Nhiều năm về trước ở cái ấp Tân Hựu nơi tiếp giáp với ấp Tân Phú được ngăn cách bởi một con sông nhỏ có một căn nhà gạch 3 gian, mái tôn vách tường phủ kín rêu phong đổ nát tiêu điều, nghe người dân quanh vùng đồn là bị ma quỷ trong đó ám nặng lắm. Đó là nhà của gia đình bà Út Mân, một trong những gia đình khá giả nhất ở cái ấp này. Do tính cách bà dị thuờng trầm lắng hiếm khi giao tiếp với mọi người xung quanh nên khi dựng nhà sinh sống bà đã chọn miếng đất sâu bên trong con lộ lớn nằm biệt lập một mảnh vườn rậm rạp ngăn cách những nhà khác bên ngoài. Chính vì vậy mà chẳng có mấy ai sởi lởi mà mò đến nhà của bà ta để thăm hỏi trò chuyện.
Thời ấy, đường ở dưới quê đâu có đèn, toàn là đất bùn sình lầy ẩm ướt mỗi khi mưa trút xuống. Tuy vậy, chẳng ai hiểu vì sao mà bà ta lại chọn cái miếng đất ấy làm nơi định cư dù ai cũng biết bà ta đâu phải thuộc diện khó khăn gì, chồng thì làm một chức vụ nhỏ cho chế độ cũ, nhà có 3 con, 2 trai 1 gái đều ăn học ở trên tỉnh. Duy chỉ có một mình bà là chọn cái nơi khỉ ho cò gáy này mà sống thui thủi cô độc mà thôi.
Mãi cho đến vài năm sau, người dân được tin bà Út Mân treo cổ chết ở trong nhà, phải hơn cả tuần cái xác bốc mùi hôi thối lan ra ngoài người dân mới phát hiện được mà chạy đi báo cho chính quyền xuống điều tra vụ việc. Thông tin về cái chết treo cổ của bà Út Mân nhanh chóng kết thúc, khép lại quá trình điều tra chỉ vỏn vẹn 1 ngày trời. Thế nhưng, tưởng chừng như mọi chuyện trôi qua một cách bình lặng mãi đến gần 2 tháng sau liên tiếp có 3 người treo cổ chết ở trong cái nhà ấy và 3 người xấu số đó không ai khác chính là 3 đứa con của bà Út Mân.
Mọi người bàng hoàng chẳng biết nguyên nhân vì sao mà cả 3 đứa nó lại mò về đây tự tử như vậy? Trong khi tuổi đời còn quá trẻ, cuộc sống trên tỉnh lại ổn định không hề có vướng bận gì. Riêng ông chồng từ sau khi biết tin vợ con treo cổ chết chỉ trong một thời gian ngắn thì lập tức ông bán căn nhà ấy cho một gia đình khác rồi dọn đồ ở hẳn luôn trên tỉnh. Tuyệt không bao giờ trở về cái vùng đất tai ương ấy nữa. Cho đến 2 năm sau.
Năm 1965, tại ấp Tân Hựu, xã Tân Nhuận Đông thuộc quận Sa Đéc tỉnh Vĩnh Long.
Những tốp thợ thuyền bắt đầu chia ra san phẳng mặt bằng quanh ngôi nhà, phải nói địa thế ở đây tương đối đẹp do trước đó đã được chính quyền khai khẩn mở rộng diện tích đón nhận thêm những người từ vùng khác đến nhập cư sinh sống. Nhưng đó chỉ là 1 phần trong chính sách của chính quyền địa phương mà thôi bởi sắp tới đây, người dân được tin Nhà nước sẽ nâng cấp quận Sa Đéc thành tỉnh Sa Đéc, nghĩa là nó không còn trực thuộc tỉnh Vĩnh Long như hiện tại nữa và đó cũng là tin vui cho bà con sinh sống lâu đời ở đây.
—- “Ê ê..coi chừng tụi bây.”
Tiếng của một người đàn ông hét lên thất thanh giữa buổi trưa nắng gắt, cùng lúc đó một mảng tường nhất loạt đổ ập xuống đất cạnh 2 người thanh niên đang đứng, cả 2 giật mình la lên lùi nhanh về phía sau, mặt cắt không còn hột máu.
—- “Nè, hai ông có sao hông? Nguy hiểm quá trời luôn vậy á.”
