QUỶ NGỰ ĐÌNH LÀNG
Tác giả: Lê Như Tiên
Chương 7: kẻ lạ mặt
Vừa chợp mắt ngủ được vài phút Long đã bị giật mình tỉnh giấc bởi tiếng chuông điện thoại vang lên inh ỏi bên tai. Vừa nghe tiếng chuông, trong lòng Long đã bắt đầu dấy lên một cảm giác bất an khó tả. Trời còn chưa sáng hẳn, không biết ai lại gọi Long vào giờ này. Bấm nghe máy, đầu dây bên kia là tiếng của Hậu gấp gáp:
“Long ơi, thằng Thuận chết rồi.”
Chỉ 6 từ đó thôi đã khiến Long như chết sững. Ngồi bật dậy giữa giường, Long nói như hét lên:
“Thằng Thuận chết rồi? Làm sao mà chết hả?”
Giọng của Hậu run run đáp lại:
“Nó bị đột tử chết ở ngay trước cổng nhà, tao cũng mới được báo tin thôi. Mày dậy chuẩn bị đi, tý tao sang rồi mình qua nhà nó.”
5 phút sau đã nghe tiếng xe máy của Hậu đổ xịch trước cổng. Long chỉ kịp khoác thêm cái áo vào người rồi nhanh chóng cùng Hậu rời đi. Nhà của Thuận nằm ở cuối làng, đoạn thẳng từ đình làng vào sâu bên trong. Trong nhà Thuận lúc này đã rất đông người, người ta đang vây quanh lấy thi thể đang nằm bất động giữa nhà. Toàn thân tím tái, khuôn mặt đến chết vẫn còn lộ rõ sự kinh ngạc. Mẹ của Thuận đang vật vã bên xác của con. Bà quỳ mọp dưới đất mà không ngừng gọi tên Thuận, nhưng lúc này Thuận chỉ còn là một cái xác không hồn mà thôi.
Theo lời bố Thuận kể lại, hôm qua Thuận ở nhà cả tối không đi ra ngoài. Đêm cả nhà đi ngủ như bình thường, sáng ông dậy sớm ra vườn đi vệ sinh thì thấy cửa nhà đã được mở toang, nhìn ra sân thì thấy có người nằm bất động ở đó. Ông vội đánh thức vợ con dậy chạy ra xem thì tá hoả khi phát hiện ra người đó chính là Thuận con trai của ông. Ông bà tri hô cho hàng xóm tới giúp, nhưng lúc này toàn thân Thuận đã cứng đờ, lạnh toát không còn hơi thở nữa. Thuận đã chết từ bao giờ. Lúc được phát hiện ra trên người Thuận chỉ mặc duy nhất cái quần đùi ngắn và một cái áo cộc tay. Tuy đã chuyển mùa nhưng thời tiết ban đêm vẫn rất lạnh, một số người hàng xóm cho rằng Thuận nửa đêm dậy đi vệ sinh bị trúng gió nằm lăn ra đất, không được phát hiện kịp thời dẫn đến tử vong. Những người khác thì chỉ lắc đầu chẹp miệng cho rằng cái chết của Thuận có liên quan đến đình làng. Chỉ trong vòng hơn 10 ngày từ sau khi tổ chức hội làng, trong làng đã có đến 3 thanh niên trẻ đột ngột bỏ mạng.
Về phần Long, Long tin chắc rằng cái chết của Thuận là do con quỷ ở trong đình gây nên. Long chỉ hận ngay lúc này đây không thể tự tay phanh thây nó thành trăm mảnh để trả thù cho những người bạn thân của mình. Đến buổi trưa sau khi lễ nhập quan cho Thuận kết thúc, Long trở về nhà mình để tiếp tục xử lý tấm gia phả tìm được hôm qua. Suốt một đêm gần như thức trắng vẫn chưa tìm ra được giải pháp nào phù hợp, lúc này Long nghĩ đến Xoan bạn gái của mình. Nếu như cần một người đủ tin tưởng để có thể chia sẻ và nhờ vả, thì Long sẽ chọn Xoan. Xoan là một cô gái vô cùng thông minh và nhanh nhẹn, tuy là con trai nhưng Long cũng phải thừa nhận đôi lúc Long còn không tư duy và phán đoán tốt bằng Xoan. Chả thế mà Long mê Xoan như điếu đổ, trồng cây si trước cổng từ khi Xoan còn là một cô học sinh cấp ba cho đến giờ đã tốt nghiệp đại học.
Từ đám ma trở về, Long không về một mình mà cậu đi cùng Xoan. Lúc đi qua đình làng, Long đưa mắt vào trong nhìn thử, mới chỉ vài ngày nhưng cảnh vật trong đình xác xơ tiêu điều làm lòng Long quặn lại. Cổng đình vẫn đóng im ỉm, ngoài sân những dấu tích từ hôm thầy cúng đến làm lễ gặp bất trắc bỏ về vẫn nằm la liệt khắp nơi. Suốt từ hôm đó đến nay không một ai dám bước chân lại gần đình làng nửa bước.
Vào đến nhà, Long cẩn thận khoá cổng và đóng kín cửa ra vào trước khi bước vào nhà. Vừa vào đến nhà, nhìn đống đồ đạc ngổn ngang khắp phòng Xoan đã cảm thán:
“Ôi trời đất ơi! Bác gái mới đi có mấy ngày mà nhà cửa đã thành ra thế này rồi, em cũng đến chịu anh luôn đó anh Long. Á à bảo em qua đây có việc muốn nhờ, là nhờ em dọn nhà giúp đúng không? Vậy mà không nói rõ từ đầu cứ úp úp mở mở làm em tưởng có chuyện gì quan trọng cơ.”
Nói dứt lời chưa kịp đợi Long đáp lại, Xoan đã vội xắn tay áo lên với tư thế chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa. Long thấy vậy vội ngăn Xoan lại, gãi đầu gãi tai cười trừ rồi nói:
“Không, không… em hiểu nhầm rồi, không phải như em nghĩ đâu. Thực ra hôm nay anh bảo em qua đây là có chuyện khác muốn nhờ, nhà cửa em cứ để đấy tý anh dọn loáng cái là xong thôi.”
Xoan vắt mấy cái quần áo mình vừa nhặt được lên thành ghế, rồi cũng theo Long lại ghế ngồi. Nhìn vẻ mặt nghiêm túc của Long, cô hỏi:
“Vậy có chuyện gì anh mau nói đi.”
“Anh có một văn bản này bằng chữ nho cần dịch gấp, em có quen ai nhờ giúp anh được không?”
“Chữ nho hả? Chẳng phải cụ Thuấn làng mình là người biết chữ nho đó à, sao anh không nhờ cụ giúp?”
Xoan nghi hoặc hỏi lại. Thoáng một chút lúng túng rồi Long trả lời:
“Thực ra… cái văn bản này nó rất quan trọng với anh.. phải bí mật. Bí mật không được cho ai biết Xoan ạ.”
Xoan nghe thế thì vội nói lớn:
“Trời đất ơi anh đang đùa em hả anh Long. Anh nhờ người khác dịch hộ cho mà lại muốn giữ bí mật nội dung bên trong. Khó vậy ai chơi lại?”
