Chương 5
Ngôi làng Thanh Bình này có địa thế thật đẹp, ngôi làng giống đúng như cái tên của nó vậy. Phía trước mặt là con sông quanh năm nước chảy hiền hoà bồi đắp phù sa cho cánh đồng. Phía cuối làng dựa lưng vào khu rừng và những ngọn núi. Bên tay trái là cánh đồng kéo dài bất tận tến tận chân núi,phía bên phải là ngôi làng với con đường mòn sâu hun hút, rải rác hai bên đường là hơn bốn mươi hộ dân. Hầu hết những ngôi nhà ở đây đều là nhà tranh vách nứa, thi thoảng mới gặp một ngôi nhà gỗ con con. Từ nhà này đến nhà khác cách nhau một quãng khá dài vì ngôi nhà nào cũng nằm lọt thỏm giữa khu vườn rất rộng. Xung quanh vườn trồng nào sắn, nào khoai và những luống rau xanh mướt.
Đi được một đoạn khá xa, cả ba người dừng chân trước ngôi nhà gỗ lớn nằm ngay cạnh con đường. Ngôi nhà khác biệt hẳn so với những nhà khác. Nhìn qua hàng rào làm bằng những cây nứa, Hai Thiêm cất tiếng gọi vào trong:
“Có ai ở nhà không ạ?”
Một ông cụ từ trong nhà lật đật bước ra nhìn ba người khách lạ rồi hỏi:
“Các ông tìm ai?”
Thầy Lãm lên tiếng đáp lại:
“Cho hỏi đây có phải nhà ông Năm trưởng làng không ạ? Chúng tôi được bà cụ bán nước giới thiệu tới đây”.
Nghe nói đến vợ mình nên ông Năm vẻ mặt niềm nở:
“Dạ phải rồi là tôi đây. Mời các bác vào trong này có gì rồi từ từ nói”.
Khi đã yên vị ngồi trong nhà, thầy Hãn mới từ tốn trình bày.
“cha con chúng tôi từ xa đến trên đường đi tìm cây thuốc quý. Nghe nói phía sau làng mình có khu rừng có nhiều dược liệu nên mạo muội đến đây xin phép bác trưởng làng. Trước hết là cho phép chúng tôi ở lại làng ít hôm, tìm được thuốc chúng tôi sẽ đi ngay. Sau nữa là cậy nhờ bác sắp xếp cho cha con chúng tôi chỗ ngủ qua đêm. Ơn này chúng tôi sẽ không bao giờ dám quên.”
Ông Năm nghe thấy vậy liền đáp:
“ Đúng là phía sau ngôi làng có một khu rừng có nhiều cây cỏ. Nhưng dân làng chúng tôi xưa nay chỉ biết cày cấy trồng trọt không có ai biết về dược liệu nên không biết có những thứ mà các ông cần không. Các ông có thể vào rừng tìm thoải mái, chỉ có điều… “
Ông Năm ngập ngừng giữa chừng, nuốt nước bọt rồi lại nói tiếp:
“Chả dấu gì các bác, hai ngày gần đây trong làng xảy ra những chuyện lạ. Hai nhà gần cuối làng buổi tối bị giết hết cả đàn gà. Theo vết tích để lại thì có thể do một loài động vật nguy hiểm làm ra, Vì thế nên vào rừng lúc này có thể sẽ gặp nguy hiểm đấy”.
Thầy Hãn liền xua tay:
“Chẳng phải chúng chỉ bắt gà thôi sao. Bác trưởng làng yên tâm chúng tôi đã đi xuyên qua rất nhiều khu rừng trước đây, những loài thú này không dám tấn công con người đâu. Nhưng mà, nếu gặp chúng, biết đâu chúng ta lại có một bữa mồi tử tế… hahaaaa”.
Nói rồi cả bốn người cùng nhau cười vang cả căn nhà. Sau đó ông Năm dẫn ba người vào căn phòng bên cạnh. Căn phòng có sẵn chăn nệm được sắp xếp gọn gàng sạch sẽ. Đây là chỗ ông bà Năm dành cho khách ở xa có việc đến phải ở lại làng. Xong xuôi đâu đấy trời vừa nhá nhem tối thì bà Năm cũng lỉnh kỉnh gánh đủ thứ đồ nghề về đến nhà.
