QUỶ NGỰ ĐÌNH LÀNG
Tác giả: Lê Như Tiên
Chương 5: thần hoàng báo mộng
Hai hôm sau, tại đình làng Hồ một lần nữa tổ chức lễ tế thần hoàng làng, mọi thứ vẫn được chuẩn bị chu đáo long trọng hệt như lễ hội làng diễn ra vào 10 ngày trước, chỉ có điều lần này không có trống có nhạc, cũng không có người từ làng khác đến trẩy hội và tổ chức các trò chơi dân gian. Buổi lễ chỉ có sự góp mặt của đại đa số con em trong làng, cũng không có chính quyền tham dự ngoại trừ Long và ông Thượng là phó, trưởng công an xã nhưng lại là người dân của làng Hồ. Lễ tế được tổ chức hết sức trang trọng, người dân góp tiền sắm đủ thứ lễ vật với lòng thành kính dâng lên thần hoàng làng. Những cụ ông thì áo xếp khăn vấn, cụ bà áo dài tứ thân, lớp trẻ thì ăn mặc trang nhã lịch sự. Khắp trong đình hương khói bay lên nghi ngút. Ông thầy cúng được mời đến cũng mặc trên mình cái áo the màu đen, đầu quấn khăn xếp gọn gàng. Mọi thứ chuẩn bị xong xuôi đến giờ vào thầy bắt đầu làm lễ.
Cắm ba que hương vào bát hương ở chính điện, thầy lầm rầm khấn một điều gì đó rồi thả hai đồng tiền xu vào cái đĩa đặt trên mặt ban thờ. Tiếng đồng xu nảy trong cái đĩa tạo nên những âm thanh lạch cạch lạch cạch, thầy cúng hồi hộp theo dõi cho đến khi tiếng động đó biến mất và hai đồng xu nằm yên một chỗ. Hai đồng đều xấp cả. Quay mặt về phía những người bên dưới đang theo dõi nhất cử nhất động của mình, thầy khẽ lắc đầu. Sau đó lại lầm rầm khấn thêm một vài câu rồi tiếp tục gieo hai đồng xu xuống. Lần này vẫn là cả hai đồng xấp. Ghé tai ông Phùng đang cung kính đứng ngay phía sau mình, ông thầy nói nhỏ:
“Hai lần đều xấp cả, là điềm xui. Nếu lần này vẫn nhận về hai đồng xấp nữa thì buổi tế hôm nay xem như bỏ, thần hoàng không chứng cho đâu.”
Rồi ông cẩn trọng gieo hai đồng xu lần thứ ba. Lúc mà hai đồng xu được gieo xuống, đồng loạt những người phía sau chắp hai tay trước mặt mà vái liên tục. Ông thầy mắt không rời khỏi cái đĩa, hai đồng xu cũng như muốn trêu ngươi sự kiên nhẫn của những người có mặt trong đình lúc này, nó cứ vậy xoay tít trong lòng đĩa. Một phút trôi qua, những âm thanh lạch xoạch vẫn không ngừng vang lên, đồng xu vẫn không ngừng nhảy múa. Ông thầy chắp tay khấn thêm một câu rồi nhắm mắt mình lại, dập bàn tay phải của mình lên cái đĩa đè ép hai đồng xu nằm xuống. Lúc này ông cũng không biết hai đồng xu ở dưới là sấp hay ngửa. Hai lần trước đều sấp, quẻ không thiêng. Ông đã khấn cầu xin thần hoàng làng hiện hữu nhận lấy lễ vật cũng như chứng cho tấm lòng của những ngừoi dân ở làng Hồ có mặt trong buổi lễ ngày hôm nay. Có qua được đài này thì buổi lễ tế mới có thể tiếp tục, nếu lần này hai đồng xu đều sấp thì có cúng bái gì cũng vô ích, vì vị thần ngụ ở đây không nhận. Quá tam ba bận, gieo quẻ chỉ có thể gieo ba lần, không thể làm hơn, nếu cố cũng trở nên vô ích.
Ông thầy run run nâng bàn tay của mình lên, ánh mắt vẫn không rời khỏi cái đĩa. Bàn tay của ông vừa rút ra, còn chưa kịp nhìn thấy hai đồng xu bên dưới là gì, thì gần như ngay lập tức theo đà rút tay của ông, hai đồng xu lại bật dậy tiếp tục quay tít như chưa có gì xảy ra. Mồ hôi bắt đầu vã ra trên trán, ông thầy tròn mắt ngạc nhiên. Trong cuộc đời mấy chục năm làm nghề cúng bái của mình, đây là lần đầu tiên ông gặp hiện tượng lạ như vậy. Hai đồng xu cứ vậy xoay tít, thi thoảng nó đổ nằm rạp xuống nhưng rồi lại ngay lập tức bật dậy tiếp tục xoay tròn, cứ như thể có đến hai thế lực đang cùng một lúc điều khiển đồng xu vậy.
Những người dân thấy cảnh tượng lạ lùng trước mắt, không ai bảo ai tất cả đồng loạt quỳ xuống mà vái lia lịa:
“Xin thần hoàng làng bớt giận.
Xin thần hoàng làng bớt giận.”
Không thể cứ mãi đứng nhìn đồng xu nhảy múa như thế được, ông thầy nuốt nước bọt rồi đánh bạo đưa tay lên đè hai đồng xu xuống một lần nữa. Nhưng lần này khi mà bàn tay ông vừa đặt xuống cái đĩa đã ngay lập tức không còn cảm nhận được gì nữa, cả cơ thể của ông bất động, khắp người có bao nhiêu gai ốc đều đồng loạt nổi lên cùng một lúc. Tiếp sau đó, gương mặt ông trở nên tím tái, hai mắt trợn ngược lên chỉ còn lòng trắng, miệng méo xệch sang một bên, rồi ông thầy ngã uỳnh xuống nền đất toàn thân không ngừng co giật. Từ miệng ông ban đầu sùi bọt mép trắng xoá, nhưng sau đó là máu… một dòng máu tươi bắt đầu rỉ ra từ khoé miệng, cơ thể ông thầy vẫn không ngừng co giật. Đám đông thấy vậy thì bắt đầu nhốn nháo, biết có sự chẳng lành đám đàn bà phụ nữ nhanh chân bỏ chạy tán loạn ra ngoài, những người đàn ông thì xúm lại cùng nhau khiêng ông thầy lên rồi cũng vội vàng bước ra ngoài, lúc này không ai còn dám ở trong đình nữa. Khi tất cả đã ra ngoài sân hết, người ta còn cố ngoái đầu nhìn lại ngôi đình thì kì lạ thay, trong đình không còn ai nhưng hai cánh cửa đang từ từ được khép lại. Có người còn khẳng định, họ nghe thấy trong đình có tiếng lẻng xẻng của kim loại va đập vào nhau tạo thành, giống như có ai đó đang cầm sợi dây xích mà khua trong gió vậy.
