CHƯƠNG 4:
Nghe những lời của mụ Tám, không hiểu sao trong đầu của lão Tùng lại hiện lên hình ảnh cái xác nổi ở trên khúc sông kia, là cái xác mà chính tay lão đã thả trôi đi theo dòng nước. Lão Tùng đột ngột lên tiếng hỏi:
— Hôm đấy, con trai của bà mặc bộ quần áo màu gì?
Mụ Tám vốn dĩ còn đang khóc, nghe lão ấy hỏi thăm như vậy liền nghĩ bụng lão đã đồng ý. Thế nên mụ liền nhanh nhảu trả lời:
— Tôi, tôi còn nhớ rõ. Hôm đấy, thằng Triều nhà tôi mặc bộ quần áo màu nâu đã bị sờn. Ở trên đầu gối, còn được vá một mảng bằng vải bố…
Nghe bà ấy nói vậy. Lão Tùng cũng đã chắc chắn được, cái xác mà bản thân mình buông ra chính là của thằng Triều, con trai duy nhất của mụ Tám. Nhưng mà, giờ đây mụ ấy đến nhờ lão đi vớt xác của đứa con trai ấy, lão ta nào dám nói chính mình vì tham tiền mà thả cái xác kia đi để chạy theo xác của lão Lý được chứ. Lão Tùng vỗ trán, trong bụng thầm quyết định từ chối vụ này. Lão ấy bày ra gương mặt khó xử:
— Bà Tám, chuyện này e là tôi thật sự không giúp được bà rồi.
Đây là lời lão nói thật lòng. Muốn vớt được xác lên bờ, ngoại trừ quan sát kỹ càng thì còn phải cần cái duyên. Mỗi lần đi vớt xác, lão thường đợi, đợi xác đến tìm mình để được đưa về với gia đình. Nhưng lần này, xác của thằng Triều đã tự động tìm đến lão, thế mà lão ta lại thả đi, vậy nên giờ sợ là không thể tìm được nữa.
Nói đoạn, lão Tùng cười một cách hiền lành. Lão trấn an mụ Tám:
— Bà bớt đau buồn! Chắc là ngày mai, lão Trần sẽ tìm ra được xác của con trai bà thôi. Bà cũng biết, cái nghề này của tôi cũng có nhiều quy tắc khó nói. Tôi cũng không thể vì bà mà phá vỡ mấy cái quy tắc kia được.
Lão đây là nói dối. Thế nhưng làm vậy mới đuổi được mụ Tám này về. Nếu còn để mụ ta ở đây khóc lóc, vậy thì lão nhất định sẽ mềm lòng mà đi tìm xác của con trai mụ ấy. Mà lão thật sự đã hết duyên với cái xác ấy, dù có tìm mờ mắt cũng sợ là tìm không ra. Hiện tại, lão chỉ còn cách từ chối thôi, lão không thể để cho mụ ấy hi vọng vào được nữa.
Mụ Tám nghe thấy lời từ chối của lão Tùng, nhịn không được ngồi trên mặt đất ôm gối khóc rống lớn tiếng lên. Lão Tùng nhìn thấy, cũng không đành lòng, nhưng lão chỉ lắc đầu rồi bỏ đi vào nhà. Đóng cửa lại, lão Tùng vẫn nghe thoáng đâu đấy tiếng khóc tru tréo của mụ Tám. Lão chỉ biết thở dài rồi leo lên giường, giả vờ mắt mờ tai điếc.
Lão Tùng không biết mụ Tám bên ngoài khóc bao nhiêu lâu, nhưng qua nữa tiếng thì ở âm thanh cũng đã ngừng lại. Lão ta thính tai nghe thấy tiếng bước chân xa dần, có lẽ là mụ Tám đã bỏ đi rồi. Lúc này, lão ta mới từ trên giường ngồi dậy, bàn tay vỗ trán. Trong lòng lại dâng lên cảm giác khó chịu vô cùng.
Cũng đã đến giờ nghĩ trưa, thế nên bà Tâm ngoài chợ đã trở về. Trên tay còn xách đùm rau với cá, lão biết đây là vợ đang muốn tẩm bổ cho bản thân mình. Lão Tùng móc số tiền khi sáng nhà ông Lý trả ra, sau đó đưa cho bà Tâm.
Bà Tâm nhận lấy. Miệng như một thói quen, liền hỏi:
— Hôm nay, mọi chuyện có thuận lợi không ông?
Lão Tùng lại châm điếu thuốc, sau đó ngồi hút phì phà. Lão nói:
— Thuận lợi. Tôi mà đã ra tay, thì xác nào chẳng tìm ra được. Cũng phải xem tên tuổi của tôi chứ.
