Khi này mưa giông bắt đầu ập xuống, anh Luân liền lấy trong cặp ra một tấm vải màu tím khá lớn để cả hai có thể yên tâm ngồi che mưa chờ ghe cập bờ. Ở phía sau, ông Luân cố giữ thăng bằng để cho chiếc ghe không bị chao đảo bởi giông gió lúc này cũng khá lớn làm cho con sóng cứ thay phiên nhau đập vào mạn thuyền, nước bắn lên tung toé.
Đang trong lúc khúm núm cầm tấm vải che chắn thì bất giác lẫn trong khung cảnh mưa giông trắng xoá bến bờ, anh Luân bỗng nghe thấy một thứ âm thanh vang vọng đâu đây xung quanh mình. Cố gắng lắng tai nghe cho kỹ thì anh chợt nhận ra tiếng của một người phụ nữ cất vang câu hò, có lúc thật gần, lúc thật xa xăm nhưng anh có thể nghe rõ được từng câu chữ ấy.
—- “Hò..ò..để lại mình em lạnh lẽo..dưới cơn mưa rào..người đâu chẳng thấy..hồn em ở đâyyy.”
Lẫn trong tiếng mưa rơi bì bõm dưới nước mà tiếng hò lạnh lẽo như ai oán cứ âm ĩ bên tai khiến cho Luân bỗng chốc lạnh hết sống lưng. Tức thì, anh đưa tay vỗ nhẹ lên vai Tú rồi hoang mang nói.
—- “Ê mày, mới rồi mày có nghe tiếng ai đó hát hông?”
Anh Tú ngoảnh đầu lại nhìn bạn mình ngơ ngác hỏi lại.
—- “Hả? Mày nói gì? Ai đâu hát hò gì ở đây? Bộ mày hông thấy mưa xối xả hả? Ai vui vẻ đâu mà hát cho mày nghe.”
Nghe bạn xác nhận như vậy, anh không hỏi thêm gì nữa. Hồi lâu qua đi cả ba người cũng vào đến bờ an toàn. Thấy mưa mỗi lúc một nặng hạt hơn, ông Văn đề nghị hai anh chạy theo mình để trú mưa do nhà ông ở cách bến đò này không xa mấy. Không còn sự lựa chọn nào khác Tú và Luân đồng ý theo ông về nhà. Ngay khi leo lên chiếc xe đạp, một lần nữa Luân nghe thấy bên tai mình tiếng hò kỳ quái lúc nãy lại vang lên kèm theo tiếng cây chèo quẫy mạnh dưới nước.
Tò mò, anh liền xoay đầu nhìn lại bến đò. Chốc chốc, dưới cơn mưa mù mịt trên sông, anh thấy lờ mờ ở giữa dòng nước là hình bóng của một người phụ nữ mặc bộ bà ba đang đứng chèo đò. Sau vài giây lướt qua thì bóng dáng người phụ nữ ấy liền tan biến như khói sương.
—- “Luân..Luân, đi nhanh lên mày, đứng đó cho bị ướt hết à.”
Nghe tiếng gọi to Luân như hoàn hồn trở lại, liền lập tức đạp xe thật nhanh để theo cho kịp sau lưng bạn mình. Ở trong nhà, cả ba ngồi cùng nhau bên ấm trà móc câu nóng hổi, khói trong ly toả lên nhè nhẹ. Sau khi uống một ngụm trà, Luân như tỉnh táo trở lại. Sực nhớ đến sự lạ vừa rồi, anh thắc mắc kể lại chuyện với ông Văn và bạn mình. Ban đầu Tú vẫn còn nghi hoặc về lời nói của Luân nhưng chỉ riêng ông Văn. Sau một lúc trầm ngâm, ông cầm ly trà lên uống cạn rồi trầm giọng nhìn hai anh nói.
—- “Ủa? Bộ hai bây chưa nghe tía má kể gì hay sao?”
—- “Dạ, chuyện gì vậy chú Văn? Chú kể cho tụi con nghe đi.”
Ông Văn ậm ừ quay đầu, ngước mắt nhìn ra cửa sổ, bồi hồi nhớ lại một ký ức đau thương tưởng chừng như nó vừa mới xuất hiện ngay trước mắt ông.
Hơn 30 năm trước, tỉnh Phong Thạnh còn trực thuộc tỉnh lụy Sa Đéc do thực dân Pháp vẫn còn cai quản. Tại đây, ở làng Tân An có một cô gái tên là Mỹ tuổi vừa 19, người trong làng thường gọi cô là cô Hai Mỹ. Khi cô 15 tuổi, mẹ cô mất trong lúc chạy nạn do Pháp càng quét truy lùng những người bị tình nghi là phản loạn. Từ đó, cô một thân một mình tìm cách mưu sinh kiếm sống trong sự đùm bọc, giúp đỡ của bà con làng xóm bằng việc chèo đò.
