“Hò ơ…ơ .ơ…
Chim Quyên ăn trái nhãn lồng
Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi”
Tiếng hò vang vọng cả xóm Cù Lao trong đêm thanh mát, nó phát ra từ chiếc cassette của nhà vợ chồng Hai Nhân.
Đào- vợ Hai Nhân hết trở mình bên này lại trở mình bên kia mà vẫn không sao ngủ được. Bởi vì chồng cô giờ này vẫn chưa thấy về, đã quá khuya rồi. Sốt ruột Đào ngồi dậy đi ra ngoài, mở cửa ngồi ngóng ra sân. Ngoài trời tối đen như mực, những con đom đóm cứ bay lập loè như ma trơi. Đâu đó có tiếng chó sủa lên từng hồi. Đào bực mình nói nhỏ:
– Cái ông này đi đâu giờ chưa chịu về không biết?
Đào đứng dậy toan bỏ vô trong thì nghe có tiếng Hai Nhân bên ngoài, nheo mắt nhìn kỹ thì thấy Hai Nhân đang chân xiêu chân vẹo bước vô, miệng còn lảm nhảm:
– Không say là không về, nếu không say là đừng có về…Hức..
– Trời ơi..mình! Sao mà say dữ vậy nè.
Hai Nhân hất tay Đào, cất giọng lè nhè:
– Tránh ra đi, nhìn cô là tui thấy chán à.
– Mình nói cái gì vậy? Em là vợ mình đó!
Hai Nhân cười ha hả:
– Vợ thì sao? Ra đường nhìn người ta thấy bắt ham. Về nhìn cô thấy quải quá đi.
– Hồi đó mình đòi cưới em mình đâu có nói như vậy. Giờ mình mê con khác, mình chê em rồi đúng không.
– Xê ra đi, lèm bèm hoài.
Hai Nhân hất tay Đào rồi khật khưỡng bước vô, vấp cái ghế anh ta té lăn ra, rồi nằm luôn đó ngáy khò khò. Đào tức mình bỏ chồng nằm đó luôn, đi vô trong nằm ngủ. Nước mắt lăn dài trên mặt.
Đào là một cô gái xinh đẹp, nết na nhất cái xóm Cù Lao này. Ngày đó Hai Nhân ngày nào cũng cắm rễ ở nhà Đào không chịu đi, làm cho thanh niên trong xóm không ai dám tới nhà Đào. Tía má của Đào lại không ưng Hai Nhân lắm vì anh ta nổi tiếng rượu chè, lại thêm cái thói đa tình cho nên ông bà lo Đào sẽ khổ. Ông Tư- Tía của Đào thường xuyên dặn dò con:
– Đào à, cái thằng Hai Nhân tía coi mòi không phải là người đàng hoàng, mày coi mà né nó ra, không là khổ cả đời đó con
– Tía này, con thấy ảnh chỉ có mê nhậu xíu thôi hà, cái đó ảnh hứa là sẽ bỏ rồi tía.
Ông Tư nói:
– Nó mà bỏ được tao đi đầu xuống đất, đàn ông mà tóc quăn, lông mày rậm, mắt lúc nào cũng ướt đa phần là loại đào hoa, một dạ hai lòng nghe con. Mày mà không nghe lời tía má thì chỉ có khổ thôi.
Tuy ông bà Tư ngày nào cũng rót vào tai những lời răn như vậy nhưng Đào vẫn bỏ ngoài tai, cô đắm chìm vào những lời đường mật của Hai Nhân mà không thể nào rút ra được. Và rồi trong một lần không giữ mình, cô đã trao thân cho Hai Nhân, kết quả là cô có bầu. Bà Tư khóc hết nước mắt vì con mình khờ dại, ông bà muối mặt qua nhà Hai Nhân xin cưới. Vì lúc ấy ở quê, có bầu trước khi cưới là một điều xấu hổ nhục nhã, lẽ ra không được cưới xin. Nhưng Má của Hai Nhân cũng là người nhân hậu nên Đào cũng có được vài mâm cơm gọi là đám cưới.
Ngày Đào được gả đi, bà Tư nắm tay con sụt sùi khóc:
– Ở bên đó mà khổ quá thì ôm con về với má nghen Đào.
Ông Tư cau này nạt vợ:
– Cái bà này, con cái nói không nghe. Nó tự chọn cuộc sống đó thì sướng khổ nó tự chịu. Đừng có mà ôm con về đây!
Nói xong ông bỏ ra ngoài, lặng lẽ lau hai dòng nước mắt đang chảy xuống gò má nhăn nheo,sạm nắng. Thật ra ông tỏ ra cứng rắn vậy thôi chứ con ông, ông không thương thì ai thương chớ. Trong lòng ông mong mỏi thằng rể của mình có vợ rồi sẽ biết suy nghĩ lại mà chí thú làm ăn lo cho vợ con.
