3 Tai Ương (P1)
19 năm sau…
Ở cái xứ này, người giàu nhất không phải ông hội đồng Lộc mà là địa chủ Hương và địa chủ Từ, họ ví bọn họ như 2 con rồng quấn 2 đầu vùng đất. Ruộng đồng cò bay mỏi cánh, tiền bạc chất cao như núi, vợ thì năm thê bảy thiếp, còn con cái thì khỏi cần phải nói tới nữa.
Ngày hôm đó, sau khi đi xem đất ruộng về, ông Hương mới vào trong phòng khách mà ngồi nghỉ ngơi. Nhà của ông to và rộng lắm, mọi thứ đều làm bằng gỗ sưa đắt tiền. Người làm mới mang lên chén chè hạt sen cho ông ăn giải nhiệt. Lúc này bà Lụa – vợ lớn của ông thủng thẳng đi từ trong nhà ra, ngồi đối diện ông:
— Mình về đó hả? Rồi bên đó sao rồi?
— Tôi đốt cái nhà nó rồi, đánh thêm cho một trận mới đuổi nó tụi nó đi. Tính cả tiền nó thuê đất làm ruộng làm nhà, bà nghĩ đi, 3 đồng thì tôi chỉ lấy lãi có 1 đồng rưỡi. Vậy mà tụi nó không trả được, đốt nhà nó thì tụi nó còn chửi tôi ăn lời cắt cổ. Không ăn lời thì sao mà tôi giàu được chứ, cái đám ôn dịch gì đâu không.
Bà Lụa mới bật cười:
— Thây kệ tụi nó ông ơi, ta nói c.hết con ruồi cũng đâu khiến ông nghèo được đâu mà.
Như sực nhớ ra chuyện gì, bà Lụa nói tiếp:
— À, ông địa chủ Từ mang cho ông hộp yến huyết, tôi để trong kia cho ông đó.
— Ờ, tôi biết rồi.
— Thôi ông nghĩ ngơi đi, tôi vô thử mấy bộ đồ lụa mới mua nghen.
Ông Hương ngó quanh, lên tiếng hỏi:
— Rồi bà ba, bà tư đâu ( vợ 3, vợ 4).
— Tụi nó dưới bếp chứ đâu.
— Kêu đứa nào lên phòng đấm bóp cho tôi coi.
— Biết rồi.
Ăn xong chén chè hạt sen, ông Hương mới thủng thẳng đi vào phòng nằm. Ông Hương có nhiều vợ, nhưng chỉ có bà Lụa là vợ lớn, gia đình bề thế, còn đám vợ bé của ông chỉ thuộc loại gia nhân bần hèn. Bởi bà Lụa không muốn ông lấy ai mà ngang tầm với bà, ông cũng biết ý nên không dám. Nhà bà Lụa có quyền có thế dữ lắm, từ ba tới anh em đều làm cho quan tây, không khéo ông Hương mà làm gì phật ý là bà cho toi liền. Bà chịu để ông lấy thêm vợ đơn giản vì bà không sinh con được, lại muốn giữ chồng bà đành phải chịu ấm ức chút.
Đêm hôm đó, đang nằm ngủ ngon, bà Lụa mới quay sang ôm lấy chồng, bỗng nhiên bà giật mình lui ra. Toàn thân ông Hương lạnh ngắt, cứng đờ, sợ quá bà Lụa mới lay lay:
— Ông ơi… ông… ông bị sao vậy ông?
Cái đèn dầu lờ mờ nó khiến bà Lụa không thấy rõ mặt mũi ông Hương ra sao. Bà Lụa hét lớn:
— Tụi bay đâu… tụi bay đâu rồi… qua đây…
Đám người làm cùng với hai bà vợ nhanh chóng chạy qua, ánh sáng tự những ngọn đèn dầu lúc này mới soi sáng mặt ông Hương. Ai nấy nhìn thấy đều sợ xanh mặt, bà Lụa sợ đến nỗi phóng thẳng qua người ông mà té nhào xuống đất. Miệng bà lắp bắp, sợ sệt:
— Ma… ma…
Ai nhìn thấy ông Hương chết cũng ám ảnh, toàn thân cứng đờ, mắt trợn dọc, miệng mở lớn, hai má bị hóp vào, da dẻ tái nhợt tưởng chừng ông Hương c.hết lâu lắm rồi. Trong đêm đó, bà Lụa mới xem thầy phong thuỷ rồi mới cho liệm x.ác chồng.
