Quê tôi ở Hải Dương. Giống như bao làng quê khác của đất nước Việt Nam này. Nó cũng là một nơi vô cùng bình yên và đáng sống. Quê tôi có truyền thống hiếu học xưa nay, tấm bia tiến sĩ được đặt ở phía trước đình thần thành hoàng làng là một minh chứng. Nhưng hình như tôi đã không phát huy được truyền thống của làng, bởi vì tôi học dốt quá. Cuộc sống của người dân trong làng thì vô cùng đơn giản, trẻ con buổi sớm đến trường, còn người lớn thì lại dắt trâu ra đồng làm ruộng. Ấy cứ tưởng cuộc sống yên bình, bình yên đến đơn điệu như vậy sẽ như một vòng tuần hoàn lặp đi lặp lại mãi. Nhưng ai ngờ đâu nó lại bị phá hủy bởi một sự kiện, sự kiện đó làm phá vỡ đi thường thức của mọi người, khiến mọi sinh hoạt của toàn bộ người dân nơi đây bị đảo lộn. Ban ngày người ta không dám đi một mình trên đường vắng, ban đêm, chẳng ai sang nhà hàng xóm uống nước chè, tám chuyện như mọi khi. Đám trẻ con thì cứ đến sẩm tối, là bị người lớn lùa hết vào nhà, đóng cửa cài then, chốt chặt cửa. Và đình làng, luôn là tổng hành dinh của những đứa trẻ trong làng, thì giờ vắng vẻ tiêu điều, thiếu đi hơi người vốn có. Tôi vẫn còn nhớ như in khi ngày đó, khi mà tấm bia ma quái đó được đào lên, thì cơn ác mộng được bắt đầu. Để nói rõ về chuyện này, phải kể đến ngôi đình linh thiêng làng tôi.Đình làng có một cái ao, bọn tôi gọi nó là ao Nghè, vì sao nó có tên như vậy, vì từ xưa làng tôi đã có rất nhiều các cụ đã đỗ tiến sĩ, và một từ khác để gọi tiến sĩ, thì người ta sẽ gọi là cụ Nghè, ông Nghè. Chính vì như vậy, cho nên các cụ bô lão đã quyết định đặt tên cho cái ao là ao Nghè, mong ước những đứa trẻ con trong làng sau này, sẽ giữ vững được truyền thống của thế hệ đi trước, truyền thống đầy tự hào của làng. Ao làng mới đầu thì chỉ có tác dụng là một cảnh quan cho đẹp, người ta trồng hoa Sen ở đó, nhằm tô điểm thêm cho nét đẹp của đình thần. Nhưng về sau các cụ quản lý đình cảm thấy cứ bỏ cái ao không như vậy thì phí quá. Do vậy nên các cụ quyết định thả cá trong ao, hàng năm bắt lên, bán đi lấy tiền. Dùng số tiền đó để làm kinh phí tu bổ, sửa chữa đình thần, nếu còn dư thì xây thêm một ít kiến trúc. Cũng như mọi năm, là thời điểm tát ao, người dân đợi ao được tát cạn, thì sẽ xuống dưới bắt cá. Nhưng lần này, trong quá trình bắt cá, có vài người phát hiện được ra, dưới vùng bùn lầy của ao, có một vật hình chữ nhật rất lớn, làm bằng đá. Thấy vậy, mọi người đều xúm lại, mang nó lên sân đình, rồi tiến hành rửa nước cho sạch. Lúc này thì mọi người mới nhìn rõ, đó là một tấm bia đá, dài chừng 1m2, rộng khoảng 80cm, ở góc dưới cùng bên phải thì đã bị mất đi một miếng. Trên đó khắc đủ thứ văn tự kì lạ, loằng ngoằng như giun. Có một cụ biết chữ Nôm, ra xem thử, thì khẳng định đó không phải chữ Nôm, một số cụ khác thì lật sách tra chữ Hán, nhưng chỉ nhận ra được 1 chữ, đó là chữ TRẤN rất lớn, nằm ở giữa bia, thảo luận một hồi, thì các cụ đều lắc đầu, chẳng ai đoán ra được gì ngoài chữ TRẤN to lớn đó. Cuối cùng các cụ đều thống nhất và đưa ra một quyết định, đó là những thứ còn được khắc trên tấm bia, không phải là chữ viết, có thể nó là hình vẽ, nhưng không rõ ý nghĩa của nó là gì. Nhưng dù gì cũng là vật được đào ra ở ao của đình làng, rất có thể nó sẽ có mối liên quan mật thiết với làng. Thế là các cụ lớn tuổi quyết định đặt tấm bia này, gần tấm bia tiến sĩ trước cổng đình. Sau sự kiện đó thì tất cả mọi thứ lại trở về như bình thường. Người dân lại tiếp tục cuộc sống vốn có của mình. Nhưng, ngoại lệ lại có một người khác, đó là bác Mộc. Tôi gọi bác Mộc là bác vì do dòng họ tôi có quan hệ dây mơ rễ má với nhà bác. Bác gọi bà tôi bằng cô. Bác Mộc đã ngót nghét gần 70 tuổi, là một người vô cùng đẹp lão, râu tóc bạc phơ, nhìn mặt vô cùng nhân hậu.