Long thở dài rồi nói:
“Đêm qua anh đã thức cả đêm mà không nghĩ ra được nên hôm nay mới phải nhờ đến em. Anh biết em quen biết rộng có thể tính cách gì giúp anh được không?”
Xoan làm mặt nghiêm nghị, nhìn chằm chằm vào Long rồi hỏi:
“Anh đang có chuyện gì muốn dấu em phải không? Cả tuần nay rồi không thấy mặt mũi anh đâu cả, đến cả thời gian nhắn tin cho em cũng không có. Anh nhìn lại anh đi, mắt thì thâm quầng lan cả xuống má, người gầy xọp không có tý sức sống nào. Râu tóc thì có khác gì ông già không cơ chứ? Có chuyện gì anh muốn dấu cả em sao?”
“Ờ thì… cũng không có gì cả. Chẳng qua mấy hôm nay anh không ngủ được với bận công việc ở xã nên vậy thôi.”
“Vậy cái văn bản mà anh muốn dịch là gì?”
“Là.. là của đình làng, anh dịch cho đình làng thôi.”
Sự lúng túng của Long không thể nào qua được đôi mắt sắc bén của Xoan. Cô nghiêm mặt nhìn thẳng vào mắt Long rồi nói:
“Sự thiếu tự tin trong gương mặt và lời nói chứng tỏ a đang nói dối. Từ nãy giờ nói chuyện anh cũng không dám nhìn vào mặt em. Đến cả em anh cũng không đủ tin tưởng mà phải giữ bí mật sao? Anh muốn giữ bí mật nội dung của văn bản đó, em đã nghĩ ra cách để giúp anh rồi. Nhưng anh phải kể sự thật cho em biết, văn bản đó là gì, và thời gian qua anh đang lén lút làm những gì. Nếu không thì anh cứ xem như em chưa nói gì đi, tiếp tục giữ bí mật của anh, em đi về à.”
Nói xong Xoan toan đứng dậy đã liền bị Long giữ lại. Sự hốt hoảng hiện rõ trên khuôn mặt Long. Long là người hiểu nhất tính khí của Xoan, nếu không đồng ý với điều kiện của cô ấy thì không thể thương lượng được. Sau một hồi đắn đo, Long hít một hơi thật sâu rồi nói:
“Không phải anh muốn dấu em đâu Xoan. Chuyện này rất nguy hiểm, anh chỉ không muốn làm liên luỵ đến em thôi. Nhưng anh hết cách rồi, anh nghĩ chỉ có em mới giúp được anh chuyện này, nếu không nhờ em anh không biết phải nhờ đến ai nữa. Làm ơn đi, giúp anh, khi nào thuận tiện anh sẽ kể hết cho em nghe được không? Còn bây giờ em càng biết ít càng tốt cho em thôi.”
Xoan lắc đầu quả quyết:
“khó khăn mà không muốn chia sẻ với người mình thương thì mình thương nhau còn có nghĩa lý gì nữa. Mình đã hứa với nhau, có phúc cùng hưởng, có hoạ cùng chịu rồi không phải sao?”
Long đưa tay nắm lấy bàn tay Xoan, khẽ ngập ngừng rồi nói:
“Nếu em đã nhất quyết muốn biết như vậy thì anh không dấu em nữa. Anh sẽ kể toàn bộ mọi chuyện cho em nghe. Nhưng em phải hứa với anh, truyện này chỉ mình anh và em được biết, tuyệt đối không được kể với người thứ 3 nghe chưa. Đến cả thằng Hậu anh cũng còn chưa kể đâu đấy.”
Nói rồi Long kể lại toàn bộ những chuyện mà cậu đã khám phá ra trong suốt mấy ngày qua. Từ giấc mơ về ông cụ ở gốc cây đa chỉ đường tìm đến cây thần cho đến tấm gia phả cùng bí mật về con quỷ ở đình làng đang chờ được khám phá. Khỏi phải nói, nghe xong những chuyện Long kể Xoan đã sốc tới mức nào. Cô run run đón lấy tấm gia phả từ tay Long, chăm chú xem kĩ từng chút một rồi quay qua bảo Long:
“Anh bảo đây là tấm gia phả của dòng họ nhà anh hả? Hình như không phải.”
Long ngồi bật ngay dậy hỏi gấp:
“Em bảo sao? Không phải là gia phả sao? Mà sao em biết? Em có thể đọc được những chữ này?”
Xoan mắt vẫn không rời khỏi tờ giấy, cô gật đầu rồi trả lời:
“Ngày còn học ở trường em có học qua một môn có tên gọi là Hán Nôm, chính là những chữ giống như trong này viết.”
Long reo lên:
“Thật vậy sao? Vậy là em có thể đọc được tấm giấy này phải không? Nào nhanh lên hãy xem bên trong đấy viết những gì.”
Xoan lắc đầu rồi bảo:
“Làm gì mà anh cuống hết cả lên vậy, em chỉ bảo em có học qua thôi chứ em đã bảo em đọc được đâu. Bọn em chỉ học môn này trong một học trình ngắn, em chỉ biết những cái cơ bản để qua môn thôi chứ đa số chữ trong này em không đọc được. Em bảo nó không phải gia phả, bởi theo em biết thì gia phả thường dùng để ghi chép tên họ, tuổi tác, ngày mất, vai trò và công đức của những người đi trước trong dòng họ. Nhưng ở đây nó được viết giống với một bức thư hơn. Đây này, mấy chữ này chính là năm mà bức thư được viết, 1837.”
Vừa nói Xoan vừa chỉ tay vào những chữ đầu tiên được viết trên tấm giấy. Long chăm chú nhìn theo rồi vội nén một tiếng thở dài, vẻ mặt lộ rõ vẻ thất vọng. Long hỏi:
“Vậy ban nãy em bảo em có thể giúp anh dịch mà không để lộ nội dung ra ngoài đúng không?”
Xoan gật đầu:
“Đúng vậy. Em đã nghĩ ra cách rồi. Em không dịch được những chữ này nhưng em biết người có thể dịch được chúng. Là giáo sư dạy bọn em môn Hán Nôm ở trường đại học. Thầy là giáo sư chuyên ngành ngôn ngữ học, có đến mấy tấm bằng ngôn ngữ liền đó anh. Cũng may ngày đó em lại là lớp trưởng lớp tín chỉ bộ môn của thầy nên giờ cần vẫn có thể liên lạc được.”
“Nhưng mà nhờ ông ấy thì kiểu gì ông ấy cũng biết được nội dung của tờ gia phả kia rồi còn gì. Em cũng thấy đấy, hiện giờ vẫn chưa biết được kẻ đã thả con quỷ ra là do vô tình hay cố ý, nếu chuyện này mà lộ ra cho nhiều người biết thì sẽ là tai hoạ lớn đó.”
Long vội chen vào cắt ngang lời của Xoan. Xoan khẽ lườm cậu một cái rồi nói tiếp:
“Em còn chưa nói xong mà, em đã tính cả rồi. Đây anh xem này, tấm giấy này được viết theo hàng dọc từ trên xuống, từ trái qua phải. Bây giờ mình sẽ chia nhỏ tấm gia phả này ra, dùng điện thoại chụp hình lại. Mỗi hình chỉ gồm 3 chữ theo hàng ngang, 5 chữ theo hàng dọc, tức là mỗi hình sẽ có 15 chữ. Mình đánh số thứ tự cho từng ảnh để lúc có bản dịch khớp nó lại với nhau cho dễ, rồi đem mã hoá tất cả chỗ ảnh đó thành một dãy số thứ tự khác để có ai muốn ghép lại cũng không đúng thứ tự ảnh để khớp nội dung lại với nhau được. Để chắc ăn hơn nữa, em sẽ nhờ hai người khác nhau dịch, mình gửi đoạn so le trên dưới trái phải, thì có trời mới hiểu được trong tờ giấy đó viết gì.”
