Nằm giữa dòng chảy sông Hàm Luông có một mô đất mọc lên, nơi ấy gọi là Cù Lao Đất. Từ những năm đầu giải phóng, ở vùng đất này dưới mỗi tất đất đều là chiến sĩ và người dân nằm xuống. Nếu không nói quá, nơi đây giống như một bãi nghĩa địa lớn, có rất nhiều lời đồn đại về ma quỷ. Nhưng những năm ấy nghèo đói, có miếng đất dựng chòi cày cấy đã là may mắn. Sự đói nghèo cuối cùng cũng chiến thắng nỗi sợ hãi, người dân đành bấm bụng ở lại vùng đất này.
Một chiều tháng chạp, gió bấc thổi về lành lạnh, nước dâng cao tràn qua bờ ruộng. Ở cái nơi khỉ ho cò gáy chỉ cần mặt trời vừa xuống núi sẽ bắt đầu màn đêm tĩnh mịch. Không có ánh sáng, dầu cũng khan hiếm nên không ai dám đốt nhiều. Buổi tối bên ngoài lại không sạch sẽ nên hầu như mọi hoạt động đều phải làm xong trước khi mặt trời lặn.
Chị Nhàn dọn cơm ra chiếc bàn gỗ cũ kĩ để trước sân nhà, với gọi con gái đang chơi nhảy lò cò gần đó:
-Sương, mau đi gọi cha con về ăn cơm!
Sương năm nay mới chừng mười tuổi, mặt mày tròn trịa vô cùng đáng yêu. Nó dạ một tiếng rồi nhảy chân sáo dọc bờ kênh ra tận vàm tìm cha nó.
-Cha ơi, mẹ gọi về ăn cơm!
Anh Hoài, cha Sương đang neo ghe vào bờ sau bữa đi câu. Nghe con gái nói, anh đưa tay lên vẫy vẫy ra hiệu cho con gái về nhà. Sương gật đầu rồi định nhảy chân sáo đi về nhưng lại nghe dưới nước có tiếng cười trẻ em khúc khích đang chơi đùa. Tò mò, Sương nhìn xuống nước thì thấy hai đứa trẻ mặc đồ trắng đang chơi rất vui vẻ. Chỉ là nước mà Sương nhìn không phải là nước, mà là như phản chiếu một nơi nào đó.
Nhìn thấy Sương, hai đứa trẻ cười khúc khích rồi vẫy tay gọi nó chơi cùng. Anh Hoài còn chưa lên bờ thì đã nghe một tiếng “tõm” phía sau lưng mình. Vốn tưởng không có gì, anh nhìn lên bờ thì không thấy Sương đâu cả.
Giật mình, anh kêu tên Sương mấy lần rồi bỏ luôn ghe vlặn xuống đáy rạch tìm con gái mình. Đã tìm rất lâu vẫn không tìm thấy. Anh thút thít ngoi lên bờ để đi tìm người giúp thì thấy Sương cả người ướt sũng đang đứng trên bờ. Anh Hoài trèo nhanh lên bờ, xoay Sương mấy vòng để kiểm tra xem nó có an toàn không.
Sau khi thấy Sương vẫn bình an, anh mới hỏi:
-Làm sao con trèo lên bờ được vậy?
-Có người đã vớt con lên đó cha.
Nghe Sương trả lời, Hoài nhìn xung quanh thì không có một ai cả. Chỉ có mấy con bìm bịp kêu báo hiệu nước lớn một cách u buồn. Anh run lên, nắm tay Sương rồi nói:
-Chúng ta về nhanh thôi.
-Cha ơi, không cảm ơn cô ấy sao?
Sương nắm tay anh Hoài giữ lại, Hoài nghe đến đây thì càng thêm run. Anh hỏi:
-Cô, cô nào?
-Kia, cô gái có mái tóc dài, mặc áo dài trắng đang đứng trên thuyền kìa cha.
Anh Hoài tái cả mặt mũi nhìn một lần nữa và xác nhận vào buổi chiều tà hoang vắng này chỉ có hai cha con thì anh vội vã lấy tay bịt mắt con gái lại.
-Đừng nhìn, đừng nhìn. Chúng ta về thôi.
Suốt bữa cơm, anh Hoài cứ trầm tư mãi. Chị Nhàn thấy thế liền hỏi chồng:
-Sao mình có vẻ buồn bực vậy, chiều nay đi câu không suôn sẻ sao?