Thời gian dần trôi, người con gái ấy lớn lên ngày càng xinh đẹp với mái tóc đen tuyền, đôi mắt to tròn, làn da lúc nào cũng trắng như bông bưởi mặc dù cô phải tiếp xúc nhiều với ánh nắng, khí trời oi bức ở đây. Với thân hình mảnh mai, đầy đặn mặc trên người áo bà ba càng làm tôn thêm vẻ đẹp dịu dàng đặc trưng của người con gái miền tây ấy.
Chốc chốc, nhiều thanh niên trong làng Tân An và cả những làng quanh đó đều để ý đến cô. Cũng có không ít người đến bến đò nơi cô làm việc và tìm đủ mọi cách để được cô chú ý đến nhưng hầu hết đều bất thành. Bởi lẽ, họ đều không phải là người mà cô có thể nương tựa suốt đời cho đến một ngày.
Khoảng thời gian sau, làng Tân An được Pháp đưa các kỹ sư vào để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là mở rộng các con kênh lớn nối liền giữa các vùng với nhau tiện việc di chuyển. Ngoài các kỹ sư người Pháp ra thì còn có không ít người Việt từ mẫu quốc du học trở về để làm việc cho họ. Trong số ấy có một người thanh niên trẻ tuổi tên là Hiệp.
Trong một lần anh ra khảo sát công trình. Cả hai người tình cờ gặp nhau và sau khoảng thời gian khá dài lưu lại nơi đây. Cô Hai Mỹ đã bị vẻ ngoài hào nhoáng cùng những lời lẽ mật ngọt của chàng trai hạ gục. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà cô đánh mất bản thân của mình. Cũng chính điều đó càng làm cho Hiệp chán ghét cô hơn và từ bao giờ anh xem cô như là cái gai trong mắt mình cần phải loại trừ.
Dần dà, công trình xây dựng kênh rạch sắp sửa hoàn thành cũng là lúc tấm bi kịch ập đến với người con gái tội nghiệp ấy. Một đêm nọ, cả hai hẹn nhau ra bến đò để trò chuyện, từ những lời hứa hẹn, gạ gẫm không thành, người thanh niên ấy đã nhẫn tâm ra tay sát hại một cách dã man rồi dìm thân xác cô xuống lòng sông vĩnh viễn.
Kể đến đây, Tú và Luân không kiềm chế được cảm xúc của mình, anh Tú mặt đanh lại nói trong cơn tức giận.
—- “Tổ cha nó, người gì đâu mà ác dữ thần vậy trời. Giết chết người ta rồi còn dìm xác xuống sông nữa.”
Luân theo lời nói đó của bạn mà tiếp.
—- “Ờ, gặp tao đi rồi biết. Tao bẻ lọi tay thằng cha đó lun.”
Thấy hai người miệng nói chua chát, ông Văn cường gượng giơ tay ngăn lại rồi tiếp lời.
—- “Thôi, có gì đâu mà hai bây tức chi. Ở đời mà. Với lại thằng đó được người Pháp bảo hộ cho. Dù muốn dù không cũng hông ai dám làm gì nó đâu. Chỉ tội cho cô Mỹ đó thôi.”
Anh Luân gật gù im lặng chẳng nói gì, Tú thấy vậy thì tò mò hỏi thêm. Ông Văn tự tay rót cho mình ly trà đưa lên uống một ngụm rồi tiếp tục kể.
—- “Sau khi cô Hai Mỹ chết rồi. Cái thằng ác nhơn đó cũng bỏ đi theo tụi Pháp lun. Cả tuần sau hông ai thấy cô Mỹ đâu mới xúm lại tìm mà tìm hoài chẳng thấy cổ đâu cho đến khi có người giăng câu kể đã nhìn thấy cổ hẹn với thằng đó ra bến đò thì mọi người mới tập trung đến đó mò tìm dưới sông và rồi cuối cùng khi trời gần sáng thì mới vớt được xác của cổ lên mà lúc này cái xác bị cá rỉa rã ra gần hết. Nhìn ớn óc lắm bây.”
Đang kể giữa chừng thì từ bên ngoài tiếng sấm bỗng rền vang làm cho cả ba người giật mình ngoáy đầu nhìn ra sân. Hai chàng thanh niên nôn nóng muốn biết thêm câu chuyện thì liền thúc giục ông kể tiếp. Thế nhưng, bên ngoài mưa cũng vơi đi dần, sợ cả hai về nhà trễ nên ông từ chối.
