QUỶ NGỰ ĐÌNH LÀNG
Tác giả: Lê Như Tiên
Chương 4: Điềm báo chết
7 giờ sáng, lúc này trong chợ đã đông kín người. Chợ quê nhưng đây là cái chợ duy nhất của cả xã, nằm ở địa điểm giáp với cả bốn làng: Làng Hồ, làng Đông, làng Hạ và làng Chùa. Lại nằm ở ngay ngã ba trục đường chính giao thông thuận tiện, thậm chí người dân ở những xã lân cận cũng đều tiện đường mà ghé qua đây mua sắm. Tầm này hoạt động mua bán đang diễn ra rất sôi nổi, người mua người bán kì kèo trao đổi đẩy đưa qua lại tạo thành một bức tranh làng quê đầy đủ sắc màu.
Gian hàng nằm ở dãy chợ cuối là nơi bày bán đủ thứ bánh trái nhà quê của các bà các mẹ mà ai đi chợ cũng phải tạt qua đây mua dăm đồng quà về cho bọn nhỏ ở nhà. Nếu mà rảnh rỗi hơn nữa, các bà sau khi bán xong mớ rau nải chuối hay thúng trà xanh sẽ ghé qua đây ngồi túm năm tụm ba lại với nhau bên hàng bánh đúc, đôi khi lại là bếp tráng bánh cuốn, hoặc là chõ xôi khúc còn nghi ngút khói. Họ vừa thưởng thức những thức bánh quà quê
vừa bàn tán những câu chuyện phiếm để nhanh qua những ngày nông nhàn rảnh rỗi. Thường đây là khu rôm rả nhất trong cả chợ, bởi các cụ nói cấm có sai bao giờ: “nhàn cư vi bất thiện.” Đây cũng chính là nơi mà những lời đồn đoán, thêu dệt được chắp cánh để phát tán đi khắp nơi.
Mấy ngày hôm nay hàng bánh cuốn của bà Tường có vẻ như thưa khách hơn mọi khi. Xô bột mọi khi tầm này đã cạn hơn nửa nhưng hôm nay mới chỉ vơi đi chưa đáng kể. Mà không chỉ mới hôm nay, từ tết đến giờ ngày nào hàng bánh của bà cũng ế ẩm. Kể cũng phải thôi, vừa tết xong người dân còn đang chán ngán với những thứ bánh chưng, thịt thà, giò chả ngày tết. Rồi liền sau đó lại đến tất bật chuẩn bị cho lễ hội của đình làng Hồ. Tuy là lễ hội do làng Hồ tổ chức nhưng từ lâu nó đã trở thành một sự kiện của cả xã, các thôn các làng đều đến tham gia giao lưu văn nghệ và các trò chơi dân gian. Lễ hội chưa xong lại đến cái chết tức tưởi đầy ám ảnh của thằng Hào con trai bà Hoè bán thịt lợn. Tầm này cũng chẳng ai còn tâm trí đâu mà ngồi ăn bánh nữa. Mấy ngày hôm nay gian hàng bán thịt của bà Hoè vẫn chưa mở bán trở lại. Những chỗ khách hàng quen của bà mỗi lần đi qua cái bàn trống quen thuộc lại khẽ lắc đầu rồi thở dài một hơi. Sau cú sốc lớn như vậy không biết rồi bà Hoè có vực dậy được để tiếp tục công việc hay không.
Hai người đàn bà cắp theo cái thúng rỗng ở bên hông, đảo mắt nhìn khắp một lượt các hàng bánh để chọn lựa xem hôm nay sẽ ăn gì, sau đó thì kéo nhau vào gian tráng bánh cuốn của bà Tường rồi ngồi xà xuống cái ghế băng dài kê bên cạnh cái bàn bằng gỗ tạp được đóng một cách vụng về, đặt thúng chồng lên nhau để gọn vào một góc rồi gọi mỗi bà chục bánh cuốn. Bà Tường cười đon đả:
“Ôi cha các bà nay bán gì mà hết sớm thế hở?”
Một bà đáp lại:
“Nào có gì để bán đâu chị, mới vừa tết xong rảnh rỗi hái mớ rau muống mang ra chợ bán kiếm đồng quà bánh thôi. Có vẻ tết xong ai nấy cũng đều ngán thịt thà hết rồi nên hàng rau nào cũng hết sớm vậy cả.”
Bà Tường tay vẫn đều đều tráng bánh, đầu thì gật gù rồi nói:
“Bác nói đúng đấy, đến cả hàng bánh của em cũng ế chỏng ế chơ ra đây này. Người đi chợ thì vẫn đông mà chả mấy ai mua bánh quà gì cả.”
Trong lúc chờ bà Tường tráng bánh, hai bà ngồi phe phẩy cái nón lá trên tay, một bà cất tiếng hỏi:
“Mà tết xong thằng Nhân nhà chị đã ra trường nhập học lại chưa? Nốt năm nay nữa là tốt nghiệp rồi đấy nhỉ?”
Bà mẹ của Nhân đáp:
“Cảm ơn chị đã hỏi thăm, cháu nó giờ chỉ còn ra trường đi thực tập nữa là tốt nghiệp rồi. Cũng tính là sau khi dự hội làng xong thì đi đó, nhưng ngặt nỗi lại vướng phải đám tang của thằng Hào nhà bà Hoè. Bọn nó anh em chơi thân với nhau từ bé đến giờ nên thằng nhỏ lại cứ dùng dằng ở lại mãi vẫn chưa đi được. Rõ khổ mấy đứa bạn nó đứa nào cũng còn đang sốc lắm.”
đưa ánh mắt quét quanh một lượt mấy gian hàng bên cạnh, sau đó dừng lại ở sạp hàng trống ở dãy hàng thịt ở phía đối diện, bà kia chẹp miệng rồi bảo:
“Khổ thân cái nhà cô Hoè, đến hôm nay vẫn chưa thấy bán hàng trở lại. Chắc là vẫn đang đau lòng lắm.”
Bà mẹ Nhân đáp lại:
“Thì chả thế. Các bà bảo xem đẻ được đứa con nuôi mấy chục năm mới lớn bằng từng này, vậy mà nó chết đột ngột như thế thì ai chả đau lòng. Hôm đi đám tang của thằng Hào, thấy cô Hoè cô ấy vật vã mà tôi cũng thấy đứt hết cả ruột gan ra bà ạ.”
Bà ban nãy đưa ánh mắt nhìn xung quanh dò xét, thấy không ai để ý đến câu truyện của mình cùng những bà bạn thì mới hạ giọng nói nhỏ:
“Có cái này tiện đây tôi hỏi nhỏ bà trả lời cho thật nha. Mấy làng ở ngoài này người ta đang đồn thằng Hào chết không phải do tai nạn mà do bị thần hoàng làng vật chết có thật không hở bà?”
“Ôi trời ơi bà nói cái gì độc mồm độc miệng vậy? Mấy cái chuyện này không có đùa được đâu, nói không phải các ngài phạt cho đấy.”
