Kể từ sau khi ông Năm Tình chết, tiếp đó lại đến con bé Lệ, căn nhà bị giông gió quét sập. Theo thời gian miếng đất ấy bị bỏ hoang, cây cối mọc um tùm, không chỉ riêng gia đình ngoại tôi mà ngay cả moi người trong ấp cứ mỗi khi có việc đi ngang qua cũng không khỏi rùng mình lạnh xương sống nếu vô tình nhìn vào miếng đất ấy, dù là buổi sáng trời nắng gay gắt cũng không tránh khỏi cảm giác âm u, rờn rợn tựa như có ai đó lén lút dõi theo mình vậy. Ban ngày đã thế còn buổi tối thì càng vắng lặng tuyệt nhiên chẳng một ai dám đi ngang miếng đất ấy cả, một phần cũng vì moi người đồn đại với nhau rằng khu đất ấy có ma.
Bẵng đi một thời gian thì từ đâu lại có thêm một gia đình khác ở tận miệt Cà Mau chọn cái khu đất ấy để phát hoang, dựng nhà lập ấp mà sinh sống. Ngay cái lúc mọi người phụ giúp gia đình nọ dọn dẹp thì phát hiện xung quanh đám cỏ dại đâu đâu cũng có bộ xương của những con vật như chim rừng, gà vịt và có cả rắn rết nữa. Một số người thấy vậy thì chỉ nghĩ đơn giản rằng do miếng đất bị bỏ hoang quá lâu rồi nên thú rừng hoặc chim chóc chết ở đây cũng bình thường thôi, nhưng số khác lại cho rằng khu đất ở đây không được bình thường và khuyên ông Tấn, gia đình hiện tại sẽ sinh sống trong khu đất nhà ông Năm Tình khi xưa, một người thím lên tiếng.
—- “Nè anh Tấn, chỗ chòm xóm với nhau, tui nói cái này hông biết anh có chịu nghe hông? Ờ…”
—- “Hả? Chuyện gì vậy thím? Thím nói đi, sao cứ ấp úng vậy? Gia đình tui mới đến đây chân ướt chân ráo hông có biết gì hết? Thím có gì thì cứ nói thẳng đi tui nghe nè”
Thấy bà cứ lưỡng lự đưa mắt nhìn chú Hạnh, hiểu ý, chú tôi liền cất tiếng đáp thay bà.
—- “Dạ, chuyện là vậy nè chú Tấn.”
Sau đó chú tôi kể lại những gì đã xảy ra trong cái miếng đất từ hình ảnh ma quỷ cho đến cái chết bí ẩn của ông Năm Tình, anh Lộc, con bé Lệ và ngay cả ông Năm Lực đã từng đến đây nhờ lão thầy giúp đỡ thay đổi vận mệnh, cuối cùng ông ta cũng chết một cách kỳ lạ. Tuy không ai nói ra nhưng trong suy nghĩ của mọi người thì đều cho cái chết của ông ta có liên quan đến lão Năm Tình đây. Nghe xong câu chuyện chẳng những ông Tấn không tin mà cười bật cười thành tiếng rồi nói.
—- “Hàha, bây nói thiệt hông? Sao trên đời lại có chuyện lạ như vậy được? Nói thiệt cho bây nghe nha, tao đây nè, hồi đó tao đi bộ đội, ăn gió nằm sương ban đêm ngoài mấy khu mả có thấy ma cỏ gì đâu. Nếu được tao cũng muốn một lần tận mắt nhìn con ma để coi mặt nó tròn méo ra làm sao nè.”
Bà thím nọ nghe vậy thì dè dặt khuyên tuy trong lòng cũng có chút khó chịu khi thấy ông ta nói những lời như vậy.
—- “Kìa anh, tin hay không thì do tín ngưỡng tâm linh của mình thôi, chứ đừng nói gở như vậy xui lắm. Lỡ đâu có gì thì khổ lắm đó. Hay là lát nữa anh sắm sửa một ít nhang đèn giấy tiền vàng mã cúng kiếng thổ thần đất đai trước đi rồi vào ở. Anh biết đó “Có thờ có thiêng có kiêng có lành” mà.”
