1.
Vén tay áo lau đi giọt mồ hôi trên trán, bà Liễu thở ra một hơi mệt mỏi. Mặt trời đã đứng bóng vậy mà vẫn chưa thấy thằng Quý mang nắm cơm ra đồng cho bà. Nhấc chân khỏi ruộng bùn, bà Liễu bước từng bước nặng nề rồi đi lên một gốc cây nghỉ ngơi, vừa đợi con vừa phe phẩy cái nón rách để xua đi cái nóng đang bốc lên tận cổ.
Chồng bà Liễu mất sớm, để lại bà và hai đứa con trai thơ dại khi chúng còn chưa rõ mặt cha. Một mình bà tần tảo nuôi hai đứa khôn lớn, nhưng có lẽ ngần nấy vất vả còn chưa đủ nên trời tiếp tục giáng nỗi bất hạnh xuống gia đình nhỏ của bà. Lúc sinh ra đặt tên hai đứa lần lượt là Quyền và Quý, những tưởng cuộc đời chúng sẽ yên ấm và sung túc như tên gọi nhưng chung quy lại vẫn bị cái đói cái nghèo bủa vây khốn đốn. Nghiệt ngã hơn, không được bình thường như anh trai mình, Quý lại bị chứng thiểu năng trí tuệ. Năm nay đã hai mươi mấy tuổi đầu nhưng trí óc anh chỉ dừng lại như một đứa trẻ tám tuổi.
Có bệnh thì vái tứ phương, bà Liễu chạy chọt khắp nơi, làng trên xóm dưới, bao nhiêu thầy lang khi thăm khám xong chỉ để lại cho bà cái lắc đầu tuyệt vọng. Tiền của chẳng có là bao, bà Liễu chỉ đành nuốt ngược nước mắt nhìn con mình khờ khạo mà đau đớn như cứa vào từng mảnh ruột. Thấu hiểu với nỗi vất vả của mẹ, Quyền lớn lên đã xin bà Liễu cho lên huyện kiếm việc làm phụ giúp bà và chăm sóc đứa em bệnh tật. Chân ướt chân ráo bước ra xa nhà, Quyền làm đủ thứ việc để kiếm sống, khi ấy Quyền mới biết đồng tiền kiếm được từ mồ hôi của chính mình chưa bao giờ là dễ dàng cả. Bận bịu tối mặt tối mũi trên huyện, Quyền cũng chẳng có nhiều thời gian về thăm nhà, có khi một hai tháng mới về một lần, đưa cho bà Liễu ít tiền rồi lóc cóc quay lại làm việc.
Bà Liễu ở nhà kiên trì dạy cho Quý nhiều thứ, từ các hoạt động vệ sinh hằng ngày cho tới những công việc dễ hiểu. Quý vậy mà cũng biết nghe lời, sau nhiều lần được mẹ chỉ dạy Quý cũng đã biết phụ bà Liễu quét cái nhà, dọn sân vườn, thậm chí dạo gần đây anh còn thổi được cơm, điều này làm bà Liễu hết sức vui mừng. Nói là cơm, nhưng thực chất cơm ấy phải độn vào bốn năm phần khoai sắn bên trong. Nắm cơm thường ngày Quý mang ra đồng cho bà Liễu chỉ đùm vào trong một cái lá chuối sạch, rắc vào đó ít muối lạc và vài lá rau mồng tơi luộc.
Bà Liễu nhìn ra con đường dẫn ra đồng, vẫn chưa thấy bóng dáng của Quý, trong lòng bà tự dưng sinh ra một nỗi bất an khó hiểu. Bỗng bà chú ý ngay bờ mương bên cạnh, một con cá rô tự nhiên nổi lên trên mặt nước, đớp đớp ba lần sau đó nằm lật ngửa bụng ra rồi chìm dần xuống đáy. Còn chưa hết ngạc nhiên, từ trên trời, một con chim diều hâu đang bay kêu lên oang oác bỗng dưng khựng lại rồi lao đầu xuống cái mương nằm im bất động. Bà Liễu liền rùng mình, từng mảng gai ốc nổi từ sau gáy xuống cánh tay khiến toàn thân bà lạnh toát. ‘’Chim sa cá lặn’’ ngay trước mắt đang báo điềm dữ đến với bà và gia đình. Tâm can nóng như lửa đốt, bà vội vã đội cái nón rách rồi bước nhanh đi về nhà.
Cách đó không lâu, Quý nắm xong cơm, bỏ vào lá chuối mang cho mẹ ngoài đồng. Đoạn đường từ nhà ra đồng khá xa, vừa đi anh vừa hát nghêu ngao, chạy vòng qua mấy đám rơm khô đầu làng tiện tay bứt vài cọng buộc lên đầu rồi cười hềnh hệch. Bỗng Quý nghe thấy một tiếng hét thất thanh, ngoảnh mặt ra triền đê ngoài anh thấy có một cô bé đang chạy bán sống bán chết, phía sau có một con chó lạ đuổi theo. Quý vội vã chạy tới nhưng không kịp, con chó đã nhảy xồ lên, táp vào người rồi cắn xé khiến cô bé bất tỉnh, nằm gục trong vũng máu. Con chó thấy Quý tới xua đuổi liền rên lên ư ử rồi cụp đuôi bỏ chạy. Quý hốt hoảng ngồi xuống nhìn cô bé, đây chính là cái Mẫn- con gái cưng của gia đình Chánh Tổng uy quyền nhất cái làng này.
Quý khờ xé một mảnh áo rách rồi băng vào vết thương cho cái Mẫn, vừa làm vừa ngờ nghệch lẩm bẩm:
‘’Mẫn… Mẫn bị chảy máu à? Máu… máu… mẹ dặn… phải gọi cho người lớn.’’
Quý ngờ nghệch bế cái Mẫn lên rồi lập tức chạy tới nhà ông bà Chánh Tổng. Nhưng Quý ngây ngô chẳng biết được hành động này của anh lại bắt đầu cho một tấn bi kịch không ai có thể ngờ tới.