CHƯƠNG 3:
Mà tất cả những chuyện kì lạ xảy ra ở khúc sông đó, lão Tùng hoàn toàn không hề biết. Lúc này, lão ta và thằng Lập chỉ tập trung đuổi theo cái xác của ông Lý. Sau một hồi vật lộn với những dòng nước, cuối cùng cả hai thầy trò cũng đã đuổi kịp được xác nổi kia. Lão Tùng liền dùng móc câu thả xuống nước, rồi thuần thục móc vào cổ chân của thi thể ông Lý rồi từ từ kéo cái xác đến gần thuyền của mình. Thằng Lập thấy vậy, liền muốn nhoài người ra để phụ thầy mình kéo xác lên thuyền. Thế nhưng lão Tùng lại quát lên:
— Không cần mày giúp. Mau lấy cái đoạn dây gai cho tao!
Nói đoạn, lão Tùng nhanh chóng lấy một tấm vải bố màu trắng phủ lên xác chết, sau đó lại lấy đoạn dây gai trộn với lông chó đen buộc vào thắt lưng của thi thể rồi từ từ điều khiển con thuyền đi về hướng ngôi làng. Tất cả đoạn tác của lão Tùng đều nhanh nhẹn, và không hề có một chút điểm dừng nào. Tựa như những thứ này đã ăn sâu vào trong máu thịt.
Nhìn cái xác đang từ từ bị chiếc thuyền kéo đi, lão Tùng cúi đầu châm một điếu thuốc lên hút. Cả người lão lúc này đã mệt nhừ, nhưng nghĩ tới số tiền mà mình sắp được nhận thì lại hưng phấn không thôi. Thấy không, cái xác mà lão Trần dùng mười mấy người không tìm được, giờ chỉ cần một mình ông liền vớt được. Nghĩ đến đây, lão ta tự hào không thôi. Lát nữa về làng, lão phải nói kháy cái lão già khốn kiếp kia mới được.
Con thuyền chạy theo đường cũ, bởi vì hôm nay trời âm u nên lúc này ở trên sông vẫn còn sương khói mờ ảo. Đoạn đi qua khúc sông lúc nãy, lão Tùng ngậm điếu thuốc đứng dậy nhìn quanh, nhưng cũng không nhìn thấy cái xác nổi kia ở đâu. Đây là hạ lưu, nếu có trôi xuống thì lão ta đã nhìn thấy rồi, tuy vậy nãy giờ lão căng mắt cũng chẳng có gì. Lão ta có chút bực bội, cặp mắt ráo riết nhìn xuống dòng nước lạnh lẽo. Thằng Lập ngồi một bên, thấy thầy của mình đang tìm thứ gì đó, thì nó nhịn không được hỏi.
— Thầy ơi! Thầy đang tìm cái xác trôi lúc nãy hả thầy?
Lão Tùng bị đệ tử bắt quả tang, hai mắt liền trợn lên hắng giọng:
— Mày nghĩ ngơi đi! Nhiều chuyện thế để làm gì hả? Có muốn tao cho xuống sông tìm không?
Bị thầy nạt. Thằng Lập liền im lặng, nhưng trong bụng thầm nghĩ, giờ xác chết kia cũng bị nước cuốn trôi chỗ nào rồi. Thầy đứng đó tìm thì làm sao thấy được, biết vậy sao ban đầu không kéo xác đó lên đi.
Những suy nghĩ của thằng Lập, làm sao lão Tùng lại không biết được chứ. Nhưng lão không quan tâm, mà chỉ tập trung quan sát toàn bộ mặt sông. Sau một hồi tìm kiếm thất bại, lão Tùng đành thở dài rồi quay lại thuyền ngồi. Cặp mắt cay xè nhắm chặt lại nghĩ ngơi. Ban nãy, khi thả cái xác kia trôi theo dòng nước để đuổi theo ông Lý thì lão ta cảm thấy không sao, nhưng bây giờ nghĩ lại lại có chút hối hận. Thế nhưng, dù có quay lại khi nãy thì lão ta vẫn chọn cách vớt xác của lão Lý mà bỏ qua cái xác kia. Bao nhiêu năm dùng cái tâm theo nghề, mà có khi nào khấm khá nổi lên được đây, bà Tâm lấy lão cũng phải chịu bao nhiêu khổ cực, tuy bà ấy không nói nhưng lão biết bà cũng chịu tủi lắm. Nếu lão còn cứ khăm khăm dùng cái tâm để làm cái nghề, vậy thì chẳng lẽ cả cuộc đời phải để vợ con chịu cảnh nghèo khổ hay sao? Nghĩ đến đây, lão Tùng càng quyết tâm phải thay đổi. Cuộc đời của lão còn sống được bao nhiêu năm chứ, nếu vớt được chừng nào xác thì phải đòi được chừng nấy tiền. Lão không thể sống mãi như vậy được.
