Phương Thy là một cô bé học lớp 5 và rất gan dạ, từ nhỏ cô bé đã khẳng định là trên đời này không hề có ma. Trong một lần đi về quê cùng mẹ – bà Ngọc thì cô bé đã chứng kiến một chuyện chưa bao giờ thấy trong đời. Hôm đấy là ngày chủ nhật, vì trời mưa tầm tã nên hai mẹ con đành quyết định ở lại để sáng mai về sớm vì quãng đường từ quê lên Sài Gòn rất xa và địa hình rất hiểm trở. Và đó có lẽ là quyết định sai lầm nhất của bà Ngọc – mẹ Phương Thy.
Vào nửa đêm, khi đang ngồi nói chuyện cùng cô chú ở gian nhà trên thì Phương Thy nghe tiếng người bước đi xào xạt phía ngoài khu vườn của gia đình. Vì nghĩ là người trong làng đi làm về nên Phương Thy cũng không quan tâm mấy và cô bé là một người có bản tính hơi đàn ông từ nhỏ nên cũng không nghỉ rằng đó là ma hay quỷ gì cả. Bất thình lình, ở dưới gian bếp lục đục tiếng bát đũa như có ai đang rửa chén bát dưới đó vậy mặc dù sau khi đếm kỹ thì tất cả mọi người trong nhà đều đã tập trung ở một chỗ để nói chuyện. Vì sợ rằng chuột quậy phá, làm vỡ chén dĩa nên bà Ngọc ba chân bốn cẳng chạy xuống bếp thì tuyệt nhiên không thấy bất cứ ai dưới bếp. Sau khi đi lên nhà, bà hỏi mẹ mình có xuống hay làm gì dưới bếp không thì mẹ bà Ngọc chỉ trả lời :
– Nãy giờ tao ở ngoài sân cúng cô hồn chứ làm gì xuống đó lúc nửa đêm như thế này
Bà Ngọc nghĩ mình nghe nhầm nên cũng không hỏi gì thêm, bà ngồi nói chuyện thêm tầm 15 phút thì giục cả nhà đi ngủ. Đêm đó, Phương Thy cùng bà Ngọc cùng ngủ trên chiếc giường gỗ, bên cạnh là một cái cửa sổ rất lớn có thể nhìn rõ mọi thứ xảy ra trước sân nhà. Trong giấc mơ, Phương Thy thấy một người đàn bà khoát trên mình bộ áo dài bà ba trắng toát, gương mặt thì nhìn không rõ vì mái tóc dài phủ kín cả gương mặt bà ta. Bà ta đưa tay ngoắc Phương Thy lại phía mình, một phần là vì trong giấc mơ, một phần thì cô bé Phương Thy khá là lễ phép nên khi thấy người lớn kêu mình, cô bé đứng dậy và tiến đến phía cửa sổ. Người đàn bà lạ mặt đó đưa cho Phương Thy một viên kẹo, Phương Thy chìa tay ra nhận, chưa kịp nói lời cảm ơn thì bà ta quay lưng đi rất nhanh, chưa biết chuyện gì đang xảy ra thì cô bé bừng tỉnh, người nóng hổi và đầy mồ hôi. Lạ thay, khi chìa tay ra thì cô bé hốt hoảng vì trong lòng bàn tay mình là một viên kẹo Bốn Mùa, giống hệt như viên kẹo mà người đàn bà kia đã cho cô bé trong giấc mơ. Đây không thể là ngẫu nhiên vì sợ con gái mình sau này mắc bệnh về răng miệng nên bà Ngọc cấm Phương Thy ăn bất cứ một viên kẹo nào. Phương Thy ngẩn người một hồi thì vỗ vai mẹ :
– Mẹ, mẹ, mẹ cho con kẹo hả mẹ?
Bị đánh thức giữa chừng, bà quát con mình :
– Mày sạo tao hả, mày tào lao vừa thôi con, tao có cho mày ăn kẹo đâu mà cho mày kẹo – Bà gắt
– Hồi nãy con thấy có bà nào đứng ngay cửa sổ á, bả cho con kẹo, vậy con có được ăn không mẹ?
Bà Ngọc vung tay gõ đầu con :
– Mày khùng quá đi, nửa đêm rồi mà ai đứng ngoài cửa sổ cho mày kẹo, mày bịa chuyện đúng không? Học đâu ra cái thói đó hả con?
Bị đánh đau còn bị mắng thậm tệ nên Phương Thy chỉ biết im lặng. Sáng hôm sau, cô bé nghĩ rằng do mình thèm kẹo quá nên lấy viên kẹo rồi mớ thôi nên cũng kệ. Sau khi về Sài Gòn, cô bé cũng quên bẳng đi chuyện xảy ra ngày hôm đó. Tuy nhiên, sau sự kiện cô bé được người đàn bà lạ mặt cho kẹo thì tuần nào về quê cô bé cũng bị bệnh, còn khi ở trên Sài Gòn thì lại bình thường, không xảy ra triệu chứng gì. Bà Ngọc nghĩ cô bé bị dị ứng thời tiết nên cũng không hỏi gì nhiều.
