Nguồn Voz .
Chào bạn, bạn có bao giờ tin vào ma quỷ, vong hồn chưa nhỉ?
Thực tế có nhiều người khẳng định đã từng nhìn thấy ma, người lớn thường đem ma quỷ ra dọa trẻ con, và phần lớn chúng ta chỉ thấy ma quỷ qua phim ảnh. Vậy sự thật ma quỷ là gì? Ma quỷ có đáng sợ như mọi người vẫn thường đồn đại? Những bài viết dưới đây phần nào sẽ làm sáng tỏ sự thật về ma quỷ.
Mọi thắc mắc về series này và nếu mọi người có câu chuyện nào muốn kể thì liên hệ trực tiếp mình theo fb này : fb.com/ntquang103
Chúc mọi người và gia đình thật nhiều sức khỏe, xin cảm ơn vì đã ủng hộ và theo dõi em trong thời gian từ khi lập topic.
Đó là vào một đêm tháng 7 âm lịch ở Phan Thiết , lúc đó là tầm 11 giờ đêm, ông Tâm lại chuẩn bị ra khơi đánh cá , chợt trong lòng ông có chút gì đó hơi lo sợ, tim đập nhanh bất thường.
– Quái lạ, hôm nay mình bị gì mà ruột gan cứ nóng hết lên thế nhỉ? – Ông nghĩ thầm
Ngồi suy nghĩ một lúc, ông vẫn quyết định ra khơi, vì nếu không, gia đình ông sẽ nhịn đói vào ngày mai. Đến nơi, ông vẫn làm việc mà hàng ngày ông vẫn làm, đã 30 phút trôi qua ông vẫn không đánh được một mẻ cá nào ra hồn.
– Quái lạ, hôm nay là ngày gì thế này? Trước khi đi thì ruột gan nóng sôi, còn cá thì chẳng thấy đâu, mẹ kiếp! – Ông quăng lưới, tay bỏ điếu thuốc vào miệng, ông rít những hơi dài như để xua đi cái lạnh ban đêm nơi này.
Xong xuôi, ông lại tiếp tục quăng lưới mong kiếm được mẻ cá đủ để gia đình ông no bụng ngày mai thì bỗng ông nghe tiếng xì xào của một người đàn ông :
– Về đi, ở nhà vui lắm, hãy về ngay đi. Về mà lấy dao đâm vào bụng lão đi, vui lắm, vui lắm – Giọng nói trầm và nụ cười đầy mãnh làm ông Tâm rùng mình, ông nhìn xung quanh để tìm kiếm thằng nhóc nào nửa đêm còn giở trò hù dọa, trêu đùa ông.
– Thằng nào đó? Đêm hôm không ngủ mà còn ở đây trêu người à? – Ông hỏi lớn và trong lòng mong sẽ có người trả lời, vì ông đã nghe rất nhiều câu chuyện về những hồn ma vất vưởng nơi đây rồi, nhưng vì miếng cơm, manh áo cho mấy đứa con mà ông phải cắn răng chịu rét, chịu liều mình để còng lưng ra làm. Nhưng đáp lại ông chỉ là màn đêm tối, tiếng sóng đánh dào dạt như muốn kéo ông vào cõi u minh vậy.
– Về đi, hãy về đi, về mà tự đâm mình đi, vui lắm – Vẫn giọng nói đó, vẫn nụ cười khanh khách đó, hưng ông Tâm không còn là ông nữa, ông rùng mình, bỏ lại tấm lưới kiếm ăn cho gia đình mà cắm đầu chạy thẳng về nha, không phải là ông sợ, mà như có ai đó đang thúc giục ông, kéo ông về nhà.
Sau 5 phút chạy bộ, ông cuối cùng cũng về đến nhà, dáng vẻ không giống như thường ngày một chút nào. Bà Thảo – Vợ ông cũng hoảng hốt khi nhìn thấy nét mặt ông mà hỏi :
– Sao hôm nay ông về sớm vậy? Có chuyện gì à?
Đáp lại bà là sự im lặng của người chồng, ông đi thẳng vào trong bếp, cầm lấy con dao mà hàng ngày bà Thảo vẫn sử dụng, không một chút suy nghĩ, không một chút đắn đo mà ông tự đâm thẳng vào bụng mình, ông vừa đâm vừa la :
– Chết đi, mày chết đi, mày chết nhanh đi để tao còn đi đầu thai nữa ! – Gương mặt ông Tâm lỗ rõ sự thỏa mãn, không một chút đau đớn, không một chút nhăn nhó mà gượng mặt ông đơn giản chỉ tỏ vẻ thỏa mãn.