Vợ ông ta nghe vậy thì cũng đồng tình với lời nói của bà thím, ông Tấn tuy bề ngoài không tin những chuyện mê tín dị đoan nhưng cũng làm theo ý của vợ. Sau một hồi dọn dẹp thì mọi người phát hiện dưới bụi cỏ có 5 cái lọ bằng sứ đã cũ kỹ lắm rồi, có lọ thì bám đầy đất cát nhơn nhớt vô cùng. Ông Tấn khi này tò mò cầm cái lọ lên mở nắm vải ra xem thì thấy bên trong có 1 sợi tóc màu đen, chú Hạnh trước đó cũng được nghe thầy Bảy Vinh kể lại ông Năm Lực có cái lọ tương tự như vậy thì cũng cầm 1 cái mở ra xem, chợt chú hoang mang đậy nắp lọ lại rồi nói.
—- “Quỷ thần ơi, sao cái lọ này giống như của ông Năm Lực dữ vậy chèng. Thôi..thôi mình đem chôn chỗ khác đi, để trong nhà coi bộ xui lắm nghen”
Ba tháng sau, những người trong ấp kinh ngạc khi thấy gia đình ông Tấn càng ngày càng phất lên, nhà cửa có phần khang trang hơn so với vẻ lụp xụp ban đầu dù rằng trước đó gia đình ông cũng chỉ trồng trọt, chăn nuôi heo trong nhà như bao hộ gia đình khác mà thôi. Tuy nhiên, gia đình ông lại sống khép kín, ít tiếp xúc với mọi người xung quanh, ngay cả gia đình ngoại tôi vài lần đến thăm chia sẻ mấy con cá, con khô nhưng họ chẳng màng để ý tới. Nhà thì đóng im lìm, cửa sổ cũng không mở ra để ánh nắng rọi vào trông âm u chẳng khác nào như nhà lão Năm Tình trước kia. Dần dần mọi người chẳng buồn thăm hỏi gia đình ông ta nữa, cho đến một hôm. Ấy là vào ngày trời mưa tầm tã, gia đình ngoại tôi vừa mới ăn uống xong, đang dọn dẹp thì bất ngờ từ bên ngoài có tiếng gọi vọng vào.
—- “Chú thím Được ơi, chú thím Được.”
Nghe tiếng gọi lớn, dì Nhang đang quét dọn bên hông cửa sổ liền mở ra thì thấy bên ngoài là thằng Toán, con trai của vợ chồng ông Tấn, năm nay được 16 tuổi. Đoạn dì báo cho cha mẹ biết rồi đội cái nón lá chạy ra mở cửa cho nó vào. Vừa tới gần thì thằng Toán hốt hoảng nói ngay.
—- “Chị..chị ơi, kêu chú thím qua xem giúp má của em với, tự nhiên đang ăn cơm cái má em bật cười rồi đập đá đồ đạc tùm lum trong nhà hết rồi. Tía kêu em chạy qua nhà nhờ chú thím Được qua nè. Nhanh đi chị.”
—- “Ờ..ờ, tao biết rồi, mày về nhà trước đi, để tao chạy vô kêu tía má tao qua liền.”
Thằng Toán nghe vậy thì lật đật cắm đầu chạy một mạch về nhà. Một lúc sau ông bà ngoại tôi và chú Hạnh tới nơi thì thấy cô An đang ngồi ở sân sau xoay lưng về phía mọi người, dưới cơn mưa lạnh buốt, cô không ngừng cười lên khanh khách như người bị loạn trí, ngay bên hiên ông Tấn đau đớn ngồi ôm cái chân đầy máu rên ư ử vì cái lúc giằng co cố kiềm giữ vợ lại, ông sơ ý bị vợ dùng dao đâm trúng bắp chân, thằng Toán thì mặt cắt không còn hột máu chẳng dám đến gần mẹ mình, nó run rẩy ngồi cạnh cha mình vừa lo sợ vừa băng bó vết thương cho ông. Ngoại tôi thấy cảnh tượng trước mắt thì quýnh quáng kêu chú Hạnh phụ đưa ông Tấn vào trong nhà coi sóc vết thương cho kỹ lưỡng, còn ông thì tò mò chậm rãi tiến lại sau lưng cô An, lo lắng hỏi.
—- “Kìa chị An, chị có nghe tui nói hông? Trời mưa to lắm, mình vào nhà đi chị.”
Ngay khi ông vừa dứt lời thì cô An từ từ quay ngoắt cái đầu trong khi thân người không hề dịch chuyển, ngoại tôi chợt điếng người khựng lại, dưới cơn mưa tầm tã, ông thoáng thấy gương mặt của cô xanh như tàu lá chuối, mái tóc ướt sũng dính bết vào nhau, hai mắt trợn tròng trắng dã, miệng không ngừng cười lên một cách dị hợm. Thấy vậy ông cố trấn tĩnh tinh thần lại rồi ấp úng hỏi.