—
Ngày đầu tiên về nhà Hai Nhân làm dâu, tối đó Đào dọn rửa xong mớ chén bát làm tiệc, dọn dẹp lại nhà cửa rồi vô buồng. Hai Nhân vẫn chưa về, thở dài Đào gỡ chữ Hỷ dán trên vách xuống, gĩu mền gối định đi ngủ thì có tiếng bà Sáu- má chồng cô gọi:
– Đào ơi! Ra má biểu
Đào lật đật chạy ra, khoanh tay lễ phép:
– Dạ, má gọi con có gì dạy bảo.
– Con ngồi xuống đi, má có cái này cho con.
Đào vừa ngồi xuống, bà Sáu lấy ra trong túi một cái bọc vải màu đỏ được gài kim băng cẩn thận. Bà mở ra Đào thấy đó la một cái vòng tay màu xanh cẩm thạch rất đẹp. Bà, đeo cái vòng vô tay Đào rồi nắm chặt, giọng run run:
– Đây là cái vòng mà Má của Má cho Má lúc Má đi lấy chồng. Giờ Má trao nó lại cho con. Tánh thằng Hai Nhân nó vậy, nhưng nó không hẳn là người xấu, chỉ cần con khéo léo một chút là nó sẽ thay đổi, Má già rồi, không biết đi lúc nào, má mong tụi con bảo ban nhau mà làm ăn đặng còn nuôi con nữa.
Đào rưng rưng nước mắt, ôm lấy bà Sáu nghẹn lời:
– Con cảm ơn Má.
Đúng lúc này thì Hai Nhân trở về, người nồng nặc mùi rượu, thấy vợ mình và má ngồi ôm nhau,anh ta cười mỉa:
– Cha! Con dâu với mẹ chồng tình cảm quá hen. Nhắm thương nhau được mấy ngày?
Bà Sáu nạt con:
– Mày ăn nói vậy hả thằng kia? Ăn rồi suốt ngày nhậu nhẹt. Có vợ có con rồi lo mà tu tỉnh làm ăn, tao già rồi không còn sức đi theo mày đâu nghen
– má cứ lải nhải cả ngày. Tui đau cả cái đầu
Bà Sáu toan chửi thêm thì Đào đứng dậy nói nhỏ:
– Dạ má bớt giận, chồng con ảnh say rồi ăn nói lung tung. Để con đưa ảnh vô trong nghỉ rồi mơi ảnh tỉnh Má dạy ảnh sau
– Ừa con đưa nó vô ngủ đi.
Đào dìu Hai Nhân vô trong rồi bà Sáu ngồi một mình lặng lẽ thở dài. Bà sinh con ra, nuôi nó lớn chừng này hơn ai hết bà hiểu tính nết con trai bà. Rồi đây Đào sẽ còn khổ nhiều nữa, bà dặn lòng sẽ yêu thương Đào thật nhiều để bù đắp lại, và cũng cầu mong con trai bà biết đường quay đầu lại vì vợ con.
—
Dìu chồng vô giường, Đào thả anh ta nằm xuống rồi quay lưng định tháo dép thì Hai Nhân bất thình lình kéo Đào nằm xuống rồi nhảy chồm lên người Đào. Đào vội đẩy chồng ra nói khẽ:
– Mình, em đang có mang. Mình đừng có như vậy
Hai Nhân gạt tay ,làu bàu:
– là vợ thì phải chiều chồng. Tía má cô không dạy hay sao?
– Mình đừng có đụng tới tía má em, em đang có mang. Mình mạnh tay quá rủi con có gì thì sao?
Hai Nhân vụt miệng chửi:
– Mất cả hứng, lấy vợ về chỉ có làm chuyện này. Cô không cho thì tui ra ngoài kiếm con khác đừng trách.
Hai Nhân ngồi dậy thì Đào nắm tay chồng nói:
– Em chỉ muốn nói mình nhẹ nhàng thôi, chứ em có nói gì đâu. Em có mang nó khác, mình mạnh quá em lo cho con thôi.
– Nói nhiều! Tui khắc biết chuyện đó.
Nói xong Hai Nhân lại mạnh bạo đè ngửa Đào ra mà ngấu nghiến. Đau đớn, cô chỉ biết cắn răng chịu đựng.
—
Sáng hôm sau, Đào dậy sớm nấu nước pha trà cho bà Sáu. Đang lui cui nhóm bếp, bỗng nhiên bụng Đào đau quặn lên, mồ hôi toát ra như tắm. Đào cố lết lên nhà trên gọi chồng, cơn đau càng lúc càng tăng lên, mặt Đào tái đi, xay xẩm khụyu xuống, bà Sáu nghe tiếng rên của Đào thì từ trong buồng chạy ra đỡ con dâu, Đào không còn sức kêu nữa, bà Sáu tá hoả khi thấy máu đang không ngừng chảy bên hai chân Đào. Bà la lên:
– Thằng Nhân đâu, dậy nhanh lên. Nhân!!