—- “Thôi được rồi, có gì bữa khác tao kể tiếp cho nghe. Giờ này cũng gần tối rồi, hai bây về nhà nhanh đi, để hồi tía má lo tội nghiệp đi kiếm tụi bây đó. Về nhà đi hai đứa.”
Hai anh nghe ông nói vậy thì cũng miễn cưỡng đứng lên chào cảm ơn ông Văn rồi đạp xe trở về. Trên đường đi, cả hai im lặng không nói gì, vài phút sau thì Tú lên tiếng trước.
—- “Ê Luân, cái chuyện ông Văn kể nghe ấm ức thiệt ha mậy? Mà tao cũng nghĩ hông biết nó có thiệt hay hông nữa?”
Anh Luân nghe vậy thì đắn đo nghĩ mông lung, đôi mắt vẫn nhìn thẳng về phía trước. Thấy bạn mình bỗng dưng im lặng lạ thường, anh Tú đánh tiếng gọi to. Chốc chốc Luân giật mình thắng gấp chiếc xe đạp, Tú lỡ trớn cho xe dừng lại xoay đầu nhìn Luân rồi cáu gắt nói.
—- “Trời đất ơi, cái thằng quỷ, mày bị sao vậy? Tao kêu mày nãy giờ bộ hông nghe hả? Ê…”
Lúc này, Luân như bừng tỉnh lại, vội vàng chạy đến cạnh Tú rồi nói.
—- “Nè Tú, tao nghĩ ông Văn nói thật đó mày ơi, hông phải khi không ổng tự bịa ra kể mình nghe vậy đâu. Bộ mày hổng nhớ lúc ngồi trên ghe tao hỏi mày có tiếng ai đó hát hả? Mà giọng nó lúc hát nghe vang vang làm da gà da vịt tao nổi hết lun vậy đó.”
—- “Thôi thôi, tao hông biết gì đâu. Đừng có kiếm chuyện hù tao nghe mậy. Mày tự về mình đi, tao về trước đây.”
Không chờ cho Luân có phản ứng gì, anh ba chân bốn cẳng đạp xe thật nhanh, ở phía sau Luân bắt đầu cằn nhằn, trách móc trước sự nhút nhát bỏ rơi bạn bè giữa cái lúc hiểm nghèo này của Tú.
Về đến nhà, anh chào cha mẹ rồi ung dung ngồi xuống trước mâm cơm đầy ắp thịt cá, canh rau vừa mới được nấu xong. Ông Hiệp đang tập trung xem sổ sách, chợt thấy con nay về trễ hơn mọi ngày thì liền kéo cặp kính xuống nhìn anh thắc mắc hỏi.
—- “Tú, từ chiều giờ bây học xong đi đâu mà giờ mới chịu về hả? Mưa nó tạnh cả tiếng đồng hồ rồi. Đừng nói với tía là do trời mưa nghen.”
Anh Tú tự tay rót nước cho mình uống cạn 2,3 ly rồi mới thành thật đáp.
—- “Dạ tía, chiều mưa to quá nên con với thằng Luân theo ông Văn bến đò dưới xóm mình vô nhà ổng trú mưa đỡ đó.”
Nói đến đây, chợt anh nhớ ra điều gì liền thuận miệng tiếp.
—- “À, chuyện là mới lúc nãy tụi con có nghe ổng kể về cô Mỹ gì đó hồi xưa bị giết ở đây có thiệt hông vậy tía má? Tía má có biết cái chuyện đó hông?”
Vừa nghe qua người con gái xấu số tên Mỹ, cả hai ông bà mặt mũi biến sắc như sợ hãi lắm. Ông Hiệp sau vài giây bất ngờ thì nhanh chóng điềm tĩnh lại nhưng im lặng cúi đầu nhìn xuống những quyển sổ sách. Chỉ riêng bà Lan thì gọi con lắc đầu rồi khuyên bảo.
—- “Thôi, bây mau xuống dưới rửa mặt thay đồ rồi lên ăn cơm nhanh đi. Ba cái chuyện giết chóc tầm bậy đừng có nhắc nữa. Ông Văn đó bịa chuyện hù hai đứa bây chơi thôi chứ có cái gì đâu mà kể.”
Anh Tú nửa tò mò muốn biết thêm nhưng nghe thấy lời nói cương quyết của mẹ thì anh không phản đối nữa, lủi thủi đứng lên ra sau nhà. Như thường lệ, sau khi cơm nước xong xuôi, Tú quay về phòng ôn bài. Thế nhưng, tâm trí anh chẳng tài nào tập trung nổi dù chỉ một chữ. Ngược lại, cái câu chuyện về người con gái xấu số cứ mập mờ lẩn quẩn hiện lên trong đầu của anh…