Chương 3:
..
Cùng một lúc, tại ngôi làng Phan đồng thời xảy ra hai chuyện bất ngờ, khiến cả làng hoang mang xôn xao bàn tán. Chỗ ngoài đình lúc này, những bậc cao lão cũng đã tề tựu đầy đủ. Tuy nhiên mọi người vẫn không dám tới gần mà chỉ ngồi chỗ giữa sân, trải mấy cái chiếu xuống đó rồi ngồi họp bàn với nhau.
Ông Phúc chủ trì cuộc họp lúc này phát biểu:
“Như các vị cũng đã biết, đêm hôm qua sau trận mưa lớn đình làng Phan đã bị sập mất một nửa. Về phần nguyên nhân, thì đến giờ hiện cũng chưa thể xác định rõ được, nhưng mà tôi đoán khả năng rất cao, là do chỗ nền móng của chùa bị lún, dẫn đến kết cấu móng bị phá vỡ làm nó bị nghiêng về một phía!”
Ông Hè, một người có chức sắc và tiếng nói trong làng lúc này tiếp lời:
“ Về phần nguyên nhân tại sao đình bị sập, thì chúng ta cũng không cần bàn đến nữa. Theo tôi bây giờ quan trọng nhất là bàn bạc về hướng xử lý, làng không thể một ngày không có đình được!”
“Đúng đấy.. chỉ cần nhìn qua cũng biết chắc chắn không phải do con người gây ra, còn đâu mặc kệ nó là gì, cứ thuê vài cái máy xúc đến, phá dỡ rồi kêu gọi bà con quyên góp sửa sang lại đình là xong. Ý các ông thế nào?”
Gần chục người nhìn nhau xì xầm bàn tán một lúc, sau cùng cũng nhất trí với phương án ấy. Chỉ có điều, khi ông Phúc còn chưa kịp lên tiếng tuyên bố thì từ phía ngoài cổng, ông cụ Ban với cái gậy trên tay đang run rẩy từ từ bước vào. Trên tay của cụ cầm một cái hộp gỗ màu đen, cũng không rõ bên trong ấy đựng thứ gì, chỉ thấy ông cụ cầm nó vô cùng cẩn thận.
Thấy ông đến, mọi người cũng không khỏi bất ngờ. Nếu nói về độ tuổi, thì cụ Ban này là người nhiều tuổi nhất làng Phan, hiện nay cũng đã ngót gần trăm tuổi.
Tuy là người sống lâu năm và nhiều tuổi nhất, nhưng mỗi khi làng Phan có việc hệ trọng, họ cũng không cho mời cụ đến. Chẳng biết có phải vì sống quá lâu, mà cụ thành ra bảo thủ lạc hậu hay không, mà những ý kiến cụ đưa ra, thường trái ngược với mọi người, đa phần không phù hợp thời thế.
Nổi bật nhất trong đó phải nói đến việc, ông cụ luôn một mực phản đối việc tổ chức lễ hội đâm trâu, xong thì giết thịt sau mỗi dịp Tết ra. Tập tục ấy đã hình thành tại ngôi làng Phan có cả từ trăm năm nay, nó đã thành một nét đặc trưng gắn liền với đời sống tinh thần của mỗi người dân nơi đây. Họ coi đó như là một nghi lễ để cầu may mắn đầu năm, cũng là một dịp để dâng lễ vật lên những đấng thần linh cao cả.
Cũng bởi vì quá nhiều lần phản đối việc ấy, lên ông cụ Ban đã bị mọi người bài xích, không cho tham gia vào những việc hệ trọng của làng nữa. Hôm nay vừa thấy ông đến, trên khuôn mặt mọi người đều hiện ra sự ngán ngẩm.
Ông Phúc tuy cũng không ưa gì mấy, nhưng cũng bước lại, khẽ nở một nụ cười rồi nói:
“Cụ Ban đấy hả, mời cụ vào đây uống nước. Chẳng hay hôm nay cụ ra đây là có việc gì ạ!”
Cụ Ban liếc mắt nhìn mọi người một cái, xong lại nhìn qua chỗ cái mái đình rồi lên tiếng:
“Tôi biết, mọi người đang ở đây họp bàn về vấn đề của làng, trước giờ mọi người đều nói lão già này cổ hủ lạc hậu, rồi thì bảo thủ cố chấp. Nhưng việc ấy thì tôi cũng chẳng nói làm gì, lần này tôi ra đây, là muốn báo cho mọi người biết một việc cực kỳ hệ trọng, làng Phan sắp gặp đại hoạ tới nơi rồi!”
Nghe vậy, mấy người đang ngồi dưới chiếu chỉ khẽ nhếch mép cười nhạt, tỏ rõ thái độ coi thường chẳng quan tâm. Ông Phúc tuy cũng không mấy tin tưởng, nhưng vẫn lịch sự hỏi lại:
“Dạ cụ bảo sao ạ, làng Phan sắp sửa gặp đại họa sao?!”
“Đúng vậy! Tôi không có nói hù các người đâu, tôi nói có sách, mách có chứng. Đây các người hãy nhìn đây!”