Ông thầy được đưa ra ngoài một lát sau thì cơ thể cũng bắt đầu trở lại bình thường. Vừa tỉnh dậy ông đã sợ hãi mà nói:
“Trong đình có quỷ, nhất định không ai được vào đó nữa. Ở đây tôi không giúp được gì cho mọi người nữa đâu, xin cáo lỗi.”
Nói rồi ông vội vàng chuồn mất để lại đám dân làng đang hoang mạng tột độ. Kể từ hôm ấy có cho tiền cũng không ai dám bén mảng lại gần khu vực sân đình, ngôi đình cũng vì vậy mà bị bỏ hoang không còn ai ra vào hương khói nữa.
Mấy ngày nay trong làng xảy ra nhiều chuyện, cộng thêm việc xảy ra ở đình hồi sáng khiến Long có cảm giác bất an. Cậu bí mật gọi điện cho chị gái kể sơ qua tình hình, sau đó cùng chị nói dối để đón mẹ sang nhà chị ở tạm thời gian này. Vì Long biết nếu không làm thế khó lòng nào mà thuyết phục bà đi được vào lúc này. Còn lại một mình, là người nhận trách nhiệm trông giữ đình Long sẽ tìm cách để hoá giải những chuyện xảy ra gần đây.
Chiều tối ngày hôm đó, sau khi ăn cơm xong Long gọi điện hẹn Hậu ra bờ hồ nói chuyện. Ngoài đường lúc này không có một bóng người qua lại. Chỉ vừa xẩm tối quanh xóm đình không ai bảo ai mọi người đều khoá chặt cửa ở yên trong nhà không dám bước chân ra ngoài. Lũ trẻ mọi ngày ăn cơm xong vẫn còn tranh thủ tha thẩn chạy dọc bờ hồ để lùa bắt đom đóm nay cũng không thấy đâu. Gió từ hồ phả thẳng vào mặt Long mát lạnh, Long khẽ chau mày vì cảm thấy trong gió hôm nay có mùi gì đó tanh tưởi phảng phất. Tiếng khóc của bà Hoè mẹ Hào vẫn nức nở từng cơn. Nhìn cảnh xóm làng lúc này Long thấy lòng mình như có ai đó bóp nghẹn, một cảm giác rất khó tả cứ nghèn nghẹn ở trong lòng. Ngồi thất thần tựa lưng vào cây đa cổ thụ đã cằn cỗi, Long cứ vậy nhìn vào khoảng không trước mặt, lòng nặng trĩu những tâm sự. Hậu đã đến ở phía sau tự lúc nào, thấy tâm trạng của Long Hậu cũng phần nào hiểu được. Cậu không lên tiếng mà chỉ lẳng lặng ngồi xuống cạnh thằng bạn chí cốt của mình. Hai đứa cứ trầm ngâm như vậy một lúc rồi Long cũng cất tiếng vào hẳn vấn đề:
“Hậu này, hôm nay tao hẹn mày ra đây là có việc quan trọng này muốn hỏi. Bây giờ không phải là lúc để đùa giỡn nữa, mày phải trả lời thật nghe chưa?”
Hậu hơi nhíu mày rồi hỏi :
“Cái thằng này có chuyện gì mà phải rào trước đón sau như vậy? Giờ đã là lúc nào rồi ai còn tâm trạng mà đùa nữa. Có gì mày cứ hỏi đi.”
Long ngồi thẳng người dậy, quay qua nhìn thẳng vào mắt Hậu mà hỏi:
“Vào hôm hội làng, mày bảo ngủ quên là thật hay chỉ trêu bọn tao thôi?”
Hậu đưa tay sờ lên trán Long rồi khẽ lắc đầu:
“Mẹ cái thằng quỷ này, tại sao đến giờ mày vẫn hỏi tao câu đó? Chuyện này đâu có đáng để tao phải diễn sâu như vậy để đùa với tụi mày làm gì. Thực sự là hôm đó tao ngủ quên, không thấy tao trong lễ hội thì mày cũng phải biết rồi chứ hả Long? Hôm đó xong thì thằng Hào xảy ra tai nạn, bữa giờ lu bu quá tao còn chưa có thời gian để hỏi thăm mày xem hôm đó đã thế ai vào chỗ tao đây.”
Long bất lực tựa lưng vào gốc cây trở lại, nuốt nước bọt đánh ực một cái rồi khẽ nói:
“Không, hôm đó mày có tham gia vào trận cờ, còn trực tiếp chỉ huy trận cờ đấu với tao nữa. Chính vì vậy nên lúc mà mày bảo mày ngủ quên mấy đứa bọn tao mới nghĩ là mày nói đùa để trêu anh em thôi. Đến bây giờ sau tất cả mọi chuyện, có thời gian ngồi xâu chuỗi lại với nhau thì tao mới nhớ ra chi tiết này. Nghĩ lại mới thấy hôm đó mày rất khác thường.”
Như không tin vào tai mình, Hậu kinh ngạc thốt lên:
“Không thể nào như thế được. Hôm đó tao đã ngủ ở trong phòng sinh hoạt chung cho đến tận khi gặp bọn này ở quán nước đó. Tối hôm trước không biết có phải do có làm vài hớp rượu hay không mà tao thấy díu hết cả mắt lại, liền bảo thằng Hào và thằng Nhân trông đình tao tranh thủ chợp mắt tý. Lúc tao chui vào sau cái tấm phông xanh đằng sau sân khấu thì Hào và Nhân vẫn đang còn chơi game. Tao vừa nằm xuống đã chìm ngay vào giấc ngủ, thi thoảng vẫn giật mình tỉnh dậy đến mấy lần, nhưng lúc nào cũng thấy xung quanh vẫn đang còn tối thui như mực, khắp bốn bề hoàn toàn im lặng. Tao nghĩ là trời còn chưa sáng nên lại yên tâm ngủ tiếp. Đến khi lần cuối cùng giật mình tỉnh giấc thì trời đã sẩm tối rồi. Tao vội đi tìm bọn mày luôn đó. Hôm đó còn chưa kịp nói chuyện gì, tao cứ nghĩ thái độ của mấy thằng mày như vậy là vì tao không có mặt nên bọn mày cùng vào hùa để trêu tao chứ. Giờ mày bảo tao có tham gia trận cờ là sao? Là tao hay người khác mày cũng không nhận ra sao hả Long?”