Mang theo nhiều suy nghĩ nặng nề, con thuyền của nhà lão Tùng cuối cùng cũng chạy về đến bờ sông. Cập bờ, thằng Lập làm theo chỉ dạy của lão Tùng mà đem cái xác đặt vào chỗ râm mát. Liếc nhìn cái xác, lão Lý trông thấy da của cái xác đã bắt đầu thối rữa, thậm chí còn thấy được cả phần thịt ở bên trong, bởi vì trôi theo dòng nước quá lâu mà đã bị úng nước, phình trước hết cả lên.
Đến lúc gần trưa, vợ con của lão Lý liền đến nhận xác.
Bà Lành chạy đến, nhìn thấy xác của chồng mình, nước mắt lã chã rơi ra. Bàn tay không ngừng đập mạnh vào ngực của mình.
— Ông ơi là ông. Sao ông lại bỏ mẹ con của tôi mà đi thế. Hôm đó tôi đã nói rồi, ông đừng nên đi… Sao ông cứ cố chấp, rồi giờ lại để bản thân phải chịu cảnh này. Ông ơi là ông, mẹ con tôi phải sống làm sao đây. Tôi làm sao sống nổi đây…
Tiếng gào khóc vang dội khắp nơi, niềm đau quá lớn khiến bà ấy không thể chịu được mà ngã quỵ. Mấy đứa con của ông Lý cũng lén lau nước mắt sau đó đỡ bà Lành lên, rồi cho người đến trùm xác ông Lý đem về nhà. Trước khi đi, người nhà của ông ấy còn không quên gửi tiền cho lão Tùng.
Nắm được mấy trăm nghìn trên tay, nhưng lão Tùng lại không hề cảm thấy vui sướng chút nào. Trong lòng bỗng nhiên khó chịu, thậm chí nhói lên một tia bực bội, dấy lên cảm giác tội lỗi.
Lão Tùng cũng không trở về nhà liền, mà ngồi trong góc khuất hút hết những điếu thuốc trong bao. Dưới chân lão ta lúc này đã đầy những tàn thuốc, khói thuốc mờ ảo bay quanh che khuất biểu cảm ở trên mặt lão. Tuy lão đã quyết định nhưng khi thực hiện thì vẫn có chút không thoải mãi.
Thằng Lập dọn dẹp hết tất cả đồ đạc trên thuyền xong, liền nhanh chân đến bên cạnh lão Tùng. Nhìn đống tàn thuốc đã chất đống, nó nhịn không được khuyên nhủ:
— Thầy đừng hút thuốc nhiều kẻo hại phổi đấy. Quanh năm làm dưới nước, rồi còn hút mấy cái thứ độc hại này. Không tốt cho sức khỏe đâu thầy.
Lão Tùng nghe vậy, nhưng cũng bỏ ở ngoài tai. Lão đưa cho thằng Lập điếu thuốc rồi nói:
— Mày hút đi.
Thằng Lập lắc đầu từ chối:
— Con không hút được đâu thầy. Từ nhỏ đến lớn con chưa bao giờ đụng đến thứ này.
Lão Tùng nghe vậy, cũng không nói nhiều mà nhét thẳng điếu thuốc vào tay của nó. Lão nói:
— Mày không hút, vậy thì làm sao có thể lấn ác được cái mùi ở trên người mày chứ?
Thằng Lập giật mình.
— Mùi gì thầy? Trên người của con thì có mùi gì được chứ?
Lão Tùng bình thản, dụi dụi điếu thuốc xuống đất rồi đứng dậy. Trước khi đi, lão ta không quên trả lời:
— Mùi xác chết. Nếu mà đã chọn cái nghề này rồi, vậy thì cả đời này trên người mày sẽ toàn là mùi của xác chết.
Nghe lão ta nói vậy, thằng Lập xanh mét cả mặt. Nó ngửi ngửi bản thân. Cũng không biết từ lúc nào mà trên cơ thể của nó đã ám đầy mùi của xác chết.
Nhìn vẻ mặt của nó. Lão Tùng lắc đầu ngao ngán, năm xưa lão bước chân vào cái nghề này cũng ngu ngốc như vậy. Lúc đầu thấy thầy của mình hút thuốc nhiều còn không hiểu vì sao, sau này mới ngộ ra là để lấn át đi cái mùi hôi thối của thi thể này. Còn nhớ hồi đó, sau khi cưới bà Tâm, có lần lão đi vớt xác về quên tắm, khiến bà ấy ngửi thấy mùi mà cả gương mặt trắng bệch hết cả lên. Sau này lão đã cẩn thận hơn nhiều rồi, mỗi lần vớt xác về lão điều hút thuốc lá đậm để cái mùi kia vơi bớt.
