Chương 2: Phạm Miếu Thiêng.
Ông Mão đưa được lão Hành về nhà của lão thì trời cũng đã gần trưa, thấy trước sân có cái chõng tre, ông thả oạch lão Hành xuống, thở không ra hơi. Chắc mẩm đã xong “nhiệm vụ”. Ông Mão toan quay lưng ra về thì chực khựng lại, nhìn quanh quẩn khắp nhà của lão Hành, ông thấy sao mà hoang tàn, xác xơ quá. Rồi nhìn lại lão Hành, lão ta giờ đây say bí tỉ, chẳng còn biết trời trăng gì nữa, Ông Mão nghĩ thầm:
“Đã làm ơn thì làm ơn cho trót, giờ mà mình bỏ về, để lão nằm tềnh hênh ở đây, nhở trúng gió thì bỏ mẹ!”
Nghĩ sao làm vậy, ông vào trong nhà tìm chiếc chăn đắp tạm cho lão Hành, rồi sau đó lọ mọ vào bếp xem có cái gì không, để còn nấu tạm thứ gì đó, để khi lão tỉnh lại có cái mà ăn.
Khi vào trong nhà rồi thì ông mới thấy cái cảnh, nhà cửa thì bề bộn, lôi thôi lếch thếch hết chỗ nói, quần áo vứt tứ tung, bốc lên mùi chua loét đến lợm giọng. Đang lò dò bước đi thì ông giẫm phải một thứ gì đó lông lá, mềm mềm, thứ đó kêu lên một tiếng “chít” chói tai rồi vùng chạy mất. Ông Mão hoảng hồn nhận ra đó là một con chuột cống to tướng đang làm tổ trong mớ quần áo bẩn của gia chủ.
Ông vội trấn tĩnh bản thân rồi bước tiếp, càng bước vào trong, ông càng có cảm tưởng rằng mình đang đi vào cõi u ám nào đó, căn nhà ngói từng là mơ ước của mọi người trong thôn giờ đây ẩm thấp, đầy mùi ẩm mốc, dưới đất ngoài quần áo ra còn có phân, phân chuột đầy trên nền nhà.
Nhưng kinh hoàng nhất vẫn là ở dưới bếp, khi vừa mới đặt chân xuống bếp, Ông Mão lại được một phen mất vía. Con mèo, không biết là mèo nhà lão Hành nuôi hay mèo hoang thấy nhà bề bộn mà mò tới ở. Bắt gặp ông Mão, nó cất tiếng kêu ghê rợn, xù lông, nhe răng đe dọa. Dưới sàn bếp lúc này là vô số xác động vật chết, chuột có, chim sẻ cũng có, nhưng ghê nhất vẫn là xác của một con vật gì đó đã bị phân hủy nặng nề, không còn nhận ra hình dạng nữa, bốc mùi hôi thối khủng khiếp.
Chứng kiến cảnh tượng đó, Ông Mão không còn tâm trí đâu mà nấu nướng, ông bụm miệng, co giò chạy một mạch ra sân mà nôn ọe. Ra đến sân, ông chạy ngay đến gốc cây me trước sân, một tay chống vào thân cây, tay còn lại ông ôm bụng, nôn lấy nôn để.
Thấy sức của mình không sao lo xuể được vụ này, Ông Mão đành tiến đến bên bờ giậu, cất tiếng gọi với sang nhà ông Hảo:
– Thím Toan ơi! Có nhà không? Ra tôi nhờ tí!
Bà Toan ở trong nhà nghe có người gọi, lại là giọng người quen nên vội chạy ra, từ trong nhà, bà đã liên mồm:
– Ôi giồi ôi! Quý hóa quá! Hôm nay bác trưởng thôn đến nhà em có chuyện gì thế? Mời bác vào nhà xơi nước!
Khi ra đến nơi thì bà thấy ông trưởng thôn mặt mày tái mét, thở không ra hơi thì đâm hoảng.
– Ôi bác ơi! Bác làm sao thế này! Chết bỏ mẹ, không lẽ trúng gió!
Ông Mão xua tay bảo không phải rồi kể lại mọi chuyện, đoạn ông cất tiếng nhờ vả:
– Giờ thì tôi định như thế này: nhờ bác trông chừng lão ấy một lát, tôi đi gọi người đến để dọn dẹp nhà cửa của lão cho sạch sẽ, chứ để như thế này thì thành ổ dịch bệnh mất!