Long đưa tay lên bóp trán vò đầu mình rồi bảo:
“Hôm đó lúc xuất hiện mày đã mặc sẵn bộ đồ của tướng quân mà tao thuê cho rồi, cái mũ giáp che gần hết khuôn mặt nên tao cũng không nhìn rõ, tại vì ngay từ đầu đã măc định đó là mày rồi. Giờ nhớ lại mới thấy đúng là có nhiều điểm bất thường mà không ai nhận ra. Lúc đồng diễn võ thuật thì mày đứng yên mà không tập, sau đến đoạn solo võ thuật, thay vì múa kiếm như lúc tập mày lại dùng dây xích. Mà thân thủ của mày lúc đó trông hệt như mấy ngôi sao võ thuật vậy, từ cánh quay phim của đài truyền hình cho tới bà con khách mời đều phấn khích lắm. Bọn tao cứ thắc mắc mãi không biết mày đã học những chiêu thức này từ lúc nào. Đến khi xong trận mày thua thì hậm hực ra mặt còn không thèm ở lại chụp ảnh giao lưu luôn.”
Hậu kinh ngạc cảm thán:
“Trời đất ơi sao lại có chuyện này được. Rõ ràng người đó không phải là tao, những chuyện mày vừa kể tao không hề biết gì cả. Rốt cuộc chuyện này là sao hả Long?”
Đảo mắt nhìn khắp xung quanh để thăm dò, thấy không có ai Long bắt đầu hạ giọng rồi nói nhỏ:
“Trước đây tao vốn dĩ không tin vào những chuyện này, nhưng sau một loạt những chuyện xảy ra vừa qua thì bắt buộc phải tin. Tao nghĩ thực sự ngôi đình này có thứ gì đó không sạch sẽ.”
“Ý mày đang muốn nhắc tới lời đồn trong làng mấy hôm nay, là thần hoàng làng đang nổi giận sao?”
Long khẽ lắc đầu:
“Không hiểu sao nhưng tao cứ có cảm giác là không phải do thần hoàng làng. Đã bao đời nay ngôi làng này được sự bảo hộ của thần làng mà trở nên phồn thịnh, người dân được mạnh khoẻ ấm no. Nhưng bù lại chúng ta vẫn luôn thành tâm cúng bái thần hoàng làng rất chu đáo, thì không có lý do gì mà thần lại trách phạt dân làng như vậy được. Mấy hôm nay tao đã suy nghĩ rất nhiều, và đã thử xâu chuỗi hết mọi việc lại với nhau. Mọi chuyện có lẽ không phải bây giờ mới bắt đầu, mà nó đã bắt đầu từ nửa năm trước, vào cái đêm mà trong đình có người đột nhập. Sau đó ông nội tao là người trông đình đột ngột chết ở đình chỉ sau đó có mấy hôm. Lúc đầu tao cũng tin cái chết của ông nội chỉ là tai nạn. Nhưng vào cái đêm mà thằng Nhân chết, tao đã mơ thấy một giấc mơ lạ. Mà tao cũng không chắc có phải là mơ không nữa, cảm giác nó thật đến khó tin, đến tận khi tỉnh dậy rồi tao vẫn còn cảm nhận được y nguyên cái cảm giác lúc đó. Trong mơ tao thấy thằng Nhân đang quỳ ở giữa đình, trên cổ nó bị quàng một sợi dây xích, mà người túm sợi dây xích lại là thằng Hào. Lúc đó còn có cả ông nội tao nữa, ông bị trói đứng vào cây cột cái ở giữa hiên đình. Sau đó có một người đàn ông to cao bước từ trong đình ra, rồi tao bị tiếng kẻng báo động ở đình làm cho tỉnh giấc. Ra đình rồi mới biết là thằng Nhân đã treo cổ chết từ đêm hôm trước rồi. Vậy giấc mơ của tao chẳng phải là một điềm báo sao?
Vào cái hôm mà thằng Hào xảy ra tai nạn, cả cái Duyên và Xoan đều khẳng định nghe thấy thằng Hào nó thét gọi tên mày, nhưng lúc đó mày không có ở đó đúng không? Vậy người mà Hào lúc đó thấy không phải là mày, mà có thể là người đã thế thân cho mày để đấu cờ với tao nên mới khiến thằng Hào nhận nhầm như vậy.
Cái chết của thằng Nhân, có đánh chết tao cũng không tin là nó tự tử. Không có một lý do nào để nó phải tự tử như vậy cả. Bố mẹ thằng Nhân kể lại, gặp bọn mình về nó vẫn bình thường, sau đó đi ngủ không xảy ra chuyện gì. Ấy vậy mà sáng ngày hôm sau tỉnh dậy thì thấy con chó nhà hàng xóm nằm chết bất động ở trước cổng, cửa và cổng đều bị mở toang ra từ bao giờ. Con chó đã bị ai đó bẻ cổ gãy ngược lại đằng sau, thế mà cả bố mẹ Nhân và mấy nhà hàng xóm quanh đó đều không nghe thấy tiếng động gì, kể cả thằng Nhân nó mở cửa ra ngoài lúc nào cũng không ai hay biết.
Bây giờ, sâu chuỗi mọi thứ lại với nhau, mày có nhận ra điều gì bất thường không?”
Hậu trầm ngâm một lúc rồi bảo:
“Ý của mày là, cái chết của thằng Nhân có liên quan đến hồn ma của thằng Hào sao?”
Long khẽ gật đầu xác nhận. Hậu lại tiếp:
“Khoan đã, vậy còn cái hôm đám ma thằng Hào, mày còn nhớ thằng Nhân đã kể gì không? Nó thấy thằng Hào gọi nó bảo mau chạy khỏi đây đi. Vậy tại sao giờ nó lại muốn làm hại thằng Nhân làm gì?”