Lão Tùng thở dài, vỗ vai thằng Lập an ủi:
— Mày cứ tập quen dần đi.
Nói rồi, lão Tùng quay đầu đi mất. Con đường về nhà hôm nay lại dài dằng dặc một cách lạ thường. Sau khi về đến nhà, lão Tùng liền đi tắm táp sạch sẽ, tuy không tẩy hết được mùi xác chết nhưng lão cũng cảm thấy thoải mái hơn. Xong xuôi hết cả, lão Tùng liền lấy chai rượu trắng ra sân ngồi uống. Men cay nồng khiến cho đầu óc của lão trở nên mơ màng. Lão Tùng cảm thấy, hôm nay sao mà trong lòng cứ thấy bứt rứt, như bản thân vừa làm sai điều gì đấy. Nhưng khi ngẫm lại, lão thấy bản thân mình không hề làm việc gì tội lỗi.
Có lẽ, là vì cái xác nổi kia. Có lẽ không vớt nó, làm trái quy tắc với lương tâm nên lão thấy day dứt.
Lão Tùng lẩm bẩm:
— Chỉ là một cái xác. Mình quan tâm đến làm gì. Mai mốt gì lão Trần cũng vớt được thôi. Không sớm thì muộn!
An ủi bản thân xong, lão Tùng lại ngồi nhìn trời. Miệng hát nghêu ngao:
” Trăng bao nhiêu tuổi trăng già,
Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non.
Trăng bao nhiêu tuổi trăng tròn,
Núi bao nhiêu tuổi, núi còn trơ trơ.”
Giọng hát khản đặc, đậm chất say men nồng.
Đoạn lão Tùng đang hát vu vơ, thì ở bên ngoài bỗng nhiên xuất hiện bóng dáng của một người đàn bà lam lũ. Bước chân của bà ta vội vàng, gương mặt tiều tụy như đã quá lâu không ngủ. Lão Tùng lúc này nhìn kỹ lại, thì liền nhận ra đó là mụ Tám ở tít tận sau làng. Nhưng mà hôm nay bà ấy đến đây tìm ông để làm cái gì chứ?
Mụ Tám năm nay cũng gần sáu mươi, nghe đâu chồng mất, chỉ sống cùng một đứa con trai. Hình như thằng con trai ấy cũng đã hơn hai mươi.
Lão Tùng nhanh chóng đứng dậy, sau đó nhìn mụ Tám. Gương mặt bày ra vẻ không hiểu, hỏi:
— Bà Tám, hôm nay bà đến nhà tôi để tìm ai thế? Là tìm vợ tôi đấy à?
— Ông, ông Tùng…
Chờ lão nói xong, mụ Tám liền cất cái giọng run run gọi. Còn chưa chờ lão Tùng kịp hiểu gì thì bỗng nhiên mụ Tám quỳ gối xuống, đầu liên tục lạy lão.
— Ông Tùng ơi! Tôi cầu xin ông, ông hãy ra sông Hạ vớt xác của con trai tôi về đi. Huhu, cầu xin ông hãy vớt lấy thân xác của nó. Tôi không thể để nó bị dòng nước lạnh lẽo chôn thây được…
Chưa chờ lão ấy kịp nói gì thì mụ Tám đã gào lên thảm thiết. Chuyện là đứa con trai của mụ theo chân của ông Lý đi đánh bắt cá, thế nhưng gặp nạn chết người. Sáng hôm ấy, mụ liền chạy đến nhà ông Lý thăm chuyện, nhưng lúc đó chưa có tin gì. Sau đó, ba người sống sót kia về truyền lại tin dữ. Ba ngày nay, khi nhà lão Trần vớt được bao nhiêu xác là tim mụ là đau đớn bấy nhiêu. Ấy vậy mà, đến khi cái xác thứ sáu được vớt lên, mụ vẫn không nhìn thấy được xác của con trai mình. Ba ngày nay, mụ không hề chợp mắt được dù chỉ là một chút. Đến cái xác của ông Lý còn vớt lên được, vậy thì xác của con bà đang lạc trôi ở nơi đâu.
Mụ Tám càng nghĩ, trái tim càng thêm đau nhức đến lạ thường. Mụ ta không màn đến cái gọi là mặt mũi mà bám lấy chân của lão Tùng, liên tục van xin:
— Cầu xin ông! Ông ra sông vớt xác của con trai tôi lên giúp tôi. Cái thân già này chỉ còn mỗi nó, tôi không thể để nó tan thịt dưới dòng sông được… Cầu xin ông, chỉ cần ông vớt được xác của nó thì trả bao nhiêu tiền cũng được…