Buổi tối, khi cả nhà năm người gồm hai vợ chồng ông bà Năm trưởng làng và ba vị khách đang quây quần bên mâm cơm thì có người hớt hải chạy từ ngoài vào. Vào đến nơi anh ta ôm ngực thở hổn hển nói trong đứt quãng vì đã chạy cả một đoạn đường dài:
“Ông Năm… ông Năm ơi, ông nhanh ra cuối làng đi. Nhà bà Thảo…”
Nói được vài từ rồi anh ta lại ôm ngực thở tiếp. Sốt ruột ông Năm gặng hỏi:
“Nào chú bình tĩnh có gì kể tôi xem nào. Nhà bà Thảo lại làm sao?”
Người đàn ông lúc này mới kể tiếp.
“Thằng Út nhà bà Thảo đi đâu từ chiều tối đến giờ không về. Đã tìm khắp các nhà rồi mà vẫn không thấy nó đâu. Mấy người chúng tôi đốt đuốc đi tìm khắp mọi nơi rồi vẫn bặt vô âm tín nên mới đi báo ông để tìm cách giải quyết. Nhà bà Thảo đang rối lắm, ông nhanh ra cuối làng một chuyến xem sao ạ”.
Mọi người trong nhà nghe thấy vậy thì đều cảm thấy có dự cảm không lành vội bỏ hết bát đũa xuống rồi theo chân người đàn ông nhanh chóng đi về phía cuối làng. Đến nơi thì ở đây đã tập trung khá đông người. Mỗi người đều cầm trên tay một ngọn đuốc đỏ rực làm sáng rực cả một góc sân. Bà Thảo ngồi bệt giữa hiên nhà vẻ mặt thất thần. Bên cạnh bà là chồng và ba đứa con nhỏ. Thấy ông Năm đến bà vội lao tới nắm lấy cánh tay ông mà lắc mạnh:
“Bác trưởng làng ơi bác giúp nhà em với. Thằng Út nhà em nó đi đâu mà giờ này vẫn chưa thấy về. Kêu gọi khắp nơi rồi mà vẫn không thấy đâu cả, em lo quá”.
Ông Năm an ủi bà Thảo:
“Bà cứ bình tĩnh chuyện đâu còn có đó. Nào nhanh kể tôi xem không thấy nó từ bao giờ?”
Bà Thảo nước mắt ngắn dài thút thít kể trong tiếng nấc:
“Thì vợ chồng em với hai đứa lớn đi làm đồng như mọi hôm nó với con Ba ở nhà chơi cùng lũ trẻ trong làng. Đến tối về thì không thấy thằng Út đâu nữa. Hỏi thì nó bảo lúc chiều chơi trốn tìm vẫn có thằng Út ở đó, mải chơi nên nó cũng không để ý được em chạy đi đâu mất từ lúc nào”.
Nói rồi bà lại oà lên khóc nức nở.
“Những chỗ bọn nó hay chơi mọi người đã đều tìm cả rồi mà không thấy bác ơi. Thằng bé mới hơn 4 tuổi giờ này nó ở đâu được cơ chứ. Bác xem phải làm thế nào bác giúp gia đình em với”.
Ông Năm nghe qua thì cũng đã nắm sơ được tình hình. Trong tình cảnh này thì cách duy nhất chỉ có thể chia nhau đi tìm ở mọi ngõ ngách của ngôi làng. Cả một đứa trẻ 4 tuổi không thể mất tích mà không có một dấu vết gì được. Nói rồi ông quay ra chia công việc cho từng người. Một nhóm cùng nhau đi huy động thêm sự giúp đỡ của những hộ dân khác ở phía đầu làng, cùng với đó hỏi thăm xem thằng nhỏ có mải chơi ở nhà ai mà quên về hay không. Chuyện này biết là ít sảy ra vì trong xóm có hơn 40 nóc nhà sống cùng nhau từ bao đời nay nên con cái nhà ai mọi người đều thuộc như lòng bàn tay. Giờ này có còn chơi ở nhà nào thì người ta cũng dắt nó trả về cho bố mẹ ở nhà rồi.