Long lắc đầu rồi thở dài thườn thượt:
“Đây cũng là điều mà tao không lý giải được. Rốt cuộc thì thứ sai khiến thằng Hào ở đây là gì? Và tại sao nó lại xuất hiện ở trong đình. Rất có thể nó còn liên quan đến cái chết của cả ông nội tao nữa. Nhưng có một điều mà tao chắc chắn, mọi chuyện chưa dừng lại ở đây đâu. Dù cho nó là con người hay thứ ma quỷ gì đi chăng nữa, tao cũng sẽ tìm cho bằng được và trừng trị nó thích đáng, trả thù cho những người thân yêu của mình và lấy lại sự yên bình cho mái đình và ngôi làng của chúng ta.”
Trong những lời nói này, ánh mắt của Long hằn đỏ thể hiện sự quyết tâm cao độ, hai bàn tay nắm chặt lại. Hậu đặt tay lên vai Long rồi nói:
“Mày yên tâm đi, tao sẽ luôn bên cạnh và cùng mày tìm hiểu chuyện này. Chúng ta còn có bạn bè của mình nữa.”
Hai ánh mắt nhìn nhau, lúc này chỉ bấy nhiêu đó thôi cũng đủ hiểu tình cảm bạn bè của họ sâu đậm đến mức nào, chỉ một ánh mắt đã hiểu đối phương đang muốn gì không cần phải nói nhiều lời.
*****
Trời đã về khuya, một mình trong căn nhà vắng, trằn trọc suy nghĩ mãi Long vẫn không tài nào ngủ được. Mãi đến tận quá nửa đêm cậu mới chìm dần vào giấc ngủ. Khi hai hàng lông mi trĩu xuống cũng là lúc cậu cảm thấy cả cơ thể của mình bắt đầu nhẹ bẫng đi. Long thấy mình đang ở một nơi vừa quen thuộc lại vừa xa lạ, khắp xung quanh sương mù giày đặc bao phủ. Cảm giác cái lạnh lùa vào người khiến Long nhận ra nơi mình đang đứng lúc này là bờ hồ ở ngay trước hiên nhà mình. Còn chưa kịp định thần lại để nhớ xem tại sao mình lại ở đây, thì bất ngờ có một luồng sáng nhỏ vụt lên giữa đêm tối, bị bất ngờ Long đưa tay để che hai mắt của mình lại, đến khi bỏ tay xuống thì thấy chỗ mình đang đứng chính là gốc đa cổ thụ. Trước mặt Long lúc này có một ông cụ già râu tóc bạc phơ như cước. Cụ mặc trên người áo dài màu trắng, đầu vấn khăn xếp giống với các cụ hay mặc lúc đình làng có hội. Long toan cất tiếng reo lên gọi ông nội nhưng đã kịp khựng lại. Thoạt nhìn người này trông rất giống ông nội đã mất của Long, nhưng nhìn kĩ lại thì không phải. Còn chưa kịp đợi Long cất tiếng, thì ông già đã cất lên cái giọng ồm ồm như tiếng sấm vọng lại:
“Đình làng quỷ ngự
Điểm tụ tam thôn
Vừa dứt hoàng hôn
Thắp hương khấn vái
Ba vòng bên trái
Quay phải bảy vòng
Đứng giữa song thân
Thành tâm cầu khấn
Tà âm bất chính
Tôi người giữ đình
Xin hãy hiển linh
Cần người giúp đỡ.”
Vừa dứt lời thì từ miệng ông cụ phun ra một ngụm máu tươi, máu chảy xuống nhuộm đỏ cả vạt áo trước mặt. Liền sau đó ông cụ ngã vật xuống mặt đất, cả mặt đất bắt đầu rung chuyển giữ giội. Gió từ ngoài hồ thổi vào như bão, cuốn bụi đất bay mù mịt, phải cố gắng lắm Long mới giữ cho mình đứng vững được. Chưa dừng lại ở đó, sau một hồi rung lắc, cây đa bỗng dưng đổ ập xuống, đè lên đúng chỗ ban nãy ông cụ vừa ngã. Chỉ nghe đánh rầm một cái, mặt đất vẫn không ngừng xoay chuyển. Long chỉ kịp thét lên một tiếng thất thanh:
“Khôngggggg…!”
Long ngồi bật dậy trên giường, mồ hôi vã ra như tắm. Thì ra tất cả những gì vừa xảy ra chỉ là một giấc mơ. Vậy mà Long cảm nhận được, cổ họng mình như vẫn còn rát sau tiếng gào vừa rồi, và trong đầu những câu thơ như sấm truyền vẫn còn vang vọng. Trống ngực Long đập thình thịch liên hồi. Mọi thứ trong giấc mơ diễn ra giống như một chiếc video được tua nhanh hết cỡ, Long còn chưa kịp định hình được gì thì đã vội chuyển cảnh. Đang lẩm nhẩm đọc lại lời bài thơ thì những tiếng bước chân chạy thình thịch, tiếng người ý ới gọi nhau ngoài đường làm Long phải dừng lại để lắng tai nghe:
“Cây đa đổ rồi, bà con ơi..”
Lúc này có người còn gõ dồn dập vào cửa nhà Long mà gọi lớn:
“Long ơi, dậy ra xem đi cây đa bật cả gốc lên rồi.”
Lồm cồm bò dậy xỏ vội đôi dép vào chân rồi cứ thế Long mở cửa lao nhanh ra ngoài. bên ngoài đã có hơn chục người đang đứng chỉ trỏ quanh vị trí của cây đa. Nhưng cây đa giờ đây đã nằm trơ trọi giữa đường, toàn bộ rễ cây đều đã bật lên khỏi mặt đất, thân cây vắt ngang qua đường, phần cành cây khô khốc không còn một cái lá nào cắm hẳn xuống mặt hồ, để lại trên mặt đất một cái hố đen sâu hoắm. Những người hiếu kì kéo đến ngày một đông, tầm này đã quá nửa đêm nhưng tất cả mọi người đều bị đánh thức bởi tiếng động lớn lúc cây đa đổ xuống. Mặc dù vẫn còn hãi hùng vì chuyện ở đình lúc sáng, nhưng bây giờ ở đây là giữa đường lại có đông người nên mọi người đã nén bớt sự sợ hãi lại mà kéo ra xem bên ngoài có chuyện gì.