Bà Tường tay ngưng tráng bánh mà sợ hãi thốt lên, nhưng mẹ Nhân đã lên tiếng đáp lại:
“Chuyện này ở làng Hồ người ta cũng đồn thế thật đấy các bà ạ. Mà nghĩ ra thì cũng phải có cơ sở người ta mới dám đồn đoán thế chứ, tôi thì tôi cũng chỉ nghe kể lại thôi. Chắc các bà vẫn nhớ chuyện nửa năm trước cụ Tích trông đình cũng đột ngột ngã chết ở giữa đình đúng không? Đình làng là chốn linh thiêng chẳng phải tự dưng mà lại có nhiều người chết trùng hợp như vậy đâu. Thêm nữa, cái hôm mà đình làng tổ chức lễ hội đó, chính ông Trọng cũng bị ngã chảy máu me be bét ra còn gì. Ai cũng bảo tại ông ấy đi đứng bất cẩn vấp phải cái bậc cửa mà ngã, nhưng ông ấy lại quả quyết là có người xô. Mà các bà bảo xem, đang không ai lại đi xô ông ấy làm gì, ở đó đông người như thế nếu có thật thì phải có người trông thấy chứ đúng không? Thêm nữa ông Tấn là người ở làng Đông được mời đến để đấu cờ hôm đó cũng đột ngột bị tai biến phải đi cấp cứu. Này nhé, chả phải tự nhiên mà những người liên quan đến đình làng lại đều gặp xui xẻo như vậy đâu.”
“Theo lời bà nói thì cũng thấy có lý đấy, nhưng từ bao nhiêu đời nay cái đình làng Hồ là nơi linh thiêng có thấy chuyện lạ gì xảy ra đâu. Nếu như mà thế thật thì theo các bà chuyện này là do đâu?”
“Những chuyện lạ bắt đầu xảy ra từ lúc mà đình làng Hồ được lập hồ sơ để xét nhận bằng chứng nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh, khoảng nửa năm trước. Trước ngày cụ Tích mất mấy hôm trong làng đã nháo nhào cả lên vì ban đêm đình làng bị kẻ gian đột nhập. Buổi sáng cụ Tích phát hiện ra cửa đình bị đập vỡ khoá, có dấu tích bị đột nhập nhưng lại không phát hiện ra mất mát hay hư hỏng gì. Nhưng các bà biết không, hôm đó xảy ra một truyện mà không tận mắt chứng kiến chắc chẳng ai dám tin là sự thật đâu.”
Đang kể đến đây thì bà đột ngột dừng lại, cắn một miếng bánh to rồi chậm dãi nhai. Đang nghe đến đoạn gay cấn thì lại bị đứt đoạn, bà bạn sốt ruột buông cả đũa nhìn bà chờ đợi. Ngay cả bà Tường chủ quán cũng không dấu nổi tò mò mà hỏi dò:
“Chuyện đó là chuyện gì vậy bà? Nói vậy bà cũng tận mắt chứng kiến sao?”
Bà Nhân nuốt vội miếng bánh, gật gù mà nói:
“Đúng vậy. Các bà quên là tôi cũng ở làng Hồ à. Mỗi lần trong đình có việc cụ Tích gióng kẻng lên là ai nấy đều phải ra đình họp hết. Hôm đó không tìm thấy trong đình bị mất gì, nhưng mà chúng tôi đã phát hiện ra, bức tượng thờ của thành hoàng làng đổ lệ các bà ạ. Mà không phải lệ bình thường đâu, là huyết lệ đó.”
Bà bạn ngồi bên cạnh nghe vậy thì làm rơi cả đôi đũa trên tay xuống đất, vẻ mặt sửng sốt rồi hỏi:
“Ôi trời đất ơi có chuyện lạ thật như thế hả bà? Tôi nghe nói trong thờ cúng nếu mà bức ảnh người được thờ mà chảy nước mắt tức là trong nhà sắp có sự cố tai ương giáng xuống, nhẹ thì trục trặc trong gia đình, ốm đau bệnh tật, nặng thì có người chết, thậm chí là rất nhiều người chết. Mà đình làng là nơi thờ cúng chung của cả làng, nếu vậy thì là hoạ chung rồi còn gì nữa.”
Bà Tường khoát tay mà nói:
“Thôi thôi các bà ơi, miệng lưỡi thiên hạ ở đây thì còn ai lạ gì nữa, một đồn mười, mười đồn trăm. Theo tôi thì những chuyện xảy ra ở đình làng Hồ chỉ là trùng hợp mà thôi.”
Mẹ Nhân lại giãy nảy lên:
“Ừ thì cứ cho như là tai nạn trùng hợp đi, thế bà giải thích thế nào về chuyện bức tượng thành hoàng đổ huyết lệ hả?”
“Chẳng phải bà bảo trước đó có người đột nhập vào đình làng sao? Không mất trộm gì thì chắc chắn là có mục đích khác, là kẻ này đã dở trò với bức tượng thờ thành hoàng không phải sao?”
“Không, không phải đâu bà ơi. Vấn đề là ở chỗ lúc mọi người mới vào đình thì bức tượng vẫn còn bình thường, nhưng sau một lúc không ai để ý thì mới xuất hiện hiện tượng lạ đó. Chuyện này tận mắt tôi chứng kiến không thể nhầm được đâu.”
Vừa lúc đó, một người đàn bà dáng vẻ nhếch nhác, trời vẫn còn lạnh nhưng bà ta chỉ mặc độc bộ quần áo ngủ màu hồng lửng tay đã cũ mèm rách rưới, đầu tóc rối bù xoã loà xoà xuống cả khuôn mặt tiến tới đứng trước cửa quán. Nhìn ba bà khách cất lên tiếng cười khành khạch rồi chìa hai bàn tay bám đầy đất cát đen xì ra trước mặt rồi nói:
“Ăn gì ngon thế? Xin miếng?”
Cả bà Tường và hai bà khách đều tỏ thái độ khó chịu ra mặt với vị khách không mời mà tới này. Sợ ảnh hưởng tới khách, bà Tường khoát khoát tay làm điệu bộ xua đuổi rồi quát lớn:
“Cô Dung này chỗ người ta bán hàng, đi chỗ khác mà xin. Ngày nào cũng tới ai có của đâu mà cho mãi.”
Bị mắng nhưng người đàn bà kia vẫn nở một nụ cười ngờ nghệch hở ra hai hàm răng xỉn vàng, hai tay vẫn chìa trước mặt khẽ đưa lên rồi lại xuống rồi lại đưa lên như điệu bộ xin ăn của một đứa trẻ. Không nhận lại được gì, bà ta đã bước hẳn vào trong sạp tiến sát lại cái bàn nơi ba vị khách đang ngồi nài nỉ:
“Cho Dung xin miếng, Dung đói quá.”
Mẹ Nhân ngồi ngoài cùng vội co người lại để tránh bàn tay dơ bẩn của ngừoi đàn bà điên trước mặt chạm vào người mình. Bà ta cau mặt rồi nói:
“Tránh xa tôi ra, tôi không có gì cho cô đâu. Nhà có thì không ở sao cứ thích lang thang đầu đường xó chợ làm gì hả? Mau về nhà đi.”