Mụ Toan mặc dù ghét nhà lão Hành đến độ xúc đất đổ đi, nhưng trưởng thôn đã lên tiếng nhờ vả thì lẽ nào lại từ chối, huống hồ gì ông Mão lúc trước cũng từng là ân nhân giúp đỡ gia đình bà trong những lúc khó khăn, nên dù có ghét cách mấy cũng không thể từ chối được.
Mụ Toan miễn cưỡng đồng ý:
– Thôi được rồi, bác cứ để đấy em trông cho! Mà bác đi nhanh nhanh lên nhá, em đang bận lắm!
Ông Mão “ừ” một tiếng rồi chạy ù đi. Thấy ông trưởng thôn đã khuất dạng ở phía xa, mụ ló đầu sang bên nhà lão Hành nhìn quanh quẩn một hồi, chỉ thấy cái sân xi măng đầy những lá rụng, còn lão Hành thì nằm lăn trên chiếc chõng tre ọp ẹp, mụ nguýt dài một hơi mà ngoảnh mông đi vào nhà.
Độ khoảng ba mươi phút sau thì ông Mão quay trở lại cùng với vài dân quân tự vệ trong thôn, rất nhanh chóng, ông phân công cho từng người một, họ cũng nhanh chóng vào việc. Ở bên này, mụ Toan dưới bếp nghe có tiếng ồn ào thì chắc mẩm là ông Mão đã quay lại và bắt đầu công việc dọn dẹp. Mà cũng chẳng phải việc của mình, việc gì mình phải lo. Cứ như vậy mà mụ mải mê lúi húi dưới bếp.
Thời gian cứ thế trôi, đến giữa trưa thì mọi chuyện dần đâu vào đấy, căn nhà đã được dọn dẹp sạch sẽ, những cánh cửa sổ đóng im ỉm bấy lâu nay được mở toang, ánh sáng từ ngoài chiếu vào, khiến căn nhà sáng sủa hơn bao giờ hết. Đống quần áo dơ được gom lại chờ giặt sau, mớ phân chuột và xác động vật chết được thu thập lại, cho vào bao tải và mang đi thiêu hủy để tránh lây lan mầm bệnh, cái sân xi măng được quét tước sạch sẽ, cả căn nhà đã trở nên tươm tất hơn đáng kể.
Sau khi đâu đã vào đó thì các dân quân tự vệ nhanh chóng ra về, giờ ở trong sân chỉ còn lại ông Mão và lão Hành mà thôi. Ông Mão thì loay hoay bên cạnh đống rác đang cháy ở bên đường, canh chừng để không bị cháy lan. Ở bên trong thì không biết lão Hành mơ màng thấy cái gì mà la toáng lên, rồi lăn ra khỏi chõng, ngã xuống nền sân, lăn thêm mấy vòng nữa.
Nghe có tiếng la thì ông Mão vội chạy vào xem có chuyện gì, mụ Toan ở bên nhà cũng len lén thập thò ở bờ giậu mà hóng hớt.
Lão Hành bây giờ lăn lộn trên sân, một tay ôm đầu, một tay ôm vùng hạ bộ mà van xin:
– Tha cho tôi,… tha cho tôi! Tôi xin chừa!… Tôi không dám làm thế nữa đâu!… Xin ông bà ma đừng cắt “họa mi” của tôi! Xin đừng cắt…
Rồi lão rú lên như là con heo bị chọc tiết, khiến cho cả ông Mão và mụ Toan phải giật bắn mình. Tiếp sau đó thì lão bừng tỉnh, vùng chạy về phía cái chõng, nhảy tót lên đó, rồi vớ lấy cái mền trùm kín cả đầu, toàn thân run lên cầm cập như người phải sốt rét.
Thấy hiện tượng lạ, ông Mão tiến đến hỏi:
– Chú Hành! Chú làm sao thế?
Lão Hành thấy có người đến gần thì càng sợ hãi hơn, vái lạy liên hồi:
– Làm ơn tha cho tôi!… Tôi biết lỗi rồi mà!… Xin đừng hành hạ tôi nữa!
Ông Mão vội lay người lão Hành.
– Chú Hành! Chú bị làm sao thế?… Là tôi đây!… Mão trưởng thôn đây!
Lão Hành dần bình tĩnh lại, nhìn người phía đối diện, nhận ra người đó là ai, lão mừng húm.
