Năm 1998 tại xã Châu Khánh thuộc huyện Long Phú tỉnh Sóc Trăng…
Trong một thị xã hẻo lánh, ít người qua lại, dù là buổi sáng nhưng không khí chẳng mấy nhộn nhịp lắm, lâu lâu mới có người lảng vảng trên con đường đất, gió thổi cát bay mù mịt. Giữa cái khí hậu oi bức và âm thanh tĩnh lặng xung quanh bất chợt bà Phụng nghe có tiếng người cười nói rôm rả, chốc chốc còn có thêm tiếng vỗ tay cổ vũ tựa như mấy mươi người đang xem một lễ hội nào đó vậy.
Vừa đi bà vừa đảo mắt nghe ngóng xung quanh, bà ngạc nhiên khi biết âm thanh đó vẫn cứ vang lên nghe vui nhộn lắm dù rằng ở cái xã này xưa nay đến giờ có khi nào bà thấy mấy nhà tổ chức tiệc tùng đâu bởi hầu hết cuộc sống người dân nơi đây còn gặp không ít khó khăn, số gia đình khá giả chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và bà Phụng đây là 1 trong số ít gia đình có cuộc sống tương đối khá hơn một chút mà thôi.
Bước đi lửng thửng được một lát thì bà chợt để ý thấy ở phía cuối vườn nhãn nhà ông Bày Sanh, đang có 5,6 người đàn ông đứng vây quanh ở một góc, hoá ra là bọn họ đang tụ tập chơi đá gà với nhau. Không như những người khác thường hay cá cược bằng tiền hoặc lớn hơn là bằng vàng, chỗ ông chỉ cuợc trái cây hoặc thực phẩm. Trong xã Châu Khánh, mấy ai không biết ông Bảy Sang là một người rất mê gà, những con mà ông chăm sóc hoặc nhận nuôi dùm, con nào con nấy đều rất cứng cựa, mỗi một trận đấu ông lúc nào cũng chiến thắng nên được các thanh niên trai tráng, các lão làng dày dạn kinh nghiệm đặt tên con gà của ông là “Thần kê”. Nhưng xưa nay ông chỉ tổ chức vào lúc trời chạng vạng để tránh cái ánh nhìn của mấy ông công an xã, chẳng hiểu mô tê ra sao mà ông lại bạo dạn tổ chức vào ban ngày cơ chứ?
Như đã hiểu ra sự việc, bà Phụng tay cắp cái giỏ đồ bước nhanh đến một căn nhà cấp 4 đã cũ kỹ, một điểm đặc biệt là trước cửa nhà có treo 2 tấm liễng được viết bằng chữ Tàu, bà Phụng mấy lần liếc qua nhưng chẳng hiểu nó mang ý nghĩa gì, dù vậy bà cũng không tò mò hỏi gia chủ bởi lẽ có hiểu được những dòng chữ đó hay không bà chẳng mặn mà lắm.
—- “Hìhì, chị Phụng, lâu rồi hông thấy chị ghé qua nhà em nha! Đi đi, mời chị vào nhà chơi.”
Người đàn bà vừa chạy ra cười nói chính là bà Băng, vợ của ông Bảy Sanh. Bà Băng năm nay xấp xỉ 57, chỉ nhỏ hơn bà Phụng 2 tuổi thôi nhưng 2 người quen biết nhau lâu rồi, nhà cửa cách nhau không xa mấy. Nhưng vì cuộc sống cơm áo gạo tiền, bà Phụng thì thường xuyên ở trên thành phố với con gái nên thời gian qua cả 2 rất ít gặp nhau. Nay được dịp quay về xã có chút việc cần giải quyết nên bà mới tranh thủ ghé qua thăm người bạn của mình.
—- “Chị ơi, con Vy nó lại hiện về nữa rồi. Tự nhiên tui thấy lo quá, nó nói với tui là…”
Bà Phụng tay cầm ly trà hoa cúc chưa kịp uống thì chợt khựng lại khi nghe bạn mình nhắc đến hồn ma đứa con gái tên Vy. Bà đặt ly trà xuống bàn rồi hồi hộp hỏi lại.
—- “Sao? Bà nói con Vy nó hiện về với bà nữa à? Vậy bà có nghe nó nói cái gì hông?”
