cháu lại mà đi tức tưởi như thế. Bố còn điều gì day dứt mà sao bố chết cũng không nhắm mắt hả bố ơi….”
Đứng trước tấm di ảnh của ông Long cũng oà lên khóc hu hu như một đứa trẻ. Vậy là tâm nguyện cuối cùng của ông Long vẫn chưa thể hoàn thành. Đám tang của cụ Tích rất đông người đến viếng. Phần vì ông có con là liệt sĩ, phần vì Long là cán bộ xã, lại thêm việc ông là người giữ đình làng Hồ. Ngày đưa tang ông, dòng người nối đuôi nhau đi theo xe tang chật kín cả dọc đường bờ hồ. Dưới hồ, sen đang đúng mùa nở rộ nhất, những cánh sen hồng bung toả ngát hương như thể chúng cũng muốn dành những gì tinh tuý nhất cho người giữ đình, giữ bình yên của ngôi làng suốt nửa thập kỉ qua.
****
Sau đám tang của cụ Tích, bà Hường mẹ Long đã chuyển về nhà ở để tiện hương khói cho ông cụ và chăm sóc cho Long. Phía hội các cụ trong làng đề nghị cắt cử người khác đứng ra trông đình vì thấy Long còn bận rộn công việc ở uỷ ban. Nhưng Long đã không đồng ý. Từ bao đời nay, gia đình Long có truyền thống cha truyền con nối để thay nhau trông giữ đình làng. Bố của Long mất sớm, nay ông nội cũng đột ngột ra đi thì Long sẽ là người tiếp nối truyền thống đó. Long vẫn nhớ từ khi cậu còn rất nhỏ ngày nào cũng theo ông nội ra đình để thắp hương cho thần hoàng làng. Lúc đó mỗi lần lau dọn ban thờ ông đều tỉ mỉ hướng dẫn Long cách làm sao cho đúng. Ông nội còn bảo, sau này lớn lên dù Long có làm gì, có ở đâu thì cũng phải nhớ khi người trông đình mất, Long phải lập tức trở về để tiếp quản công việc đó. Trông đình là nhiệm vụ của dòng họ Trần, nó không chỉ là truyền thống của làng Hồ, còn là truyền thống của gia đình, của dòng tộc của Long. Có lẽ cũng chính vì lý do này mà đến tận khi xuôi tay ông cụ vẫn không thể nhắm mắt được khi thấy Long chưa có con nối dõi. Và bây giờ, Long chính là người giữ đình trẻ nhất trong suốt mấy trăm năm qua.
Thắp một nén hương lên bàn thờ của ông nội, Long thành tâm khấn:
“Ông nội, ông hãy yên tâm ra đi, cháu sẽ thay ông trông giữ ngôi đình của làng mình, sẽ tiếp tục truyền thống bao đời nay của gia đình mình. Cháu hứa sẽ trông giữ ngôi đình thật tốt, sẽ bảo vệ bình yên cho ngôi làng của chúng ta.”
Về cái chết đột ngột của cụ Tích, Long vẫn không thôi tự dằn vặt bản thân mình vì đã để ông nội ở nhà một mình. Sau khi lo đám tang cho ông xong xuôi, có thời gian rảnh Long muốn tìm hiểu về cái chết của ông nội. Theo như nhật kí điện thoại của Long, sáng sớm ngày hôm đó ông đã gọi Long ba cuộc liên tiếp. Lúc đó Long đang trên thao trường nên không được sử dụng điện thoại. Long chắc chắn phải có chuyện gì thì ông mới gọi mình sớm như thế. Khoảng thời gian đó vừa khớp với thời gian ông vẫn thường hay ra thắp hương ở ngoài đình làng. Những ngày đầu Long đã suy đoán rằng lúc đó ông ra đình nhưng vô tình bị ngã, ông vẫn còn tỉnh nên bấm máy gọi cho Long để cầu cứu. Nghĩ vậy nên Long đã tự trách bản thân mình rất nhiều. Nhưng sau khi ổn định lại hỏi thăm mẹ về chuyện sảy ra vào buổi sáng ngày hôm đó thì giả thiết này đã bị loại trừ.