Hôm nay lại là một ngày thứ bảy, như thường lệ bà Ngọc chở con về quê ngoại. Đến đầu giờ tối, mọi người trong nhà tổ chức ăn lẩu. Giữa chừng buổi tiệc, khi đang ngồi trong lòng của mẹ mình thì đột nhiên cô bé thấy ở dưới cây bàng sát bên cửa sổ phòng cô bé ngủ có một đứa con nít mặc đầm đang đứng ngoắc mình. Giống như có ai xui khiến, Phương Thy đứng bật dậy khỏi lòng bà Ngọc đi về phía cây bàng. Bà Ngọc vì bất ngờ nên kéo tay Phương Thy lại :
– Mày làm cái gì vậy? Mày đi đâu? – Bà lớn tiếng, mắt hướng về phía cây bàng nơi Phương Thy chuẩn bị bước đến
– Mẹ ơi, có cái bạn nào đang ngoắc con, con ra đó con chơi với bạn nha mẹ
Vì nghe mẹ nói là ở nhà kế bên có một đứa con nít trạc tuổi mình nên Phương Thy nghĩ đơn giản rằng cô bé đó chỉ ngoắc mình qua chơi chung mà thôi chứ không nghĩ đó là ma cỏ hay bất cứ gì khác.
– Mày điên hả? Tối rồi, đi vô ngủ, bệnh nặng thêm giờ – Bà kéo tay Phương Thy, quát lớn rồi đẩy Phương Thy vào nhà, sự tức giận hiện rõ trên mặt bà vì nghĩ đứa con gái của mình bệnh quá hóa rồ.
Lại một đêm nữa, mẹ con bà lại ngủ trong căn phòng đó, trên chiếc giường cạnh chiếc cửa sổ đó.
– Lúc nãy con nói vậy là sao? Kể cho mẹ nghe đi. Ai ngoắc con? – Bây giờ bà mới gặng hỏi
– Thì con nói rồi, có một bạn đứng trên cái mương nước sát cây bàng nhà mình ngoắc con lại đó mẹ, con định đến hỏi bạn ấy ngoắc con có chuyện gì không thì mẹ kéo con lại rồi bắt con vào ngủ này.
– Hồi nãy rõ ràng là mẹ không thấy ai ở đó hết, mẹ nhìn theo hướng con đi đến mà – Gương mặt bà ngơ ngát phảng phất một chút sợ hãi – Thôi con cứ ngủ đi, để ngày mai mẹ nói chuyện lại với bà ngoại.
Tờ mờ sáng hôm sau, bà Ngọc ra nói chuyện với mẹ mình – Bà Thu Hoài. Bà Ngọc đem kể hết những gì Phương Thy đã nói với mình cho bà Thu Hoài nghe. Nghe đến đây, bà Thu Hoài trầm ngâm, gương mặt như hồi niệm về một quá khứ nào đó.
– Thật ra căn nhà này không phải của mẹ, mẹ chỉ mua lại mà thôi. Người chủ trước có nói lại với mẹ rằng có một đứa con nít trạc tuổi Phương Thy nhà mình chết ngay cái mương trong vườn, nó là cháu của bà chủ nhà này.
Sau khi được thuật lại câu chuyện năm xưa, bà Ngọc rất là sợ hãi vì biết con gái của mình không hề đặt điều nói dối, kể cả câu chuyện nó được người đàn bà khác cho kẹo. Bà cấm tuyệt con gái mình ra khỏi nhà để chơi, bà cũng hiểu tại sao mỗi lần về quê thì cô bé cứ bị bệnh hành mặc dù sống trên Sài Gòn thì hoàn toàn khỏe mạnh.
Sau nhiều tuần về quê không cho con gái ra ngoài chơi, hiện tượng lạ cũng mất đi đáng kể, bà Ngọc thở phào nhẹ nhõm trong lòng, nhưng không. Nửa đêm khi đang nằm ngủ trên chiếc giường gỗ, Phương Thy giật mình tỉnh giấc, nghỉ là bình thường nên cô bé ôm mẹ cố gắng ngủ tiếp thì lại nghe tiếng gõ cửa ở ngoài cửa sổ. Phương Thy run bần bật vì lúc này là nửa đêm, ai lại gõ cửa sổ, nếu là khách thì tại sao không gõ cứa chính mà lại gõ cửa sổ như thế này. Cô bé không dám nhìn lên, vì sợ lại thấy một cảnh tượng kinh hoàng nào đó, cô tự nhủ trong lòng phải ráng ngủ, bỏ mặc những tiếng động phía trên đầu mình đi. Cô bé nghĩ đó là cậu Ba, vì trong nhà câu Ba là người hay đem ma cỏ ra hù dọa Phương Thy nhất. Sau gần 5 phút, tiếng gõ vẫn không ngưng lại, vì bản tính tò mò của một đứa con nít, Phương Thy quyết định lia mắt lên nhìn thì há hốc mồm vì đó chính xác là người đàn bà cho kẹo Phương Thy lần trước. Người đàn bà này đưa đầu từ từ xuyên qua song sắt cửa sổ, hai con mắt trắng đục nhìn chằm chằm vào Phương Thy. Lần này khác hẳn lần trước, người đàn bà này chỉ có cái đầu, duy nhất cái đầu còn thân thể thì không hề có. Bà ta nghiêng đầu nhìn Phương Thy cười, nụ cười như muốn đưa Phương Thy xuống chín tầng địa ngục. Cô bé la thất thanh làm bà Ngọc giật mình, tưởng con mình gặp ác mộng nên bà ôm con vào lòng, vỗ về cho Phương Thy nín, cô bé vừa khóc vừa nói :
– Mẹ ơi, con thấy cái bà lúc trước cho con kẹo ngoài cửa sổ mà hôm nay bả ghê quá mẹ ơi, bả không có cái mình, bả chỉ có cái đầu thôi, hức, bả nhìn con cười nữa mẹ ơi, hức… – Cô bé khóc lớn hơn, tay chân co rúm lại vì sợ, gương mặt mếu máo trông rất tội nghiệp.