Long nhìn Xoan nói một cách chăm chú, khi Xoan dừng lại cậu vỗ tay đen đét mà reo lên:
“Hay quá Xoan ơi! Thật không ngờ nhanh như vậy em đã nghĩ ra cách. Anh đúng là đã không nhìn nhầm em mà. Anh đã nói rồi, chỉ có em mới có thể giúp anh thôi.”
Xoan nhìn Long khẽ mỉm cười mà lắc đầu liên tục:
“Anh cứ như trẻ con ấy. Em đang tìm cách giúp dân làng, cũng là giúp bản thân em và gia đình chứ ai giúp gì cho anh.”
Long gật đầu lia lịa:
“Em nói sao cũng được hết, miễn là chúng ta có thể sớm tìm ra được nội dung của tấm gia phả này. Em bảo gửi cho 2 người nhờ dịch, vậy người còn lại là ai?”
“Là cụ Thuấn làng mình chứ ai nữa.”
Long suy nghĩ vài giây rồi lại hỏi:
“Nhưng nhỡ cụ ấy tò mò hỏi muốn dịch cái gì thì biết trả lời làm sao?”
Xoan cười:
“Cái đó anh không phải lo, em có dự liệu cả đây rồi. Với giáo sư em sẽ bảo là em làm việc cho uỷ ban xã, dịch những chữ tư liệu tìm thấy được ở di tích cũ. Còn với cụ Thuấn, em sẽ bảo là em dịch bài tập để tốt nghiệp ở ngoài trường đại học, anh cứ yên tâm đi sẽ không ai nghi ngờ gì đâu. Nào bây giờ anh với em sẽ chụp từng ảnh và đánh dấu nó lại bằng một dãy số lộn xộn không theo thứ tự. Em đánh số đến đâu thì anh nhớ ghi lại để hôm sau mình khớp theo thứ tự này cho đúng nha.”
Loay hoay suốt cả buổi chiều cuối cùng hai người cũng chia xong tấm gia phả thành gần 100 bức ảnh nhỏ. Kiểm tra lại một lần cuối cho chắc chắn là không có sai sót nào, Xoan bỏ điện thoại vào túi rồi quay qua bảo Long:
“Bây giờ em sẽ lên thị trấn để in những bức ảnh này ra rồi đem qua nhà cụ Thuấn nhờ cụ ấy dịch hộ. Còn chỗ giáo sư tối về em sẽ gọi điện để trao đổi sau đó gửi mail đi là được. Để tránh mọi người nghi ngờ anh không cần đi cùng em đâu. Trông anh có vẻ mệt mỏi lắm đấy, anh tranh thủ nghỉ một chút đi rồi tối hẵng vào trong đám.”
Long nắm lấy tay Xoan mà nói:
“Vất vả cho em rồi. Anh chẳng có tâm trạng mà nghỉ ngơi nữa đâu, chắc em đi rồi anh cũng vào trong kia thôi, đến mai là đưa nó ra đồng rồi. Em đi nhanh rồi về, nhớ đừng ra ngoài sau khi trời tối đó. Có gì nhắn tin cho anh.”
“Long ơi! Long! Cậu Long có ở nhà không thế?”
Xoan còn chưa kịp ra đến cửa thì đã nghe tiếng có người gọi Long ở ngoài cổng. Mở cửa bước ra hè để nhìn xem người đó là ai, Long chào lớn:
“À, chú Thượng đấy ạ. Cháu có ở nhà đây, chú chờ chút cháu mở cửa cho.”
Long nói rồi vội chạy quay vào trong nhà tìm chìa khoá cổng, luống cuống cất gọn tấm gia phả vào chỗ cũ trên bàn thờ, xong xuôi tìm mãi một lúc sau mới tìm thấy cái chìa khoá bị rơi xuống gầm bàn. Long chạy ra mở cổng, Xoan cũng theo chân Long ra ngoài. Thấy Long lại có cả Xoan, ông Thượng chau mày hỏi:
“Ban ngày ban mặt mà hai đứa mày làm gì trong đấy gọi mãi không ra mở cửa thế hả?”
Long đáp:
“Cháu tìm cái chìa khoá mà mãi chẳng thấy nó đâu cả chú ạ, đây mời chú vào nhà ạ.”
Xoan cũng lên tiếng:
“Cháu chào bác Thượng. Thôi bác vào trong nhà chơi với anh Long đi, cháu có việc phải đi về luôn đây ạ.”
Nói xong Xoan nhằm thẳng hướng nhà mình ở bờ hồ mà bước tới. Ông Thượng không vội vào nhà ngay, ông đứng đó nhìn theo bóng lưng của đứa cháu gái, hai hàng lông mày bất giác cau lại một cách khó hiểu. Mãi đến khi Long mời đến lần thứ hai ông mới dắt xe vào trong sân. Bước vào nhà, nhìn khắp một lượt căn nhà chỗ nào cũng có quần áo và đồ đạc bừa bộn, ông Thượng lắc đầu rồi bảo:
“Khiếp thật, không nghĩ là cậu lại bừa bộn đến mức này luôn. Thôi nhanh lấy vợ đi về còn có người chăm sóc cho ông tướng ạ.”
Long toan thanh minh, nhưng rồi lại chọn cách im lặng. Bởi có giải thích, thì ngoài chuyện kể sự thật là đêm qua Long tìm kiếm tấm gia phả cho đến gần sáng mới thấy nên mới vứt bừa đồ ra mà chưa kịp dọn như vậy thì Long không tìm được lý do nào hợp lý hơn. Nghĩ vậy nên Long chỉ cười cho qua truyện. Pha một ấm trà mới, Long rót nước ra chén mời khách rồi từ tốn hỏi:
“Chú qua chơi hay tìm cháu có chuyện gì không ạ?”
Ông Thượng nhấp môt hơi trà rồi đáp:
“À nãy chú có vào trong đám ma thằng Thuận mà không thấy cháu ở đó, đoán là về nhà nên chú qua đây kiếm thử, mà không nghĩ là cháu lại về hai mình đâu đấy.”
Hiểu ý ông Thượng, Long đáp một cách ngượng ngùng:
“Dạ cháu ở trong đám từ sáng đến giờ, buổi trưa làm lễ nhập quan xong cháu mới về. Cháu có chút chuyện riêng cần trao đổi với Xoan nên mới hẹn cô ấy sang đây, chú đừng nghĩ linh tinh tội cho cô ấy.”
Ông Thượng phì cười:
“Tôi trêu cô cậu thế thôi, chứ cậu là người thế nào chả nhẽ tôi còn không biết hả. Mà nay qua đây tìm cậu có chút việc đây này.”
“Dạ có chuyện gì chú cứ nói đi cháu đang nghe ạ.”
