= 6 =
Trời tờ mờ sáng, hố pẩu Giàng Seo đã dậy, thực bụng hố pẩu không ngủ được, người già rồi, cơn ngủ không dài như đám thanh niên nữa. Mà nhất là, từ sau cái chết của con Sao Mây, hố pẩu cũng vẫn còn ám ảnh nhìn đâu cũng thấy cảnh thằng Pao nức nở ôm xác vợ đặt xuống nền nhà, tiếng khèn tiễn ma văng vẳng ở bên tai, khiến ông bải hoải, tê bại cả tâm thần. Hố pẩu gượng dậy đi ra bếp lò nhóm thêm củi. Trời rét quá! Trời sao lại rét thế này? Sương muối trắng trời loang ra khắp thung lũng Sa Kha rồi bò lên chầm chậm những lưng đồi. Lò đã ăn củi, thốc ra miệng lò một luồng sáng đỏ rực bốc lên cao. Đánh thức con chim của Pao nuôi, trong chiếc lồng treo trước cửa nhà, kêu lên một tiếng buồn thê thảm như tiếng người khóc ma. Con chó nâu cũng lừ đừ mở mắt, nhấm nhẳng sủa lên như muốn át đi tiếng con chim thất thanh ai oán. Hố pẩu Giàng Seo thở dài, nhìn ra ngoài trời, nom sương cứ từ từ động đậy, trời trắng đục và ảm đạm như phủ cờ tang. Cảnh sao buồn thế!
Chợt có tiếng chân người lóp ngóp dẫm vào những vệt bùn dẫn vào sân. Hố pẩu đưa mắt nhìn rồi cất tiếng:
– Pao à? Đi đâu thế kia?
Pao không ngẩng mặt, đáp lí nhí:
– Tôi đi hỏi thầy Cháo cha à!
– Hỏi việc gì?
– Hỏi việc ma ngũ hải!
Hố pẩu Giàng Seo nín lặng, rồi nuốt khan nước bọt. Pao lại tiếp:
– Con Sao Mây chắc bị người ta chài ma thật rồi cha ạ!
– Người ta? Người ta nào?
– Thầy Cháo bảo…
– Thầy Cháo bảo Việt Minh chài ma ngũ hải có phải không? Pao à! Lời tốt mang về nhà, lời xấu vứt giữa đường!
Pao im lặng không nói gì, tiếng hố pẩu lại cất lên:
– Mày ăn cơm của Việt Minh, mày phải hiểu lòng Việt Minh chứ? Con quạ không có chỗ đậu, người Mông không có quê hương. Chạy giặc Hán, chạy chết ba đàn ngựa mới đến được đây. Bao nhiêu năm nay, ở đất Sa Kha này đã có bao nhiêu sắc cờ, mỗi sắc cờ được mấy tuần trăng. Người Nhật mắt bé nhưng không phải người Mông, người Pháp cho ta bạc nhưng không thật bụng với người Mông. Quốc Dân Đảng chỉ đến cướp của người Mông. Chỉ có Việt Minh là cùng ăn, cùng ở, cùng khổ với người Mông ta thôi, Pao ạ!
Pao đăm đăm nhìn vào bếp lửa, củi bị lửa ăn như lòng Pao giằng xé. Ông già Seo không nói nữa, một lúc sau Pao lò dò đứng dậy, hố pẩu mới hỏi:
– Mày đi đâu?
– Tôi đi xuống ủy ban!
Hố pẩu Giàng Seo lại thở dài, ân cần dặn:
– Ừ! Xuống đi! Xuống mà làm với người ta!
Đường xuống ủy ban xuôi dốc đi mà như chạy, mà có khi lòng Pao đang động nên chạy mà cứ tưởng mình đi. Loáng một cái đã thấy lá cờ đỏ sao vàng phấp phới bay, Pao nhắm mắt quay đi, không nhìn lá cờ ấy nữa. Vào đến cổng ủy ban, Pao đã thấy Vũ đang ngồi bệt dưới bậc thềm đá, mắt nheo lại, mồm méo cả đi, tẩn mẩn lấy dao khoét lỗ khèn trên thân cây trúc. Vũ là một gã cán bộ mới lên đây được hai năm, một người cần mẫn và lặng lẽ như một cái bóng.