Thời trẻ bác Mộc có tham gia kháng chiến chống Pháp, là du kích, sau này lại làm công an xã, đến khi lớn tuổi, vì tin tưởng bác, nên các cụ trong làng đều mời bác trông coi đình thần. Bác Mộc cũng vui vẻ đồng ý, ban ngày thì quét dọn, ban đêm thì ngủ lại. Tiền lương cũng chẳng được bao nhiêu, nhưng bác Mộc thích tận hưởng tuổi già của mình như vậy.
Bác Mộc hay có thói quen là tạt qua chỗ ông tôi uống nước chè nói chuyện, phần vì ngày xưa ông tôi cũng là du kích chống Pháp, phần vì có chuyện gấp. Hôm đó, khi tôi đang ngồi chơi với ông ở hiên nhà, thì bác Mộc đạp xe đạp sang chơi. Nhưng tôi thấy bác hôm nay có vẻ khác lạ, vì bình thường mặt bác luôn tươi vui, thì hôm nay có vẻ hơi cau có, vẻ mặt còn pha thêm chút sợ hãi. Ông tôi thấy bác Mộc cười cười, gật đầu chào nói:
– Hôm nay cháu qua chơi, vào trong nhà uống chén nước.
Bác Mộc cũng gật đầu cười, dựng chống xe đạp ở ngoài sân, vào bàn nước trong nhà ngồi xuống. Mặt bác hơi đăm chiêu nói:
– Nước thì để khi khác ạ, hôm nay cháu có chuyện gấp muốn kể cho chú nghe.
Thấy vậy, ông tôi mới nghiêm túc, thu lại nụ cười, nhìn bác gật gật đầu, ra hiệu để bác Mộc nói. Bác Mộc cứ ậm ừ mãi, như kiểu không biết phải bắt đầu câu chuyện như thế nào. Ông tôi rót một chén nước để trước mặt bác, mãi mà không thấy bác nói gì, ông mới lên tiếng:
– Ơ kìa thằng này, nói gì đi chứ.
Bác Mộc với tay lấy chén nước, đưa lên miệng uống một ngụm rồi mở lời:
– Cháu nói cái này chú đừng chê cười, chứ trong đình .. ừm… trong đình mấy hôm nay có chuyện lạ chú ạ.
Nghe thấy bác nói vậy, ông tôi cau mày, hỏi lại:
– Cái gì? Trong đình lạ cái gì? Có ăn trộm à?
Bác Mộc lắc đầu đáp:
– Không phải trộm chú ơi, mà là sự lạ, hình như, hình như có ma chú ạ.
Ông tôi há miệng ngạc nhiên, cười nói:
– Chú nói thật hay đùa thế, hơn 10 năm nay đêm nào chú ngủ ở đằng đấy cũng có sao đâu. Thế mà hôm nay chú bảo có ma. Chú đùa tôi à?
Bác Mộc vội nói:
– Không, cháu nào dám đùa chú, chính vì cháu trông đình hơn 10 năm nay, cháu mới dám chắc là có gì đó lạ. Cháu không chắc chắn mới đến hỏi chú bàn chuyện.
Nghe bác Mộc nói vậy ông tôi liền ngồi thẳng người dậy:
– Thôi được, chú kể đi, để tôi xem nó lạ chỗ nào.