“Hôm qua ông chủ tịch gọi chú sang phòng có chút chuyện muốn trao đổi. Mà chú thấy cũng đúng thôi. Chả là có mấy người người ta ý kiến lên uỷ ban xã về cái việc mà đình làng mình mấy ngày nay bỗng dưng bỏ không không có ai dọn dẹp hương khói đó. Thử nghĩ mà xem, đình làng mình vừa được nhận bằng chứng nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh xong được mấy hôm, tự dưng lại không ai lui tới nữa. Ở dưới kia người ta mà biết được là to chuyện đấy.”
Long thở dài rồi đáp:
“Chuyện đến nước này cũng đâu có ai muốn đâu hả chú. Chỉ trong thời gian ngắn như vậy mà có quá nhiều chuyện xảy ra, chính hôm lại sau ông thầy tới làm lễ chú cũng tận mắt chứng kiến còn gì nữa. Trong đình đang không ổn, theo cháu thì trong khoảng thời gian này không nên lại đình vẫn là tốt hơn chú ạ. Sẽ nhanh thôi cháu sẽ giải quyết xong chuyện này, rồi mọi chuyện sẽ quay lại như lúc trước thôi.”
Ông Thượng nhìn Long nghi hoặc hỏi:
“Cậu nói giống như là biết có chuyện gì phải không?”
“Thì chuyện này trong làng người ta đang đồn ầm cả lên ai cũng biết mà chú. Chú tin cháu đi, cháu nhất định sẽ đưa mọi chuyện ra ánh sáng sớm thôi.”
“Bên uỷ ban đã có chỉ đạo xuống rồi, nhất định là phải cắt cử người hương khói trong đình cho cẩn thận. Vốn công việc này trước nay là của cậu, nay tôi đến để hỏi xem cậu có nhận nữa hay không, nếu cậu không làm thì để bên uỷ ban cắt cử người khác làm. Chuyện thờ cúng không thể để như này mãi được.”
“Cháu không có chối là không làm nữa, chỉ là trong khoảng thời gian này chưa thích hợp thôi chú ạ. Trên uỷ ban các bác ấy không rõ tình hình ở dưới này, chứ chú cháu mình người ở đây thì hiểu rõ nhất. Bây giờ trong đình rất nguy hiểm không thể lại gần được. Chỉ một thời gian ngắn thôi đã chết đến mấy mạng người rồi. Ngay cả ông nội cháu cũng chết bất thường ở trong đình. Chuyện này cháu sẽ phải điều tra cho thật rõ, nếu có kẻ nào đứng sau gián tiếp gây nên những chuyện này nhất định cháu sẽ sớm ngày lôi hắn ra ánh sáng.”
“Ý của cậu là sao? Cậu nghĩ rằng có kẻ đứng sau âm mưu tất cả những chuyện này sao?”
“Hiện tại thì cháu chưa chắc chắn mọi chuyện nên không tiện để nói ra. Nhưng chú tin cháu chỉ vài ngày nữa thôi mọi chuyện sẽ được làm sáng tỏ. Mà phải rồi, tiện đây cháu mới nhớ. Buổi sáng hôm phát hiện ra ông nội cháu ở đình, hình như ông có gọi cho chú phải không ạ?”
Trước câu hỏi bất ngờ của Long, ông Thượng lúng túng trả lời:
“Không… không có. Ông nội cậu có số của tôi đâu mà gọi. Mà này, chuyện trông đình ấy, là lệnh của cấp trên chỉ thị xuống, tôi chỉ đi truyền đạt lại thế thôi, cậu xem làm sao thì làm không lúc cấp trên trách phạt cho lại thêm tội vào người. Nhắm không làm được thì bảo để chuyển giao cho người khác. Vậy nha, tôi về.”
Nói xong ông phủi đít đứng dậy bước thẳng ra cửa không thèm để ý đến thái độ của Long. Long cũng vậy, cậu không phản ứng gì mà ngồi yên ở ghế, hai hàng lông mày khẽ cụp xuống, vẻ mặt đăm chiêu.
*****
Từ đám tang của Thuận trở về, Hậu không về nhà mà ghé qua nhà tìm Long. Vừa nhác trông thấy Long Hậu đã hỏi ngay:
“Mày về nhà làm gì cả ngày mà không thấy mặt mũi đâu thế hả? Các cụ ở ngoài kia cứ hỏi thăm mày suốt đấy.”
Long mệt mỏi đáp:
“Tao ở ngoài đó cả buổi sáng làm lễ nhập quan xong mới về mà. Tao cần giải quyết một chút việc riêng, cũng xong rồi lại chuẩn bị quay qua đó đây.”
Hậu nhìn dáng vẻ mệt mỏi của Long mà nói:
“Mày có ổn không đó Long? Sao trông mày mệt mỏi quá. Hay ở nhà nghỉ ngơi đi mai sáng rồi hẵng qua đi đưa nó cũng được.”
Long lắc đầu:
“Mấy đêm nay mất ngủ nên trong người hơi mệt chút thôi, tao không sao đâu. Cũng chỉ còn hôm nay nữa mai là nó ra đồng nằm với thằng Hào và thằng Nhân rồi. Tao không thể tin được, mới vài ngày trước nhóm bọn mình còn vui vẻ chuẩn bị hội làng cùng nhau, vậy mà anh em cứ lần lượt nằm xuống thế này…”
Hậu ngồi phịch xuống, tựa lưng vào thành ghế mệt mỏi đáp:
“Cuộc đời vô thường sống nay chết mai chẳng biết đường nào mà lần được. nhóm 7 đứa chơi thân nay đã chết đến một nửa rồi. Liệu mày có nghĩ người tiếp theo sẽ là một trong số 4 thằng mình không Long?”
Câu hỏi của Hậu cũng là điều mà Long đang suy nghĩ. Trong làng có rất nhiều thanh niên nhưng chơi thân với nhau như anh em một nhà thì chỉ có 6 người bao gồm Long, Hậu, Nhân, Hào, Thuận và Kiên cùng với hội con gái. Từ đêm hôm qua khi biết chắc chắn trong đình làng có quỷ, Long vẫn luôn thắc mắc tại sao hôm lễ hội đông người như thế mà con quỷ đó lại chọn Hào để bắt? Nếu như cái chết của Hào được giải thích rằng trùng hợp ngẫu nhiên vì hôm đó Hào ở gần đình, vậy còn Nhân? Nhà Nhân ở tận đầu làng trong khi quanh đình vẫn còn rất nhiều nhà dân khác. Giờ lại thêm cái chết của Thuận. Liệu tất cả chỉ là trùng hợp hay có sự lựa chọn bắt ngừoi nào mà Long chưa biết hay không? Phải chăng con quỷ đó biết Long là người giữ đình nên đang muốn tấn công vào đám bạn thân của Long đầu tiên? Vậy rất có thể người tiếp theo con quỷ này nhắm tới sẽ là một trong ba thằng bạn thân còn lại của Long, là Hậu hoặc Kiên?
