= 3 =
Sau ba ngày làm ma cho con dâu của hố pẩu Giàng Seo, thầy Cháo lại lục tục hành trang xuống châu Pa Khá mà theo lời lão là để xin lễ cho một gia đình người Mông ở bản bên. Bên tai lão, vẫn văng vẳng những khúc hát cầu hồn kì dị của bài hát Khua Kê và cái xác của Sao Mây bị dựng dậy, trói vào cột nhà, xung quanh là những hạt cơm rơi vung vãi và tiếng hờ khóc điêu linh của thân nhân. Sao Mây vì sao lại chết? Sao Mây hút thuốc phiện nhưng cũng không đỡ được những cơn đau xoáy ra từ trong ngực? Càng hút lại càng nôn ra nhiều máu hơn? Những câu nói, những lời đồn ấy khiến thầy Cháo càng mạnh miệng hơn về giả thuyết Sao Mây bị thả ma ngũ hải.
Trời đã tối, trên con đường tắt chạy qua một quãng rừng thưa, bóng đêm vừa tụ lại, ngọn đèn măng sông trên tay lão mo tỏa ra một vầng sáng vàng vọt tiêu điều ma quái, một thứ lửa hấp hối như những xấp tiền vàng lão mo đốt trong buổi cúng. Không biết vì đâu, hình ành trong lễ cúng ma cho con Sao Mây vẫn cứ ám ảnh trong đầu lão.
Ba ngày làm ma cho con dâu hố pẩu Giàng Seo, là chín lần thầy Cháo phải bón cơm cho người chết. thầy Cháo quỳ ngay dưới chỗ treo xác Sao Mây, trước mặt mo là một nửa quả bầu khô, đựng cơm cúng cho người chết. thầy Cháo làm mo đến nay tính ra đã là đời thứ bốn, bốn đời nhà mo ăn cơm thiên hạ, tưởng như đã quen mùi tử thi, biết mùi chết chóc. Ấy thế mà không hiểu vì sao, quỳ dưới xác Sao Mây, thầy Cháo lại thấy rùng mình, sống lưng thi thoảng ớn lạnh như có ai đấy đứng sau thổi nhẹ vào.
thầy Cháo cố xua đi những ý nghĩ hỗn độn bằng bài khấn cúng cơm rồi đứng dậy, bưng cái quả bầu khô, toan bón từng thìa vào mồm người chết. Nhưng bỗng một luồng gió lạnh buốt từ đâu ùa đến, thổi tắt mấy ngọn nến trong nhà và khiến cả cái cáng treo xác người chợt rung lên bần bật. Trên chiếc cáng, thi thể Sao Mây đã cứng đờ thình lình xoay đầu, giương to đôi mắt nhìn thẳng về phía mo.
Bủn rủn cả người, mo trông thấy cảnh ấy mà toàn thân run lên bần bật, trong ánh mắt hiện ra một sự kinh hãi nhưng cũng rất nhanh, thầy Cháo lấy lại tinh thần, bình tĩnh vừa bóp mồm người chết, vừa xoay cổ rồi xúc từng thìa cơm đồ vào trong miệng.
Chín lần bón cơm cho người chết, lão mo đều có cảm giác rất giống nhau, dù rằng những lần sau, Sao Mây không hề quay mặt lại nhìn thầy Cháo. Nhưng mùi ai ai khó ngửi của thịt người phân hủy, những thứ nước bẩn rỉ ra từ dưới hậu môn, thấm qua cáng gỗ, nhỏ xuống nền nhà và quả bầu khô ba ngày không rửa, cơm cũ đã thiu lại đơm thêm cơm mới đã phụ họa cho sự khủng khiếp của buổi cúng ma và khiến lão thầy Cháo lúc nào cũng phảng phất ngửi thấy mùi người chết.
– Đi nhanh còn về hút thuốc!
Lão mo tự nói với minh để cố xua đi nỗi sợ, thình lình ở trong rừng vọt ra một bóng người đi sóng đôi làm lão giật bắn cả mình.
– thầy cúng sao lại nhẹ vía thế?
Người ấy nói bằng một giọng Mông lơ lớ rồi với tay vặn lớn ngọn đèn măng sông, ánh lửa thôi dao động, sáng lòa nhưng cũng khiến mọi thứ trong vòng sáng của nó và cả khoảnh rừng này chợt trở nên xác xơ, bợt bạt. Hiện lên trước mắt lão mo là một cái bóng cao to, đôi mắt hắt lửa sáng quắc một màu xanh nhợt nhạt, phụ họa cho sự dã man bằng một nụ cười nửa miệng trên bờ môi mỏng dính.