—- “Má nó, xém chút nữa đi gặp ông bà rồi. Mà sao giờ cha mới la lên, đáng ra biết nó sắp đổ thì ông phải báo tụi này biết chứ?”
Một người đàn ông khác tay cầm cái búa tạ đứng chống tay nói đỡ hộ người đàn ông kia.
—- “Thui, đừng có cãi nhau nữa, tai nó tự nhiên đổ xuống chứ ai có biết cái gì đâu? Mày chửi vậy là bậy rồi đó nha Chính. Mà thui, tiếp tục mần việc đi rồi còn nghỉ ngơi ăn uống nữa.”
Sự cố vừa rồi vô tình làm náo động những hộ dân sống gần đó, nhưng họ chỉ lướt nhìn thoáng qua một cái rồi lại thôi. Chốc chốc thì trời cũng ngã về chiều, mọi người bắt đầu dọn dẹp về nhà nghỉ ngơi, chỉ riêng có 2 người thanh niên và 1 ông chú ở ấp bên phụ dựng nhà là còn ở lại nhậu nhẹt mà thôi. Ngồi giữa một khoảng đất trống rộng lớn bên cạnh là hàng cây xanh rợp bóng mát, gió thổi đìu hiu, cách chỗ 3 người ngồi nhậu không xa là 1 cái miếu thờ nhỏ được dựng đứng bằng cột đá chắc chắn. Đang chén chú chén anh thì Trình, chàng thanh niên 21 tuổi bỗng khựng lại, trên tay cầm ly rượu Gò Đen kề trên miệng chưa kịp uống dán đôi mắt nhìn về hướng cái ngôi miếu thờ cũ kỹ, lụp xụp đang dần đắm chìm trong màn đêm. Tính, một ông chú tuổi ngoài 40 nhìn anh cảm thấy lạ rồi hỏi.
—- “Ê Trình, bây bị sao vậy? Có cái gì ở ngoài đó nhìn dữ vậy mậy?”
—- “Hai ông thử nhìn chỗ cái miếu thờ ở đằng kia coi coi, phải có người đang đứng thắp nhang hông?”
Hai người đàn ông đồng loạt ngoảnh đầu lại nhìn về phía ngôi miếu đứng trơ trọi trên cột đá, cả 2 nheo mắt nhìn cho kỹ khi thấy chẳng có bóng dáng ai quanh đó, chợt anh Khắc, lớn hơn Trình 2 tuổi lúc này đã ngà ngà say mỉm cười vỗ lên vai cậu bạn rồi đáp.
—- “Hức..hức. Mày nói ai? Tao nhìn có thấy ai đâu? Bộ mày tính nhảy vòng hả? Uống đi mày, rượu Gò Đen mà chê thì hông phải đàn ông à nghen.”
Mặc cho đứa bạn chất vấn, anh Trình vẫn quả quyết xác nhận là mình đã thấy có người đứng trước cái miếu, hai tay chắp lại như đang khấn vái nhưng không sao anh trông rõ mặt cái người đó là ai vì nó rất mờ nhạt. Khi này, ông Tính ngẫm nghĩ một lúc rồi mới sực nhớ ra nói với 2 chàng thanh niên bằng chất giọng trầm đục, nét mặt có chút thay đổi như lo lắng một điều gì đó. Trong khoảng khắc toàn bộ những giai thoại ma quái về miếng đất hay nói đúng hơn là cái căn nhà hiện tại mà ông và mọi người đang phá bỏ đều được thuật lại một cách trôi chảy như thể chính ông là người từng chứng kiến hoặc trực tiếp ở trong cái nhà đó vậy.
Anh Trình và Khắc nghe ông kể mà không khỏi rùng mình lạnh sống lưng, bởi từ lâu cả 2 cũng được nghe thoáng qua sự tích rùng rợn về cái nhà đó một lần rồi nhưng họ không nghĩ rằng nó ám ảnh đến như vậy nhất là qua lời kể của ông Tính hiện giờ. Chợt ông kết luận trước khi kết thúc bàn nhậu.
—- “Bởi mới nói, những người chết tức chết tưởi nhất là treo cổ tự tử đó. Nó ghê dữ lắm à. Hông có nói bậy chỗ đó được đâu. Tụi bây nhớ đó.”