Bà Thảo khi nghe ông la thì mới xuống bếp, thấy cảnh tượng trước mắt mà bà tá hỏa, bà chạy vào cầm con dao giằng co với chồng mình, vừa giật con dao bà vừa la :
– Mọi người ơi, cứu tôi với, cứu chồng tôi với
Dân làng chài ở đây rất là thân thiện và tốt bụng nên khi nghe bà la thất thanh giữa đêm vắng như vậy, mọi người chạy đến xem và lao vào đè ông Tâm xuống đất để giúp đỡ. Lạ thay, khi vừa rút con dao ra thì ông Tâm ngã đùng ra bất tỉnh, nét mặt bây giờ mới lộ rõ vẻ đau đớn. Mọi người tức tốc đem ông Tâm lên trạm y tế xã vì bệnh viện ở rất xa mà tình hình hiện tại của ông Tâm rất nguy kịch. Nhưng, muốn đi đến trạm y tế phải qua một con sông dài 3 cây số, lúc đó chỉ có hai người đàn ông chèo xuồng, bà Thảo và một người đàn ông ghì chặt ông Tâm vì sợ ông sẽ lại lên cơn một lần nữa.
Đến giữa sông, bỗng ông Tâm ngồi phắt dậy, nhìn thẳng vào gương mặt sợ hãi của vợ mình mà rên rỉ :
– Em ơi, anh đau quá, anh đau quá em ơi. Khi nãy lúc ở ngoài biển, anh nghe có tiếng nói xì xầm nói với anh là mày chạy về nhà lấy dao đâm mày đi, vui lắm, không có đau đâu, anh chỉ nhớ là lúc đó như có ai điều khiển cơ thể mình mà chạy thẳng về nhà rồi anh không còn nhớ gì hết. Sao tự nhiên anh nằm đây vậy em, anh đau quá. – Sự đau đớn bây giờ mới xuất hiện rõ mồn một trên mặt ông Tâm, nét mặt ông vẫn ngơ ngác vì không biết chuyện gì vừa xảy ra với bản thân mình.
Sau khi nghe chồng mình kể lại, bà Thảo mới bắt đầu mường tượng ra là chồng mình bị vong nhập mất rồi.
– Không sao đâu anh, không có chuyện gì to tát hết. Em đang đưa anh lên trạm y tế xã để chữa nè, không sao đâu anh. Anh nằm xuống để vết thương đỡ đau đi.
Nghe lời vợ, ông nằm xuống. Nghĩ rằng mọi việc đã xong, nhưng ông đã nhầm. Ông thiếp đi tầm 15 phút, ông bật dậy ngoe ngoảy rồi la hét :
– Tụi bây bỏ tao ra đi, tụi bây bỏ tao ra. Nó phải chết, nó không được sống. Có người kêu nó ở dưới kìa, có người kêu nó ở dưới kìa. – Ông bật dậy, hai con mắt trợn ngược, tròng trắng thì đỏ kè như có ai nhập vậy.
Ông đánh người này, đánh người kia, cả ba người đàn ông trai tráng vẫn không tài nào giữ được ông già lụ khụ 53 tuổi. Giằng co một hồi, ông nhảy xuống sông, trước khi nhảy ông la lớn :
– Có đứa kêu nó ở dưới kìa, nó phải xuống, nó phải chết.
Vì là vợ ông Tâm nên bà Thảo cũng nhảy tùm xuống sông mà cứu mạng chồng, nhưng bà lại không biết bơi, những gì bà đang làm chỉ như bà tự kết liễu mạng sống của mình, không hơn không kém. Quái lạ thay, bà lại không chìm mặc dù bà không biết bơi, bà có cảm giác như có ai ở dưới dòng sông đang đẩy bà lên, không cho bà cứu chồng mình. Bà cứ cố đến gắng chồng bao nhiêu thì lại bị đẩy ra xa bấy nhiêu, cảnh tượng cứ diễn ra liên tục như vậy cho đến khi ông Tâm chìm hẳn xuống nước và từ giã cỏi phàm giới này.