Buổi tối tại nhà của Thuận, những người đến viếng cũng đã ra về gần hết. Trong nhà chỉ còn lại người nhà của Thuận, anh em họ hàng ở xa tới và một vài người hàng xóm sát nhà. Hậu, Long và Kiên ngồi bên cạnh quan tài của đứa bạn xấu số mà lặng người đi. Cái khung cảnh lúc này lại giống hệt với ngày đám ma của Hào, chỉ khác là lúc đó vẫn còn cả Nhân và Thuận ngồi cùng ba đứa. Kiên quay qua Long và Hậu hỏi nhỏ:
“Hai đứa mày có thấy cảnh tượng này quen quen không? 10 ngày trước mình vẫn còn 5 đứa ngồi đúng như này trước quan tài của thằng Hào, nay chỉ còn lại ba. Từ sau hôm thằng Nhân chết đến giờ tao sợ lắm, không biết đến lượt mình lúc nào.”
Long đặt tay lên vai Kiên mà an ủi:
“Mày đừng suy nghĩ nhiều quá, sống chết có số cả rồi, có muốn tránh cũng chẳng được. Chỉ trách ba đứa nó phận bạc quá thôi.”
Kiên đáp:
“Phải rồi, nhà mày ở gần nhà thằng Hào dạo này bố mẹ nó có khoẻ không Long? Từ hôm đến giờ tao lu bu đi xin việc khắp nơi còn chưa được nên không có thời gian qua nhà hỏi thăm cô chú ấy được.”
Long khẽ thở dài:
“Mang tiếng hàng xóm sát vách mà tao cũng có gặp cô chú ấy đâu. Mới chập tối tao đi làm về đã thấy khoá cổng đóng cửa im ỉm bên trong nhà rồi. Mấy ngày đầu đêm nào cũng nghe thấy cô Hoè khóc cả đêm đến sáng mới thôi tội lắm mày ạ. Mấy hôm nay thì buổi tối không nghe tiếng cô ấy khóc nữa. Cũng phải thôi, làm gì có ai có sức mà khóc mãi như vậy được.”
Hậu chen vào:
“Hay để hôm nào anh em mình rủ nhau qua nhà nó thắp hương đi. Nhân tiện hỏi thăm sức khoẻ cô chú luôn, bọn mày thấy được không?”
Long và Kiên nghe vậy thì gật đầu đồng ý. Long lại tiếp lời:
“Mà này, hay là từ mai hai đứa mày qua nhà tao ngủ được không?”
“Mày sợ sao?” Hậu hỏi.
“Đúng vậy, tao sợ, tao rất sợ cái cảm giác lại mất đi những người anh em của mình thêm một lần nữa. Ban ngày thì không sao, nhưng buổi tối bọn mày hãy qua đây ngủ đi, ba đứa mình sẽ cùng bảo vệ nhau, tao tin là như vậy thì chúng ta sẽ được bình an.”
Kiên đáp:
“Chính xác thứ mà mày đang sợ là gì hả Long?”
“Là cái thứ mà đã bắt đi thằng Hào, thằng Nhân và thằng Thuận. Tao nghĩ nó đang nhắm vào nhóm của bọn mình.”
“Thứ đó là cái gì? Có phải mày biết chuyện gì rồi không?”
“Tạm thời bọn mày cứ tin tao đi, qua nhà tao ngủ để tránh những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra. Hai ngày nữa mọi chuyện sẽ được sáng tỏ cả thôi. Mà còn chuyện này nữa, tao muốn bọn mày cẩn thận với bà Dung điên, đừng lại gần bà ta.”
“Tại sao?”
“Bởi vì những nơi bà ta xuất hiện thường sau đó sẽ sảy ra truyện. Tao không biết chính xác mọi chuyện, nhưng bọn mày thử nghĩ mà xem, trước khi chết thằng Nhân đã kể gặp bà Dung điên ở trước cổng. Mấy hôm nay tao cứ có cảm giác gì đó bất an lắm, đi đến đâu cũng thấy bà ấy cả. Tạm thời bọn mày cứ nghe tao thấy bà ấy thì tránh đi là được.”
4 giờ 30 sáng, những người trong nhà tranh thủ chợp mắt một chút cũng đã rục rịch trở dậy. Ba đứa đã thức trông quan tài của Thuận cả một đêm dài. Vậy là gần 3 đêm liên tiếp Long chưa có một giấc ngủ ngon. Lúc này trông cậu tiều tuỵ, uể oải không một chút sức sống. Vươn vai để giãn gân cốt vì đã ngồi quá lâu một chỗ, Long huých vào vai hai thằng bên cạnh rồi hỏi:
“Tao tính về nhà tranh thủ tắm rửa vệ sinh chút cho tỉnh táo rồi mới quay lại, bọn mày có về cùng tao không?”
Kiên gật đầu:
“Có cho tao đi cùng với. Về tắm qua cái cho tỉnh người lấy sức tý còn khiêng quan của nó nữa.”
Ba đứa kéo nhau ra về, ngoài trời còn chưa sáng hẳn. Dọc đường từ nhà Thuận về đến đình làng không có gì, nhưng ra đến bờ hồ thì sương mù vẫn dăng trắng xoá chắn cả lối đi. Vừa về tới cổng đang đứng đợi Long mở cửa thì phía bên nhà Hào có tiếng động. Cánh cửa sắt được mở ra, sau đó một người đàn bà thân hình phốp pháp dắc xe máy ra khỏi cổng, phía sau xe còn đèo một cái sọt gỗ của mấy bà đi chợ. Ba đứa khẽ huých nhau, Hậu lên tiếng:
“Là cô Hoè mẹ thằng Hào đấy. Dậy sớm giờ này chắc cô ấy đã bắt đầu bán thịt ở chợ trở lại rồi. Mình ra chào hỏi cô ấy một tiếng đi.”
Tiến về phía người phụ nữ đang lúi húi đóng cổng, Long lên tiếng chào niềm nở:
“Cháu chào cô Hoè ạ. Cô chuẩn bị đi chợ rồi đấy ạ?”
Đáp lại thái độ niềm nở của ba đứa, người phụ nữ lạnh lùng quắc mắt nhìn chằm chằm vào Long đầy hằn học, sau đó không nói gì mà trèo lên nổ máy phóng thẳng để lại ba thằng đứng chưng hửng như trời chồng giữa đường. Hậu cằn nhằn:
“Mới sáng ra có chuyện gì mà cô ấy có thái độ lạ vậy nhỉ? Cứ như là có thù hằn gì với bọn mình ấy.”
Kiên đáp:
“À tao biết rồi. Chắc hôm nay cô ấy mới đi bán hàng trở lại, mới ra đường đã gặp ngay ba thằng mình sợ phải vía nên vậy đấy. Mấy người bán hàng cẩn thận lắm, nếu không may gặp phải người cao vía ế cả gánh hàng như chơi ấy.”
Nói rồi cả ba kéo nhau về nhà Long để thay nhau tắm rửa sau đó quay lại nhà Thuận để chuẩn bị cho lễ đưa tang thằng bạn xấu số của mình.
******
10 giờ sáng, ở chợ đã dãn hết khách, chỉ còn đa phần những người bán hàng ở lại. Lúc này mọi người cũng bắt đầu thu dọn những gì còn sót lại sau một buổi sáng tấp nập mua bán để về nhà. Bà cụ Tường bán bánh cuốn cũng đã gần hết hàng, còn lại một chục bánh cuối cùng vừa tráng song hẵng còn nóng. Nhìn sang gian hàng thịt của bà Hoè, thấy bà vẫn còn phăm phăm con dao để chặt xương. Đắn đo một hồi rồi bà cũng bỏ chỗ bánh còn lại vào túi rồi khệ nệ bước về phía quầy thịt. Chưa tới nơi bà đã niềm nở:
“Hết hàng chưa, chuẩn bị dọn đồ về thôi cô Hoè ơi, vãn hết khách rồi.”