Những người còn lại chia nhau ra thành từng nhóm nhỏ đốt đuốc tản ra khắp nơi tìm kiếm. Có thể loại trừ khả năng chạy lạc vào rừng vì một đứa trẻ 4 tuổi không thể tự mình vượt qua được cái mương nước sâu rộng 3 mét. Cái mương tầm này cũng chưa có nước nên loại trừ tiếp khả năng bị rơi xuống nước. Bây giờ chỉ có tìm thật kĩ từng tấc đất trong làng kiểu gì cũng tìm ra.
Những ngọn đuốc liên tục được đốt lên chiếu sáng cả con đường. Tiếng mọi người bàn tán xôn xao, tiếng gọi cu Út xen lẫn vào đó là tiếng khóc của người nhà bà Thảo làm náo động cả vùng quê yên tĩnh. Mọi người tìm từ xó nhà đến chuồng gà chuồng lợn, từng bờ tre bụi cỏ cũng không bỏ qua. Có đội còn đốt đuốc ra cả phía cánh đồng để tìm kiếm nhưng đều bặt vô âm tím. Trời càng về khuya sự lo lắng trên khuôn mặt của đội tìm kiếm càng rõ nét. Không ai nói ra nhưng đến giờ phút này gần như tất cả mọi người đều có một dự cảm không lành cho số phận thằng nhỏ.
Cả đêm hôm đó làng Thanh Bình không ngủ. Mọi người nỗ lực tìm kiếm đến khi trời gần sáng thì cũng tìm thấy thằng cu Út. Không! Nói chính xác hơn là tìm thấy thi thể của thằng cu Út. Bởi lẽ khi được tìm thấy nó đã chết khô cứng từ bao giờ. Cái chết của đứa nhỏ làm chấn động cả ngôi làng đang yên bình từ bao đời nay. Và đêm nay cũng là đêm bắt đầu cho những chuỗi ngày kinh hoàng tiếp theo ở ngôi làng này.
Thằng Út được phát hiện nằm lọt thỏm trong bụi tre ở ngay góc vườn nhà bà Thảo giáp với nhà bà Bảy. Rõ ràng là hồi đêm mấy nhóm người đi qua đây đều soi đuốc thử tìm kiếm nhưng không thấy gì. Cho đến khi trời sáng những ngọn đuốc đã tàn và ai nấy đều mệt mỏi rã rời sau một đêm không ngủ, họ trở về ngôi nhà của bà Thảo thì lại vô tình phát hiện ra xác đứa bé trong lùm cây.
Mọi người hô hào nhau đưa được thằng bé ra ngoài thì ai nấy đều bàng hoàng kinh hãi. Thằng Út đã chết khô cứng người lại tự bao giờ. Điều đáng sợ hơn là trước khi chết nó đã bị hút đến cạn máu, một vết cắn sâu hoắm hằn lên ở cổ. Máu từ vết cắn chảy ra nhuộm đỏ cả cái áo nó đang mặc, bấy giờ đã khô queo hết lại. Nhưng đó chưa phải là tất cả những điều kinh dị nhất. Cái xác của đứa bé còn bị moi bụng lấy đi quả tim, để lại một mớ bầy nhầy lòng phèo máu thịt nhớp nháp. Và một điều kinh hãi nữa, ấy là đứa bé mới chỉ mất tích từ chiều tối ngày hôm qua thôi nhưng sáng nay khi được phát hiện ra thì thi thể đã bắt đầu thối rữa, ruồi nhặng bu kín người. Những hình ảnh này khiến cho người cứng vía nhất cũng bàng hoàng kinh hãi. Bà Thảo nhìn thấy thi thể của đứa con chỉ kịp gào lên một tiếng “trời ơi” rồi sau đó ngất lịm.
Rất nhanh sau đó người ta đưa cái xác của thằng Út vào nhà rồi tiến hành tổ chức tang lễ ngay trong ngày hôm đó. Tiếng khóc vang thấu tận trời xanh. Phần vì người ta thương cho thằng nhỏ chết quá tức tưởi, phần thương cho gia đình bà Thảo kẻ đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh. Nhưng có lẽ điều người ta quan tâm nhiều nhất bây giờ chính là nguyên nhân cái chết của đứa trẻ. Mọi người lại bắt đầu xì xào bàn tán mỗi người đưa ra một phỏng đoán của riêng mình.