Bà Băng ủ rũ, lưng tựa vào thành ghế gỗ, ngửa cổ nhìn lên khoảng không trên trần nhà rồi trầm giọng đáp
—- “Có, nó nói với em là nó muốn lấy chồng. Mà cái đứa nó muốn lấy chính là thằng Thiệu đó.”
Bà Phụng lúc này mới giật mình, mặt mày biến sắc, bởi lẽ bà từng có một đứa con trai 21 tuổi đã mất do tai nạn cách đây 3 năm. Sau khi mất, Thiệu được mẹ mời thầy rước vào trong chùa để tu tập, cứ tưởng mọi chuyện đã êm xuôi, con mình từ nay không vướng vào kiếp hồn ma vất vưởng nữa cho đến một đêm nọ. Bà đang ở thành phố sống cùng vợ chồng đứa con gái thì trong lúc ngủ say bà chợt thấy anh Thiệu đứng lơ lửng ở chân giường, gương mặt u ám nói với bà rằng.
—- “Má ơi, con hông muốn ở trong chùa nữa đâu, con muốn ra ngoài sống cùng cô ấy.”
Bà thấy vậy thì cũng không lấy làm sợ hãi bởi bà mang trong mình tính cách rất là gan dạ, từ trước đến nay bà gặp ma cũng nhiều rồi nhưng ngẫm nghĩ họ không làm gì mình nên bà dần quen, xem như chuyện bình thường. Nhưng chỉ riêng cái việc từ lúc con trai bà bị tai nạn mất đi bà hầu như chưa một lần nhìn thấy anh cả. Đột nhiẻn hôm nay, bà ngỡ ngàng thấy anh hiện về nói với mình như vậy. Bấy giờ, dù đang nhắm mắt ngủ nhưng ở trong tiềm thức bà tức giận nhìn thẳng mặt con rồi nói.
—- “Cái gì Thiệu? Bây ở trong chùa biết bao lâu rồi tự nhiên muốn rời đi là sao? Mà bây nói muốn sống với con nhỏ nào mà nó là ai?”
—- “Hềhề, cô ấy là con của thím Băng đó, má biết cô ấy mà.”
Câu nói của anh lại một lần nữa làm cho bà cảm thấy kinh ngạc, đôi mắt trợn trừng, ấp úng đáp.
—- “Bây..bây nói cái gì? Mày muốn lấy con Vy sao hả thằng kia?”
Vong hồn anh Thiệu nhìn mẹ mỉm cười quái dị khẽ gật đầu rồi không chờ cho bà nói thêm gì, anh từ từ tan biến đi, cùng lúc đó bà Phụng giật mình tỉnh giấc bởi tiếng vỗ “lốp bốp” trên đôi gò má. Bà định thần nhìn lại thì nhận ra là Hương, con gái đầu lòng của mình. Thấy mặt mày mẹ lấm tấm mồ hôi, cô nhanh chân chạy vào phòng tắm vắt khăn ướt lau mặt cho bà, khi thấy mẹ minh đã hồi tỉnh, lúc này cô mới lo lắng hỏi thì nhận được đúng 1 câu trả lời.
—- “Ờ, má hông sao, chắc do trong người khó chịu nên ngủ mớ vậy thôi. Bây về phòng đi để thằng Kiệt nó khóc bây giờ.”
Kể từ đêm đó, thỉnh thoảng Thiệu vẫn hiện về nằng nặc đòi bà phải lấy vợ cho mình. Mặc dù cảm thấy bực tức nhưng vì đêm nào anh cũng hiện về như vậy khiến bà ăn không ngon, ngủ cũng không yên. Bà định đem cái chuyện này kể cho con gái lớn biết nhưng nghĩ lại đành thôi bởi bà biết cô rất sợ ma, dù rằng hồn ma đó chính là em trai của cô. Sau hơn 1 tháng suy nghĩ thì cuối cùng bà đành xuống nước, lặng lẽ quay trở về thị xã và nói dối với Hương rằng bà có chút việc ở dưới quê cần giải quyết gấp. Cô nghe vậy thì cũng đồng ý đưa bà ra bến xe để quay về và căn dặn rất nhiều điều.