Ngọn lửa trong đèn vừa sáng lóa lên như cố tình để thầy Cháo thấy mặt người vừa xuất hiện thì cũng rất mau vụt tối. Cả khoảnh rừng lập lòe một thứ ánh sáng dè dặt điêu linh, bóng tối mang đến nơi này một vẻ hỗn mang thiên địa, hắt lên nền rừng những bóng hình ngọ nguậy như hình vóc của quỷ ma. Đối với người Mông, mọi vật đều có linh hồn, mỗi một ngọn núi, cánh rừng, gốc cây, hòn đá đều có ma cai quản. Ma thiện thì ít, còn ma ác thì nhiều, và lúc này đây những con ma đang kết bè kết đảng, rủ rỉ thì thầm.
– Những việc tôi giao cho mo, mo đã làm xong rồi chứ?
– Dạ thưa quan tư, việc ngài nhờ tôi, tôi đều hoàn tất cả rồi ạ! chỉ có điều hố pẩu Giàng Seo…
Có tiếng Mông lơ lớ cất lên:
– Tôi biết thầy Cháo ạ! Hố pẩu chưa nghe mình đâu! Hố pẩu bị bọn Việt Minh nó lừa mà! Phải từ từ mới được! Phải để hố pẩu hiểu là chỉ có người Mông mới thương người Mông mình thôi!
Hiện lên dưới lần tóc lơ thơ của thầy Cháo là câu nói của quan tư:
– Người Mông cũng là người Pháp, người Mông với người Pháp là anh em, người Mông là người Pháp ở trên núi cao, chỉ có người Mông mới thương người Mông mình thôi!
Lão mo gật đầu lia lịa:
– Quan tư nói phải lắm! Tôi làm sao quên được?
– Nương thuốc phiện của mo năm nay thế nào? Việt Minh về bắt bỏ cây thuốc phiện, trồng ngô khoai thì lấy gì mà đổi muối đổi gạo?
– Việt Minh bảo bỏ nhưng chưa bắt bỏ, nương thuốc của tôi vẫn còn nhưng tôi với lý trưởng Giàng Pùa đang bảo với mọi người chuyển nương thuốc vào trong thung.
– Nó chưa bắt mình bỏ thôi! Việt Minh ác lắm! Mình không bỏ, nó giết mình! Nó không nói cho mỏi mồm đâu. Lời ít nhớ lâu, lời nhiều quên mau! Việt Minh hứa nhiều mà dọa ít lắm, thầy Cháo ạ!
– Quan tư dạy phải lắm ạ!
– Phải diệt Việt Minh, diệt cả bọn theo Việt Minh nữa mo ạ! Mê muội cả rồi! Phải nhớ là chỉ người Pháp, người Mỹ mới đem vua Mông đến để thương người Mông thôi!
– Dạ! Phải ạ!
– Lý trưởng Giàng Pùa theo ta chứ?
– Dạ bẩm quan tư, theo ạ! Lý trưởng Giàng Pùa chịu ơn quan tư nhiều lắm!
Cái bóng cao lớn khẽ gật đầu:
– Như thế thì chỉ cần hố pẩu Giàng Seo thôi!
thầy Cháo im lặng hồi lâu:
– Thế còn thằng Chìn thì sao? Nó theo Việt Minh, được làm chủ tịch xã Sa Khá rồi quan tư ạ!
– Nhưng mà thằng Chìn không phải người họ Giàng, thầy Cháo ạ! Nó là người họ Tả! Nó lại là người Dao, không phải người Mông ta, tổ tiên nó là thổ ti, giết bao nhiêu người Mông ở Sa Khá rồi! Nó cũng giống Việt Minh, nó là con ma ngũ hải!
Lóe lên trong đôi mắt xanh lợt kia một tia nhìn tàn nhẫn, thầy Cháo thoáng rùng mình rồi như sực tỉnh. Trên con đường tắt qua khoảnh rừng khuya, gió bỗng thổi ào ào như giận dữ, cây rừng nghiêng ngả tưởng chừng sắp bật gốc đến nơi, chim thú thi nhau kêu lên hoảng hốt, cả một khoảng trời bỗng sầm tối phủ mây đen.
Và cả dãy Hoàng Liên như rùng mình tỉnh giấc…