Nói dứt câu, cụ Ban mở cái hộp gỗ đang cầm ở trên tay ra, rồi lấy từ trong đó ra một miếng vải màu vàng nhìn rất cũ kỹ. Trên đó có viết một bài thơ bằng chữ Nôm, cụ cố căng mắt đọc to từng chữ để tất cả mọi người đều nghe được:
“ Đầu năm mưa lớn
Nước ngập trắng đồng.
Đình làng nghiêng mái
Làng Phan gặp hoạ!”
Cụ đọc đi đọc lại liên tục ba lần, xong cầm mảnh vải màu vàng đưa cho ông Phúc xem. Tuy nhiên ông Phúc đâu có hiểu chữ Nôm, lại đưa cho những vị cao lão khác trong làng. May sao cũng có vài người đọc được, họ dịch ra thì quả thật đúng như lời ông cụ Ban vừa đọc.
Ông Phúc nhìn cụ Ban rồi hỏi:
“Cụ lấy mảnh vải này ở đâu ra thế? Và rốt cuộc ý nghĩa của nó là gì, cụ có thể nói rõ hơn được không?!”
Ông cụ khẽ gật đầu đoạn nói:
“Mảnh vải này khi trước là của ông cụ thân sinh của tôi để lại, nếu mọi người chịu khó tìm hiểu một chút, thì sẽ biết được trước kia ông ấy là một vị thầy phong thủy có tiếng trong vùng. Hồi còn trẻ, ông ấy cũng dạy tôi rất nhiều những kiến thức về phong thủy, bát trạch, tử vi rồi thì xem tướng. Nhưng căn mệnh của tôi không theo được nghề ấy, nên dần bị mai một cuối cùng thất truyền, Ấy cũng là điều khiến tôi hổ thẹn, day dứt cả cuộc đời!”
Nói đến đây, mắt của ông cụ hơi rơm rớm, chắc có lẽ ông đang nhớ về người cha quá cố. Dừng lại một lát ông mới nói tiếp:
“ Khi ấy lúc sắp sửa lâm chung, ông ấy đã bói một quẻ để xem vận mệnh của làng Phan trăm năm về sau. Sau khi gieo xong thì hiện ra quẻ “Thuần Chấn”, Ý nghĩa của quẻ này là sẽ có một âm thanh, chấn động cực lớn dẫn đến sụp đổ mọi thứ! Có thể nói đó là một quẻ đại Hung. Sau đó ông ấy lại tiếp tục gieo thêm một quẻ nữa, thì lại hiện ra quẻ “Phong Thuỷ Hoán”. Ý nghĩa của quẻ này là sẽ có sự ly tán, tan rã. Sau khi kết hợp hai quẻ lại, Ông ấy mới luận ra rồi để lại mấy lời sấm truyền cho con cháu đời sau”
Nghe tới đây thì cũng có vài người bắt đầu hoang mang dao động, tuy nhiên phần lớn là vẫn chẳng tin mấy vào những lời của cụ Ban vừa nói. Riêng ông Phúc thì bán tín bán nghi, không tin hẳn cũng không hoàn toàn phản bác. Ông nói:
“ Những gì cụ vừa nói quả thật quá thâm sâu, nhưng cũng rất mơ hồ khó kiểm chứng. Với tư cách là một người trưởng thôn, chúng tôi ghi nhận những ý kiến đóng góp của cụ, chúng tôi sẽ lưu tâm việc này, không biết cụ còn có điều gì muốn nói nữa không?!”
Nghe vậy, là cụ Ban biết những người ở đây vẫn chưa hoàn toàn tin những lời mình nói, cụ lại tiếp:
“Việc này vô cùng hệ trọng, không có đùa được đâu. Mọi người phải tin tôi, trước khi mất, ông cụ thân sinh của tôi đã dặn dò rất kỹ, một khi thấy những hiện tượng như vậy, thì phải ngay lập tức đi tìm một bậc cao nhân về giúp dân làng, nếu không hậu hoạ sẽ khôn lường!”
Ông Phúc nghe tới đây thì tỏ vẻ ái ngại, đoạn cầm lấy tay cụ Ban kéo ra một chỗ xa xa rồi nói nhỏ:
“Dạ vâng được rồi, những gì cụ dặn chúng tôi đã nhớ kỹ. Bây giờ cụ cứ ra về trước, để chúng tôi từ từ bàn tính!”
Biết ông Phúc nói vậy là đang có ý muốn đuổi khéo mình, cụ Ban biết dù có nói thêm cũng chỉ là vô ích, bèn quay lại nói với mọi người một câu trước khi rời đi:
“Mọi người hãy nhớ kỹ lời tôi nói, vì vận mệnh của người dân làng Phan, mọi người hãy tin tôi lần này..! Mọi người hãy..!”
“Được rồi..được rồi! Chúng tôi nhớ kỹ rồi, cụ cứ yên tâm về đi ạ!”
Còn chưa kịp nói hết câu ông Phúc đã ngắt ngang, cụ Ban chỉ đành thở dài rồi lọm khọm quay đầu cất bước.