Theo như lời bà Hường kể lại, người đầu tiên phát hiện ra ông cụ bị ngã ở trong đình là Xoan. Hôm đó Xoan đi chợ rồi ghé qua nhà nấu cơm trưa cho ông cụ. Nhà Long ở ngay cạnh đình, chỉ cách có vài chục mét. Mỗi lần ra đình ông cụ chỉ khép cửa lại chứ không khoá. Xoan vào nhà nấu cơm đã xong mà vẫn không thấy ông cụ đâu. Sốt ruột nên cô đã đi ra đình để tìm, ra tới nơi thì tá hoả khi phát hiện ra ông cụ đang nằm bất tỉnh trên một vũng máu. Xoan sợ hãi vội tri hô bà con gần đó đến giúp thì mới phát hiện ra ông cụ đã chết từ bao giờ. Khi được phát hiện ra ông cụ không hề có điện thoại ở bên cạnh mình mà cái điện thoại vẫn còn đang ờ nhà. Bà con quanh đó thấy động đến xem chứng kiến cái chết thương tâm của cụ Tích thì gào lớn:
“Thần hoàng làng nổi giận thật rồi!”
Sự việc nhanh chóng được báo lên chính quyền, sau đó ông Thượng trưởng ông an xã đã xuống làm việc và kết luận ông cụ tự ngã đập đầu vào bậc cửa mất nhiều máu dẫn đến tử vong. Thế nhưng những người dân quanh đó thì một mực cho rằng đây không phải tai nạn mà ông cụ bị chính thần hoàng làng vật chết. Sở dĩ người ta có suy nghĩ như vậy bởi lẽ mới cách đó hai hôm đình làng có kẻ gian đột nhập vào, sau đó thì lại đến chuyện bức tượng thờ của thần hoàng làng đổ huyết lệ. Chính Long cũng cảm nhận được cái chết của ông nội còn nhiều uẩn khúc trong đó. Tuy tuổi đã cao nhưng cụ Tích vẫn còn rất khoẻ, thậm chí đi lại còn chưa phải dùng đến gậy. Trước nay cụ vẫn luôn rất cẩn thận, không thể có chuyện bất cẩn mà bị ngã dẫn đến tử vong như vậy được.
Người ta không liên lạc được với Long nên đã tìm cách liên lạc với mẹ của Long trước. Lúc bà Hường về thì xác của ông cụ đã được chuyển về nhà, thầy cúng cũng đã được phía uỷ ban xã cho người mời đến. Vì ông chỉ có mình Long là cháu nội duy nhất nên mẹ Long muốn chờ Long về gặp mặt ông lần cuối rồi mới tiến hành khâm liệm nhưng thầy cúng xem giờ phải khâm liệm ngay trong buổi chiều ngày hôm đó, nếu không sẽ phạm phải giờ trùng. Lúc chết mắt ông cụ vẫn mở trừng trừng, khi khâm liệm mọi người cố vuốt thế nào mắt ông cũng không thể nhắm lại.
Sau gần một tuần nghỉ phép để lo tang lễ của ông nội Long trở lại làm việc tại uỷ ban với gương mặt mệt mỏi kém sắc. Mấy cô chú trong uỷ ban xúm vào động viên an ủi Long rất nhiều. Long được biết vào ngày ông nội mất, ông Thịnh chủ tịch xã cũng đã đích thân xuống tận đình để xem xét tình hình cùng ông Thượng trưởng công an xã. Long qua phòng chủ tịch tìm gặp riêng ông Thịnh, anh muốn biết rõ hơn về cái chết của ông nội của mình. Ông Thịnh tiếp đón Long rất niềm nở. Rót một ly nước chè mời Long, gương mặt đượm buồn ông bắt đầu cuộc trò chuyện:
“Cậu Long này, thực sự chúng tôi rất tiếc vì sự ra đi đột ngột của ông cụ nhà mình. Biết là sự mất mát này sẽ khó mà chấp nhận ngay được, nhưng mong cậu hãy cố nén lại đau buồn, dù sao thì sinh lão bệnh tử cũng là điều mà không ai tránh được.”