Bà Hoè mặt lạnh như tiền, khẽ dừng tay lại ngước mặt nhìn bà Tường một cái rồi lại phăm phăm tay dao chặt xuống bàn từng nhát chắc nịch. Cái bàn và cả cái thủ lợn còn lại khẽ rung lên theo mỗi nhịp dao của bà Hoè. Bà Tường vẫn cười tươi đon đả, ngỡ bà Hoè không nghe thấy gì nên tiến lại gần chìa túi bánh ra trước mặt mà nói:
“Tôi vẫn còn ế chục bánh đây, cô Hoè không chê thì cầm lấy ăn tạm lấy thảo đi. Nay thấy cô đi bán hàng trở lại vẫn khoẻ mạnh thế này tôi mừng quá. Thôi chuyện cũng qua rồi cố gắng lên nhớ…”
Bà Hoè vẫn không ngừng tay lại, đôi mắt vô hồn nhìn bà Tường một cách lạnh nhạt rồi khẽ hừ một tiếng trong cổ họng. Nhưng rồi bà ta cũng lên tiếng đáp lại:
“Cảm ơn bà, tôi không ăn đâu, bà mang về đi.”
Nói xong bàn tay phải lại giáng xuống bàn một nhát dao sắc lẹm cắt khúc xương sống con lợn ra làm hai một cách nhẹ nhàng. Đôi mắt bà nhìn cảnh tượng ấy đầy vẻ thoả mãn. Một người phụ nữ xách theo cái làn màu đỏ tiến tới đứng chắn trước mặt bà Tường. Bà ta nhìn vào cái thủ lợn rồi hỏi:
“Thủ này cả cái bán sao hả chị?”
Bà Hoè không nhìn mà lạnh lùng đáp:
“Cái đó không bán đâu, tôi để dùng đó.”
Thấy thái độ bà Hoè không muốn tiếp chuyện với mình, và Tường khẽ lắc đầu rồi lại cầm theo túi bánh về thảy vào trong gánh rồi gánh về. Từ ngày Hào con trai bà Hoè mất đến nay mới thấy bà đi chợ bán hàng trở lại. Vốn cũng là chỗ bạn bè bán hàng ở chợ nhiều năm, sáng giờ ai cũng bận rộn nên lúc này bà mới tranh thủ qua tính an ủi vài câu nhưng cuối cùng lại rước thêm bực bội vào người. Cái thái độ đó là sao chứ, lần sau bà thèm vào mà quan tâm. Bà Tường nghĩ vậy rồi quảy gánh bước ra khỏi chợ.
Tầm này đã là cuối tháng giêng, sáng và tối trời hẵng còn lạnh nhưng buổi trưa thì đã dần chuyển sang nắng ấm. Bóng bà Tường đổ dài trên con đường làng quen thuộc, bà cố rảo bước thật nhanh để về nhà nghỉ ngơi sau một một buổi chợ đầy mệt mỏi.
“Bàn là quạt cháy máy bơm
Ti vi, tủ lạnh, nồi cơm, đầu giàn.
Công tơ, cát sét, bộ đàm
Hỏng không dùng nữa thành hàng bán đi.”
Vừa về đến cổng đã nghe tiếng loa của người buôn đồng nát kêu eo éo bên tai. Đang sẵn cơn bực mình trong lòng, bà khẽ chẹp miệng:
“Cái xóm có nhiêu đây thôi mà thằng cha này ngày nào cũng lượn cả chục vòng không biết mệt, cái loa cứ phát ra rả thế kia phiền chết đi được.”
Bà vừa dứt lời đã thấy cái xe dream tàu cũ kĩ buộc hai cái sọt ở hai bên đứng xịch trước mặt. Một cậu thanh niên còn khá trẻ kéo cái khăn mùi xoa buộc ngang mặt thay cho khẩu trang xuống lau đi những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, rồi nhìn bà Tường cười tươi roi rói để lộ ra hàm răng trắng đều tăm tắp mà hỏi:
“Có sắt vụn bán không u ơi, chả biết nay ngày gì mà ế ẩm quá.”
Bà Tường đặt quang gánh xuống sân, phe phẩy cái nón trên tay mà đáp:
“Sao cậu không đi những xóm khác mà mua, cái xóm bé thế này mà ngày nào cũng lượn thì lấy đâu ra khách, có gì để bán thì người ta đã bán từ đầu rồi.”
Người buôn đồng nát vẫn giữ nguyên nụ cười trên miệng mà đáp:
“Ngày nào con chả lượn khắp các xóm hả u, biết đâu nay lại có nhà nào đó cháy nồi cơm thì sao, hê hê.”
Dù đang bực nhưng trước thái độ vui vẻ và sự tếu táo của cậu thanh niên trước mặt, bà Tường cũng phì cười rồi đáp:
“Cha bố cậu nữa, chỉ được có thế là không ai bằng. Thôi dựng xe đó vào đây tôi nhặt xem có cái chai lọ nào hết tôi bán cho.”
Dường như chỉ đợi có thế, anh ta đã nhanh như cắt gạt phăng cái chân chống xe xuống rồi đi theo bà Tường vào sân như sợ bà sẽ đổi ý vậy. Nhìn hai cái sọt vẫn còn trống không chỉ có vài cái chai nước ngọt bên trong, bà Tường hỏi:
“Sáng giờ mới được có chỗ đó thôi ấy hả? Mà nghe giọng hình như cậu không phải người ở đây thì phải.”
Cậu thanh niên ngồi bệt luôn trước hiên nhà, đưa tay tháo mũ bảo hiểm xuống rồi trả lời:
“Vâng, con ở tít dưới đầm lên đây u ạ. Thời buổi kinh tế khó khăn làm cái gì cũng vất vả quá. Đó u xem chả biết hôm nay bị vía ai mà từ sáng đến giờ lượn gần hết cả bình xăng rồi cũng chả ai thèm gọi vào. Kiểu này thì hôm nay có mà nhịn đói thôi.”
Vừa nói cậu ta vừa làm ra vẻ mặt đáng thương rồi chỉ vào hai cái sọt trống ngoài xe. Bà Tường dọn đồ trong gánh ra, thấy bịch bánh ban nãy mang cho bà Hoè nhưng bị từ chối vẫn còn đang ấm nóng, bà liền bảo:
“Cậu thì chắc cũng chỉ bằng tuổi cháu nội của bà thôi, đây bà bảo, bà cũng chẳng có gì đâu, còn chục cái bánh cuốn bán ế đây này không chê thì bà mời ăn tạm đó.”
Cậu thanh niên cười bẽn lẽn rồi gật đầu lia lịa:
“Dạ không chê, không chê. Quý hoá quá u cho thì con xin ạ.”
Bà Tường khẽ lắc đầu rồi cười:
“Cha bố cậu nữa, vậy thì vào trong này bà bỏ ra đĩa rồi lấy nước chấm cho mà ăn. Rồi bà sai bọn nhỏ đi nhặt chai lọ bán cho.”