Đám ma ông địa chủ Hương lớn dữ lắm, quan chức rồi địa chủ các vùng, thương lái làm ăn cũng đến viếng hương linh ông. Vợ con, bà con họ hàng ông khóc quá trời, ai nấy cũng đau khổ dữ lắm. Nhất là bà Lụa, xưa nay bà cũng chỉ có yêu thương mình ông, mà ông đối xử với bà cũng nhất mực yêu thương chiều chuộng nữa. Mới hơn 30 mà chồng đã c.hết thì bà thành bà goá ở tuổi còn xuân trẻ quá.
Ngày mai là ngày chôn cất ông, nên hôm nay đám người làm phải đào cho xong cái huyệt chôn ông. Vất vả cả ngày trời thì cái huyệt cũng được đào xong, đám người làm giúp nhau trèo ra khỏi huyệt, tay quẹt lấy mồ hôi trên mặt mới rủ nhau đi về. Bọn họ bước chưa được 10 bước chân, bỗng nhiên đất dưới chân rung chuyển. Tia sét lớn từ trên trời đánh thẳng xuống cái huyệt mới đào, đất đá che lấp huyệt. Cũng may ngững người làm ở đó không sao, nhưng nhìn cái huyệt bị đất đá che lấp khiến họ sợ mà chạy về báo cho bà Lụa biết. Giữa đám đông người, bà Lụa đang khóc dở sống dở chết lại mạnh mẽ đứng lên đi ra phía nhà sau cùng với mấy người làm đi đào huyệt. Khi ra phía sau, bà Lụa còn cẩn thận ngó trước ngó sau mới răn đe:
— Chuyện này chỉ tao với tụi bây biết, đứa nào hé răng thì coi chừng tao đó nghe chưa. Qua lấy xe ngựa đưa tao tới nhà thầy Thân.
— Dạ.
Bà Lụa cởi bộ áo tang đưa cho người làm rồi nhanh chân đi ra bên ngoài, không biết có điềm gì mà chồng bà thì c.hết thảm. Đến cả cái huyệt để chôn cất cũng bị phá như thế.
Chiếc xe ngựa chạy thẳng vào sân nhà thầy Thân, ông được coi là thầy phong thuỷ bậc nhất ở đây nên nhà cửa lại có phần khang trang chút. Vừa bước xuống xe, bà Lụa gọi lớn:
— Ông Thân… ông Thân đâu rồi?
Từ trong nhà mọi người đều hướng mắt ra bên ngoài, thấy bà Lụa đến những người sang trọng ở đó cũng phải khép nép chào rồi nhanh chóng ra về. Thầy Thân còn không hiểu chuyện gì đã bị bà Lụa mắng vốn:
— Ông xem kiểu gì vậy hả?
— Có chuyện gì bà lớn cứ từ từ nói, tôi mời bà lớn ngồi.
Bà Lụa ngồi xuống cái ghế đối diện ăn, miệng nói liên hồi:
— Ông xem xây huyệt cho chồng tôi, còn nói đầu dựa núi, chân ra biển thì mộ sẽ phát, con cái sẽ giàu có đuề huề. Vậy mà cái huyệt vừa đào xong, đã bị sét đánh, rồi bao nhiêu đất đá đổ xuống lấp huyệt.
Nghe bà Lụa nói vậy, ông thầy Thân giật nảy mình, đôi lông mày nhíu lại, lên tiếng:
— Bà lớn đợi tôi tính toán lại xem.
Ông thầy Thân mới lật sổ, quyển sổ gia truyền mấy đời nhà ông, những tờ giấy cũ kỹ ngã màu, những con chữ tàu viết ngoằn ngoèo khó hiểu. Lật tới lật lui, sau đó mới bấm đốt ngón tay, bàn tay run run còn chưa kịp nói ra vấn đề gì. Bỗng nhiên máu từ trong miệng trào ra, mắt trợn ngược mà gục xuống bàn c.hết tươi. Quá sợ bà Lụa hét lớn lên kinh hãi:
— Aaaa….
Đám người làm của bà Lụa cũng như người nhà của ông thầy Thân chạy vào. Vợ ông ấy cứ loay hoay khóc dữ lắm mà không biết ổng bị sao, còn cho người đi mời thầy thuốc nữa. Bà Lụa cũng sợ dính líu đến mình mà thẩy lại mấy đồng bạc coi như tiền coi quẻ và nhanh chóng rời đi.