Thế là bác Mộc bắt đầu từ từ kể lại mọi chuyện:
– Như bình thường, buổi tối cháu về nhà ăn cơm, cứ đến tầm 21h mới quay lại đình để ngủ. Cách đây 3 hôm , tối đó cháu đạp xe qua đình, đạp đến gần đình, thì tự nhiên xe bị tuột xích ( súc dây sên), thế là cháu mới dừng lại, ngồi xổm xuống gắn dây. Trời thì tối, cháu cứ mò mò theo cảm giác, thì đột nhiên, cháu nghe thấy tiếng bịch rất là lớn, như kiểu có vật gì rơi ở trên cao xuống. Cháu giật mình ngửa đầu lên nhìn thì thấy ở phía xa, chỗ gần cổng vào đình thần, có một bóng con gì đó, đang lồm cồm bò dậy, mới nhìn, thì chỉ thấy nó có bốn chân, khá cao, không giống trâu hoặc bò, cháu nghĩ nó giống ngựa, đến lúc cháu nhìn lên trên thì suýt nữa muốn cắn lưỡi, vì phía trên không có gì. Nó là con ngựa không đầu chú ạ, vì hình như vừa nhìn thấy cháu, thì nó đột nhiên co giò chạy mất, nó chạy vào trong đình, cháu còn nghe được tiếng vó ngựa vang lên cộc cộc, thấy lạ, cháu bỏ lại xe đạp đuổi theo, khi cháu chạy đến cổng đình thì không thấy nó đâu cả. Cháu phải dừng lại, vì cổng đình đã khóa, chính tay cháu đã khóa, nếu thế thì con ngựa sao nó chạy vào đình được. Cháu phải dụi mắt một hồi, nghĩ đến chắc do mình hoa mắt, nên nhìn nhầm. Thế là cháu quay lại chỗ cũ, tính cúi xuống lắp lại cái xích xe, thì cháu bất ngờ, vì ai đã lắp lại xích tự bao giờ. Cháu nhớ rõ là lúc nãy, cháu còn chưa lắp xong. Ngán ngẩm vì mấy điều kì lạ xảy ra tối nay . Cháu dắt xe đạp vào trong, khóa cửa lại, day trán một hồi, cháu đi thắp hương cho đức thần hoàng làng. Nhưng kì lạ thay, cháu châm lửa đốt hương cháy, cắm lên bát nhang, nhưng hương vừa cắm, là tắt rụi, cháu phải thắp đi thắp lại ba,bốn lần, hương mới cháy được bình thường. Ngồi nghe đài cát xét một hồi, thì cháu tắt đèn đi ngủ. Cháu ngủ cứ chập chà chập chờn, rồi đêm hôm ấy tự nhiên cháu mơ thấy một cơn ác mộng, lúc nhập mộng thì cháu ngạc nhiên nhìn xung quanh, cháu đang đứng giữa một chiến trường thời xưa, thấy rất đông quân đội của hai phe đang lao vào nhau mà chém giết, máu phun như suối, tiếng hét, tiếng la, tiếng khóc, tiếng vó ngựa rầm rập. Lâu lâu lại có người bị chém mất một cánh tay, có người thì mất chân, có người bị lòi ruột, một lúc sau có cả một cái đầu bị chém bay lên, rơi xuống đất lăn long lóc như quả bưởi. Lúc đó cháu vô cùng hoảng sợ, không biết phải làm gì, cứ ngơ ngác đứng nhìn xung quanh, rồi cháu nghe tiếng tiếng thét rất lớn ở sau lưng, khi quay lại thì cháu thấy có hai người mặc giáp một xanh, một vàng, ngồi trên lưng ngựa , một cầm thương, một cầm đao, chuẩn bị chém 1 người khác. Tự nhiên không hiểu tại sao lúc này cháu lại tự nhiên hô lớn:
– Dừng lại.
Cháu không nói gì thì thôi, cháu mới quát lên một tiếng thì tất cả những người đó đột nhiên dừng lại toàn bộ hành động chém giết. Chiến trường mới đây toàn tiếng la hét bỗng dưng im bặt. Và tất cả đồng loạt quay đầu qua phía cháu, kể cả những người vừa rồi đã bị trọng thương mà nằm xuống, bỗng nhiên đều bò dậy, thậm chí cháu còn thấy được ở đằng xa, cái đầu người đang nằm trên mặt đất cũng mở mắt.Tất cả bọn họ đều dùng đôi mắt màu đỏ đầy máu trừng trừng nhìn về phía cháu, Họ chẳng nói chẳng rằng, vừa nhìn, vừa lầm lũi từ từ đi về phía cháu, cháu thét lên, nhưng đáp lại là sự lặng im của tất cả mọi người, hàng nghìn, hàng vạn con người đã bao vây cháu, cháu không thể chạy đi đâu được. Khi tưởng chừng sắp sợ đến chết, thì tiếng gà gáy vang lên:
– Ò ó o o, ò ó o o.
Cháu giật mình tỉnh dậy, nhìn xung quanh, thấy mình vẫn đang nằm trong đình làng. Cả người cháu toát hết mồ hôi.