……………..
Hôm nay đã là ngày thứ ba kể từ khi ông Tâm chết, thanh niên trai tráng, người già người trẻ đã tìm kiếm ròng rã ba ngày liền vẫn không thể tìm được xác ông Tâm. Phần bà Thảo thì ốm đi rõ thấy, bà khóc cạn cả nước mắt, hai hốc mắt khô khốc, gương mặt mếu máo nhưng không thể nào khóc được một giọt nước mắt nào. Rồi có một người ở làng chài mách nước với bà Thảo rằng, ở xóm trên có một bà thầy tên là Thủy có biệt tài tìm xác người và xem bói cho chúng sanh rất hay. Bà Thảo nghe vậy mới ngay lập tức khăn gói lên đường tìm nhà bà Thủy.
Chiều hôm đó, bà Thảo vừa bước chân vào nhà thì bà Thủy đã hỏi :
– Cô đến đây tìm xác chồng mình phải không? Tôi nói cho cô rõ, chồng của cô đã tận mạng rồi.
Bà Thảo giật bắn người vì cả hai là người dưng nước lã, bà chỉ vừa bước chân vào nhà mà bà Thủy đã nói rõ mục đích của bà. Không để bà Thảo mở lời, bà Thủy nói tiếp :
– Chồng của cô tận mạng rồi. Hắn bị hai cái vong bắt đi rồi – Rít hơi thuốc, bà nói tiếp :
– Hắn bị một vong nam bắt để thế mạng, còn vong nữ thì cố gắng bắt hắn để xuống dưới làm chồng của nó.
Nghe xong, bà Thảo quỳ lạy khóc lóc thảm thiết.
– Con lạy cô, cô cứu con với, hức, con muốn kiếm xác chồng con để chôn cất ảnh cho đàng hoàng, cô làm ơn cứu giúp con với, hức …
Sau một hồi suy nghĩ, bà Thủy cũng gật đầu, đồng ý giúp đỡ.
– Ngày mai, cô hãy đem bánh trái, hoa quả, vàng mã, … đến nhà tôi rồi chúng ta lên đường.
– Vâng, con lạy cô, con xin nghe cô ạ – Bà Thảo nói trong nước mắt.
Sáng hôm sau, bà Thủy cùng bà Thảo ra bờ sông nơi ông Tâm chết, quỳ lạy cúng bái vong hồn ông Tâm trở về. Cùng lúc đó, phía bên kia sông có một người phụ nữ đang giặc đồ, bỗng có một bàn tay ngoi lên khỏi mặt nước, ba ta hốt hoảng bật ngửa ra sau hét lên :
– Á, cái gì vậy, có người chết, người chết, cứu, cứu, ai cứu tôi với – Bà ta vừa la vừa cố gắng chạy khi chỉ trong vài giây ít ỏi, từ một cánh tay ngoi lên cả một cái xác chết nước, bụng trương phình, da mặt nhợt nhạt, tím tái. Không ai khác mà đó chính là xác của ông Tâm. Tội nghiệp, cơ thể ông sình to như người mắc chứng béo phì. Khi đi ông chỉ nặng tầm 65 kg, khi về ông nặng gần 100kg.
Ngày mở cửa mã chồng, bà Thảo cùng ba đứa con đang ăn bên mâm cơm thì con chó nhà bà sủa thất thanh, tiếng sủa mà chỉ khi gặp người quen nó mới như vậy. Bà ngó ra ngoài thì thấy con chó của mình đang ngoảy cái đuôi ngắn cũn của nó.
– Tiên sư, làm tao tưởng có ai đến nhà – Bà rủa thầm con chó của mình trong bụng rồi tiếp tục dùng bữa với các con của mình.
Đêm đó, bà ngủ với đứa con út 8 tuổi của mình. Bà trằn trọc suốt cả đêm, cơ thể bà lạnh ngắc, cứng đơ, không tài nào chợp mắt được. Bà nhắm mắt tìm giấc ngủ hồi lâu thì bả nghe tiếng rên rỉ :
– Hừ huh uh …..Ư huhhh …
Bà còn nghe tiếng răng đánh vào nhau từng tiếng rõ mồn một giữa đêm khuya.
– Cạch cạch … Cạch cạch cạch … Cạch ….