Người đàn bà điên lúc này bỗng dưng thay đổi sắc mặt, nụ cười trên miệng đã tắt hẳn, ánh nhìn lờ đờ như người vô hồn vẫn không rời khỏi người bà Nhân, rồi từ miệng bà ta thốt ra một câu nói nhẹ như từ xa xăm vọng lại:
“Nhà bà sắp có người chết rồi.”
Bà Nhân đứng hình mất vài giây sau câu nói của bà điên, sau đó đập mạnh tay xuống bàn đánh rầm một cái, bà chống nạnh đứng dậy chỉ thẳng tay vào mặt người đàn bà điên mà chửi:
“Ô hay cái con điên này, mới sáng ra mày đã ăn mắm ăn muối gì vào mồm thế hả? Mau đi chỗ khác đi không bà lại đánh cho bây giờ.”
Những người đi chợ nghe thấy bà Nhân to tiếng thì cũng đứng nán lại xem có chuyện gì, thành thử lúc này trước sạp bánh của bà Tường lại đông kín người. Người đàn bà điên lúc này lại bất giác phá lên cười man dại, chỉ thẳng tay vào mặt bà Nhân mà nói lớn:
“Sắp chết rồi, sắp đến lượt nhà bà rồi.”
Những người xung quanh nghe vậy thì xì xầm bàn tán, chủ yếu là người ta cười và chửi người đàn bà điên kia. Bà Tường sợ mất khách nên vội đứng dậy đẩy bà ta ra khỏi sạp hàng của mình, cả đám đông đang tò mò đồng loạt rạt sang hai bên không ai muốn cho người đàn điên đó chạm vào người mình. Tuy bị xua đuổi nhưng bà điên vẫn cười lớn rồi chỉ vào đám đông mà nói như thét lên:
“Sắp chết rồi, sắp chết hết rồi. Nhiều người chết quá… sắp chết hết rồi…”
Nói rồi bà ta đưa tay lên ôm lấy ngang đầu mình, miệng vẫn liên tục lẩm nhẩm những câu chết chóc. Một người đàn bà thấy tội liền bảo:
“Này ai có số điện thoại của ông Thượng thì gọi ông ấy ra đón cô ấy về đi. Kể cũng khổ thân có anh trai làm trưởng công an xã mà em gái thì lại dở dở điên điên suốt ngày lê la đầu đường xó chợ cho người ta chửi vậy đó.”
Một người khác tặc lưỡi rồi nói:
“Ôi dào ôi nhà đấy cũng hết cách rồi nên mới phải để cho nó ra nông nỗi này đấy chứ. Cứ bắt về nhốt thế nào rồi nó cũng trèo ra ngoài được. Mà cứ như người giả vờ ấy, đưa đi bệnh viện thì bác sĩ hỏi gì cũng trả lời như ngừoi bình thường, cứ hễ về đến nhà là lại dở dở ương ương. Nhà ông Thượng cũng phải bó tay rồi.”
“Rõ khổ, ngày xưa cũng hiền lành xinh xắn bao nhiêu đám hỏi vậy mà không hiểu sao không chịu lấy chồng. Giờ ra nông nỗi này đúng là hết đời rồi.”
Cứ vậy đám đông mỗi người một câu qua lại cho đến khi người đàn bà điên đã lủi thủi ra đến cổng chợ. Tuy vậy nhưng lúc này bà ta vẫn còn lẩm bẩm trong miệng : “sắp chết rồi… nhiều người chết quá… sợ quá…”
Bà Nhân lúc này cũng chẳng còn tâm trí đâu mà ăn bánh nữa, bà thảy cho bà Tường mấy đồng tiền lẻ rồi cắp thúng lẽo đẽo ra về.
******
Buổi tối, sau khi ăn cơm xong Long vội vàng vơ lấy cái điện thoại rồi đi bộ ra khỏi nhà. Mẹ Long thấy vậy gọi giật quay lại:
“Long, vừa ăn cơm xong đã vội đi đâu thế hở con? Trong làng vừa có đám buổi tối ra ngoài ít thôi không có tốt đâu.”
Long quay vào nhìn mẹ khẽ cười rồi nói:
“Con trai mẹ gần 30 tuổi rồi đấy mẹ ơi không còn là đứa trẻ nữa đâu mà mẹ phải lo ạ. Con hẹn hội thằng Hậu với mấy đứa ra ngoài này tý rồi con về.”
Bà Hường đáp:
“Cha bố anh, có bao nhiêu tuổi mà không biết tự lo cho bản thân mình thì cũng chỉ là đứa trẻ không hơn không kém. Mẹ là mẹ nói không có thừa đâu, gần đây con không nghe trong làng người ta đồn những gì à?”
“Hì, con nói vậy thôi chứ mẹ lo cho con con biết mà. Ban nãy mấy đứa nó nhắn tin bảo cái Duyên bạn gái của thằng Hào từ sau hôm nó mất đến giờ bị ốm không ra khỏi nhà. Bọn con rủ nhau qua nhà thăm nó tý rồi con cũng về thôi. Mẹ yên tâm đi con đi bộ không mang xe đi mà.”
Bà Hường nghe con nói vậy thì cũng thở phào yên tâm. Bà bảo Long đứng yên chờ bà chút rồi lật đật chạy vào trong bếp, quay ra bà đưa cho Long một củ tỏi rồi nói:
“Đây con cứ bỏ cái này vào túi áo cho an toàn. Người ta ra ngoài ban đêm vẫn làm vậy cả. Thôi đi nhanh rồi về.”
Long nhìn mẹ dở cười dở khóc nhưng rồi cũng cầm lấy củ tỏi nhét vào túi áo khoác sau đó rảo bước đi nhanh ra ngoài cổng. Vừa ra đến ngoài đường, theo thói quen Long lại đánh mắt nhìn sang phía sân nhà Hào chỉ cách nhà Long một đoạn ngắn. Ngoài sân không bật đèn, chỉ có ánh đèn từ phía nhà trong phát ra le lói. Lúc này mới tầm 7 giờ tối, từ trong nhà Hào đã phát ra tiếng khóc hờ con của mẹ Hào. Đã gần một tuần trôi qua, gần như ngày nào bà Hoè cũng khóc cả đêm như thế. Long đứng lặng người mất vài giây, trước đây mỗi buổi tối đi chơi như thế này Long cũng đứng ở đúng vị trí này, huýt sáo một cái là Hào đã bắt ngay được tín hiệu rồi ù té chạy ra ngoài mặc cho bà Hoè xa xả đứng chửi ở trong sân. Ấy vậy mà nay Hào đã không còn nữa, nhóm bạn mất đi đứa vui vẻ nhất, Long cứ cảm thấy có cái gì đó tiếc tiếc ở trong lòng. Khẽ lắc đầu để xua đi những kỉ niệm của Hào đang chạy trong tâm trí lúc này, Long quay bước rồi đi thẳng ra phía bờ hồ.