Rất nhanh sau đó các cụ trong làng cũng được con cháu đưa ra ngoài này, thấy cảnh tượng trước mắt, ông Phùng khuỵu chân quỳ xuống, ngửa mặt lên trời mà than khóc:
“Trời ơi tai hoạ đã giáng xuống ngôi làng này thật rồi. Bây giờ tất cả mới chỉ là bắt đầu…”
Trong văn hoá dân gian của người Việt Nam ở đồng bằng bắc bộ thì cây đa, bến nước, sân đình chính là cái hồn của mỗi ngôi làng. Đây là ba nơi quan trọng nhất của làng, nơi được cho là thường có linh khí và thần linh trú ngụ. Nay cùng một lúc, đình làng có nhiều sự kì quái xảy ra, giờ thì cây đa cổ thụ, là biểu tượng, niềm tự hào của làng Hồ từ bao đời nay cũng đột ngột bật gốc. Điều này cho thấy linh khí của ngôi làng đã cạn, và từ nay ngôi làng sẽ không còn nhận được sự bảo hộ của thần linh nữa.
Long đứng yên bất động nhìn chằm chằm vào cây đa, cái vị trí nó đổ xuống giống hệt trong giấc mơ ban nãy. Vậy đó là sự thật, không phải là mơ? Nhưng tại sao lúc tỉnh dậy Long lại vẫn còn nằm trên giường? Không còn thời gian để suy nghĩ nhiều nữa, Long vội la lên thất thanh:
“Mau cứu người, cây đa đổ đè lên người rồi.”
Những người đứng quanh vừa tới chưa hiểu chuyện gì, thấy Long thét lên thì sợ hãi hò nhau đi kiếm gậy để bẫy cây đa đi. Cây đa to phải đến 3-4 người ôm mới xuể, không phải cứ nói muốn dịch chuyển là dịch chuyển ngay được. Hơn mười người đàn ông to béo lực lưỡng, mỗi người cầm trên tay một khúc gỗ chắc chắn, đặt một đầu của khúc gỗ xuống dưới thân cây đa đoạn tiếp giáp với mặt đường, sau đó lợi dụng nguyên lý đòn bẩy, phối hợp nhẹ nhàng với nhau gắng hết sức mình mới làm thân cây đa lăn đi được một đoạn ngắn. Những tiếng bắt nhịp “hai… ba…hây..” liên tục được phát ra. Phải đến 30 phút sau thì cây đa cũng đã di chuyển được một đoạn bằng nửa chu vi của thân cây, nhưng dưới đất vẫn khô ráo không có dấu hiệu gì là có người bị đè ở bên bên dưới cả. Một người trong đội vừa thở hổn hển vì mệt vừa nhìn Long nghi hoặc hỏi:
“Cậu Long, phía dưới này chắc không có gì đâu. Nếu như có người bị đè lên thì ít ra chúng ta phải thấy có máu chứ, đây bà con nhìn xem mặt đường khô ráo sạch sẽ thế này cơ mà.”
Long cũng ngơ ngác không hiểu có chuyện gì xảy ra. Ban nãy Long thấy cây đa đổ xuống đè lên người ông cụ, lúc đầu cậu cũng chỉ nghĩ là mơ, nhưng tỉnh dậy thì cây đa đổ thật, lại còn nằm ở đúng vị trí mà Long đã gặp trong giấc mơ. Vậy còn ông cụ, tại sao lại không có ở đây? Lẽ nào ông cụ đó không phải là con người bằng da bằng thịt hay sao? Và ông cụ xuất hiện ở trong giấc mơ của Long có mục đích gì? Phải chăng ông cố ý để cho Long thấy chuyện cây đa đổ là thật, vậy những gì ông cụ nói phải chăng cũng là thật. Nghĩ vậy Long vỗ tay đánh đét một cái, rồi không nói gì cắm đầu bỏ chạy vào trong nhà đóng cửa lại trước cặp mắt ngơ ngác của toàn bộ những người có mặt lúc đó.
Vào trong nhà, Long lấy ngay quyển sổ và cái bút tranh thủ lúc còn nhớ được ghi vội những câu thơ ban nãy lên cuốn sổ:
“Đình làng quỷ ngự
Điểm tụ tam thôn
Vừa dứt hoàng hôn
Thắp hương khấn vái…”
Viết xong, Long ngồi đọc đi đọc lại rất nhiều lần để tìm hiểu xem ông cụ muốn nhắn nhủ gì với mình trong bài thơ đó. Mọi chuyện diễn ra một cách quá trùng hợp khiến Long tin rằng có người đang muốn chỉ đường cho mình. Ở câu thơ đầu tiên mọi thứ đã rõ ràng, “đình làng quỷ ngự”, tức là thứ ở trong đình lúc này chính xác là ma quỷ chứ không phải thần hoàng làng. Vậy thần hoàng làng đã đi đâu? Phải chăng ông cụ mà Long gặp trong giấc mơ đó chính là thần hoàng làng mà dân làng đang thờ cúng bấy lâu sao? Cũng có thể lắm, bởi cây đa cổ thụ đã có từ rất lâu đời, nó tồn tại song hành cùng với bề dài lịch sử của làng Hồ. Từ sau ngày ông nội Long chết, cây đa cũng dần trở nên khô khéo. Cho đến hôm nay, khi mà người dân đã không còn kiểm soát được ngôi đình nữa, thì hình ảnh ông cụ già râu tóc bạc phơ xuất hiện bên gốc cây đa. Sau khi ông cụ gục xuống thì cây đa cũng đổ sập xuống. Bây giờ bình tĩnh suy nghĩ lại, có lẽ ban nãy Long đã suy đoán sai. Vị thần hoàng làng gắn liền với cây đa cổ thụ, thần không còn nữa thì cây đa cũng sụp đổ. Hay nói một cách khác, cây đa chính là minh chứng cho sự hiện hữu của thần hoàng làng. Thần đổ máu và nằm xuống, cùng lúc đó vật hiện thân của thần cũng không thể tiếp tục tồn tại. Ban nãy ông Phùng đã nói: “bây giờ tất cả mới chỉ là bắt đầu..” Phải chăng chính là nói, ngôi làng không còn nhận được sự bảo hộ của thần linh nữa, những điều tồi tệ nhất đang còn chờ họ ở trước mắt?