—- “Mày..mày là ai? Sao lại nhập vào xác người ta.”
Cái vong trong thân xác cô An không nói gì chỉ lắc lư đầu qua lại rồi bất ngờ ngã sõng soài nằm lăn quay dưới đất bất tỉnh đi, ông hoang mang đứng nhìn cô An một hồi xem có gì bất thường hay không? Nhưng kỳ lạ thay, cái đầu của cô đã trở lại bình thường khi còn quay ngoắt ra sau nữa. Thấy vậy ông thở phào cho gọi chú Hạnh ra phụ mình khiêng cô vào nhà để tránh cơ thể bị nhiễm lạnh. Đoạn ông gọi bà ngoại tôi thay quần áo cho cô An, đắp mền sưởi ấm cẩn thận. Hơn một tiếng đồng hồ sau thì bên ngoài mưa đã tạnh, thấy mọi chuyện đã yên ổn, ông bà ngoại tôi và chú Hạnh xin phép ra về, trước khi đi, ông có để lại một lá bùa hình tam giác cho ông Tấn kêu để vào trong người cô An để phòng thân. Ngày hôm sau, ngoại tôi nhờ chú Hạnh lấy xe chở mình qua am để gặp thầy Bảy Vinh. Nghe xong câu chuyện thì thầy đưa tay lên xoa cằm trầm ngâm giây lát như ra chiều suy nghĩ một điều gì đó rồi bất ngờ thầy cất tiếng nói.
—- “Ừm, theo như anh Được đây nói đó, thì tui dám khẳng định 5 con quỷ mà ông thầy Năm Tình luyện thiên linh cái dùng nó để truy hồn người sống đó. Cụ thể là 5 con quỷ đó sẽ dụ dỗ người dương lấy tuổi thọ, vận số kiếp này của mình để cho tụi nó ở kiêp sau. Tức có nghĩa là kiếp sau người đó sẽ bị chết yểu bất đắc kỳ tử, nhưng ngược lại ở kiếp này người đó sẽ có cuộc sống giàu sang phú quý trong thời gian ngắn thôi. Phần đời còn lại sẽ có dấu hiệu điên điên dại dại, chờ đến thời điểm thích hợp 5 con quỷ đó sẽ bắt lấy linh hồn của người đó chia nhau hưởng lợi”
—- “Chèng ơi, trên đời có thứ tà thuật này sao? Vậy mình có cách nào để hoá giải nó hông hả thầy?”
—- “Ờ..cách hoá giải thì hông phải hông có. Tui đây sẽ giúp cho gia đình họ phá được trận pháp của 5 con quỷ đó. Đổi ngược lại, kết quả có thể hông như mong đợi đâu, dù rằng tuổi thọ có thể lấy lại được nhưng phần đời còn lại của người đó sẽ trở nên điên dại, đầu óc hông được tỉnh táo nữa.”
—- “Ừm, nếu thầy đã nói như vậy rồi thì để tui quay trở về hỏi lại ý của gia đình họ xem sao? Nếu họ đồng ý thì tui sẽ đưa thầy đến nhà họ ngay.”
Thầy Bảy Vinh nghe vậy thì gật gù, ngồi uống trà trò chuyện được một lúc thì ngoại tôi và chú Hạnh xin phép ra về. Trên đường đi, ông vô tình bắt gặp ông Tấn đang đi chợ mua ít bánh trái, nhang đèn. Nhìn xuống cái chân cà thọt của ông ta, ngoại tôi lắc đầu cảm thông, chạy chưa bao xa thì bất ngờ phía sau có tiếng gọi với lại. Cả hai người giật mình thắng xe quay đầu ra sau nhìn thì thấy ông Tấn đang đứng ngoắc tay. Sau đó cả ba người ghé vào một quán nước ven đường nghĩ ngơi, sẵn dịp ngoại tôi muốn biết thêm chuyện đã xảy ra hôm qua. Ngay khi ngồi vào bàn thì ông Tấn liền cầm tay ngoại tôi nói ngay.
—- “Anh Được nè, cảm ơn anh chuyện hôm qua nghen. Cũng may có gia đình anh chạy qua giúp tui, chứ nếu hông tui chẳng biết nhờ ai nữa.”
—- “Thôi đi anh, chỗ hàng xóm với nhau, ơn nghĩa cái gì, đổi ngược lại gia đình tui gặp chuyện thì anh cũng làm như tui thôi. Mà thím ấy sao rồi anh? Có khỏe hơn chưa?”