Bà biết rõ đó là tiếng chồng bà, làm sao bà có thể quên được người chăn gối với mình gần hai chục năm được.
– Lạnh quá .. Ở dưới này lạnh quá … Em ơi lạnh quá …
Bà từ từ mở mắt ra, bà há hốc mồm, hồn bay phách lạc khi thấy cảnh ông Tâm vén mùng lên, ông tiến đến nằm cạnh bà, hơi lạnh từ ông bà có thể cảm nhận rõ mồn một. Chưa dừng lại ở đó, ông nhấc đầu bà lên, lót đầu bà bằng chính bàn tay lạnh như băng của mình. Trong lòng bà lúc này sợ hãi tột cùng, mắt bà nhắm nghiền lại như đang ngủ, tim thì cứ đập thình thịch, thình thịch từng tiếng một trong lồng ngực bà. Ông Tâm ghé sát miệng vào lỗ tai vợ, hơi thở lạnh ngắt của ông làm bà rùng mình :
– Anh lạnh quá em, anh thèm thuốc lá quá, anh nhớ em với con quá. Hừ, anh lạnh quá – Ông ta cứ lẩm bẩm liên tục như vậy bên tai bà Thảo, bà chết ngất đi cho đến lúc tiếng gà gáy bên tai thì mới tỉnh giấc.
Tỉnh giấc, bà nhìn sang bên cạnh thì không thấy chồng đâu nữa, bà liên tức tốc chạy đi mua thuốc lá cho ông Tâm rồi để lên bàn thờ, cúng cho chồng mình.
– Chồng ơi, em lạy anh trăm lạy ngàn lạy, anh sống khôn chết thiêng, anh phù hộ cho mẹ con em mạnh khỏe là được rồi, anh đừng về anh hù em nữa anh ơi, anh cần gì thì nói với em trong mộng chứ đừng về nằm chung với em nữa em sợ lắm, em lạy anh. – Bà vừa khấn vừa lạy chồng, giọng run run như vừa trải qua chuyện chưa từng thấy.
Một thời gian rất lâu sau, ông Tâm đã không còn về nữa. Năm năm sau, bà Thảo lên phố học làm nail, căn nhà bà giao cho ba đứa con và bà Ly, em của bà. Sau khi bà đi ít lâu, Tú Uyên, đứa con đầu của bà cũng trong một đêm tối tháng 7 đã chứng kiến cảnh tượng nó chưa hề thấy từ khi được sinh ra đến giờ. Chiếc giường nơi nó ngủ rung động rất mạnh, nó cảm giác như có người đang ngồi trên giường của nó run rẩy ra vẻ đang rất là lạnh. Nó ngó ra ngoài thì thất kinh khi thấy một người đàn ông mặc cái áo sơ mi trắng ngồi nơi góc giường run cầm cập từng hồi. Nó biết là ba nó về vì khi xưa mẹ nó đã kể cho nó chuyện đêm mở cửa mã nên nó trùm chăn kín đầu cố gắng ngủ tiếp. Sáng hôm sau, Tú Uyên đem mọi chuyện kể cho bà Ly nghe, bà tức giận quát con :
– Dù sao đó cũng là cha mày mà, sao mày lại sợ? Mày đừng có sợ như vậy, mày hiểu không?
Hôm đó, bà Ly thắp nhang cho ông Tâm, miệng bà nín thinh không nói một lời thì bỗng bà thấy một con bướm sà đến đậu trên di ảnh của ông Tâm. Bà biết là anh mình về gặp mình rồi. Bà cũng mặc kệ. Tối hôm đó, bà nằm mơ thấy ông Tâm về ngồi nói chuyện với bà :
– Anh bị một vong nam bắt để thế mạng và một vong nữ bắt để làm chồng
Đàn ông bao gồm ba hồn và chín vía, hai hồn kia của ông thì đã bị bắt, chỉ còn hồn này là để về thăm gia đình. Ông ta nói tiếp :
– Em ơi em đừng niệm Phật tụng kinh nữa, như vậy thì anh không về được, anh chỉ còn cái hồn này để về thăm vợ con anh thôi. Em đừng niệm Phật nữa nha. – Ông Tâm ra vẻ khổ sở.