Ở những câu thơ tiếp theo, “điểm tụ tam thôn, vừa dứt hoàng hôn, thắp hương khấn vái.” Có thể hiểu “điểm tụ tam thôn” chỉ vị trí, là nơi giao nhau giữa ba thôn. Long cố vò đầu để nhớ lại xem trong xã có nơi nào như thế hay không nhưng nhất thời chưa thể nhớ ra ngay được. “Vừa dứt hoàng hôn” là một câu chỉ thời gian. Hoàng hôn là thời điểm giao nhau giữa lúc mặt trời mọc cho tới khi tối hẳn. Vậy vừa dứt hoàng hôn cũng có thể hiểu là khi trời vừa bắt đầu tối. Dịch đến đây thì bốn câu đầu có thể hiểu rằng, trong đình làng có quỷ ngự, vào khi trời vừa tối mang hương ra điểm giao nhau giữa ba thôn mà khấn vái.
Ở những câu tiếp theo “ ba vòng bên trái, quay phải bảy vòng, đứng giữa song thân, thành tâm cầu khấn. Tôi người giữ đình, xin hãy hiển linh, cần người giúp đỡ.” Người giữ đình ở đây chắc hẳn ám thị chính Long rồi. Vậy còn ở điểm giao nhau giữa ba thôn đó có thứ gì, phải tìm ra nó thì mới có thể luận tiếp được.
Lúc này tiếng ồn ào phía ngoài đường đã dứt hẳn, có lẽ bà con cũng đã kéo nhau ra về hết cả. Đặt bút xuống, Long vò đầu suy nghĩ để cố nhớ lại xem trong xã có đoạn nào mà 3 thôn tiếp giáp với nhau. Ở xã này có tất cả 5 thôn, bao gồm rất nhiều ngôi làng, chỉ trong phút chốc Long không tài nào hình dung ra hết được. Làng Hồ nơi Long đang ở là điểm cuối của thôn 1, phía bên ngoài cổng làng là trường mầm non, trường cấp 1, cấp 2 của xã thuộc thôn 2. Đi qua cổng trường cấp 2, thẳng qua cánh đồng có một ngã 3 lớn. Chạy thẳng một đường lên trên là trụ sở uỷ ban xã, thuộc thôn ba. Một nhánh ngã 3 đó dẫn về phía bãi mía và khu nghĩa trang thuộc thôn 4. Nhánh còn lại của ngã 3 từ chợ dẫn đến cổng chào của xã là thôn 5. Bây giờ muốn xác định được điểm giao nhau của các thôn chỉ có cách duy nhất là nhìn vào bản đồ địa chính của xã. Nghĩ đến đây Long đã biết được ai là người có thể giúp mình.
****
Sáng ngày hôm sau, Long tỉnh dậy từ rất sớm. Vì cây đa nằm ở trên khu đất công vẫn thuộc sự quản lý của xã nên cậu đã báo cáo lên chính quyền, sau đó trên xã cho người xuống kiểm tra, rồi gọi máy múc về để cẩu cây đa gọn vào trong một góc dẹp đường cho dân làng đi.
Quay trở lại uỷ ban, Long đứng trước cửa phòng chủ tịch Thịnh tần ngần một hồi rồi cũng đưa tay lên gõ cửa. Được sự đồng ý, cậu đẩy cửa bước vào trong, ông Thịnh đang ngồi bên chiếc bàn tiếp khách pha trà. Thấy Long, ông cười thân thiện rồi niềm nở:
“Ồ Long đấy hả cháu, hay quá cũng vừa lúc chú đang muốn gặp cháu. Nào vào đây ngồi xuống uống ly trà cho ấm bụng đã.”
Long ngồi xuống ghế đối diện với ông Thịnh, đón lấy ly trà từ tay ông rồi đưa lên miệng không ngừng hít hà. Hơi ấm từ ly trà toả vào tay và xộc vào mũi khiến Long cảm thấy rất dễ chịu. Lần nào cũng thế, mỗi lần bước vào phòng của ông Thịnh cậu đều cảm nhận được cái cảm giác này. Ông Thịnh ngày thường cũng rất cởi mở, dễ gần và quan tâm nhiều đến cán bộ cấp dưới của mình.
Đưa ly trà lên miệng, ông Thịnh hớp một hơi sau đó khẽ hà lên một tiếng đầy sảng khoái. Ông nhìn Long mỉm cười rồi hỏi:
“Sao có chuyện gì muốn gặp chú hả? Nhường cho cậu nói trước đó.”
Long đưa tay gãi đầu gãi tai rồi hỏi:
“Cháu qua hỏi chú có bản đồ địa chính của xã ở đây không cho cháu mượn xem qua chút. Ban nãy cháu có qua phòng địa chính nhưng thấy bảo hôm nay cán bộ lên huyện họp cả không tới uỷ ban chú ạ.”
“Ồ tưởng gì, chứ bản đồ thì tí chú đưa cho. Sao, thanh niên muốn nghiên cứu rồi mua đất xây nhà cưới vợ rồi phải không?”
Nói rồi ông lại cười lên rất hào sảng. Người đời vẫn thường nói, con người hơn nhau ở tiếng cười. Nghe cách ông Thịnh cười đã đủ biết, ông là một người có bản lĩnh, cá tính phóng khoáng rộng rãi, lại giỏi trong giao tiếp nên rất được lòng người khác. Chính Long cũng cảm thấy điều này mỗi lần tiếp xúc, ở ông toát nên một sự gần gũi và có thiện cảm. Tuy là chủ tịch xã nhưng ông cũng rất gần gũi với dân, được biết đến như là một vị quan thanh liêm, được dân chúng quý mến, trọng vọng.
Trước câu hỏi của ông, Long chỉ khẽ lắc đầu rồi bảo:
“Cháu có việc cần xem qua một chút thôi chú ạ, chứ tang của ông nội còn chưa hết nên cháu chưa có nghĩ đến chuyện vợ con vào lúc này.”
Ông Thịnh thay đổi sắc mặt, ánh mắt chuyển qua một vẻ đượm buồn rồi gật gù nói:
“Nhanh quá nhỉ, mới đó mà ông cụ mất cũng đã được hơn nửa năm rồi. Mà phải rồi, chú cũng đang muốn tìm gặp cháu để hỏi tình hình mấy hôm nay ở làng thế nào rồi đây?”
Long đáp:
“Lúc sáng cháu lên đây thì máy xúc đang xuống để cẩu cây đa vào một góc rồi. Không nói thì chắc chú cũng biết tình hình bây giờ ở làng rối lắm. Bà con cứ một mực tin rằng thần hoàng làng nổi giận nên đã gây ra mọi việc. Từ cái chết của ông nội cháu, đến cái chết của Hào, của Nhân, giờ thêm cả chuyện cây đa cổ thụ bị bật gốc nữa. Đình làng bây giờ đành phải bỏ không chẳng ai dám hương khói gì cả.”
