= 5 =
Tối hôm ấy, đưa ma cho vợ về, phần vì thương hồn người chết trẻ, phần vì đã say từ lúc đào đất chôn vợ, nên về đến nhà, Pao nằm vật ra thiêm thiếp ngủ. Nhưng đang nằm, chợt Pao giật mình, nghiêng đầu lắng tai nghe, vì ở ngoài sân hình như có tiếng người đang đưa cần cối chè quay rất nhanh. Từng tiếng xoàn xoạt đều đều cất lên làm gã lấy làm lạ lắm. Nằm trong nhà, Pao nói vọng ra:
– Trời mù đất mịt, cha nghỉ tay thôi!
Nói thì thế nhưng Pao cũng đã hơi hơi tỉnh, tỉnh để nhận ra tiếng cần cối hôm nay sao quay nhanh quá, cứ xoèn xoẹt không ngừng, tưởng chừng người đẩy cối đang chạy chứ chẳng phải đi. Mà hố pẩu Giàng Seo ngần ấy tuổi, đừng nói là chạy cối, đẩy thôi cũng đủ nhọc rồi.
Nhưng lời Pao vừa dứt, thì tiếng cối cũng không còn nhưng Pao nói cả câu mà nhưng cũng chẳng thấy cha trả lời. Tò mò Pao ngoái cổ lại trông, khoảnh sân đất con con đã lẫn vào không gian mờ mờ giữa lúc tranh tối tranh sáng. Pao nheo mắt lại, dưới bóng của một gốc cây ở sau vườn, Pao thấy lầm lũi có một bóng người mảnh mai, mặc áo vải chàm, thoắt ẩn thoắt hiện sau những tàu lá xanh um đang đung đưa trong làn gió thoảng. Pao bàng hoàng đứng vụt lên, lao ra cửa, ấp úng gọi:
– Sao… Sao Mây! Mình… mình có phải không?
Lời vừa dứt, Pao chợt khựng lại vì cái bóng của vợ không còn ở đó nữa. Ngoài vườn chỉ còn những tàu lá chuối âm thầm đung đưa theo gió. Pao trố mắt ra chớp liền mấy cái rồi đưa tay lên dụi
– Kìa! Sao Mây! Sao Mây ơi! Em về với tôi à Sao Mây?
Pao vội vội vàng vàng, bước ra sân toan đuổi theo bóng vợ vừa biến mất trong vườn chuối. Nhưng lạ quá Pao mới chỉ nhấc chân đi được mấy bước thì toàn thân khựng lại, hai chân đột nhiên nhũn ra, đầu gối Pao run lên lẩy bẩy như chực ngã, cảm giác như có một luồng điện vừa chạy dọc sống lưng, khiến toàn thân gã lạnh toát. Tựa hồ như có một sợi dây trói ghì chân Pao lại, hay có tảng đá đè nghiến lên vai không để Pao đi tìm vợ. Nhưng bất thần từ âm u cây cỏ, lẫn trong tiếng gió thổi xào xạc lạnh lùng, Pao văng vẳng nghe thấy vang lên trong không khí có tiếng khóc ai oán cất lên, nức nở từng hồi, lúc như thật gần khi lại thật xa.
Nghe tiếng khóc não nề, Pao vừa thương vừa xót, hai mắt chẳng biết từ lúc nào đã rưng rưng, Pao cố dịu giọng gọi thêm lần nữa:
– Sao Mây! Sao Mây ơi! Em về đấy à? Vào đây! Vào nhà đi Sao Mây à! Bố và tôi nhớ em nhiều lắm!
Pao dứt lời, thì tiếng khóc lại càng nức nở, lớn hơn, như thể nó không vọng lại từ vườn chuối mà ngay sát bên tai. Pao bàng hoàng lắm giữa khung cảnh sáng tối đan xen, tiếng khóc thê lương đến độ lạnh người, cất lên ai oán chẳng khác nào tiếng nhạc cầu hồn tiễn người về với đất. Pao rùng mình á khẩu chết chân, đưa mắt nhìn quanh khung gian mờ tối, không rõ tiếng khóc than rầu thảm kia từ đâu vọng lại. Ú ớ mãi mới lấy lại tiếng nói, Pao gào lớn:
– Sao Mây! Sao Mây ơi! Mình ở đâu rồi?