Từ đó về sau, bà Ly chỉ thắp nhang cho anh chứ hạn chế tụng niệm vì để cho ông Tâm về nhà thăm con. Ít lâu sau, Minh Thư – con của bà cô Ly, đứa bé ra đời sau khi ông Tâm chết được ba năm về ở cùng nhà với ba đứa con riêng của ông Tâm. Mặc dù chưa được thấy mặt ông Tâm, nhưng nghe kể lại, nó cũng thấy ớn lạnh trong người. Đêm đó, nó nằm mơ thấy một người đàn ông chạy lại kêu nó, nói chuyện với nó :
– Ê, tao là cậu của mày nè. Tao là Tâm nè – Giọng nói trách móc kiểu như tại sao vào nhà người khác mà không chào hỏi.
Sáng hôm sau, Minh Thư thắp nhang cho ông Tâm, vừa lạy vừa khấn :
– Cậu ơi, con mới tới đây con ở nên cậu thông cảm, con quên thắp nhang cho cậu.
Thời gian qua đi, mọi chuyện cũng bắt đầu lắng xuống. Hôm đó, Minh Thư qua nhà bạn chơi cách nhà ông Tâm hai căn, nhưng thật ra hai căn nhà này chưa xây, chỉ cần đứng bên đây là có thể thấy được nhà bên kia. Nhà ông Tâm có một cái cửa sổ rất to có thể nhìn hết mọi sinh hoạt ở trong nha. Quỳnh Anh – bạn của Minh Thư chỉ vào nhà ông Tâm nói :
– Ê Thư, nhà mày có ai kìa, nãy tao thấy ông nào mặc áo trắng đi vô nhà mày kìa.
Quỳnh Anh biết rằng ở trong nhà không có một người đàn ông nào lớn tuổi hết. Cô bé nghĩ đó là ăn trộm.
– Chết rồi mày ơi, nhà mày có ăn trộm kìa
– Sao , sao ? – Minh Thư hỏi cô bé
– Nãy tao thấy ông nào bận áo trắng đi ngang cửa sổ nhà mày kìa.
Vì quá sợ hãi nên Minh Thư kêu gọi mọi người ở các căn nhà xung quanh chạy lại giúp Minh Thư mở cửa xem có phải trộm thật không. Cô bé run rẩy mở cửa thì bất ngờ là không thấy ai trong khi Quỳnh Anh lại khẳng định rằng nó có thấy một người đàn ông mặc áo trắng đi ngang qua cửa sổ.
Hôm sau, nhà của ông Tâm có tiệc. Trong số khách mời có hai thanh niên là bạn của Tú Uyên, ăn uống no say rồi xỉn không thể nào về nhà được vì sợ xảy ra tai nạn giao thông nên bọn chúng xin ở lại ngủ.
Đêm đó, Tú Uyên lại một lần nữa thấy chiếc giường của mình rung một cách rõ ràng, giống như đang có ai nắm lấy hai chân giường mà rung vậy. Điều kì lạ là khi Tú Uyên mở mắt ra thì lại không thấy gì cả, nhắm mắt lại là chiếc giường lại rung lên một cách ngày càng mạnh. Suy nghĩ một hồi thì nó biết đó là ba nó, nó chợt nhớ ra có hai người lạ ngủ trong nhà mà nó chưa xin phép, nó liền xuống giường, đến bên bàn thờ thắp nhang cho ba nó.
– Ba ơi, người ta đến đây ăn tiệc xỉn quá nên con cho người ta ở đây mà con quên xin ba, con xin lỗi. Dù sao họ cũng xỉn quá rồi, ba cho họ ở đây một đêm ba nha.
Bẵng một thời gian sau, bà Thảo sau khi học nail sau thì quay về, chưa kịp cơm nước tắm rửa gì hết, bà vừa nhấp một ngụm nước thì lăn đùng ra xỉu. Lúc đó, bà bị ông Tâm nhập vì ông chỉ nhập được vào vợ mình. Ông nói với ba đứa con của mình :
– Từ bây giờ về sau, ba không có về được nữa. Tụi con hãy tự chăm sóc cho mình nha, bây giờ ba phải lên chùa ba tu rồi.
Dứt lời, ba đứa con ông khóc lóc thảm thiết, dù gì đó cũng là ba của chúng nó mặc dù lúc nào ông về thăm đứa nào cũng sợ chết khiếp. Từ đó về sau, không ai trong gia đình ông còn thấy ông nữa, kể cả trong giấc mơ.
– Ngạn Bút