Bà Ngọc run rẩy ôm con vào lòng vì bà biết lần này cũng như bao lần khác, những gì Phương Thy nói hoàn toàn là sự thật. Sáng hôm sau, bà tức tốc đưa con lên tìm gặp thầy, bà kể hết tất cả mọi chuyện cho thầy nghe, vừa kể vừa run, vừa lo sợ cho đứa con gái của mình.
– Bây giờ con nghe thầy, về chặt cái cây bàng trong vườn đi vì mỗi tối, tên cây bàng đó có các vong linh, cô hồn ngự tên đó nhìn xuống nhà. Cửa sổ lại sát cây bàng nên người khuất mặt khuất mày nhìn vào trong nhà được, như vậy là không nên. Chặt đi mới tốt được, chứ không để đó thì con bé này sẽ bị hù mãi thôi – Ông nhìn Phương Thy
Bà Ngọc về kể với bà Thu Hoài, bà quyết định ngay :
– Ngày mai tao sẽ chặt cái cây bàng này liền, không thể để cháu tao bị như vậy được.
Suy nghĩ chặt cây bàng vừa lóe lên trong đầu bà Thu Hoài thì bà lăn đùng ra xỉu rồi bệnh liên miên, tay chân rụng rời, bà sốt cao đến mức phải nhập viện. Lạ rằng cơ thể bà nóng 42 độ C nhưng không bị gì hết, chỉ cảm thấy mệt mỏi như bị sốt bình thường mà thôi. Bác sĩ nói rằng bà Thu Hoài không bị bệnh gì hết, chỉ là bị kiệt sức, suy dinh dưỡng, do làm nhiều quá mà mệt. Ai cũng hoang mang vì bà Thu Hoài đã già rồi, việc nhà bà không đụng tay đến chứ đừng nói đến những việc nặng nhọc mà lại bệnh như thế này. Người nhà nuôi bà Thu Hoài trong bệnh viện ba ngày thì cũng đem về, cơ thể bà suy yếu hoàn toàn. Sau khi bà khỏe lại, mỗi lần bà nói sẽ chặt cây bàng là y như rằng hôm sau bà lại lăn ra bệnh. Phương Thy có một bà dì làm thầy bói ở xa, mặc dù không ai nói gì nhưng bà lại gọi về nói với bà Thu Hoài rằng :
– Trời ơi, có muốn chặt cây bàng thì giữ trong lòng thôi, lẳng lặng mà làm. Có ai ăn cướp mà báo rằng ngày mai tao đi ăn cướp không? Có ai như vậy không? Trời ơi chặt cây bàng chỗ vong linh họ ở mà còn thông báo cho họ biết hả, để họ hiện về hù tui nói tui không cho bà chặt kìa
– Trời, tui biết rồi, tui biết rồi
Hôm sau, bà lẵng lặng ra ngoài tìm thợ tên Tâm, nói nhỏ nhờ ông đến chặt cây bàng. Ngay khi cây bàng vừa hạ xuống, ông Tâm thổ huyết phải đưa đi cấp cứu còn bà Thu Hoài lại lăn đùng ra xỉu, bệnh nặng hơn bình thường rất nhiều lần. Mọi người trong nhà phải nhờ thầy đến cúng, xin lỗi rồi năn nỉ vong linh tha mạng cho bà Thu Hoài thì bà ta mới hết bệnh được. Ông Tâm thì khùng điên luôn từ đó, lâu lâu người qua đường lại thấy ông đứng dưới gốc cây bàng đập đầu đến đổ máu, rồi quỳ lạy, van xin, khóc lóc như đứa trẻ bị mẹ phạt vậy. Về phần Phương Thy, cô bé không còn bệnh, không còn mơ hay gặp những con người thuộc thế giới khác nữa.
– Ngạn Bút