Đào lịm đi không còn biết gì nữa. Lát sau tỉnh lại, Đào thấy bà Sáu đang ngồi bên cạnh vẻ mặt lo lắng. Cô gượng ngồi dậy nhưng tay chân mềm nhũn. Bà Sáu ngăn con dâu:
– Con nằm nghỉ đi. Còn yếu lắm!
– Con bị sao vậy Má.
Bà Sáu thở dài:
– Con bị động thai, may mà kêu thầy Hà qua kịp. Ổng kê cho mấy thang thuốc bổ kia kìa. Mà con đang có mang, kiêng kị gần gũi chồng đi, hôm nay mới chỉ động thai thôi, lần sau có gì là không cứu được đâu.
– Con…tại ảnh …
– Má dặn vậy thôi. Mình là đàn bà, phải để ý mấy cái đó. Bình thường thì không sao, giờ mình đang bụng mang dạ chửa. Có gì là hối hận ko kịp đó.
Đào cúi mặt,lí nhí:
– dạ thưa má!
Hai Nhân cũng về, thấy Đào nằm anh ta cằn nhằn:
– Người ta cũng có bầu mà người ta cũng đi mần hà rầm. Còn vợ tui cốt cách tiểu thư quá, phiền hà người khác.
– Mình..em….
Đôi mắt Đào ầng ậng nước không thốt nên lời. Bà Sáu chen vô:
– còn mày nữa. Vợ con không lo, suốt ngày nhậu nhẹt. Vợ này nó bị vậy là do mày đó, không lo chăm nó đi còn ở đó nói bóng gió. Đi sắc thuốc cho nó uống đi.
– Cổ bị vậy mắc mớ gì tới con mà má đổ thừa cho con. Tự xuống mà sắc thuốc đi. Không ai hầu đâu nghen.
Nói xong Hai Nhân lại bỏ đi, bà Sáu gọi với theo:
– Thằng kia .mày đi đâu nữa đó?
Đoạn bà quay vô thở dài, nhìn con dâu rồi nói:
– Thôi đừng khóc nữa, mơi mốt đẻ con ra cái mặt nó nhăn nhó bây giờ. Nằm đi, để Má đi sắc thuốc cho. Thiệt khổ cho cái thân già này.
Đợi má chồng đi khỏi, Đào nằm xuống, nước mắt tuôn trào. Đào lấy tay bụm miệng ngăn tiếng nấc đang dâng trong cổ họng. Đào bắt đầu cảm thấy cuộc hôn nhân này là sai lầm. Cô bỗng nhớ tía má. Chắc giờ này tía má cũng đang lo cho cô lắm. Đào nằm thổn thức một hồi rồi mệt lả, cô ngủ thiếp đi.
—
Hai Nhân vừa đi vừa lầm bầm chửi. Thật ra gã chỉ tán Đào vì muốn chinh phục gái đẹp, chứ gã chưa bao giờ có ý định lấy vợ. Gã chẳng hiểu sao rất cẩn thận rồi mà Đào vẫn có bầu được, lúc đầu gã đã muốn kệ quách cô ta tự lo. Nhưng má gã nói nếu lão chịu cưới Đào, để bà có cháu thì gã mới được thừa hưởng cái mảnh đất và ngôi nhà. Nếu không thì má gã sẽ đem sung vào quỹ của làng hết. Vậy nên gã mới đồng ý rước Đào về, nhưng càng ngày gã lại càng chán ghét vợ mình, ở ngoài gã gặp bao nhiêu cô gái xinh xắn. Nhất là quán của bà Tám Béo, có mấy em trông thật là hết sảy. Ngày nào Hai Nhân cũng nhậu ở đó để được ngắm mấy em. Chứ về nhà thấy cái bản mặt sau đời của Đào, gã lại thấy nản.
Đang đi thì Hai Nhân bỗng thấy có đám đông đang tụ tập bên mé sông. Tò mò, gã mon men lại gần hỏi mọi người xung quanh thì biết được là có một cái xác trôi tới đây mắc vào đám lục bình cho nên đám thanh niên đang vớt lên để đem chôn. Gã ta nói trỏng trỏng:
– Cái khúc sông này tháng nào mà hổng có xác trôi về. Riết rồi cái mả của cả cái làng này như cái mả công cộng. Toàn xác vô chủ.
Một người nói theo:
– Ừa. Mấy năm nay mà không thấy có ai tới đây nhận mả để hốt cốt đi.