Đi theo ông Năm trưởng làng có mặt từ khi phát hiện ra cái xác, ba người đàn ông chỉ yên lặng quan sát nhất cử nhất động của từng người không ai nói câu nào. Ngay buổi sáng ngày hôm đấy dưới sự chỉ đạo của trưởng làng xác thằng nhỏ được đem chôn cất ở nghĩa địa của làng. Đến lúc này, cảm giác sợ hãi đã lấn át đi cả sự đau buồn. Ai nấy đều lo lắng cho sự an toàn của ngôi làng này và tính mạng của chính mình và người thân.
Đến khi lo công việc chôn cất thằng nhỏ xong xuôi thì nhanh chóng ai trở về nhà đấy. Họ không dám túm năm tụm ba buôn chuyện, cũng không ai màng đến chuyện đồng áng nữa. Giờ phút này an toàn là trên hết. Theo lời dặn của trưởng làng,đàn bà và trẻ con trở về nhà đóng chặt cửa không có việc sẽ tuyệt đối không bước chân ra ngoài. Cánh đàn ông thanh niên khoẻ mạnh thì tập trung về nhà trưởng làng bàn chuyện.
Những người đàn ông trai tráng khoẻ mạnh ngồi quây lại với nhau bên bếp lửa hồng bập bùng cháy giữa nhà ông Năm. Họ cùng ngồi đây để lên kế hoạch bảo vệ ngôi làng tránh khỏi tai ương. Ông Năm lên tiếng trước:
“Làng Thanh Bình này gặp hoạ lớn thật rồi. Tôi sống đến từng này tuổi chưa từng gặp qua trường hợp nào kinh sợ đến mức này. Nào mọi người bảo xem, cái chết của đứa Út nhà bà Thảo rốt cuộc là do cái gì gây nên. Ở rừng này xưa nay làm gì có con thú nào lại tấn công con người ghê sợ như thế”.
Mọi người đều tán thành với ý kiến của trưởng làng. Vì nếu là thú hoang thì nó sẽ ăn cả xác chứ không chỉ hút cạn máu rồi moi tim như vậy. Hay nghĩ đơn giản hơn, thì con thú tấn công đứa trẻ ít nhiều cũng phải để lại vết tích xung quanh. Nhưng đây tuyệt nhiên không phát hiện ra điều gì bất thường. Đợi mọi người đưa ra hết ý kiến, lúc bấy giờ thầy Hãn mới lên tiếng sau cùng:
“Trong làng này có quỷ”.
Chỉ 5 tiếng cất lên nhưng khiến cho bất cứ ai ở trong phòng lúc này đều bất giác giật mình run sợ. Lúc bấy giờ mọi người mới đổ dồn sự chú ý vào ba người khách lạ. Từ đêm hôm qua đến giờ ai cũng lo tập trung vào tìm kiếm người mất tích nên không ai để ý đến sự xuất hiện của ba thầy trò ông Lãm.
Một người trong đám đông lên tiếng đáp trả:
“ Cụ đây hình như không phải là người làng mình đúng không ạ. Mà cụ bảo có quỷ là sao ạ?”
Cụ Lãm đợi tiếng rì rầm trong phòng lắng xuống rồi mới tiếp lời:
“Ở đây chắc nhiều người đã được nghe qua về hiện tượng quỷ nhập xác rồi đúng không? Nói nôm na nó là một dạng người chết đi sống lại. Thể xác thì của người đó nhưng linh hồn lại là của người khác. Quỷ nhập xác có muôn hình vạn trạng khác nhau tuỳ vào hồn ma mượn xác. Có người vì có nguyện vọng chưa hoàn thành nên nương lại trần thế, có người vì quyến luyến gia đình vợ con, lại có người vì chết oan tức tưởi mà muốn ở lại báo thù. Họ mượn xác của những người vừa qua đời để tiếp tục tồn tại trên thế giới này. để có thể duy trì được thể xác đó thì thời gian đầu bắt buộc phải dùng máu để nuôi sống cơ thể. Có thể là máu gà, máu gia súc gia cầm. Tuy nhiên có những con quỷ có dã tâm lớn để có sức mạnh huỷ diệt nó sẽ hút máu tươi và ăn tim của người sống”.
Lời nói của thầy Lãm vừa dứt, ai nấy đều bất giác rùng mình mấy cái liên tục. Không ai bảo ai, mọi người cùng ngồi sít vào gần nhau hơn cho đỡ sợ. Từ đám đông một người lại lên tiếng:
“Vậy chẳng phải có người chết thì mới có hiện tượng nhập xác sao ạ? Nhưng mà làng chúng tôi vài tháng gần đây không có ai chết cả”.