Chả hiểu sao, Pao gọi lớn đến thế, mà cũng không thấy tiếng Sao Mây đáp lời, hàng xóm láng giềng ngay sát bên hình như cũng không nghe thấy tiếng Pao hú hồn gọi vợ. Trong không gian chỉ có tiếng khóc than ngày một vang xa hơn trước, gần như rú lên từng chập ghê người, quyện với tiếng gió âm u từ trời thốc xuống và cả tiếng chó tru thê thảm thất thanh vọng về từ những triền núi xa xa.
Từ trên nền trời đen kịt, bỗng có một tiếng gáy vang lên, và một cái bóng trắng vừa bay vút lên từ sau khu vườn chuối, chao nghiêng rồi ngã xuống ngay chỗ Pao đứng. Toàn thân con vật giật lên từng nhịp, từ cái mỏ vàng màu mỡ người thét lên những tiếng thất thanh rồi ngừng lại.
Pao hãi hùng nhìn rồi bàng hoàng nhận ra đó là một gà trống trắng. Gà trống đối với người Mông là một thứ vật thiêng, nó chỉ đường cho người chết cũng không thể thiếu trong những buổi cúng ma. Gà trống tự nhiên chết trong nhà là một điều quái gở, một sự chẳng lành.
Đầu Pao quay cuồng như búa bổ, đôi chân vẫn dán chặt dưới nền sân không làm sao nhấc lên cho được. Con gà trống trắng không biết của nhà ai, chết trong sân nhà mình khiến Pao nhớ đến những tin đồn về cái chết của Sao Mây!
Vợ của Pao bị người ta thả ma ngũ hải.
Pao rùng mình tái mặt thất kinh, hơi thở vốn đã bị nén trong lồng nghực lúc này lại càng tắc nghẹn. Một ý nghĩ kinh hoàng hiện lên trong óc, con quái điểu, tiếng khóc than, hình bóng đứa vợ thoắt ẩn thoắt hiện sau vườn chuối khiến Pao bàng hoàng tưởng chừng sắp ngất lịm đến nơi. Còn đang chết chân á khẩu thì chợt từ khu vườn chuối um tùm, Pao thấy vang lên tiếng Sao Mây lẫn trong tiếng nức nở như có pha nước mắt:
– Pao ơi! Cẩn thận!
Sợi dây vô hình ban nãy trói chặt lấy Pao thình lình biến mất, Pao cũng mất đà, chơi với không giữ được thăng bằng, ngã vật ra, đập mặt xuống nền sân rồi ngất lịm.
Thầy Cháo nghe Pao kể mà cũng thấy bàng hoàng, sống lưng gai gai lạnh. Nhưng việc chỉ huy du kích Giàng Mùa Pao đến tận nhà tìm mình là một cơ hội không thể tốt hơn đối với thầy Cháo. Nhìn người đàn ông rắn rỏi là chỉ huy đội du kích của cả vùng Sa Kha đang bần thần trước mặt, thầy Cháo có chút mủi lòng nhưng văng vẳng bên tai lão vẫn là lời hứa hẹn của quan tư
“Việt Minh rồi sẽ bắt người Mông bỏ cây thuốc phiện! Mình phải đuổi Việt Minh đi mo ạ! Việt Minh đi rồi, mo sẽ là thổ ti, hầu hạ dưới trướng vua Mông!”
Tương lai huy hoàng đang mở ra trước mắt và chiếc chìa khóa để mở ra cánh cửa đến với đất thiên đàng nơi vua Mông ngự trị chính là Pao – Giàng Mùa Pao.