Hồ sen này là của hợp tác xã, có diện tích rộng lắm. Riêng phần giáp với mặt đường chính của làng đã phải dài hơn 500m. Trước đây lúc ông nội còn khoẻ, gia đình Long đã thầu cả hồ này để trồng sen và nuôi cá. Nhưng rồi bố Long đột ngột qua đời, ông nội cũng ngày một già đi, một mình mẹ Long không thể cáng đáng nổi nên hết hợp đồng nhà Long không thầu nữa. Giờ khu này đã có người khác đứng thầu, họ đầu tư thành một khu chụp ảnh sen được rất nhiều người ưa chuộng.
Long đi bộ hết bờ đầm sen thì cũng tới cổng làng, đi qua cổng làng đã là địa phận của làng khác. Long và nhóm bạn mỗi lần đi đâu vẫn thường hay tụ tập ở đây để đợi nhau. Long tới thì cũng đã có Hậu và vài đứa bạn đang đứng đợi. Thêm 5 phút nữa thì Xoan cùng mấy cô bạn gái cũng tới. Lúc này chỉ còn thiếu mỗi Nhân. Hậu tặc lưỡi rồi bảo:
“Cái thằng chúa lề mề, đã hẹn chính xác giờ vậy rồi mà giờ này vẫn chưa thèm tới. Đứa nào gọi điện thoại xem nó đang ở đâu rồi có cần đi đón không nào?”
Ấy vậy mà phải đợi đến hơn 20 phút sau mới thấy Nhân lộc cộc đi bộ từ trong ngõ đi ra, thấy đám bạn hướng ánh mắt hình viên đạn nhìn mình cậu ta vội gãi đầu gãi tai rồi giải thích:
“Xin lỗi mọi người, nhà em nay cũng đã ăn cơm sớm để em còn đi cho đúng giờ rồi đó chứ, nhưng mà xui quá chưa ra khỏi cổng đã gặp phải cô Dung điên, cô ấy cứ đứng trước cổng ngáng đường rồi làm ầm ĩ cả lên. Em phải gọi cả bố mẹ em ra giải quyết rồi mới đi được đó. Mà em nhớ tết năm ngoái em về cô ấy vẫn đang còn bình thường cơ mà nhỉ, chả hiểu sao nay cứ điên điên dại dại nói chuyện như khùng vậy đó.”
Hậu nghe vậy thì vội nháy mắt về phía Xoan như thể muốn ám thị với Nhân một điều gì đó. Hiểu ý, Nhân vội đưa tay bịt miệng mình lại, chỉ hối hận là không thể thu ngay lại những lời mình vừa nói. Nhân quên mất là có mặt Xoan ở đây, cô Dung điên mà Nhân đang nhắc tới chính là dì ruột của Xoan. Có vẻ như cũng đã quá quen với chuyện này, Xoan vẫn tỏ ra rất bình thản không chấp nhặt những lời mà Nhân vừa nói. Cô tiến lại gần Nhân rồi hỏi:
“Em vừa gặp dì Dung nhà chị sao? Mà dì ấy đến trước cửa nhà em làm gì vậy?”
Nhân khẽ gật đầu rồi đáp:
“Ôi em xin lỗi chị Xoan nhé, vừa nãy em bực quá nên có lỡ lời. Chả là em vừa mở cổng bước ra đã thấy cô ấy đứng chắn ngay ở cổng, cô ấy cứ túm lấy em rồi bảo: “chạy ngay đi… chạy đi… cậu sắp chết rồi…” xong rồi lại cười lên khanh khách. Em sợ quá cố đẩy cô ấy ra nhưng cô ấy cứ túm chặt lấy không thoát ra được. Mãi sau bố mẹ em với mấy nhà quanh đó nghe tiếng ồn ra ngoài xem thì em mới thoát ra được. Mà mẹ em còn bảo, lúc sáng mẹ em cũng gặp cô ấy ở chợ. Cô ấy cũng cười rồi chỉ thẳng mặt mẹ em mà bảo : “nhà bà sắp có người chết.” Xong còn bảo với mấy người ở chợ là chết nhiều người lắm nữa. Thật em không biết phải nói làm sao nữa.”
Xoan đưa tay lên vò vò trán rồi mới trả lời:
“Nhà chị cũng hết cách với dì ấy rồi. Bác Thượng nhốt ở trong phòng thì tìm đủ mọi cách để trốn ra ngoài. Khoá cửa lại thì xé quần xé áo, không ăn cơm rồi còn tự làm thương mình. Sau cùng mọi người đành phải để dì ấy thích làm gì thì làm, đi chán rồi lại về ấy mà. Có gì mọi người thông cảm cho dì ấy nha, cũng chả ai muốn mình bị như vậy đâu.”
Nhân gật đầu bảo:
“Vâng thấy cô ấy như vậy đa phần mọi người thấy tội hơn là trách, em cũng không để ý làm gì đâu. Thôi chúng ta đi nhanh rồi còn về.”
Mới mấy ngày không gặp nhưng Duyên đã gầy sọp cả đi, hai má gầy đét lại, bọng mắt thâm quầng vì mất ngủ, một phần lại đỏ hoe có lẽ do khóc nhiều. Mấy đứa con gái thấy vậy thì xúm vào hỏi han, an ủi. Long bảo:
“Dù gì thì Hào nó cũng đi rồi, biết là khó có thể chấp nhận chuyện này ngay được, nhưng mà em cũng cần phải chú ý đến sức khoẻ của mình nữa, đừng để bố mẹ già phải lo lắng nhiều cho mình nha Duyên.”
Duyên rơm rớm nước mắt trả lời:
“Mấy hôm nay cứ nghĩ đến anh ấy là em lại không cầm lòng mình được. Suốt từ hôm đưa tang anh ấy về em nằm ở nhà không thể ngồi dậy mà đi ra ngoài luôn, anh ở gần nhà anh ấy thấy hai bác có khoẻ không ạ?”
Long chẹp miệng trả lời:
“Suốt mấy đêm nay đêm nào cô Hoè cũng khóc hờ cả đêm, chắc đến sáng mệt quá mới thiếp đi một lúc. Tỉnh dậy lại nghe tiếng khóc, thương quá mà chả làm gì được em ạ.”
Duyên nghe vậy thì cũng bật khóc, rồi cô bảo:
“Hồi chiều em có nhắn tin với chị Hồng để hỏi thăm tình hình bên đó. Hôm đám tang thấy bác Hải bảo xong việc sẽ thử đi gọi hồn anh Hào lên xem có còn gì muốn trăn trối không. Nhưng chị Hồng bảo đi tận 3 thầy mà không thầy nào gọi được hồn anh ấy lên cả.”
Nói rồi Duyên quay qua túm vào tay Long lay lay rồi bảo:
“Anh Long, hôm nay em nhờ chị Xoan hẹn mấy anh chị qua đây là vì em có chuyện muốn hỏi, chuyện này liên quan đến cái chết của anh Hào.”
Nói đến đây thì Duyên dừng lại, đưa mắt nhìn mấy người bạn trước mặt chờ đợi. Long khẽ nuốt nước bọt rồi hỏi:
“Được rồi, em biết chuyện gì hả?”
“Anh Hào chết không phải chỉ đơn giản là bị tai nạn đâu.”
Hậu hỏi gấp: “ý của em là sao?”