[…]
Sau khi tìm được thầy phong thuỷ khác, thì x.ác ông Hương lại phải để thêm mấy hôm. Đêm đó, mọi người cùng đi ngủ hết, chỉ còn lại đám người làm thay phiên nhau thức canh hòm của ông Hương. Còn châm đèn thắp hương liên tục không để bị hụt nữa. Tiếng mèo ở đâu phía sau nhà kêu lên vài tiếng ai oán:
— Meoooo… meo…
Những người ngủ trong phòng còn giật mình thức giấc, tim đập loạn vì sợ chứ đừng nói gì đến những người bên ngoài. Bà Lụa sợ quá mới gọi lớn:
— Con Mận đâu… con Mận…
Con Mận từ đâu bên ngoài xách cái đèn dầu nhỏ rồi chạy vào bên trong:
— Dạ, bà lớn gọi con.
— Mày xách cái chiếu mày vô đây, nằm ngay dưới chân tao. Bật đèn lớn lên cho tao, à không châm thêm đèn cho tao lẹ.
— Dạ, dạ…
Con Mận ra ngoài rồi, bà Lụa liếc mắt sang cái đồng hồ tây thì mới giật mình lạnh cả người. Đây… đây chính là giờ mà bà phát hiện ông Hương c.hết, đang run người co ro vì sợ. Tiếng mèo sau nhà lại kêu lên thảm thiết hơn:
— Meoooooo…meo…
Quá kinh sợ, bà Lụa phóng luôn ra khỏi phòng.
Đám người làm bên ngoài cũng sợ lắm, ôm cứng lấy nhau, xung quanh nhà tối om tối mò, nhỉn xa xa bên ngoài đường cũng chỉ 1 màu đen kịt. Đám người làm mới thủ thỉ với nhau:
— Ê, ai ra sau đuổi con mèo đi coi, nó kêu quài chắc tôi đái ra quần quá.
Người khác lên tiếng:
— Mày đái còn đỡ, tao muốn ẻ ra quần luôn nè.
Ông Sáu làm thâm niên nhất ở đây mà còn sợ:
— Xưa nay nhà này làm gì có chuyện này, nay lại có mèo kêu sau nhà ghê thiệt chứ.
Vừa dứt lời, luồn gió ở đâu vút ngang qua thổi tắt đèn nơi quan tài ông Hương. Cả đám nhìn theo ngỡ ngàng, sợ thì rất sợ nhưng lại sợ mất việc hơn. Nên họ nhanh chóng lại đó thắp lại đèn, tiếng mèo sau nhà kêu thêm 1 lúc mới thôi. Họ lại trấn an nhau:
— Thôi ráng ngủ chút đi, mai phải dậy sớm mổ heo mổ bò nữa.
— Từ lúc ông chủ mất, đã mổ biết bao ngày rồi. Không biết chừng nào mới ngưng đây.
— Chừng nào chôn thì hết mổ, còn để là còn khách, còn khách là còn đãi. Hỏi nhiều quá, ngủ đi.
Họ lại trùm mền kín đầu, mặc dù thời tiết nóng, nhưng trùm như thế lai khiến họ an tâm hơn nhiều.
Ngày tiếp theo, dù gà chưa gáy họ đã phải dậy, ai ở lại canh quan tài thì ở, ai đi làm việc gì thì đi, nhưng không giống mọi ngày, họ đi cùng nhau thành nhóm cho an tâm. Ra phía sau nhà, bọn họ lại dắt bò dắt heo ra mà mổ, nhìn ra xa xa mấy bụi chuối lung lay cứ tưởng đâu ai đứng đó. Khi con trâu to vật vã bị hạ, người làm mới dùng con dao nhọn mổ thẳng vào ruột trâu, m.áu trong bụng nó đổ ào ra, chảy đỏ cả sân sau, người làm lại mạnh tay làm thêm vài nhát sâu hoắm nữa để lôi bộ lòng phèo bên trong ra. Ai nấy tay chân người ngợm gì cũng dính m.áu, tanh nồng. Đang loay hoay bỗng nhiên có cái gì đó rớt cái bịch xuống chỗ bọn họ, một người nhặt lên xem rồi mới nhìn lên tán cây lớn phía trên, nghĩ chắc con chim nào không thấy đường bay lạc nên rơi. Rồi những con chim khác lại thi nhau rơi xuống, người làm ở đó hoảng thì nhau đứng dậy, một người co ro hỏi người kia, mắt vẫn liếc nhìn điên đảo:
— Cái gì ghê vậy mày, sao tự nhiên chim nó rớt ghê vậy?