Long cầm ly trà ủ vào hai lòng bàn tay nhưng không uống, đôi mắt rưng rưng Long đáp:
“Cháu cũng biết ông nội không thể sống mãi với mình được, nhưng không ngờ ông lại ra đi trong hoàn cảnh như vậy. Hôm nay lo chuyện hậu sự cho ông cũng đã xong xuôi cháu mới có thời gian đến để cảm ơn chú vì trong lúc gia đình cháu chưa có ai về kịp đã đứng ra lo giúp mọi việc cho ông. Còn một điều này nữa, cái chết của ông cụ cháu nhận thấy có một vài điểm khả nghi muốn tìm hiểu lại cho rõ. Sau cái chết của ông nội cháu, mặc dù không ai nói ra những người dân trong làng không ai muốn tiến đến gần ngôi đình nữa chú ạ, người ta đồn là thần hoàng làng nổi giận mà gây nên cái chết của ông nội cháu. Trước đây việc đình làng bị đột nhập cháu cũng đã báo lên uỷ ban rồi, giờ lại thêm chuyện này nữa người dân hoang mang cũng đúng thôi. Giờ cháu muốn phía uỷ ban mình cho phép cháu điều tra lại vụ đình làng bị đột nhập. Vào cái hôm mà xảy ra tai nạn ông nội có gọi liền cho cháu 3 cuộc gọi nhỡ nhưng lúc đó cháu còn đang trên thao trường không bắt máy được. Nếu như không có việc gấp ông sẽ không gọi cháu vào giờ đó bao giờ cả. Cháu đang nghĩ liệu có phải ông nội đã phát hiện ra điểm bất thường trong đình nên muốn gọi để nói với cháu hay không. Và chuyện này liệu có liên quan đến cái chết của ông hay không?”
Ông Thịnh trầm ngâm một chút rồi đáp:
“Bây giờ chú nói như này nha. Những gì cháu nói chú đều hiểu cả. Nhưng mà cháu cũng đã nói vào cái ngày mà đình làng có kẻ gian đột nhập đó cả cháu và toàn bộ dân làng Hồ đều có mặt ở đình, đã tận mắt kiểm tra nhưng không tìm thấy điểm bất thường nào đúng không? Chú thì chú chỉ nghĩ là mấy kẻ nghiện ngập ở làng khác tưởng trong đình có đồ giá trị nên đột nhập vào để ăn trộm nhưng thấy không có gì nên bỏ về thôi. Còn về cái chết của ông cụ, đồng chí Thượng trưởng công an xã đã tự xuống tận nơi để kiểm tra hiện trường, đó chỉ là một tai nạn không ai mong muốn mà thôi. Dân làng ta bao đời nay vẫn thế, một đồn 10, 10 đồn trăm, nhất là lại dính đến những vấn đề tâm linh nữa. Thêm một điều này nữa, như cháu cũng biết hiện nay đang trong khoảng thời gian nhạy cảm, đình làng đang trong diện xét hồ sơ được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Nếu được công nhận thì đây sẽ là niềm tự hào của không chỉ người dân làng hồ, mà còn của cả xã, cả huyện của chúng ta nữa. Những lùm xùm mê tín lúc này là không nên.”
Rời khỏi phòng ông Thịnh, tuy trong lòng vẫn còn nhiều khúc mắc nhưng Long cũng dần bị xuôi theo những luận điểm mà ông đã đưa ra. Bởi hơn ai hết chính Long là người rõ nhất người dân trong làng đã mong đợi ngày được công nhận khu di tích đến nhường nào, và cả ông nội Long cũng đã dành nhiều tâm huyết cho dự án này đến đâu. Ngồi dưới gốc đa trước cửa nhà nhìn ra hồ sen trước mặt, hai hàng nước mắt của Long lại bất giác lăn dài. Gió chiều từ hồ sen thổi lên mang theo hương thơm man mác. Cây đa già rủ bóng xuống khẽ đu đưa nhè nhẹ theo gió thổi. Cái cảm giác này thật ấm cúng và quen thuộc xiết bao nhiêu. Chỉ tiếc là từ nay Long chẳng được cùng ông nội ra hồ hái sen sớm về ướp trà, hoặc ngồi hóng mát dưới gốc đa cổ thụ nữa.
Cây đa này đã có ở đây từ lâu lắm rồi, từ lúc Long còn bé nó đã sừng sững đứng đó mấy người ôm không xuể. Gốc đa to xù sì, cành lá sum xuê mọc ngay trước cổng đình đã trở thành một trong những biểu tượng truyền thống của làng Hồ. Bên cạnh Long lúc này cũng có mấy đứa trẻ nhà cạnh đó ra bờ hồ thả diều hóng gió. Chúng nô đùa ríu rít cười vang trời. Long nhìn chúng mà thấy lòng mình dịu lại được đôi chút. Trước đây Long cũng như chúng, là những đứa trẻ hồn nhiên vô lo vô nghĩ, cuộc sống thật vui vẻ biết bao nhiêu. Nhưng rồi ai cũng phải lớn lên, phải sống có trách nhiệm không chỉ cho bản thân, cho gia đình mà còn cả cho xã hội nữa. Sinh, lão, bệnh, tử đó đã là quy luật của tạo hoá không ai tránh khỏi được. Tre già rồi mới có măng non mọc lên, vậy Long cũng nên chấp nhận mọi chuyện mà buông bỏ hết chấp niệm ở trong lòng.