Nhớ đến đây, bà cầm ly trà lên uống cạn rồi tò mò hỏi thăm thì được biết vong hồn cô Vy cũng hiện về nói những lời tương tự y hệt con trai của bà. Thật ra, sở dĩ bà Phụng phải hỏi kỹ càng như vậy là vì cô Vy hiện không phải là một hồn ma bình thường nữa mà do cô ta uất hận khi bị kẻ gian hãm hại và giết chết, cái xác được tên hung thủ chôn vội cạnh mương nước cách nhà cô tầm vài chục thước. Mãi cho đến 3 ngày sau thì người dân trong vùng mới phát hiện được, nhưng còn tên hung thủ thì không một ai tìm thấy, bởi lẽ cái hôm xảy ra án mạng thì trời đã quá khuya rồi, ông bà Bảy Sanh thì ngủ say không biết gì, xung quanh cũng chẳng có bóng người nào để làm chứng cho tội ác của tên hung thủ.
Do khi mất cô chỉ mới tuổi đôi mươi mà thôi nên hương hồn rất linh thiêng, ở khắp cái xã Châu Khánh thời điểm ấy không ai là không bắt gặp cô đang treo lủng lẳng trên những cành cây mỗi khi giông mưa hay đêm tối trời. Ban đầu cô chỉ hiện ra lúc trời vừa tắt nắng thôi nhưng dần dần có người khẳng định thấy cô hiện ra cả ban ngày, nhất là trong khoảng 12 giờ trưa hoặc 3 giờ chiều.
Cứ liên tục hiện ra quấy phá như vậy khiến cho ai nấy sợ hãi không dám đi ra đường một mình. Nếu buộc phải đi do công việc thì họ phải kéo nhau hơn vài ba người thì may ra không bắt gặp hồn quỷ của cô chặn đường trêu ghẹo. Thời gian sau, người dân trong xã không chịu đựng được nữa mỗi khi bị cô quấy nhiễu nên họ quyết định kéo đến nhà ông bà Bảy Sanh đòi hai người tìm cách giải quyết chuyện con gái ông bà.
Trước cái tình cảnh ấy, ông bà Bảy Sanh chẳng biết phân bua ra sao đành chấp nhận mời một ông thầy người Tàu ở xứ Bạc Liêu trấn yểm chính con gái của mình. Đến nay cũng được hơn 5 năm, có thể do công hiệu lá bùa trấn yểm của ông thầy đã suy yếu nên cô mới thoát ra được. Tuy nhiên, thay vì tiếp tục quấy phá hoặc trả thù người dân trong xã thì lần này cô hiện về trong giấc mơ của bà Băng, đòi tìm chồng cho mình. Bà nghe thấy vậy thì hoang mang lắm vì chẳng biết con mình định lấy ai? Người sống hoặc người chết? Bà đem cái thắc mắc ấy hỏi lại thì được cô cho biết.
—- “Hừ, bà yên tâm, người tui muốn lấy là một người đã chết, người sống tui hông cần.”
Nói đến đây, cô cười lên man dại rồi lập tức biến mất. Bà Băng lo lắm vì biết tìm một người đã chết, lại phù hợp với con gái mình ở đâu ra? Ở khắp cái xã này mấy gia đình có người con trai đã mất đâu? Đa số họ đều mất khi về già hoặc bệnh tật không qua khỏi, mà dù có người phù hợp đi chăng nữa thì liệu gia đình ấy có chấp nhận lời thỉnh cầu của bà hay không? Nương theo cái suy nghĩ hóc búa ấy, bà quyết định đem câu chuyện thuật lại cho chồng nghe. Ông Bảy Sanh vốn là người Việt gốc Hoa, gia đình ông chạy nạn từ Trung Quốc trôi về đây ngót nghét cũng mấy mươi năm rồi, nên khi biết con gái mình muốn kết âm thân với một người khác thì ông không lấy làm hoang mang sợ hãi mà chỉ từ tốn giải thích cho vợ hiểu.
—- “Haiz, bà biết đó, cái chuyện này với người Tàu như mình thì có lạ gì nữa. Chi bằng vợ chồng mình cứ thập toàn cho nó đi, để nó yên lòng ra đi hông còn quấy rầy mình và bà con xóm giềng nữa.”
—- “Ừ, ông nói hợp ý tui đó, nhưng biết tìm đâu ra một đứa con trai đã chết bây giờ? Ông cũng thấy đấy, cái xã mình xưa nay đất rộng người thưa, mấy nhà có tang sự gì đâu mà biết chứ?”…