Biết là chồng đang nói đùa. Bà Tâm chỉ cười một cái, như nghĩ đến gì đó. Bà bỗng nhiên lên tiếng, giọng nói lộ rõ sự thương hại và thông cảm.
— Ông không biết đây. Đợt chìm thuyền này. Còn có con của mụ Tám ở tận tít sau làng ấy. Nghe đâu, xác của mấy người trên thuyền đều đã được vớt về hết rồi. Nhưng mà xác của thằng Triều lại không tìm ra được. Khi chiều tôi thấy mụ Tám chạy ngược chạy xuôi, tìm người kiếm xác của con trai mà thấy thương…
Nói rồi, bà Tâm lại thở dài. Con cái là của nợ cũng là miếng thịt trên người rớt ra. Gặp chuyện như vậy, sao mà lại không đau lòng được cơ chứ. Huống chi, xác của con mình còn tìm chưa ra.
Lão Tùng nghe vậy thì im lặng. Lão ta thở dài, điếu thuốc trên tay lượn lờ khói nồng. Lão đã cố không nghĩ đến những chuyện này rồi, mà tại sao ai cũng nhắc đi nhắc lại chứ. Lão Tùng dụi điếu thuốc, bực bội không thôi.
— Bà lo làm gì? Chẳng phải còn lão Trần kia hay sao? Sớm hay muộn gì lão ta cũng tìm ra xác của con mụ Tám thôi.
Bà Tâm lại lắc đầu.
— Nghe đâu, lão Trần và mười mấy anh em tìm quanh chỗ thuyền chìm nhưng lại không thấy được xác nó. Cũng không biết là cái đứa tội nghiệp đó đã bị trôi đi đâu mất rồi.
Nói đoạn, bà Tâm lại tiếp tục lẩm bẩm bao nhiêu thứ. Lão Tùng không muốn nghe nên nhanh chóng đi vào lại giường nằm. Gác tay lên trán, trong đầu lão lại hiện ra hình ảnh cái xác chết trôi nổi kia. Thật là, biết vậy lão đã vớt cái xác kia lên cho rồi. Giờ đỡ nghe mấy cái lời này, rồi lại cắn rứt lương tâm như này.
Buổi trưa ngày hôm nay, bà Tâm nấu bao nhiêu món ngon, thế nhưng lão Tùng nuốt không nổi được miếng nào. Lão chỉ ăn qua loa vài thứ, sau đó ra hiên ngồi ngẩn ngơ cả một buổi chiều. Đến tối, lão ấy đột nhiên gọi thằng con trai của mình vào rồi dặn dò.
— Lát mày chạy qua nhà thằng Lập, bảo nó mai ra bến gặp tao. Rồi đi có chút chuyện.
Thằng Tí năm nay mười tuổi. Nghe ba nói vậy thì cũng chỉ biết gật đầu vâng dạ.
— Dạ, con biết rồi. Xíu con chạy sang gọi anh Lập rồi nói lại lời của ba cho anh ấy!
Lão Tùng thấy con trai ngoan ngoãn như vậy, cũng thấy mát lòng mát dạ không thôi. Lão xoa đầu thằng Tí, rồi cho nó ít tiền mua kẹo. Nhận được tiền, thằng Tí liền như một cơn gió chạy vụt một cái khỏi nhà.
Lúc này, bà Tâm đang loay hoay. Nghe chồng nói với con trai, bà ấy liền hỏi:
— Mai ông đi đâu à?
Lão Tùng gật đầu, rồi lại thở dài:
— Mai tôi ra sông, tìm thử xem có ra xác của thằng con trai mụ Tám không! Tội nghiệp bả, một thân một mình giờ còn mất con.
Bà Tâm nghe vậy thì vui lắm. Đúng là chồng của bà, vẫn tính tình tốt bụng như ngày nào. Nghĩ vậy, bà liền cảm thấy có lỗi vì đã nghi ngờ chồng mình vật chất, tính toán với những xác chết.
Mà lão Tùng, cũng không biết suy nghĩ của vợ mình. Lão đồng ý ra sông tìm lại cái xác chết ấy, cũng bởi vì không muốn bị bứt rứt mà thôi. Chứ không phải vì lòng tốt hay thông cảm gì cho mụ Tám cả. Nhưng cái nghĩ thầm ấy, lão ta cũng không muốn nói ra, cứ để như vậy đi, để cho lão mang tiếng tốt với dân làng.
Một đêm bình yên trôi qua.
Sáng hôm sau, lão Tùng lại lục đục đi ra thuyền của mình như cũ. Lúc lão ta đến nơi thì đã thấy thằng Lập ngồi ở đó, trước mũi thuyền cũng đã treo một tấm vải đỏ để trừ tà. Lão Tùng nhìn thấy vậy liền gật đầu hài lòng, xem ra cái thằng cu cậu này cũng có tiến bộ đấy. Hôm qua mới thấy lão treo mà giờ đã làm theo được. Lão Tùng khen thầm, nhưng gương mặt vẫn trầm trầm như cũ. Lúc lão bước xuống thuyền, thì mới phát hiện ra con gà trống nằm trong giỏ xách mà hôm qua thằng Lập đã mua.