Nói xong, cả 3 nhanh chóng dọn dẹp sạch sẽ chỗ nhậu rồi kéo nhau đi một mạch về nhà, không dám ngoảnh mặt lại nhìn về cái ngôi miếu cũng như đống đổ nát của căn nhà ấy nữa vì ai nấy đều thấp thỏm chẳng may vô tình nhìn ra sau, lỡ mà thấy có bóng người đang treo lủng lẳng trên một nhành cây hoặc gương mặt kinh dị nào đó thì sẽ đứng tim chết ngất đi mất.
Gần 1 tháng sau thì một căn nhà mới được hình thành, nhìn chung tổng thể kết cấu cũng như ngoại hình chẳng khác căn nhà cũ trước kia của bà Út Mân là mấy. Nhưng bù lại không gian có vẻ thoáng đãng hơn, cảm giác âm u, lạnh lẽo cũng tan biến hẳn. Ông Kỳ năm nay ngoài 50 là đời chủ thứ 4 sống trong mảnh đất này, người vợ tên Xuân kém ông 2 tuổi, cả 2 có 4 người con 3 trai 1 gái. Đứa con trai trưởng tên Tự năm nay đã 25 tuổi, con gái út tên Chiêu chỉ mới 17. Tuy nhiên cả 4 anh em có tính cách trái ngược nhau nên lúc nào trong nhà cũng xảy ra cãi vã và may mắn thay chưa có cuộc xung đột hay ẩu đả nào cả.
Ngày tổ chức tiệc tân gia, ông Kỳ vẫn chưa có thời gian đi gặp mặt để làm quen với xóm giềng ngoài những người làm ăn và bạn bè của vợ chồng ông mà thôi. Ngồi ngoài sân nhìn ngắm căn nhà khang trang rộng rãi, trước mắt ông bỗng cảm giác lâng lâng vì thành quả của mình. Vốn dĩ từ lâu ông có ý định dọn về một vùng quê yên bình sinh sống để dưỡng già nhưng công việc làm ăn còn đề huề chưa sắp xếp được mãi cho đến khi ông giao quyền quản lý công ăn việc làm cho anh Tự trên tỉnh, ông mới rảnh rỗi bắt đầu tìm mua một miếng đất ở quê vợ ông sinh sống tận hưởng cái thú điền viên, không khí thanh bình.
—- “Ui da…”
Tiếng của đứa con trai thứ 2 tên Đạt kêu lên vì đau do không để ý mà vấp phải một sợi dây thừng được ai đó đặt giữa cửa phòng của nó. Nghe động, bà Xuân từ sau bếp tiến vào tay cầm theo một chai rượu Tây, đỡ con đứng dậy rồi gắt nhẹ.
—- “Cái thằng, đi đứng kiểu gì để té dơ hết quần áo rồi nè. Ra giàn nước vệ sinh cho sạch sẽ lại đi nhanh lên.”
Thằng Đạt ấm ức vì bị mẹ chửi, nó hầm hầm trút cơn giận lên cái sợi dây thừng dưới chân, một chân đá văng sợi dây ra khỏi cửa phòng rồi nói.
—- “Có phải tại con đâu, mới nãy có ai để sợi dây ngay cửa phòng, con bị vấp chân mới té chứ bộ.”
Bà Xuân cũng đưa mắt nhìn sợi dây dài ngoằn cũ kỹ đã lấm lem đất cát, bà tiến lại nhặt nó đưa lên nhìn thì bất ngờ bà hét lên một tiếng quăng nó bay thẳng ra ngoài sân trước sự ngạc nhiên của mấy bà bạn đang nấu nướng ở gian bếp. Một bà đứng gần cửa tò mò bước lại nhặt sợi dây lên nhìn thì chẳng thấy hiện tượng gì khiến cho mình sợ hãi cả, có chăng 2 bên đầu dây lấm tấm những vệt ố màu đen như bùn sình mà thôi. Chốc chốc 2,3 bà khác cũng xúm lại dõi theo nhưng nhanh chóng, bà Xuân chạy tới giựt nó khỏi tay bà bạn rồi đem đi vứt ở dưới con mương gần nhà. Mọi người ngơ ngác trông theo không hiểu bà bị làm sao mà lúc nãy hét lên như vậy, vài phút sau ở trước nhà tiếng những người đàn ông thúc giục vì chưa thấy món ăn mới dọn lên. Những người phụ nữ nhanh chóng cho qua cái sự lạ vừa rồi mà quay trở lại với công việc bếp núc dang dở…