— Mày hỏi tao rồi tao hỏi ai? Thôi lo làm cho xong chứ mà không xong tụi mình cũng rớt như chim thôi.
Dù rất sợ nhưng họ vẫn cố làm cho xong, cái công đoạn mổ cũng hết mấy tiếng, xong việc còn phải chùi rửa thiệt kỹ, rồi còn rắc vôi sống để khử khuẩn nữa.
Mệt mỏi cả ngày, đêm đến chỉ mong được giấc ngủ ngon, dù chỉ được thời gian ngắn. Bà ba Lành sinh được con trai nên lúc còn sống cũng được ông Hương ưu ái hơn, bà Lụa cũng có chút nể nang. Cậu hai Huy 2 hôm nữa thôi là tròn 16 tuổi, má cậu tuy cực, mang danh phận bà ba nhưng cũng bị coi là người làm kẻ ở trong nhà. Nhưng riêng cậu thì sướng nha, ai cũng yêu thương cậu dữ lắm, bà Lụa cũng thương nữa, tại lúc nhỏ không hiểu sao cậu cứ bám lấy bà Lụa không rời. Còn gọi tiếng má nghe nó thân thương dữ lắm đó. Tối nay cũng như mọi khi, cậu hai Huy xong việc cũng về phòng mình nằm ngủ, chiếu mền được trải sẵn, lúc vừa ngã lưng xuống, đưa tay kéo chăn thì có cái gì nặng nặng lăn qua cậu. Cậu hai liếc mắt qua nhìn rồi hoảng sợ la toáng lên, vùng ra khỏi giường, miệng kêu không ngừng:
— Có chó c.hết… có ai không… qua đây…
Nghe tiếng hét của cậu hai Huy, ai nghe được cũng chạy qua, bà ba Lành ôm lấy cậu:
— Sao vậy Huy, có chuyện gì vậy con?
— Má… má nhìn kìa…
Cậu hai Huy chỉ tay lên giường, trên đó là xác con chó mới c.hết, cơ thể nó cũng còn hơi ấm nữa. Bà Lụa cũng nhanh chóng qua đây, hỏi han :
— Có sao không con, có bị gì không?
— Con không sao…
— Mày la lớn làm má sợ lây à.
Cậu hai Huy lên tiếng:
— Má coi sao kiếm thầy nào giỏi giỏi chứ nhà mình sao gặp chuyện gì đâu không? Từ lúc huyệt mộ của cha bị phá, rồi mèo hoang kêu đêm, giờ thì hết chim c.hết, giờ chó mèo cũng c.hết. Mà chó mèo đâu ra mà vô nhà mình c.hết ghê vậy má, con sợ muốn phát điên lên.
— Thôi ráng di con, mày tưởng mình mày sợ, má cũng sợ c.hết khiếp đây, ráng đi, mốt là chôn rồi.
Mọi người trong nhà, ai nấy cũng mệt mỏi, khuôn mặt họ còn hằn lên những sự hoảng sợ nữa, ai cũng mong đến ngày chôn cất ông Hương cho rồi. Sau khi rải thêm đống tỏi quanh giường cho cậu hai Huy, ai cũng về chỗ của mình, bà ba Lụa lại mệt mỏi lên giường nằm, mắt mới nhắm có chút à, tiếng rột roạt làm bà ấy khó chịu mà mắng:
— Con Mận, mày nằm im cho tao ngủ coi, tao đánh gãy giò mày giờ.
Con Mận giọng run run:
— Không.. không phải do con bà ơi…
Tiếng cào vách lại vang lên, nó sát ngay bên tai bà, ánh mắt bà sợ hãi nhìn tấm vách ngăn.
Rột… roạt…
Hai chủ tớ bà Lụa lại hét lên rồi phóng ra khỏi phòng, đêm đó dù không thích nhau nhưng bọn họ phải cố gắng ở cùng nhau, ít nhất họ nghĩ số đông sẽ hơn số “ít”.
Sáng hôm sau, mới vừa mở mắt ngồi dậy, còn chưa súc miệng đã có người làm chạy vào thưa chuyện:
— Bà ơi bà ơi… lại có chuyện nữa rồi….