Ông Thịnh chẹp miệng rồi đáp:
“Rõ khổ dân mình vẫn luôn mê tín vậy đấy. Mà ông cụ chết đã được nửa năm nay rồi sao giờ còn lôi ra làm gì, những chuyện trong đình gần đây mới xảy ra cơ mà?”
“Dạ, chắc chú còn nhớ cách ngày ông nội cháu mất vài hôm cháu có báo cáo về việc trong đình có người đột nhập đúng không ạ? Lần đó dân làng đã thấy tượng thần hoàng làng đổ lệ, vài ngày sau thì ông nội cháu chết trong đình. Cộng thêm những việc kì lạ xảy ra gần đây nữa nên bà con đã logic mọi thứ lại với nhau, cho rằng tối hôm đó kẻ gian đã đụng chạm đến vật gì đó ở trong đình khiến thần linh nổi giận mà quật chết người trông đình. Suốt một thời gian dài vẫn không ai tìm hiểu phát hiện ra sự thật đêm hôm đó nên đến bây giờ thần hoàng làng mới thực sự nổi giận.”
Ông Thịnh dằn mạnh chén trà trên tay xuống bàn gây nên một tiếng động lớn. Long không hiểu chuyện gì ngước cặp mắt ngơ ngác nhìn ông. Dường như nhận ra thái độ của mình có hơi quá, ông Thịnh vội nhìn đi chỗ khác rồi nói:
“Đúng là vớ vẩn, thời nào rồi mà còn đi tuyên truyền mấy cái tin mê tín dị đoan như vậy. Cái chết của ông nội cậu chẳng phải bên công an đã kết luận là sơ ý trượt chân mà ngã rồi sao? Cả cái chết của Hào cũng thế, cũng là do tai nạn. Lúc xảy ra chuyện có rất đông người ở đó chứng kiến còn gì? Còn Nhân là do tự tử, có pháp y khám nghiệm tử thi, công an xuống kiểm tra hiện trường rõ ràng rồi. Cái gốc đa đã ở đó cả mấy trăm năm rồi, đến bia đá còn phải mòn huống gì một vật thể sống thì làm sao mà trường tồn mãi được. Cả cậu nữa đó, là công an mà còn tin vào những chuyện tâm linh ma quỷ như vậy thì làm sao mà dẹp yên được lòng dân?”
Nghe ông Thịnh nói, Long trong phút chốc bỗng trở nên lúng túng chưa biết phải trả lời lại thế nào. Phải rồi, Long là công an xã, theo lý thì cậu chỉ được tin vào nhân chứng, vào khoa học, vào thực tế chứ không ai chấp nhận mang tâm linh ra để phá án cả. Nhưng xét theo tình thì Long lại là con dân của làng Hồ, cùng bà con của mình chứng kiến mọi việc. Đến bây giờ có những thứ Long dù không muốn tin cũng buộc phải tin. Còn ông Thịnh thì lại khác, ông chỉ tiếp cận với mọi chuyện qua biên bản báo cáo, qua giấy tờ. Những chuyện kì lạ bản thân ông chưa từng trải qua nên việc ông không tin cũng là điều dễ hiểu thôi. Chuyện này Long chỉ nên giải quyết với tư cách là người trông đình làng, và là một người con của làng Hồ chứ không thể dùng tư cách của công an xã được. Nghĩ vậy rồi Long khẽ đáp:
“Những gì chú nói cháu hiểu. Những tin đồn thì chỉ xuất hiện một thời gian rồi sẽ chìm xuống ngay thôi chú ạ. Cháu cũng chỉ mong thời gian tới mọi chuyện yên ổn để bà con sớm có thể quay lại với cuộc sống thường ngày.”
Ông Thịnh nhìn Long vẻ hài lòng rồi nói:
“Cháu hiểu được vậy là tốt rồi. Cố gắng động viên bà con dưới đó nha. À mà còn chuyện này nữa, chả là cuối tuần này chú dọn lên nhà mới ở. Ban đầu cũng tính là làm tân gia linh đình một chút mời anh em các ban thể đồng nghiệp cùng bà con trong xã đến chia vui, nhưng ngặt nỗi gần đây ở làng Hồ có nhiều chuyện không hay xảy ra nên chú nghĩ lại không nên làm rộng ra nữa. Mình là cán bộ là đầy tớ của dân, giờ lòng dân đang không ổn mà mình vui vẻ hưởng thụ cũng đâu có được đúng không nào? Thế nên chú chỉ làm vài mâm ấm cúng mời mấy người họ hàng và bạn bè thân thiết đến chung vui vậy thôi. Hôm đó cháu rảnh thì qua uống chén rượu nhé, cô cứ hỏi thăm cháu mãi đấy. Bằng tuổi thằng Hùng nhà chú mà chín chắn giỏi giang quá.”
Long mỉm cười đáp lại:
“Lứa tuổi bọn cháu trong xã chắc có Hùng nhà chú là thành công nhất rồi còn gì nữa ạ. Còn trẻ mà đã xây được cái nhà mà cả đời người phấn đấu còn chưa được, bọn cháu phải xách dép chạy theo dài dài đó chú. Gần đây trong làng xảy ra nhiều chuyện quá cháu cứ chạy đi chạy lại lu bu hết cả lên. Với cả trong nhà cháu cũng tính là đang còn tang, cháu sợ đến mừng tân gia thì không tiện. Thôi đợi hôm nào mọi chuyện lắng xuống đi rồi cháu sẽ qua tận nhà để tạ lỗi cô chú sau nhé.”
Ông Thịnh quay lại bàn làm việc, dở chồng tài liệu lấy ra một tờ giấy được gập làm 2 tiến lại đưa cho Long rồi nói:
“Ừ chú cũng hiểu hoàn cảnh của cháu lúc này mà. Cố gắng vì dân vì nước vậy. Tấm bản đồ địa chính của xã đây, cháu cầm lấy rồi về lo việc đi. À phải rồi, bảo đồng chí Thượng qua phòng chú có việc cần trao đổi chút.”