“Không, chắc chắn là đã có người chết. Chỉ là mọi người chưa phát hiện ra thì đã bị hồn nhập xác rồi mà thôi. Hôm qua khi mới bước chân vào làng tôi đã có cảm giác ngờ ngợ, cho đến tối vào sâu trong cuối làng thì đã chắc chắn dự đoán của mình là đúng. Càng đi vào cuối làng âm khí càng nặng. Bây giờ chúng ta phải nhanh chóng tìm ra được người bị nhập xác để giải quyết nhanh mọi chuyện. Hiện tại con quỷ mới nhập xác chưa được bao lâu lại mới chỉ có máu của một người nên pháp lực đang còn rất yếu, một người bình thường cũng có thể đánh đuổi nó được. Đợi đến khi nó giết đủ 7 mạng người, hồn hoàn toàn hoà nhập vào với xác sẽ có năng lực vô biên, ta e rằng ta cũng không phải là đối thủ của nó. Lúc đó cả ngôi làng này sẽ gặp hoạ diệt vong”.
Có mặt trong đám đông ấy, Chàng lên tiếng hỏi:
“Nếu gặp thì làm sao để giết được con quỷ đấy xin thầy nói rõ hơn được không ạ?”
“Chỉ cần dùng dao đâm thẳng vào tim nó. Trái tim là nơi mà linh hồn con quỷ và thể xác con người hoà vào làm một. Chỉ cần trái tim không còn đập nữa thì linh hồn con quỷ cũng sẽ bị diệt vong. Tuy nhiên điều này sẽ rất nguy hiểm vì dù yếu nhưng nó vẫn là một con quỷ, cần phải hết sức cẩn thận mới được. Nếu phát hiện ra con quỷ thì cách tốt nhất là kêu gọi mọi người giúp đỡ. Để nó bắt thêm được một người thì tà lực của nó lại được tăng lên một bậc”.
Một người lại lên tiếng hỏi tiếp:
“Cụ là ai mà sao lại rành chuyện này vậy ạ? Xin cụ hãy giúp chúng tôi cứu lấy ngôi làng này”.
Lúc này thầy Hãn lên tiếng đỡ lời cho sư phụ của mình. Ông khuyên mọi người bình tĩnh rồi sẽ có cách giải quyết. Ông giới thiệu sơ qua về ba người, rồi giải thích lý do ba người đến làng, ông kể hết câu chuyện về hồn ma của Ái Liên đã hoá quỷ như thế nào, và hành trình ba người lần theo dấu vết của chiếc quan tài làm bằng gỗ xoan đào ra sao. Kể xong câu chuyện, ông lại tiếp lời:
“Chúng tôi không dám chắc con quỷ trong làng này với con quỷ mà chúng tôi đang tìm kiếm có phải là một hay không. Tuy nhiên đã đi đến đây thì cũng xem như có duyên với ngôi làng này, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để bảo vệ mọi người. Bắt được con quỷ rồi chúng tôi mới rời đi.
Bây giờ điều quan trọng nhất là bảo đảm sự an toàn cho bà con trước. Sau đó chúng ta sẽ lần theo manh mối để xác định xem con quỷ đó là ai”.
Mọi người bên dưới lại đồng thanh nhao nhao lên.
“Vậy tốt quá rồi”.
“Tất cả trông cậy vào các thầy”.
“Xin các thầy hãy giúp đỡ chúng tôi”.
Thầy Lãm dơ tay ra hiệu cho mọi người yên lặng rồi nói:
“Để bảo vệ an toàn cho mọi người, tôi cần muối và vôi bột, càng nhiều càng tốt. Chẳng hay ở đây có nhà ai có sẵn không vậy?”
Ông Năm trưởng làng vội trả lời:
“Vôi và muối nhà nào cũng sẵn nhưng chỉ dùng làm đồ ăn nên chắc chắn số lượng sẽ không có nhiều đâu thưa cụ”.
“Vậy nếu đi mua thì bao giờ sẽ có?” Thầy Hãn hỏi .