Duyên lưỡng lự đôi chút rồi cũng từ từ vào câu chuyện:
“Vào buổi sáng hội làng, lúc mà làm lễ rước kiệu thành hoàng làng đó, anh Hào anh ấy có trong đội khiêng kiệu. Lúc quay trở về phòng sinh hoạt chung, anh ấy đã kể với em là dọc đường bị ai đó dùng roi quất vào lưng hai cái. Nhưng rõ ràng lúc đó phía sau lưng của anh ấy là cái kiệu, mà trên kiệu thì hoàn toàn không có ai. Đau quá anh ấy còn phải dừng cả kiệu lại, lúc tắc đường chắc ai cũng biết phải không?”
Nhận gật đầu lia lịa rồi bảo:
“Phải, phải, cái này thì anh biết rõ nhất nè, vì anh là thằng khiêng kiệu đi cùng hàng với nó đây. Đang đi nó á lên một cái rồi chửi ầm lên, bảo có đứa nào vụt vào lưng nó. Sau đó thì bị thêm một lần nữa, lần này nó dừng hẳn lại để xem. Nhưng kiệu đang đi theo hàng làm gì có ai ở cạnh mà đánh nó được. Anh lúc đó chỉ nghĩ nó đùa hoặc không thì là bị chuột rút hay gì đó thôi.”
“Lúc đầu mới nghe kể em cũng nghĩ giống như anh vậy đó, thấy em không tin anh Hào còn vạch cả lưng ra cho em xem, phía sau lưng anh ấy nổi hằn lên hai vết thâm tím giống hệt như bị roi mây quật vào ấy. Đến lúc này thì em mới tin…”
Long gặng hỏi:
“Vậy theo em chuyện này là sao?”
Duyên trầm ngâm một chút rồi nói nhỏ chỉ đủ để những người trong phòng nghe thấy:
“Em nghĩ là anh Hào bị một cái gì đó ám. Còn chuyện này nữa, lúc mà anh Hào còn ở trên đu, các anh chị có nghe thấy anh ấy hét câu gì không?”
“Mày làm gì vậy Hậu, mau thả tao xuống…”
Xoan nói cắt lời của Duyên, mấy đứa bạn đưa mắt nhìn nhau nuốt nước bọt. Duyên gật đầu lia lịa:
“Đúng, chính là câu nói này. Chị Xoan cũng nghe thấy thì đúng rồi, em cứ tưởng chỉ một mình em nghe nhầm, vì lúc đấy anh Hậu không có mặt ở đó.”
Hậu cũng lên tiếng:
“Cái lúc mà thằng Hào ở trên đu anh đang còn ăn phở ở đầu đường mà. Sau khi nó ngã xuống mọi người la hét hoảng loạn anh mới vội chạy ra thì đã thấy nó nằm bất động giữa sân đình rồi. Sao nó lại gọi tên anh được nhỉ? Hay mấy đứa có nghe nhầm không?”
Long lên tiếng:
“Nếu như chỉ một người nghe thì còn có thể cho là nhầm, đằng này cả Duyên và Xoan đều nghe thấy thì không thể nào nhầm được. Duyên, vậy em cho rằng nguyên nhân cái chết của thằng Hào là do đâu?”
Duyên lắc đầu buồn bã đáp:
“Cái này thì em không biết nên mới phải gọi các anh chị qua đây. Nhưng rõ ràng những người có mặt lúc đó đều thấy mọi chuyện không bình thường đúng không? Anh Hào đã đứng yên không còn nhún nữa nhưng phải đến 10 phút sau cái đu vẫn di chuyển, mà càng lúc càng nhanh hơn. Rồi đến nét mặt hoảng loạn của anh Hào lúc đó, chắc chắn anh ấy đã trông thấy thứ gì mà chúng ta không thể thấy. Nhưng rốt cuộc đó là cái gì thì em không biết.”
Duyên dứt lời thì cả mấy người im lặng hồi lâu, Sau cùng Xoan là người lên tiếng trước:
“Mấy hôm nay ở trong làng người ta cũng đồn đoán chuyện này mọi người có biết không?”
Long gật đầu xác nhận. Không chỉ riêng ở trong làng, mà khắp các làng các xã lân cận người ta cũng đồn đoán thêu dệt đủ truyện li kì về ngôi đình làng Hồ thời gian gần đây. Nhưng chung quy lại lời đồn thì cũng chỉ là lời đồn, đến cuối cùng cũng chẳng ai có thể đưa ra khẳng định chắc chắn, mọi khúc mắc không tìm được lời giải cuối cùng vẫn phải bỏ dở ở đó. Tạm thời chưa có thêm phát hiện gì mới, mấy người bạn chỉ biết dặn dò nhau trong thời gian này nên cẩn thận, nếu ai có phát hiện thêm điều gì khả nghi phải lập tức liên lạc, sau đó kéo nhau ra về.
Nhà của Duyên ở làng Hạ, ngay cạnh trường mầm non của xã, cách cổng làng Hồ một đoạn không xa. Nhà của mấy đứa bạn cũng đều ở quanh quanh khu này cả nên không có ai đi xe máy mà tất cả đều kéo nhau đi bộ. Ra khỏi nhà Duyên, mọi người chia làm hai nhóm, một nhóm đi thẳng vào trong làng Hạ, còn nhóm của Long, Hậu, Xoan, Nhân và mấy người nữa thì vòng quay lại cổng làng nhằm hướng hồ sen mà bước tới. Dọc đường, nhóm thanh niên vẫn còn tranh thủ tán gẫu thêm vài câu chuyện, tuổi trẻ mà, buồn đấy rồi lại cũng vui ngay được.
Đi qua cổng làng một đoạn là đến con ngõ nhỏ dẫn vào nhà Nhân, Nhân vui vẻ tạm biệt mọi người rồi một mình rẽ vào con ngõ vắng. Lúc này cũng đã gần 10 giờ tối, đường làng không một bóng người qua lại. Đêm nay ánh trăng sáng ở trên cao soi sáng cảnh vật bên dưới rõ như ban ngày. Bóng của nhóm bạn đổ dài thòng xuống mặt đường những hình thù kì dị nhấp nhô biến dạng theo từng nhịp bước chân. Đi được một đoạn nữa thì đến ngõ nhà Xoan, Long bảo nhóm bạn đi trước Long sẽ đưa Xoan về tận nhà. Từ chỗ này về đến nhà Long cũng chỉ còn hơn trăm mét nữa.
Lúc chỉ còn lại hai người, Long ngập ngừng vài lần rồi cũng mạnh dạn nắm lấy bàn tay của Xoan đang đi bên cạnh. Xoan không phản ứng gì, hơi ấm từ bàn tay hai người bắt đầu lan toả tạo nên một thứ cảm xúc mãnh liệt ở trong lòng, Long nghe được cả tiếng trái tim mình đang đập thình thịch trong lồng ngực. Hai người cứ im lặng chậm rãi bước mà không ai nói câu nào. Long chỉ mong sao thời gian lúc này đừng trôi nữa, hoặc đoạn đường dẫn đến nhà Xoan xa hơn chút nữa để có thể lưu giữ khoảnh khắc yên bình lúc này lâu hơn. Suốt mấy ngày nay đủ thứ chuyện mệt mỏi đau lòng, có lẽ đây là lúc mà Long cảm thấy tâm trạng mình thoải mái nhất, được ở bên cạnh người con gái mà mình yêu. Khẽ siết chặt bàn tay lại rồi Long lên tiếng phá tan đi sự yên tĩnh lúc này:
“Em! Em có thể đợi anh thêm vài năm nữa được không?”