Long nhận tấm bản đồ từ tay ông Thịnh rồi nhanh chân bước ra khỏi phòng. Trở về phòng tiếp dân của công an xã, lúc này trong phòng ngoài ông Thượng trưởng công an xã ra thì không có ai, mới đầu năm người dân cũng ít đi làm giấy tờ sổ sách. Sau khi ông Thượng đi qua phòng chủ tịch, chỉ còn lại một mình trong phòng Long vội dở tấm bản đồ ra xem. Tuy cả xã chỉ có 5 thôn, nhưng đa phần người dân ở đây sinh sống bằng nghề làm ruộng và trồng trọt nên diện tích của xã là rất lớn. Bao gồm rất nhiều ngôi làng nhỏ, cánh đồng, bờ sông, nương bãi, đập nước… đất của các thôn trải dài tít tắp, tìm kĩ trên tấm bản đồ Long chỉ thấy toàn bộ là hai thôn tiếp giáp nhau chứ không có đoạn nào đất cả ba thôn giao nhau cả.
Vò đầu bứt trán gần như suốt buổi sáng, Long dò từ những điểm nhỏ nhất, kể cả những khu vực vẫn còn bỏ trống chưa có người canh tác cũng không bỏ qua. Nhưng kết quả vẫn không tìm thấy thứ mình cần. Trong lòng Long lại dấy lên một câu hỏi: “liệu những gì mà mình đang làm có đúng hay không?” Đúng như ông Thịnh đã nói, là cán bộ xã Long không nên tin vào những điều được cho là mê tín. Liệu rằng có thật sự là trong đình có quỷ? Có thực sự giấc mơ của Long là đúng hay cậu chỉ đang chạy theo những ảo giác ở trong lòng mình mà thôi? Nếu như giấc mơ đó là đúng, vậy tại sao địa điểm được chỉ dẫn trong mơ lại không tồn tại?
Đang mải suy nghĩ thì ông Thượng mở cửa bước vào làm Long giật mình đánh rơi cả cây bút trên tay. Thấy thái độ lạ của Long, ông Thượng cười rồi bảo:
“Á à, bắt được quả tang đang làm chuyện xấu nên thấy có người vào phòng bị giật mình rồi nha cậu Long.”
Long đưa tay gãi đầu rồi đáp:
“Ôi chú vào bất ngờ quá là cháu giật cả mình ấy. Mà chủ tịch gọi chú có việc gì quan trọng không mà lâu thế ạ?”
“À, cũng không có gì quan trọng cả, xếp rảnh nên gọi sang uống chén trà sáng ấy mà. Còn cậu đang tìm gì mà cứ cầm tấm bản đồ từ sáng đến giờ vậy?”
Ông Thượng đáp một cách qua loa lấy lệ rồi lại hỏi ngược lại Long. Long cầm tấm bản đồ đứng dậy tiến lại chỗ ông Thượng rồi hỏi:
“chú cho cháu hỏi cái này, trong xã mình có đoạn nào mà ba thôn…”
Đúng lúc này thì chuông điện thoại của ông Thượng reo lên cắt ngang câu hỏi của Long. Bấm nghe máy sắc mặt ông Thượng thay đổi từ trắng sang đỏ gay gắt, hai hàng lông mày ông cau lại xô cho những vết nhăn đổ dồn về mắt. Tắt máy, ông đứng dậy rồi bảo Long:
“Cháu ở lại trực một mình nhé, chú có việc phải ra ngoài chút. Rõ khổ cái cô Dung nhà này không biết làm gì mà để dân người ta bắt lại, bảo là bãi lạc mới nhú mà lội vào dẫm nát hết cả. Chú phải qua đó giải quyết đã.”
Long nghe vậy thì hốt hoảng hỏi:
“Ở đoạn nào vậy chú, có cần cháu đi cùng không ạ?”
Ông Thượng đáp:
“Thấy bảo là nó đi đường sau chợ, lội cả vào ruộng lúa của người ta, băng qua cánh đồng rồi vào bãi lạc ở đằng sau trường mầm non, cái đoạn có mương nước đó. Em với uốn cứ bắt về nhà là kiểu gì cũng tìm cách chuồn đi được, không biết phải khổ vì nó đến bao giờ nữa. Thôi cháu cứ ở lại trực đi nhỡ có người tới không gặp lại mất công ra, chú ra đó xem có gì chú gọi.”
Nói xong ông vơ vội chiếc chìa khoá xe trên bàn rồi tất tả chạy như bay ra ngoài. Long nhìn theo bóng lưng của ông Thượng rồi khẽ lắc đầu ngán ngẩm. Ngồi lại xuống ghế, đưa tấm bản đồ lên tiếp tục quan sát, tiện mắt Long nhìn vào đúng vị trí mà ông Thượng vừa kể ban nãy. Bãi lạc cạnh cánh đồng ở phía sau chợ, sau trường mầm non và cạnh mương dẫn nước. Đôi mắt Long như sáng lên, Long vỗ tay đánh đét một cái vào đùi mình rồi cười lớn:
“Phải rồi, xa tít chân trời gần ngay trước mắt. Sao mình lại không nghĩ ra đoạn này cơ chứ. Chính cái mương nước này là điểm giao nhau của thôn 1, thôn 2 và thôn 5 chứ đâu nữa. Vậy là đúng rồi, tất cả mọi thứ đều đúng, giấc mơ cũng là đúng.”
Mương nước được nối từ cái cống ở ngay bên dưới cổng làng, dẫn nước từ hồ vào đồng ruộng. Bên kia bờ mương là bãi sắn của thôn 1, bên này là bãi lạc nằm phía sau trường mầm non của thôn hai. Cái mương kéo dài đến tận đường nhựa ở bên kia cánh đồng đoạn nối thẳng từ chợ xuống thuộc thôn 5. Long chỉ chăm chăm tìm vào các khu đất mà không hề nghĩ thứ mình tìm lại là một kênh mương. Bây giờ tất cả những chỉ dẫn ở trong bài thơ đều đã tìm ra cả. “Đình làng quỷ ngự- điểm tụ ba thôn- vừa dứt hoàng hôn- thắp hương khấn vái.” Cho đến tận lúc này Long vẫn chưa hề biết thứ mình đang tìm kiếm chính xác là gì. Trong bài thơ có nói phải thắp hương khấn vái, vái cái gì Long cũng chưa biết. Nhưng hơn lúc nào hết, ngay lúc này đây Long tin rằng mình đang đi đúng đường, rằng thực sự có một thế lực tâm linh nào đó đang chỉ đường để cậu có thể tìm ra cách giúp những người dân ở ngôi làng của mình. Không để phí thêm một giây phút nào nữa, Long quyết định ngay tối nay sẽ tìm đường ra đó để dò thử xem rốt cuộc ở đó có gì bí mật.