“Từ đây lên chợ huyện chỉ mất 3 giờ đồng hồ. Nếu sáng mai đi thì sẽ kịp về trước khi chiều tối. Ở chợ huyện muốn mua bao nhiêu cũng được, chỉ có điều…” nói đến đây ông Năm bỗng ngập ngừng giây lát. Sốt ruột thầy Hãn gặng hỏi:
“Có chuyện gì khó nói sao? Bác trưởng làng cứ nói ra chúng ta sẽ cùng nhau giải quyết”.
Ông Năm ấp úng một hồi rồi cũng nói ra điều băn khoăn trong lòng mình.
“Chỉ có điều người dân làng này nghèo lắm. Chúng tôi chủ yếu sống tự cung tự cấp nên không có sẵn nhiều tiền. Để huy động số tiền mua một lượng lớn vôi và muối như vậy e rằng hơi khó”.
Thấy vậy mọi người đều gật đầu tỏ ý xác nhận. Thầy Hãn à lên một tiếng.
“Biết là làm khó cho mọi người nhưng thực sự bây giờ rất cần hai thứ đó. Ma quỷ vốn sợ muối và vôi, chỉ cần rắc nó xung quanh nhà cửa vườn tược thì tạm thời con quỷ không thể đến gần ,bà con có thể yên tâm ở trong nhà. Làng mình có đến hơn 40 ngôi nhà nên số lượng muối và vôi cần là rất lớn”.
Từ đầu đến giờ Hai Thiêm chỉ yên lặng ngồi nghe mọi người nói chuyện. Vốn chỉ là người dẫn đường lại không am hiểu gì về chuyện tà pháp nên anh không dám can dự vào câu chuyện, bây giờ mới lên tiếng cắt ngang đám đông đang xì xào.
“Thưa hai thầy, thưa bà con chuyện này tôi có thể giúp được”.
Nói rồi anh mở tay nải của mình lấy ra hai đĩnh bạc lớn đưa cho bác trưởng làng.
“Chỗ này chắc đã đủ để mua muối và vôi rồi, chuyện diệt yêu trừ quỷ tôi không rành nhưng chút tấm lòng này bác trưởng làng cầm lấy lo việc cho bà con. Nếu còn thừa hãy mua thêm gạo. Những ngày này bà con nên ở trong nhà để đảm bảo an toàn cho bản thân mình. Mọi chuyện đồng áng hãy đợi đến khi chuyện này được giải quyết rồi tính tiếp.”
Ông Năm run run đưa tay đỡ lấy hai đĩnh bạc từ tay Hai Thiêm. Miệng liên tục cảm ơn rối rít.
“Chuyện này… chuyện này… cả làng chúng tôi đội ơn cậu. Sau này có dịp nhất định chúng tôi sẽ báo đáp”.
Vấn đề lớn đã được giải quyết, ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm đi được phần nào. Tiếp sau đó trưởng làng cắt cử chục người trai tráng khoẻ mạnh nhanh nhẹn nhất sáng ngày mai sẽ lên chợ huyện mua muối và vôi đem về. Vốn là một lái buôn lớn có tiếng ở phố huyện nên Hai Thiêm nhận lời sẽ dẫn đoàn người đi. Thầy Lãm một lần nữa căn dặn mọi người đêm phải tuyệt đối ở yên trong nhà, khi mặt trời lên cao thì mới được ra khỏi nhà, và nhất định phải trở về làng trước khi trời tối. Sau đó mọi người chào nhau ra về trước khi bóng tối phủ xuống bao trùm ngôi làng.
Từ nhà trưởng làng bước ra, Chàng thất thểu đi từng bước nặng nề bước về phía cuối làng. Mấy người đàn ông đi cùng thấy Chàng từ đầu đến cuối buổi chỉ yên lặng lắng nghe không nói gì, thi thoảng lại khẽ rùng mình run sợ. Họ đưa lời động viên Chàng bình tĩnh mọi chuyện sẽ sớm được sử lý. Mà Chàng sợ cũng phải thôi, nhà Chàng ở ngay cuối xóm. Những sự việc kì dị đều tập trung ở khu vực đó cả. Từ nhà bà Bảy mất gà, rồi cái chết của đàn gà nhà bà Thảo đến cái chết đầy thương tâm của đứa Út. Nhà Chàng ở ngay bên cạnh lại chỉ có hai bà cháu một già một trẻ. Chính vì vậy mà trong công việc của làng Chàng luôn dành được sự ưu tiên không cần tham dự cũng không ai trách hết. Ai cũng biết bà nội Chàng đã già yếu lắm rồi cần có người chăm sóc.