Xoan khẽ cắn môi còn chưa biết nên trả lời Long như thế nào, thì Long lại nói tiếp:
“Trước đây anh đã từng bảo với ông nội rằng đợi ra tết này hai đứa lo ổn định công việc xong anh sẽ dẫn em về ra mắt, nhưng không ngờ ông lại ra đi sớm như vậy, còn chưa chính thức được gặp em lần nào. Bây giờ phải đợi hết tang của ông thì mới tính tiếp chuyện của chúng mình được, biết là thiệt thòi cho em, nhưng em sẽ đợi anh chứ?”
Dưới ánh trăng sáng ngà, khuôn mặt của Xoan khẽ ửng hồng, cô ngượng ngùng gật đầu rồi bảo:
“Em cũng chỉ buồn vì chưa chính thức gặp ông được lần nào mà ông đã đi mất rồi. Mình còn trẻ mà, chỉ cần anh thương em thì bao lâu em cũng chờ được.”
Long mỉm cười:
“Ông nội đã từng hỏi về em đấy, ông cũng nghe người ta bảo là anh với em quen nhau, ông quý em lắm, bảo anh nhanh dẫn em về cho ông gặp cháu dâu. Đợt này trong làng nhiều chuyện lu bu quá, để qua thời gian tới mọi thứ ổn hơn anh dẫn em về gặp mẹ anh nhé. Cùng làng với nhau đã quen mặt cả, nhưng mình quen nhau cũng phải có lời chính thức báo cáo với các cụ chứ, đúng không?”
Lúc này đã tới trước cửa nhà Xoan, phía trong nhà vẫn sáng đèn, có vẻ như bố mẹ vẫn đang thức chờ Xoan về. Xoan dặn Long thời gian này phải chú ý cẩn thận rồi đi vào nhà. Còn một mình Long đứng đó lẳng lặng nhìn theo bóng của Xoan, đến khi cô bước hẳn vào trong nhà anh mới yên tâm rời đi. Lúc về đến cổng nhà, tiếng khóc trong nhà Hào vẫn phát ra làm tâm trạng của Long khó khăn lắm mới tốt lên được một chút lại ngay lập tức trùng xuống. Lưỡng lự một chút xem không biết có nên ghé qua nhà Hào an ủi bà Hoè vài câu hay không, nhưng rồi Long lại chọn bước vào nhà, bởi tầm này cũng đã hơn 10 giờ tối. Mấy ngày nay chưa hôm nào Long có một giấc ngủ ngon, đến hôm nay thực sự mắt Long đã díu hết cả lại.
****
Nửa đêm hôm đó, đang ngủ say Nhân nghe có tiếng người gọi làm anh giật mình tỉnh giấc. Ban đầu Nhân cứ nghĩ là do mình ngủ mơ, vì tầm này đã hơn 12 giờ đêm rồi làm gì còn ai ra ngoài vào giờ này nữa. Nằm im nghe ngóng một hồi không thấy gì, Nhân lại yên tâm toan nhắm mắt ngủ tiếp. Đúng lúc này phía ngoài cổng con chó nhà hàng xóm chõ mỏ sang cổng nhà Nhân mà sủa lên inh ỏi. Bực mình vì không biết giờ này ai còn ra đường làm chó sủa lên như vậy, Nhân cố nằm im chờ đợi vì nghĩ khi họ đi qua khỏi đoạn này thì con chó sẽ ngưng sủa ngay. Thế mà không, con chó càng ngày sủa càng hăng, rồi sau nó chuyển qua những tiếng gừ gừ như đang phòng bị để chuẩn bị tấn công ai đó. Vài phút sau thì tiếng con chó đã trở nên im bặt, không gian lại quay trở lại sự yên tĩnh vốn có.
“Nhân ơi, ra đây Nhân ơi.”
Lần này Nhân đã nghe rõ tiếng người gọi mình ngoài cổng, là thật chứ không phải Nhân nằm mơ. Tò mò không biết ai lại gọi mình vào giờ này, đến khi tiếng gọi cất lên lần thứ 2 thì Nhân mới ngồi bật dậy, mở cửa bước ra ngoài hè. Đêm nay mới ngoài 16, trăng tròn vành vạnh, cảnh vật sáng như ban ngày nên không cần đèn đóm gì Nhân vẫn nhìn rõ được mọi thứ xung quanh. Đứng ở trong hè nhìn ra ngoài cổng, cách một cái sân rộng nhưng Nhân vẫn nhận ra có một người thanh niên đang đứng trước cửa nhà Nhân, hai tay nắm chặt vào thanh sắt của cánh cửa nhìn chằm chằm vào chỗ Nhân đang đứng. Lúc này người đó lại cất tiếng gọi:
“Nhân ơi, ra đây Nhân ơi.”
“Là ai ở ngoài đó?”
Nhân lên tiếng hỏi lại, nhưng không nhận được câu trả lời. Người đó vẫn đứng yên bất động trước cổng nhà Nhân, luôn miệng lặp đi lặp lại tiếng gọi:
“Nhân ơi, ra đây, ra đây với tao.”
Sợ ồn ào làm bố mẹ và mấy nhà hàng xóm tỉnh giấc, Nhân đành xỏ dép vào rồi đi tắt qua sân ra cổng nơi mà người đó đang đứng. Lúc Nhân ra đến nơi thì không thấy ai ở đó nữa, bực mình tưởng đứa nào trêu nên Nhân mở cổng và bước thẳng ra ngoài. Lúc này cái người ban nãy đang đứng ở giữa đường cách cổng nhà Nhân một đoạn. Ánh trăng sáng soi rõ vào người đứng đó, từ đằng sau Nhân cảm thấy cái dáng người này trông rất quen, cả bộ quần áo mà cậu ta đang mặc cũng vậy. Đúng lúc này thì người đó từ từ quay mặt lại đứng đối diện với Nhân chỉ cách một khoảng mươi bước chân. Mặt đối mặt, Nhân kinh hãi khi phát hiện ra, người đứng đó chính là Hào, thằng bạn thân vừa chết cách đây một tuần. Bộ quần áo trên người cũng chính là bộ mà Hào đã mặc lúc tai nạn xảy ra. Nhân lắp bắp:
“Trời đất ơi! Hào… là mày thật sao Hào?”
Hào khẽ mỉm cười rồi lại cất lên cái giọng đều đều như gõ mõ:
“Đi theo tao, đi theo tao Nhân ơi.”
Nói rồi Hào đi như lướt trên mặt đường. Để ý Nhân mới phát hiện ra, Hào lúc này hoàn toàn không có bóng phản chiếu lại. Không hiểu sao Nhân cũng vô thức bước đi theo sau Hào như một cái máy. Đi được một đoạn, thấy đã gần ra đến bờ hồ mà Hào vẫn chưa dừng lại, Nhân lại cất tiếng gọi:
“Hào ơi, khuya rồi mày còn dẫn tao đi đâu?”