Có lẽ là nhìn theo ánh mắt của lão Tùng, thằng Lập cũng nhìn thấy con gà kia. Hôm qua nó còn thắc mắc không biết thầy ấy mua con gà này để làm gì, mà nguyên cả buổi vớt xác không thấy thầy dùng đến nó.
Thằng Lập xách giỏ đựng gà lên, đưa lên trước mặt tấm tắc khen:
— Thầy ơi, con gà này mà hầm cháo thì ngon phải biết đấy! Nhìn cả thân nó mập mạp biết bao…
— Ăn ăn, chỉ biết ăn!
Chưa chờ nó nói xong, lão Tùng liền lạnh mặt cắt ngang. Lão ta lườm thằng Lập, rồi giải thích:
— Cái nghề vớt xác chính là công việc giành giật xác chết với hà bá. Thế nên mỗi lần xuống thuyền đều phải đem một con gà trống khỏe mạnh đi cúng tế Hà Bá, xong rồi vặn cổ của nó ném xuống sông làm vật tế.
Nghe lời giảng giải của lão Tùng, thằng Lập như hiểu biết thêm về cái nghề này.
Lão Tùng vỗ vai nó một phát, rồi lại cho thuyền chạy lên đầu nguồn như ngày hôm qua. Lão ấy không nói với thằng Lập, nhưng nó cũng biết lão đang đi đâu. Cái xác hôm qua mà hai thầy nó bỏ trôi, đến tối về nó cũng nghe ngóng được vài tin tức. Hình như đó là con trai của mụ Tám nghèo.
Thằng Lập lấy dây đỏ buộc vào ngón tay giữa giống y đúc lão Tùng. Rồi ngồi xuống thuyền đợi thời gian trôi qua.
Hôm nay trời còn u ám hơn cả ngày qua, thậm chí còn lất phất mưa phùn, nhưng không có giông hay sấm chớp. Lão Tùng nhìn thời tiết, khi đã nắm chắc rằng hôm nay chỉ có mưa thì mới yên tâm ngồi nghĩ. Sương mù phủ kín cả đoạn sông, có lẽ là trời có chút lạnh nên trông qua rất mờ mờ ảo ảo. Lão Tùng lại châm điếu thuốc ngậm vào miệng, con thuyền chảy đến hạ lưu của dòng sông Hạ như ngày trước.
Lão Tùng lúc này đã đứng dậy nhìn quanh một vòng, nhưng điều khiến cho lão thất vọng là lại không nhìn thấy cái gì! Lão ta thở dài, miệng lẩm bẩm.
— Mẹ mày đang chờ, mày mà không về thì bả phải làm sao chứ! Mà nghĩ lại, dù mày có về, thì cũng chỉ nằm trong một cái quan tài rẻ. Chắc là mày thích nằm ở đây hơn nghỉ?
Có lẽ là bầu không khí quá mức yên tĩnh thế nên thằng Lập cũng thấy có chút ngột ngạt. Nó khơi ra chuyện để nói với lão Tùng.
— Thầy ơi, con nghe nói làm cái nghề này có mấy điều cấm kị. Thầy có thể cho con biết không?
Lão Tùng khảy tàn thuốc trên tay, ánh mắt bình thản trông ngó mặt nước. Cất cái giọng khàn khàn.
— Có ba điều cấm kị mà mày nhất định phải nhớ khi làm nghề này. Đó chính là, không được đi vớt xác vào những ngày giông bão. Thứ hai chính là qua ba lần vớt xác, nếu đã không thành thì không được cố. Còn cái cuối cùng thì…
Lão còn chưa kịp nói xong, thì khi chiếc thuyền chạy được một đoạn xa, lão Tùng phát hiện cái đầu của một người đàn ông nổi trên mặt nước. Chưa chờ lão kịp phản ứng, thì thằng Lập đã lồm cồm bò dậy chỉ tay réo lên:
— Thầy, thầy! Nhìn kìa, là cái xác ngày hôm qua đấy. Chúng ta mau cho thuyền qua vớt đi.
Nhưng khác với sự phấn khích của thằng Lập, lúc này cả gương mặt lão Tùng đã xanh mét hết rồi. Thằng Lập cũng bắt chước theo động tác hôm qua của lão Tùng, tay cầm móc câu chuẩn bị móc lấy cái xác kia. Ấy vậy nhưng lão Tùng lại cản, lão ta trợn mắt nhìn thằng Lập sau đó cho thuyền rời khỏi cái nơi ám trầm này.