Hai Nhân tiến lại sát mé sông, cái thây trương phình trắng phếu đang nổi lềnh phềnh trôi vào bờ theo sức kéo của sợi dây. Một người đứng cạnh hắn chép miệng:
– Tội nghiệp, hình như là con gái.
Hai Nhân nghe nói xác là con gái thì buột miệng nói giỡn:
– Gái à.. chăc lại tự tử vì tình chớ gì. Để tui lại gần coi mặt mũi có đẹp không mà chết uổng vậy.
Cái người lúc nãy quay ra nói:
– Cái thằng này. Cái miệng ăn mắm ăn muối. Nói bậy bạ không hà. Nó về nó vật cho le lưỡi bây giờ
Hai Nhân cười hếch mặt:
– Tui chả sợ. Tui nói có gì sai đâu mà sợ. Có ngon về vật tui coi. Con gái mà trôi sông thì chỉ có tự tử vì tình thôi.
Người đàn ông lúc nãy lắc đầu quay đi không thèm nói nữa. Hai Nhân tiến sát cái thây vừa được kéo lên, mấy thanh niên đang lấy tấm chiếu phủ lên. Hai Nhân cúi xuống thì chợt bật ra sau, tay bịt mũi. Cái xác trương phình, gương mặt cũng sưng phù lên không còn thấy ngũ quan nữa. Cái xác bôc mùi hôi thối kinh khủng, cái nước màu vàng vàng nhờ nhợ đang tuôn ra từ những kẻ nứt của cơ thể, cái xác đã bắt đầu có giòi. Hai Nhân khiếp vía,nhổ một bãi nước bọt cho đỡ lợm giọng rồi nói:
– Ghê quá!
Nói xong gã len lỏi để đi lên đường cái, gã không hề biết cái xác vừa trừng mắt quay qua nhìn theo gã.
—
Chiều tối hôm đó, Hai Nhân lại về trễ. Đào thở dài để phần đồ ăn cho chồng rồi dọn cơm lên cho má chồng. Nhìn con dâu buồn bã, bà Sáu cũng nén tiếng thở dài rồi nói:
– Thôi, Ăn cơm đi, kệ nó. Mà má nói bao nhiêu lần rồi. Bầu bì thì cười lên cho con nó đẻ ra mặt mày sáng láng. Cứ rầu rầu như vậy. Má nhìn má còn chán nữa nói gì chồng mày.
– Dạ thưa Má.
Đào cúi gằm mặt xuống chén cơm, cố ngăn dòng nước mắt đang chực trào ra. Miếng cơm trong miệng trở nên đắng nghét.
Lúc này Hai Nhân đang vừa đi vừa huýt sáo vang cả bờ đê, đang đi bỗng gã thấy có ai đó ngồi trên bờ sông, mặc đồ trắng toát, tóc xoã đen thui. Gã chột dạ nghĩ thầm:
– Chết cha! Hông lẽ gặp ma?
Cái bóng trắng đó từ từ đứng dậy, tiến về phía gã, gã hoảng hồn la lên:
– A Di Đà Phật, hồn ma bóng quế ở đâu đừng nhát tui…
Cái bóng trắng chợt bật cười khúc khích, gã định thần lai thì ra là một cô gái xinh đẹp chứ không phải ma. Gã mắc cỡ gãi đầu nói:
– Chèn ơi. Cô làm tui hết hồn. Tự dưng tối thui tối mò, cô ra đây mần chi. Còn mặc đồ trắng nữa. Cô tính hù chết người hay gì?
Cô gái ngưng cười nhìn Hai Nhân rồi nói:
– Xin lỗi anh, tại em bị lạc đường. Đang dò đường về nhà thì bị rớt cái đèn pin, nên em cúi xuống lượm lên thôi. Tại anh đi tới đúng lúc e quay lưng chớ em có hù anh đâu
– Ờ thì…mà cô con nhà ai mà đi lạc. Dân ở đây nhắm mắt còn đi về nhà được mà.
Cô gái cười đáp:
– Nói thiệt với anh, em là cháu của bà Tám Hoánh. Mới dìa chơi, chưa có quen đường xá
– Trời. Chưa quen thì lo dìa sớm đi. Đi tới giờ này. Nhà Tám Hoánh thì tui biết, nhưng mà tui chưa nghe nói bả có cháu gái bao giờ.
– chưa nghe thì giờ anh nghe rồi đó. Em là họ hàng xa thôi.
Hai Nhân lúc này mới nhìn xung quanh rồi nói:
– Giờ tui có chỉ cô cũng hổng biết đường đi, nhà bà Tám Quánh phải đi qua một cái miếng ruộng hoang. Thôi để tui dắt cô đi.
– Dạ vậy em cảm ơn anh nghe. Mà em tên Lành, còn anh tên gì?
– Tui tên Nhân. Ở đây người ta gọi tui là Hai Nhân.