Long toan đứng dậy quay bước về nhà thì tiếng bọn trẻ nhốn nháo làm Long tò mò khựng lại. Thằng Mít nhà bà Nga bán tạp hoá chạy lại túm tay Long mà lắc đi lắc lại, giọng mè nheo:
“A anh Long đây rồi, anh Long giúp em lấy con diều xuống với, nó bị mắc trên ngọn cây đa mất rồi.”
Vừa nói nó vừa đưa mắt dõi lên ngọn cây đa trước mặt. Nhìn về hướng đó Long thấy có một con diều bị mắc ở trên cành cây khá cao, phía dưới mấy đứa trẻ khác đang bất lực đứng nhìn. Long tiến về phía bọn nhỏ, cành cây khá cao so với tầm với của Long, đứng ở dưới sẽ không tài nào mà với tới được. Đắn đo một hồi Long quyết định sẽ trèo lên để lấy con diều xuống. Cũng may con diều mắc ở phần nhánh nhỏ của cây đa đoạn có tán xà xuống chứ không phải ở tít tận trên ngọn cao vút. Thân cây đa khá lớn Long ôm không xuể nên chỉ có thể bám vào phần rễ cây mọc rũ xuống mà lấy đà trèo lên. Bọn nhỏ đứng ở dưới hồi hộp dõi theo từng hành động của Long, đến khi anh chạm được vào con diều thì cả lũ vỗ tay reo hò vui sướng.
Thả con diều xuống dưới cho bọn nhỏ, Long không vội trở xuống ngay mà còn nán lại ngồi vắt vẻo trên cành cây mà ngắm nhìn xuống hồ sen trước mặt. Gió từ hồ thổi vào mặt Long mát rượi. Tầm này đúng mùa hoa sen nở rộ nhất, những búp sen hồng e ấp núp giữa những đài lá sen xanh mướt, ánh hoàng hôn dần buông xuống mặt hồ những tia nắng màu vàng tươi, phả xuống mặt nước khiến nước trong hồ cũng trở nên óng ánh. Khung cảnh này thật yên bình và thơ mộng biết bao nhiêu. Long phóng tầm mắt nhìn khắp bốn bề xung quanh như thể muốn lưu giữ lại khoảnh khắc này thật lâu trong tâm trí. Chợt ánh mắt của Long khẽ dừng lại trước một tán lá cây đa. Dưới ánh nắng của chiều tà, cả tán lá cây ở khoảng đó đã chuyển sang một màu ngả vàng. Tưởng mình nhìn nhầm, hoặc là do ánh nắng chiều chiếu vào khiến Long hoa mắt nên anh đưa tay để kéo thử tán lá cây đó lại gần phía mình. Khi tay Long chạm vào tán lá làm tán lá khẽ lay động, rất nhiều lá cây đã đồng loạt rơi xuống. Và Long cũng không nhìn nhầm, chính xác cành cây đa đó lá đã chuyển sang một màu vàng úa trong khi tất cả những cành cây khác vẫn còn xanh tươi um tùm.
Long hơi nhíu mày lại, rồi lại đưa mắt để tìm kiếm xung quanh. Theo phán đoán của Long thì có thể bọn trẻ trèo lên cây đã vô tình làm gãy nhành cây đó dẫn đến lá cây bị úa vàng. Nhưng mà không, phán đoán của Long hoàn toàn sai, bởi lẽ Long đã cẩn thận dò từng nhánh nhưng không hề có tổn hại nào. Vậy tại sao lá cây lại chuyển vàng trong khi đang giữa mùa hè còn chưa đến mùa lá rụng? Xem xét một hồi nhưng không tìm ra nguyên nhân nên Long cũng đã phải trèo xuống và mang theo thắc mắc đó về nhà.
Mấy ngày sau đó, Long vẫn luôn để ý đến cây đa trước nhà. Lá vàng rụng mỗi lúc một nhiều hơn, và những tán lá cây xung quanh cũng dần chuyển hết sang một màu vàng úa. Cây đa đã gắn liền với lịch sử của làng cả mấy trăm năm nay, nay đột nhiên xảy ra hiện tượng lạ. Lúc này người dân lại càng có cớ để truyền tai nhau rằng, đình làng đã bị động và thần hoàng làng đang nổi giận. Rồi tai ương sẽ ập xuống cả ngôi làng này.