Hào vẫn không nói gì, cứ đi như lướt ở phía trước, lâu lâu lại quay lại đưa cặp mắt sáng quắc nhìn Nhân vẫy gọi. Nhận ra được có điều gì đó không đúng, Nhân không muốn đi tiếp nữa mà tính quay lại để về nhà, nhưng tất cả đã quá muộn, lúc này đôi bàn chân không còn nghe theo sự điều khiển của Nhân nữa, mà nó vẫn đều đều bước đi theo Hào mặc sự đấu tranh trong tâm trí của Nhân. Ngoài bờ hồ sương mù phủ giày đặc khiến cả mặt hồ trước mặt bỗng chốc trở thành một màn sương mờ mờ ảo ảo không còn nhìn rõ thứ gì. Lúc này đầu óc Nhân cũng đã trở nên mộng mị, Nhân không còn ý thức được mọi chuyện nữa, cứ thế lầm lũi bước đi theo Hào dọc đường bờ hồ…
****
Sáng ngày hôm sau, trời vẫn còn lờ mờ tối, ai nấy vẫn đang đắm chìm trong giấc ngủ thì bị đánh thức bởi tiếng kẻng ráo riết ở đình làng. Chưa bao giờ người dân làng Hồ nghe tiếng kẻng lạ như vậy, nhịp kẻng nhanh một cách dồn dập tạo thành những âm thanh loảng xoảng đến chói cả tai, có vẻ như tâm trạng của người gõ kẻng cũng đang rồi bời y như tiếng kẻng lúc này vậy. Đã thành thông lệ, mỗi lần nghe tiếng kẻng sáng thì chắc chắn rằng ở đình có chuyện, mọi người nhanh chóng rời khỏi giường thay đồ rồi đi thẳng ra phía đình làng. Mấy nhà ở cạnh hồ sen ra đến đầu tiên, đến nơi người ta thấy ông Phùng vẫn đang điên cuồng gõ kẻng. Thấy có người đến, ông thả luôn cả cái búa trên tay để mặc cho nó rơi xuống đất, vẻ mặt hốt hoảng ông chạy ngay ra phía cổng nhào về phía đám người đang lũ lượt kéo đến. Mặt cắt không còn giọt máu, còn chưa kịp để dân làng chào hỏi gì ông đã chỉ vào trong đình mà nói bằng giọng đứt quãng:
“Cứu tôi với, người chết… ở trong đó…”
Mấy người trung niên trẻ nghe thấy vậy thì hớt hải chạy vào đình, rồi hét lên thất thanh:
“Trời ơi! Là thằng Nhân. Mọi người ơi thằng Nhân nó treo cổ tự tử rồi.”
Lúc này ở trên cây xà đinh ở giữa đình có xác một người đàn ông đang treo lơ lửng ở đó. Có vẻ như người này đã chết từ đêm hôm trước, khuôn mặt lúc này đã bầm máu lại sưng vù, cái lưỡi thè ra rất kinh dị. Gió từ ngoài lùa vào thổi cái xác người đu đưa qua lại. Mấy người phụ nữ yếu bóng vía thấy cảnh tượng này khóc thét cả lên, họ quỳ xuống trước ban thờ thần hoàng làng mà vái lia lịa: “Thần hoàng làng nổi giận rồi, xin ngài hãy tha cho chúng con. Xin ngài hãy tha cho chúng con.”
Những người đàn ông thì bình tĩnh hơn, họ nhanh chóng gọi Long ra để báo cáo lên chính quyền mời công an tới làm việc, một người thì đi gọi người nhà của Nhân đến. Nhà của Nhân ở cạnh cổng làng cách đình làng khoảng 600m, mỗi lần nghe tiếng kẻng bao giờ nhà cậu cũng là những ngừoi đến sau cùng. Mẹ của Nhân vừa ra đến bờ hồ đã nhận được tin dữ, bà vừa chạy như bay ra đình vừa gào khóc ầm ĩ. Chỉ một đoạn vài trăm mét con đường nhựa dọc bờ hồ không biết bà đã vấp ngã bao nhiêu lần, cứ ngã bà lại ngay lập tức đứng dậy, mặc kệ quần áo dính bụi đất cũng không thèm phủi bỏ. Thấy cảnh tượng này ai nấy cũng đều cảm thấy xót xa vô cùng. Ra đến sân đình, đám đông có mặt lúc ấy vội dạt sang hai bên nhường đường cho người đàn bà tội nghiệp vào với con mình. Thấy Nhân đã tím tái đang treo mình lơ lửng bằng một sợi dây thừng ở giữa đình, người mẹ khốn khổ ấy không còn đứng vững nữa, bà ngã quỵ xuống đất rồi liên tục gào khóc tên con. Lúc này người nhà bà hay tin cũng vừa kịp chạy tới nơi.
Một lúc sau thì công an xã cũng có mặt thu nhận hiện trường rồi tiến hành đưa xác của Nhân xuống. Mọi ngày vẫn là Long đảm nhận nhiệm vụ quét dọn và thắp hương ở đình làng, nhưng từ sau hôm hội làng mọi thứ vẫn còn ngổn ngang chưa dọn dẹp hết, lại thêm cái chết đột ngột vì tai nạn của Hào cuốn Long vào với công việc ở xã nên việc dọn dẹp sân đình sau lễ hội đành giao tạm lại cho phía ông Phùng bên hội cựu chiến binh và hội phụ nữ lo giúp. Long định bụng nay hoặc mai sẽ gặp ông Phùng để lấy lại chìa khoá để tiếp tục trông đình nhưng không ngờ hôm nay lại xảy ra chuyện.
Lúc mà cái xác của Nhân được đưa xuống, từ miệng của cậu trào ra một dòng máu tươi chảy xuống ướt cả tấm áo cộc tay trên người. Công an phong toả hiện trường, khám nghiệm tử thi sau đó thì kết luận cái chết của Nhân là do tự tử. Xung quanh hiện trường không có dấu hiệu bị xáo trộn, cơ thể của Nhân cũng không có dấu vết gì của sự giằng co ngoài vết hằn của sợi dây thừng trên cổ. Nhưng có đánh chết thì bố mẹ Nhân cũng không tin con trai mình lại làm trò dại dột như vậy, vì Nhân không hề có động cơ nào dẫn đến phải tự tử. Mới đêm hôm qua đi chơi với các bạn về Nhân vẫn còn vui vẻ chào bố mẹ, lúc tắt điện đi ngủ ở trong nhà ông bà vẫn nghe tiếng Nhân nói chuyện điện thoại với bạn ngoài trường hẹn vài ngày nữa ra. Chuyện học hành suôn sẻ, gia đình êm ấm hạnh phúc thì không có lý do gì nửa đêm Nhân lại một mình ra đình làng treo cổ như vậy.