Không hề tỏ ra khách sáo, cậu trai trẻ gật đầu cái rụp. Cậu gãi đầu rồi bảo:
“Nhưng mà người con đi đường bụi bẩn lắm, con không câu nệ đâu u cứ cho con ngồi đây ăn cũng được. Nhiều khi bọn con còn phải ngồi ở giữa đường giữa chợ mà ăn ấy chứ.”
Nghe vậy bà Tường liền bỏ bánh ra một cái đĩa, thêm bát nước mắm và đôi đũa sạch rồi đưa cho cậu ta. Sau đó bà cũng xắn tay vào dọn rửa chỗ bát đĩa khách ăn bánh ở chợ vừa mang về ở cái sân giếng ngay trước hiên nhà.
Cậu thanh niên trẻ đỡ lấy đĩa bánh cảm ơn bà rối rít rồi ăn một cách ngon lành. Vừa ăn cậu vừa đưa mắt chăm chú nhìn ngôi nhà ba tầng khang trang ngay phía bên kia đường rồi quay qua bà Tường tấm tắc khen:
“Chu choa ở quê mà xây cái nhà đã quá u nhỉ, không biết chủ nhà này làm gì mà giàu thế, Con ngày nào cũng phơi mặt ngoài đường mà đến cái chỗ chui ra chui vào cho tử tế còn chưa có.”
Bà Tường đáp:
“Cậu ở xa đến nên chắc không biết, đó là nhà ông Thịnh chủ tịch xã đấy. Nhà vừa xây xong còn chưa cả về nhà mới, đây là cái nhà to nhất xã này rồi đấy.”
Cậu thanh niên chép miệng:
“Làm cán bộ ở đây giàu thế hở u? Chứ ở chỗ con á có khi cán bộ còn nghèo hơn cả mấy anh buôn bán nhỏ ấy chứ.”
Bà cụ vội xua tay mà bảo:
“À không, không phải làm chủ tịch mà giàu thế đâu. Ông Thịnh tuy là chủ tịch xã nhưng trước giờ sống cũng điềm đạm lắm. Ông hiền khô mà thương dân y như thương con. Căn nhà trước đây cũng là nhà cấp 4 bình thường thôi, nhưng nghe đâu tiền xây nhà này là do đứa con trai của ông ấy đi xuất khẩu lao động bên Hàn Quốc gửi về đấy. Đúng là hổ phụ sinh hổ tử quả không sai mà, thằng Hùng nhà đấy mới đi có hơn hai năm đã thấy xây cái nhà to như thế rồi đấy.”
Cậu thanh niên tặc lưỡi một cái rồi cười rõ tươi mà bảo:
“Đi xuất khẩu lao động mà giàu như thế thì con cũng muốn đi u ạ. Chứ bạn bè của con cũng có nhiều người đi nước ngoài, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan cái gì đều đủ cả, nhưng thấy kêu vất vả lắm mà cũng phải tiết kiệm mới có tiền gửi về. Các nước tư bản mà, cái gì nặng nhọc không làm được họ mới bỏ tiền thuê lao động nước ngoài.”
“Thì mỗi người mỗi số phận khác nhau mà, con nhà chủ tịch đi xuất khẩu lao động thì cũng phải khác chứ, chả nhẽ bố làm chủ tịch lại chả nhờ vả được cho con vào công ty tốt à, cậu thấy phải không? Ở đây ai cũng ngưỡng mộ gia đình ông ấy lắm, cán bộ gương mẫu, gia đình hạnh phúc con cái tài giỏi.”
“Nhìn người ta thấy mà ham, nhìn mình thấy mà ghê quá u ơi, hi hi. Bánh ngon lắm u ạ, để con giúp u tráng bát nha.”
Vừa nói cậu vừa cầm theo bát đĩa vừa ăn xong đem ra sân giếng chỗ bà Tường đang rửa. Bà Tường vội xua tay mà bảo:
“Thôi thôi để đó cho bà được rồi. Cậu xem trưa trầy trưa trật ra rồi đấy, xuống kia xem em nó nhặt được gì thì cân nhanh lên rồi còn đi chỗ khác xem có ai người ta bán gì không. Đi đến đâu cũng rông dài như này bảo sao cái sọt lại rỗng toác thế kia.”
Cậu thanh niên cười hì hì:
“Chả hiểu sao vừa vào nhà u con đã có cảm giác như về nhà mình ấy, chả muốn đi nữa u ạ, hihi. Vậy thôi u rửa giúp con luôn để con xuống dưới đem đồ lên đây cân rồi con gửi tiền cho u nha.”
Cậu vừa quay người đi thì đã bị bà Tường gọi giật lại:
“Mà từ đã, quay lại đây bà bảo cái này này.”
“Dạ con nghe đây u.”
Bà Tường chỉ tay về phía ngôi nhà ba tầng trước mặt mà bảo:
“Dưới đó chắc cũng chỉ có vài cái vỏ chai nước ngọt từ tết dồn lại thôi chứ chả có gì nhiều đâu. Bà bảo, cậu thử sang nhà ông Thịnh hỏi xem, nhà bên ấy vừa xây xong chắc sẽ có nhiều sắt vụn đồ phế thải linh tinh cần bán đấy. Họ giàu có như thế nên sẽ xông xênh lắm không ép giá đâu.”
Cậu thanh niên làm bộ vui mừng rồi bảo:
“Ôi thật vậy hả u, nhưng mà con ngại lắm. Tự dưng gọi cửa con cứ thấy thế nào ấy, nhỡ người ta nghĩ con là ăn trộm ăn cắp gì rồi sao. Hay là… u hỏi giúp con đi. Nếu mua được con sẽ gửi u thêm ít đồng, được không ạ?”
Bà Tường bĩu môi:
“Bà mà thèm vào mấy đồng đấy của cậu ấy à. Thôi được rồi ở đó đợi đi để bà đi hỏi cho. Thấy hiền lành dễ mến nên bà mới giúp đấy nhớ, chứ làm ăn buôn bán là cái mặt cứ hằm hằm như muốn băm vào người ta thì bà còn lâu bà thèm…”
Nói đoạn bà đứng dậy đi thẳng ra ngoài đường tiến sang phía ngôi nhà ba tầng trước mặt. Người khách lạ đứng đấy, mắt nhìn dán theo bóng lưng của bà rồi mỉm cười đắc chí.
Tầm 5 phút sau, bà Tường ló đầu ra khỏi cổng nhà đối diện vẫy vẫy tay ra hiệu cho cậu thanh niên bước qua đó. Chỉ chờ có thế, cậu ta đi như bay sang bên kia đường. Trong sân là bà Tường và một người phụ nữ luống tuổi ăn mặc giản dị đang đứng nói chuyện với nhau. Thấy cậu ta, bà Tường liền nói lớn:
“Thằng bé đây rồi, cô xem có gì không dùng đến thì nhặt bán cho nó đi cho gọn nhà. Rõ khổ đi từ sáng đến giờ mà chả thấy mua được gì, nghĩ cũng tội.”
Vợ ông Thịnh nhìn cậu thanh niên khắp một lượt rồi hỏi:
“Cậu đi mua sắt vụn mà không mang theo đồ nghề à?”
“Là… là gì cơ ạ?” Cậu ta lúng túng hỏi lại.
“Thì là cân với cả bao tải để đựng đó.”