-Đâu có, đâu có. Chỉ là anh cảm thấy buổi chiều tối như vậy sau này đừng sai con đi gọi anh nữa, tự anh sẽ biết về mà.
Mấy ngày sau đó không xảy ra điều gì kì lạ khiến Hoài cũng bị cuốn vào công việc không để ý tới chuyện đó nữa. Những đêm đó đã hơn 12 giờ khuya, trời lành lạnh làm anh giật mình ho mấy cái. Vừa ho xong khiến cổ họng bị khô, anh vén màn ngồi dậy rót nước uống thì nhìn thấy chiếc màn trên giường đối diện, nơi mà vợ và con gái anh ngủ đã bị mở toang.
Hoài không nghĩ nhiều, anh xỏ dép đi qua sửa lại, sợ muỗi vào đốt hai mẹ con. Nhưng vừa đưa tay vén màn, anh Hoài đã như chết đứng, tay anh run rẩy khi nhìn thấy Nhàn nằm trên giường hai mắt trắng bệch, cả người sình trương như chết đuối, còn Sương đã biến mất không thấy đâu.
Mùng mười tháng chạp, trăng khuyết tờ mờ trên bầu trời, ánh sáng ít ỏi đang cố len lỏi qua đám dừa để soi xuống đất, lạnh lẽo và im lìm. Hoài tung cánh cửa lỏng lẻo chạy ra ngoài, cánh cửa yếu ớt làm bằng tre đáng thương cũng ra khỏi bậu cửa theo Hoài ra sân. Tiếng quạ kêu lảng vảng đâu đó khiến Hoài sởn tóc gáy, anh ngửa đầu nhìn lên trời, mấy cái bóng đen của quạ vừa bay phớt ngay đầu anh.
Ngay sau đó, anh nhìn thấy một cái bóng trắng đi ngang qua mình, là Sương. Sương đi thất thểu như mộng du, nó đang hướng về phía bờ ao đi tới. Anh Hoài vội chạy theo, nhưng lạ thay, anh chạy mãi, chạy mãi vẫn chậm hơn đi bộ bình thường. Sương bỏ anh một khoảng xa, nó đi tới bờ ao, sau đó chồm người ra tựa như đang soi bóng.
“Sương, Sương,…”
Anh Hoài gọi to nhưng lại chẳng phát chút âm thanh nào, ánh trăng lờ mờ như đang đè nặng lên người anh, di chuyển chậm chạp nhưng lại làm anh thở dốc. Sương mặc bộ đồ màu trắng, tóc đen dài tới lưng quần vẫn đang đứng ngoài bờ ao làm gì đó. Cảnh này nếu như để người nhẹ vía nhìn thấy chẳng sẽ xỉu ngay tại chỗ.
Anh Hoài ra sức gọi Sương nhưng vẫn không phát ra tiếng, chân cố gắng lê đi. Được một lát, bước chân anh dường như đã nhẹ hơn, anh đã rảo bước được nhanh về phía Sương. Vừa định vươn tay kéo Sương thì Hoài đã bị một bàn tay lạnh lẽo vịn lên vai. Hoài giật nảy mình hét lên một tiếng, sau khi quay lại thì thấy Nhàn đang vịn vai mình. Mặt mày Nhàn vẫn bình thường, hoàn toàn không giống bộ dạng chết sình lúc nãy Hoài nhìn thấy, chỉ là tay cô hơi lạnh vì trời gió. Hoài vừa thở ra một hơi dài sau cú giật mình kia thì nghe tiếng nói phía sau:
-Kìa cha, sao cha lại hét lên như thế?
Sương bước vào khỏi mép nước, nó lấy tay vén tóc đang sụp xuống mặt. Vừa nói xong lại thấy Nhàn sau lưng Hoài, nó giật mình nói tiếp:
-Kìa mẹ, sao mẹ cũng ở đây thế?
Hoài vẫn còn thần hồn trên mây, anh đổ mồ hôi nhễ nhại mặc dù trời đang lạnh. Nghe Sương hỏi, anh chẳng hơi sức đâu trả lời, thấy vậy Nhàn lên tiếng:
-Mẹ nghe thấy tiếng hai cha con kêu cứu nên tỉnh giấc. Làm mẹ sợ hết vía. Con làm sao lại nửa đêm chạy ra bờ ao làm gì?