Nhóm bạn của Long cũng bất ngờ lắm, nếu như Long không phải là công an xã trực tiếp được tham dự vào điều tra thì cậu cũng không thể tin bản kết luận này là đúng. Tối qua lúc chào nhau ra về cũng đã là hơn 10 giờ tối, lúc đó Nhân vẫn còn rất vui vẻ. Vậy mà chỉ qua một đêm người ta đã phát hiện ra xác cậu vắt vẻo giữa đình làng. Đứng trước thi thể của thằng bạn xấu số, Long bàng hoàng khi nhớ lại giấc mơ đêm hôm qua. Cũng chính ở sân đình này, cổng đình vẫn khoá chặt, Long đứng từ ngoài nhìn vào qua song cửa sắt. Phía trong là Nhân đang quỳ giữa sân đình với gương mặt bê bết máu. Trên cổ cậu được thòng vào một sợi dây xích sắt, và người đang túm đầu còn lại của sợi xích không phải ai khác lại chính là Hào. Phía hiên của ngôi đình, trên thân cây cột cái bằng gỗ còn một người nữa đang bị trói đứng ở đó. Lúc này trời vẫn tối, khoảng cách lại xa nên Long không thể nhận ra được người đó là ai. Thấy Long, Nhân gọi lớn:
“Anh Long ơi, cứu em với!
Anh Long, cứu em!”
Hào nghe thấy vậy thì gương mặt bỗng trở nên dữ tợn, hai con mắt trong phút chốc sáng loé lên như đèn pha ô tô. Hào quay tay cho đầu sợi xích trên tay mình quay tròn tít mù, sau đó dứt khoát một đòn mạnh thẳng tay quật sợi xích vào giữa lưng Nhân. Nhân quỵ xuống, hai tay chống xuống sân đình, miệng nhổ ra một bãi máu tươi xuống nền sân. Lúc này âm thanh kẽo kẹt vang lên, cánh cửa đình từ từ mở ra. Người đang bị trói trên hiên ra sức vùng vẫy nhưng không thể thoát ra, người này gọi lớn:
“Chạy đi, Long!”
Chỉ nói được duy nhất 3 chữ như vậy rồi lại im bặt. Nhưng Long cũng đủ để nhận ra, giọng nói đó chính là của ông nội mình. Túm vào hai cánh cửa Long vừa giật mạnh vừa la lớn:
“Ông nội, là ông ở trong đó phải không?”
Nhưng tiếng nói của Long chỉ là những tiếng ư ư trong cổ họng không thể phát ra âm thanh được. Từ trong đình bước ra một người đàn ông to cao một cách lạ thường, Long chưa từng gặp qua người nào có tướng mạo như thế. Người này chậm rãi bước ra giữa sân đình nơi có Hào và Nhân ở đó, thì thầm nói gì đó vào tai Hào sau đó lại quay lưng đi vào trong. Lúc quay vào, hắn còn liếc cặp mắt sắc nhọn như dao của mình về phía Long mà cười lên ha hả. Ngay sau đó Hào cũng quay người túm đầu của sợi xích mà kéo lê Nhân vào trong đình.
Đến lúc này thì Long giật mình tỉnh dậy bởi tiếng kẻng từ bên đình phát ra. Lật đật chạy sang thì phát hiện ra Nhân đã treo cổ chết từ lúc nào. Vậy còn giấc mơ vừa rồi là sao? Có lẽ đây chính là một điềm báo gì chăng? Còn ông nội của Long nữa, sao ông lại bị trói ở sân đình, tại sao Hào lại hành hạ Nhân dã man như vậy. Rồi người đàn ông to lớn kia ông ta là ai? Trong giấc mơ thì ông ta chính là người điều khiển Hào, vậy cái chết của Hào, của Nhân và của cả ông nội Long nữa liệu có phải là do một tay ông ta mà ra hay không? Có quá nhiều câu hỏi đang bủa vây trong đầu Long lúc này khiến đầu óc cậu trở nên quay cuồng.
Những người dân ở làng Hồ thì họ tin rằng, thần hoàng làng của họ đã nổi giận, và cái chết của cả Hào và Nhân đều do thần hoàng làng bắt đi.
Sau đám tang của Nhân, những người có chức trách trong làng đã họp nhau lại để bàn luận về vấn đề này. Gần như tất cả mọi người đều cảm nhận được những cái chết gần đây đều có gì đó bí ẩn. Mới chỉ trong vòng nửa năm đổ lại đã có 3 người chết tại đình làng. Ngoại trừ cụ Tích được cho là trượt chân bị ngã ra thì liên tiếp trong vòng một tuần 2 cái chết của Hào và Nhân lại gây nên nhiều hoang mang hơn cả. Vì cả hai người còn quá trẻ, lại chết một cách khó hiểu. Những người có mặt vào ngày Hào bị tai nạn đều quả quyết cho rằng lúc xảy ra tai nạn Hào đã ngừng nhún để lấy đà cái đu từ lâu, theo lý thì đu phải chậm dần nhưng mà không, đu mỗi lúc một lên cao và nhịp nhanh hơn. Về sau nó quay tròn mấy vòng mới khiến Hào tuột tay mà ngã dẫn đến mất mạng như vậy. Những người con của làng Hồ đã được làm quen với trò đánh đu từ bé ở mỗi dịp hội làng, không có lý gì mà Hào lại bất cẩn không dưng tuột tay như vậy. Cũng chưa có ai từng thấy qua chuyện cái đu không có người nhún mà vẫn không ngừng chuyển động qua lại bao giờ. Còn về cái chết của Nhân lại càng khiến dư luận hoang mang hơn. Một người đang sống vui vẻ bình thường, thậm chí đêm trước khi chết vẫn đi chơi cùng các bạn, về nhà còn gọi điện nói chuyện với bạn đến tận khuya mới đi ngủ. Ấy vậy mà sáng dậy đã thấy treo cổ chết ở đình làng, chuyện này thực sự rất khó tin. Phía công an cũng đã kết luận là do tự tử, mà ngoài cái việc không tìm ra được lý do khiến Nhân phải tự tử ra, cũng không ai tìm ra được bất kì điểm khả nghi nào khác trong cái chết của cậu. Và khi mà cả pháp luật và lí trí đều không thể giải đáp được, thì một lẽ tất yếu người ta sẽ nghĩ đến vấn đề tâm linh. Vì những cái chết đều xảy ra ở đình làng, nên hầu hết mọi người đều cho rằng do thần hoàng làng nổi giận. Lý do duy nhất có thể nghĩ ra lúc này chính là cái đêm mà trong đình bị đột nhập đó. Chắc hẳn đêm đó đã xảy ra một chuyện gì nghiêm trọng làm thần linh nổi giận mà giáng tai hoạ xuống đầu con cháu trong làng. Thêm một lý do nữa để người ta tin chuyện này là đúng, vì cả Hào và Nhân gần như đều trực tiếp tham gia vào các hoạt động của hội làng, từ văn nghệ, rước kiệu thần hoàng cho đến chơi cờ người. Sau cả ngày dài bàn luận, cuối cùng dân làng đưa ra quyết định, sẽ mời ông thầy chuyên lo việc tế lễ ở đình về để làm lễ tế cầu xin thần hoàng làng tha thứ cho dân làng và tiếp tục bảo vệ cho ngôi làng của họ.