Vỗ lên vai Pao như thay lời an ủi, thầy Cháo thủ thỉ:
– Chỉ huy Pao à! Tôi đã nói rồi! Con Sao Mây bị thả ma ngũ hải!
Không thấy Pao trả lời, mo lại tiếp:
– Không phải chỉ mình tôi nói mà! Nhiều người cũng nói nữa mà!
– thầy Cháo à? Ai thả ma ngũ hải ở Sa Kha mình?
thầy Cháo chép miệng thở dài, đưa ánh mắt xa xăm ra nhìn mặt trời đang mệt nhọc bò lên nương thuốc phiện.
– Chỉ huy à? Chỉ huy có tin lời lão mo này không?
Pao không đáp chỉ trân trân nhìn chờ đợi, thầy Cháo tiêm vào nõ điếu một vê thuốc phiện rồi nghiêng người đưa cho Pao. Pao tần ngần, rồi cuối cùng vẫn nhận. Trong hơi thuốc phiện ngai ngái, tiếng của thầy Cháo mập mờ như tiếng quỷ tiếng ma, hắt vào kẻ đá, rồi dội vào tai Pao:
– Chủ tịch Chìn biết thả ma ngũ hải! Chủ tịch Chìn thả ma để giúp Việt Minh đấy chỉ huy Pao à!
Pao thấy đầu mình nặng nề như đeo đá, trai trẻ đừng hút thuốc, trai lấy vợ hút thuốc vẫn vừa. Câu tục ngữ truyền đời như một lời nguyền rủa đã khắc vào đầu óc người Mông, khiến những chàng trai người Mông khi lớn lên ắt sẽ phải biết hút thuốc phiện như biết cưỡi ngựa biết bẫy chim. Nhưng Pao không muốn mình sẽ giống như những người anh em khác. Pao đã không hút lâu rồi, mà bây giờ không biết vì hơi thuốc hay vì nhớ vợ mà đầu Pao cứ ù đi, tai Pao cũng cứ ù đi! Để lời của Pao như gió vào hang, còn lời của lão mo như đánh đục khắc cột nhà.
– Việt Minh tốt mà! Việt Minh là người xuôi, làm sao biết chài ma ngũ hải!
– Việt Minh không biết chài ma, nhưng chủ tịch Chìn thì biết! Việt Minh tốt nhưng Việt Minh không phải người Mông, Pao à!
Rượu trong lòng, thuốc phiện trong đầu cứ bốc lên ngùn ngụt, như cuốn, như nuốt lấy từng câu từng chữ thầy Cháo nhả ra.
– Chỉ huy Pao à! Làm cho Việt Minh, chỉ huy còn nhớ lý nhớ lối nữa không? Ngày xưa, họ Giàng ta ở gần người Hán, hai nhà kết nghĩa thân gia. Một hôm, họ Giàng ta mổ lợn cúng. Lúc múc thịt, không thấy quả tim, người anh mới hỏi người em, người em nói không biết. Người Hán thấy vậy liền rỉ tai người anh: “Em anh nó ăn vụng đấy. Tận mắt tôi nom thấy mà!” Người anh tức giận bắt em mình mổ bụng ra xem, bụng em mổ, người em chết, nhưng trong bụng chẳng có quả tim, chỉ có một miếng nấm. Đến lúc xong buổi cúng, múc hết thịt trong nồi, lại thấy quả tim dưới đáy. Từ đấy, họ Giàng ta có tục không được ăn tim, cũng giữ lời thề không được nghe lời của kẻ nào khác dòng khác giống! Chỉ huy Pao ăn cơm của Việt Minh nên thành ma của Việt Minh rồi à?
Pao im lặng, nước chảy nước cứ chảy, đá không chịu nước, đá phải mòn. Gã khật khưỡng đứng lên, sau lưng, vẫn còn văng vẳng tiếng lão Giàng Lý Cháo:
– Bóng dù phải che cán dù, chỉ có họ Giàng ta tin được nhau thôi, chỉ huy Pao ạ!