Thấy Pao đến, Vũ ngước lên, khẽ gật đầu rồi hỏi bằng một giọng Mông lơ lớ:
– Pao đến sớm thế?
– Tôi không ngủ được!
Vũ đứng dậy, cao hơn Pao nhưng người nhỏ nhắn, vai vuông mà hẹp, Vũ vỗ vai Pao:
– Anh Pao gác cái buồn sang một bên đi! Mình phải để lòng làm việc khác!
Pao lắc đầu, Vũ hơi kinh ngạc:
– Sao lại lắc đầu?
– Tôi không làm nữa, cán bộ Vũ ạ! Tôi về!
– Về đâu?
– Về Sa Kha! Tôi về trồng thuốc phiện!
Vũ hãi hùng:
– Kìa, Pao! Anh quên thuốc phiện là thuốc độc à?
– Thì tôi về làm nương!
– Nhưng mà còn đội du kích!
– Làm du kích không cứu được vợ, tôi làm du kích làm gì?
Vũ lặng lời, một lúc sau, y mới nhìn Pao:
– Đồng chí Pao à! Khoai rừng có khúc to, khúc nhỏ. Đời người có lúc xuống, lúc lên! Đồng chí nghĩ lại đi!
Từ sau quả núi một tia chớp rạch nát khúc trời quang, sấm theo sau và mưa bắt đầu ào ào trút xuống, nhưng không át đi được tiếng của Pao chợt gằn lên, đẩy Vũ ra:
– Mày đừng gọi tao là đồng chí! Tao không đồng chí với Việt Minh nữa đâu!
Lời dứt, Pao ném khẩu poọc hoọc xuống chân, cái bao gỗ kêu lên lục đục sau khi đã trượt đi một đoạn. Nghe thấy có tiếng cự cãi, chủ tịch ủy ban Tả Chìn chạy ra, theo sau còn có bí thư Hoàng Văn Phúc. Bí thư Phúc kinh ngạc:
– Kìa Pao! Sao thế?
Pao không nói gì, chủ tịch Chìn nhặt lấy khẩu súng đưa trả cho Pao, nhẹ nhàng hỏi:
– Anh Pao! Có việc gì sao không từ từ nói chuyện?
Lời Chìn nói như sấm đánh vào tai, Pao nghe không được, bây giờ trong đầu Pao, chỉ văng vẳng lời thầy cúng Cháo: “Bóng dù phải che cán dù, chỉ có họ Giàng ta tin được nhau thôi, chỉ huy Pao ạ!”
Pao chỉ mặt chủ tịch Chìn gằn giọng:
– Mày không phải người Mông, mày không phải họ Giàng, mày làm sao dạy được tao?
Bí thư Phúc lao đến đứng giữa hai người:
– Pao à! Anh bình tĩnh lại đã! Vào đây ngồi uống nước với tôi, tôi mới sao được ít chè tuyết! Chè tuyết làng mình trồng vụ đầu tiên đây này! Nào, vào đây ta nói chuyện!
Vừa khẩn khoản, bí thư Phúc vừa kéo tay Pao dẫn vào trong nhà, anh hất mặt ra dấu cho Chìn và Vũ ra chỗ khác.
Chìn thở dài, Vũ cũng thở dài. Chìn hỏi:
– Đồng chí Vũ à! Pao nó làm sao thế?
Vũ lắc đầu:
– Tôi không biết nữa!
Đoạn Vũ từ từ kể lại biến cố vừa rồi, chuyện không dài, rất nhanh đã hết. Chủ tịch Chìn trầm ngâm nhìn xuống chén chè cáu bẩn đặt dưới chân, vân vê một nhúm thuốc lào cho vào nõ điếu.
– Pao nó thương vợ, mất cả trí khôn rồi!