Sương chẳng mảy may trả lời câu hỏi của Nhàn, hai mẹ con dắt nhau trở vào nhà. Hoài vẫn đứng như trời tròng ngoài sân, đến lúc mẹ con Nhàn khuất vào nhà anh mới lẩm bẩm “Kêu cứu sao?”. Hoài chắc rằng bản thân anh vẫn chưa mê sảng, anh chỉ gọi tên Sương thôi, và Sương thì chẳng la hét gì cả. Quay trở vào nhà, Hoài cả một đêm không ngủ, anh mắc võng trước cửa nhà cứ thế mở to mắt thức đến sáng.
Mấy ngày sau đó, nhà trưởng thôn thu hoạch lúa chín. Năm nay cơ may lúa chín được mùa nên họ mời cả thôn buổi tối sau khi đã tuốt xong lúa trải chiếu ngoài ruộng ăn mừng. Hơn 7 giờ tối, trăng đã gần chạm ngày rằm nên nên mọc sớm từ đằng đông. Trăng trên trời tuy sáng nhưng người ta vẫn lo sợ điều gì đó mà đốt lên mấy đống lửa lớn. Mọi người ngồi quây quần kể chuyện mùa màn, cánh đàn ông ngồi rít thuốc, đàn bà cùng trẻ nhỏ thì ngồi ăn chè.
Vợ chồng Hoài cùng Sương cũng được mời đến. Sương ưa thả tóc, nó có mái tóc dài chấm tới hông và đen láy đang ngồi thổi kèn lúa với lũ trẻ gần đó. Bà Lý, mẹ của trưởng thôn đặc biệt để ý tới Sương. Bà Lý năm nay tầm 70 tuổi, mái tóc dài bạc phơ được búi thành củ tỏi giữa đỉnh đầu. Da bà nhăn nheo cùng đôi mắt sâu hòm của một bà lão đã đi qua hơn nữa cuộc đời luôn nhìn về Sương, vả không có ai để ý tới điều đó.
Mùa xuân, chim cuốc về thôn chập tối lại kêu “cuốc, cuốc,…”. Đêm nay cũng vậy, nhưng nó chỉ vừa kêu được mấy tiếng đã nghe quạ từ đâu kêu lên ba tiếng “quác, quác, quác”. Tất cả mọi người đều im lặng không nhúc nhích, bởi vì quan niệm người xưa cho rằng, quạ kêu thường mang theo điềm gở. Bữa tiệc đang vui giờ trở nên im lặng đến đáng sợ, quạ kêu như thế sẽ mang đến điềm gì đây?
Hoài đang rít điếu thuốc trên tay lúc này anh đã đánh rơi điếu thuốc xuống tán rơm vụn khiến nó bén lửa cháy lên. Anh nhìn xuống ngọn lửa bé tí đang nhảy múa mà như nhìn thấy thứ gì đó đáng sợ lắm. Chỉ có đám trẻ vẫn vô tư không hề nhận ra sự thay đổi của người lớn. Sương vẫn đang liên tục tuốt cọng rơm cứng làm kèn cho các bạn thì ngay lúc này nó nhìn thấy trên hai bàn tay đang thay đổi. Nó nhìn thấy hai bàn tay nó đột nhiên lở loét như thây ma chết sình, vết lở ấy đang từ từ chạy lên cánh tay.
Sương bắt đầu hốt hoảng định gọi cha mẹ nhưng nó đột nhiên rùng mình một cái rồi đứng dậy hét lớn:
-Gương, gương!
Sương đã tháo chạy, không ai biết chuyện gì cả. Thôn này đa số đều là mới di cư về đây chưa đầy 10 năm, chỉ có nhà bà Lý là ở đây từ mấy chục năm trước. Hoài và Nhàn đứng dậy đuổi theo con gái, Hoài khẩn trương đến mức hai chân rung rẩy, anh cảm thấy con gái mình bây giờ rất lạ.
Mọi người đều đứng dậy nhìn theo ba người đang rượt đuổi, bảo nhau không biết là chuyện gì. Chỉ có bà Lý sắc mặt thay đổi đến vô cùng khó coi, bà chống gậy đứng dậy nhìn theo bóng Sương đang chạy về nhà, đôi môi già nua mấp máy nói:
-Gương! Cô ta trở lại rồi.