Bỏ ngoài tai hết tất cả lời nói của mọi người, Chàng cứ cắm mặt bước phăng phăng trên con đường đất quen thuộc tiến thẳng về nhà. Dường như trong đầu anh đang suy nghĩ điều gì quan trọng lắm. Về qua cổng nhà mình mọi người lên tiếng chào trước khi bước vào nhà Chàng cũng không nghe thấy. Không ai trách Chàng mà họ chỉ nghĩ chắc nghe chuyện Chàng sợ quá nên tâm lý không được ổn định mà thôi.
Chàng là người cuối cùng về nhà trong đoàn người. Khi anh bước chân vào đến cổng thì trời cũng đã nhá nhem tối. Vậy là yên tâm tất cả mọi người đều đã trở về nhà an toàn. Ban nãy thầy Lãm cũng đã nói cả đêm hôm qua làng có động. Cộng thêm cả việc con quỷ mới nhập xác đang còn yếu nên đêm nay chắc sẽ không có chuyện gì xảy ra, chỉ cần ai nấy ở yên trong nhà mình là được.
Về đến nhà, Chàng đi thẳng vào bếp bật lửa nấu cháo. Đặt nồi cháo lên bếp lửa, Chàng quay trở lên trên nhà. Trời lúc này vẫn chưa tối hẳn, anh bước lại phía cửa buồng, cánh cửa chỉ khép hờ, bên trong bà nội Chàng vẫn đang nằm đó hướng mặt về phía cửa sổ. Qua bóng lưng Chàng không đoán được bà đang thức hay ngủ. Anh cũng không lên tiếng gọi bà mà chỉ khẽ nén một tiếng thở dài rồi quay bước ra bên ngoài.
Hôm nay đã ngoài mùng 10 âm, bầu trời sáng lắm, vầng trăng bán nguyệt chiếu ánh sáng mờ ảo xuống vạn vật. Chàng cầm hai con dao đi rừng cũng là hai thứ tài sản quý giá nhất của anh ra sân giếng. Một con dao rựa bản to được rèn bằng thép, ở phía đầu của nó uốn cong hình lưỡi liềm. Con dao này Chàng vẫn dùng nó để phát cây và chặt củi trong rừng. Con còn lại là con dao nhọn dài tầm 2 gang tay, lúc nào cũng bóng loáng và sắc lẹm để phòng thân khi gặp thú dữ. Đã hai ngày rồi trong làng xảy ra nhiều chuyện Chàng không đi rừng nên không dùng đến, hôm nay Chàng muốn mài lại chúng. Chàng cẩn thận tỷ mẩn quẹt từng đường dao sắc lẹm lên hòn đá mài, từng âm thanh kin kít vang lên nghe đến rợn người. Vừa mài dao thi thoảng Chàng lại đưa tay lên quệt ngang mặt, hình như Chàng đang khóc.
Đêm khuya hôm ấy, khắp bốn bề vô cùng yên tĩnh. Có lẽ giờ này tất cả mọi người đều đã ngủ say. Bên trong nhà, đoán chừng bà cụ cũng đã chìm vào giấc ngủ. Chàng cứ nằm đó lăn qua lăn lại thao thức không ngủ. Anh cứ toan ngồi dậy rồi lại nằm xuống. Mấy lần liền như thế, hình như trong lòng Chàng đang đấu tranh điều gì ghê lắm. Cứ vậy cho đến nửa đêm thì Chàng nhất quyết ngồi hẳn dậy bước xuống đất, với tay lấy hai con dao đã được mài sắc hồi chiều được đặt ngay ngắn trong bao gài vào người. Anh chầm chậm tiến từng bước về phía cửa buồng, cố bước chân thật khẽ sợ bà cụ trong phòng sẽ tỉnh giấc. Qua khe hở của cánh cửa được khép hờ, bà cụ vẫn nằm bất động trên giường, quay mặt vào trong. Chàng chỉ nhìn thấy bóng lưng cong như lưng tôm của bà cụ đơn độc nằm đó. Nắm chặt con dao trong tay, hai hàng nước mắt lăn trên gò má, Chàng thều thào nói ra bốn từ rất khẽ:
“Xin lỗi bà nội!”