“À, cân cháu để ngoài xe kia rồi ạ. Còn bao tải thì cháu không có, vì cân xong cháu sẽ bỏ hết vào cái sọt để đèo cho dễ rồi. Cô có nhiều đồ không cô?”
“Vậy chắc cậu phải đi kiếm bao tải rồi, buôn bán mà chả chuyên nghiệp gì cả. Nhà tôi vừa xây xong có nhiều sắt vụn lắm. Sắt vụn nó bé tý đựng vào sọt thì đi đường nó rơi hết đi chứ. Mà cậu mua cả bao xi măng đúng không? Ra đó xem lấy được gì thì nhặt rồi đưa tôi bao nhiêu cũng được. Nếu không có cậu mua thì chắc cũng bỏ không đấy còn chả biết nhét vào đâu nữa.”
Bà Tường chen vào:
“Sướng nhất cậu rồi nhá. Thôi sở mà làm đi, bà phải về bên nhà đã cũng đến giờ ăn cơm rồi.”
Cậu thanh niên đi theo vợ ông Thịnh ra phía sau ngôi nhà, chỉ vào đống phế liệu ngổn ngang sau bếp, bà bảo:
“Đấy tất cả chỗ này cậu xem lấy được gì thì lấy. Tôi vào ăn cơm, bao giờ xong thì gọi tôi ra.”
Đợi bà ta đi rồi cậu thanh niên mới dám thở mạnh một cái. Cậu ta không vội bắt tay vào công việc ngay mà đứng quan sát khắp căn nhà một lượt. Phải vào đến bên trong rồi mới thấy rõ căn nhà bề thế đến nhường nào. Riêng khoảng sân trước nhà rộng đến cả trăm mét vuông, trưng bày đủ loại cây cảnh, lại có thêm cả một hòn non bộ nước chảy tí tách cả ngày. Ngôi nhà ba tầng xây theo kiến trúc hiện đại giống hệt như biệt phủ của các vị đại gia hay thấy khoe trên báo đài ti vi. Nhòm mắt qua khe cửa sổ xem thử, bên trong còn hào nhoáng hơn nhiều. Căn bếp với đầy đủ tiện nghi hiện đại, hai vợ chồng ông Thịnh đang ngồi ăn cơm trên bàn ăn đặt ở giữa phòng. Có vẻ như ông Thịnh vừa đi đâu đó về, trên người vẫn mặc nguyên bộ đồ công sở áo sơ mi đóng thùng quần âu lịch sự. Vừa bới cơm vào bát cho chồng, bà vợ vừa tỉ tê hỏi:
“Mọi chuyện thế nào rồi mình? Bao giờ thì con về?”
Ông Thịnh đáp:
“Kiểm tra xong xuôi hết cả rồi, chắc khoảng tháng sau là về nhà thôi.”
“Liệu có ai nghi ngờ gì không?”
“Không, chuẩn bị chu đáo thế rồi còn nghi ngờ gì được nữa. Có chỗ bà đó, liệu liệu cái mồm không mà hở ra với hàng xóm câu nào là chết câu đó đó.”
“Tôi biết vậy nên lâu nay có dám bén mảng qua nhà ai ngồi lê đôi mách nữa đâu. Chỉ mong con nó về mọi chuyện thuận lợi đừng ai nghi ngờ gì cả. Rõ khổ con với chả cái, chả có cái dại nào bằng…”
“Bà bé cái mồm thôi. Mà ăn cơm đi, nhanh tôi còn phải ra uỷ ban có việc.”
Người thanh niên đứng đó theo dõi toàn bộ cuộc trò chuyện trong suốt bữa ăn của hai vợ chồng ông Thịnh. Đến khi bà vợ ăn xong đứng dậy dọn bát anh ta mới nhớ ra công việc của mình, cuống cuồng nhặt chỗ phế liệu dưới đất mà nhét vào bao. Một lúc sau bà chủ nhà cũng ra đến nơi, nhìn vào hai cái bao đã đầy dưới đất, bà ta hốt hoảng:
“Này cậu đang làm gì thế hả? Sao lại nhặt sắt với nhựa chung vào với nhau thế này thì biết làm sao?”
Cậu thanh niên lúc này mới ngớ người ra, sau một thoáng lúng túng liền cười trừ mà đáp:
“Hi, cháu có mỗi hai cái bao này thôi. Cũng tại hồi nãy cô bảo cháu cứ nhặt rồi đưa tiền cho cô thế nào cũng được nên cháu mới làm bừa đi cho nhanh đấy chứ. Nếu không được thì để tý cháu lại phân loại lại vậy.”
Bà chủ nhà nhặt viên gạch hoa vỡ to bằng cả bàn tay từ trong bao ném ra ngoài rồi lắc đầu bảo:
“Không biết cậu có phải dân buôn thật không nữa. Nhặt cả gạch vào như này có mà lỗ chết à.”
Cậu thanh niên vội thanh minh:
“Chứ không phải dân buôn thì cháu ở đây làm gì, này cô đừng có nghĩ cháu là trộm cắp gì đấy nhớ.”
Bà chủ nhà cười:
“Thật tình chưa thấy ai mua bán gì như cậu cả nên tôi bảo vậy thôi, chắc cậu người ở nơi khác đến hả. Chứ mấy mụ đồng nát ở đây là chúa lươn đấy nhé. Thôi cũng trưa rồi phiên phiến đi là được rồi.”
Nhặt hết chỗ phế liệu nhét đầy vào 2 cái bao sau đó cột chặt lại, cậu thanh niên phủi tay rồi rút từ trong túi ra một sấp tiền toàn là mệnh giá thấp, nhìn bà vợ ông Thịnh rồi hỏi:
“Chỗ này cô lấy bao nhiêu để cháu gửi ạ.”
“thì bình thường cậu mua bao nhiêu thì cứ trả tù mù cho tôi là được rồi, khỏi cân kéo chi cho mất công. Tôi cũng có mấy khi bán đâu mà biết giá.”
Cậu thanh niên hết nhìn hai cái bao trước mặt, lại nhìn bà chủ nhà, rồi nhìn vào chỗ tiền trên tay mình. Thấy bà ta vẫn đứng đó không nói thêm gì, cậu thanh niên bắt đầu đếm tiền một cách miễn cưỡng. Trông điệu bộ của cậu ta, bà vợ ông Thịnh phì cười:
“Thôi thôi được rồi, cậu đưa tôi 100 nghìn rồi mang đồ đi đi. Đứng đó đếm nữa có đến mai mới xong mất.”
Cậu thanh niên vội cảm ơn rối rít, đếm đủ 100 nghìn đưa cho bà rồi khệ nệ bê đồ ra xe chất hai bao tải vào hai bên sọt. Trúng quả đậm nhưng cậu còn không quên vào nhà mua nốt mớ chai lọ cho cháu bà Tường, chào tạm biệt bà rồi đi. Giữa trưa nắng, cái xe dream cũ kĩ ì ạch chạy ra khỏi con xóm nhỏ, từ cái loa bên hông xe vẫn phát ra tiếng rao quen thuộc:
“
“Bàn là quạt cháy máy bơm
Ti vi, tủ lạnh, nồi cơm, đầu giàn.
Công tơ, cát sét, bộ đàm
Hỏng không dùng nữa thành hàng bán đi.”