– Ối giời ơi bác trưởng thôn! Bác cứu em với! Em chết mất bác ơi!
Ông Mão liền trấn an lão Hành:
– Có việc gì thì chú bình tĩnh kể lại cho tôi nghe! Giúp được cho chú cái gì tôi sẽ giúp!
Lão Hành nghe trưởng thôn nói vậy thì vững dạ hơn đôi chút, nỗi sợ hãi trên mặt cũng vơi đi phần nào. Lão cố hít thở đều đặn từng cơn để lấy lại bình tĩnh và bắt đầu kể lại mọi chuyện.
Chuyện bắt đầu từ hơn một năm trước, lão Hành khi này vẫn còn là một người chăm chỉ và khá giả, mỗi tội hay khinh người mà thôi.
Vào một chiều chạng vạng nọ, lão cưỡi trên con xe máy mới tậu, phi nhong nhong trên đường làng, tiếng nẹt pô inh ỏi vang lên chói tai. Lão thích chí, càng phi nhanh hơn.
Chả là hôm nay lão sang làng bên ăn cổ, ông chú họ xa của lão vừa vớ phải mớ hời, trúng mánh lớn, nên mở cổ khao chiến hữu. Thằng cháu họ xa cũng được mời, khi lão Hành phi con xe gắn máy vào sân thì hết thảy mọi người có mặt ở đó đều trầm trồ thán phục, miệng chữ a, mồm chữ o.
Rồi hết người này đến người khác tranh giành nhau tâng bốc, ton hót, nịnh bợ lão bằng những lời lẽ không thể tuyệt vời hơn, lão Hành nghe đến đâu, sướng cái lỗ nhĩ đến đó, cười lên hề hề đầy khoái chí, để lộ ra hàm răng vàng như cải mả. Rồi cả lũ cùng kéo nhau vào nhà, tiếp tục bù khú.
Tiệc tàn, ai về nhà nấy, lão Hành cũng đã ngà ngà say, sau khi từ biệt ông chú họ, lão nhảy tót lên xe, vít ga èn ẻn rồi phóng đi, để lại một màn khói trắng và mùi cao su khét lẹt cho gia chủ.
Về đến thôn, vừa tới ngõ, lão Hành đã bắt gặp kẻ thù không đội trời chung, thừa thế, lão rú ga một cách đầy mạnh mẽ, tiếng pô xe như tiếng gầm của ác thú, khiến cho ông Hảo giật bắn mình, đánh rơi cả chục trứng vừa mua, trứng rơi vỡ, chảy lênh láng trên đất, ông Hảo thì tức khí chửi ầm lên, còn lão Hành thì mặc kệ tiếng chửi, cứ vậy mà phóng xe đi, tiếng cười của lão cứ vang lên văng vẳng ở phía xa xa, cứ như thể đang chọc tức đối phương vậy.
Lão Hành cứ thế mà vít ga phóng tới với sự đắc ý khôn cùng, đến nỗi đi huốt qua nhà của mình rồi mà cũng không hề hay biết. Chạy mãi cũng đến cuối thôn, nơi có ngôi miếu thờ bị bỏ hoang từ thời Pháp thuộc, dân trong thôn đều kiêng dè và sợ hãi ngôi miếu này. Vì nghe đồn rằng ở đây có những hai con tinh dữ, sẵn sàng vặn cổ bất cứ ai dám mạo phạm.
Lão Hành phi xe đến đây thì chết máy, chiếc xe ngã uỵch ra, đè lên một bên chân của lão. Lão ngoác mồm ra kêu lên oai oái mà chẳng thấy có ai đến giúp, tức mình, lão cố gắng gượng bò lết ra chỗ khác, nhưng cái chân bị đè lên kẹt cứng, càng cố, chiếc xe càng đè lên chân nhiều hơn.
Lão ta khi này bắt đầu tỉnh rượu, loay hoay một hồi, may sao thoát ra được, lão dựng xe lên mà miệng làu bàu chửi:
– “Định mệnh” đứa nào xô tao thế! Tao mà bắt được là tao vả vỡ mồm!
Lão nói thế vì khi nãy, trong lúc phi xe qua đoạn này thì lão thấp thoáng thấy một bóng người nhỏ thó như đứa con nít bất chợt từ trong miếu lao ra, xô ngã xe của lão. Mãi lo thoát thân mà lão quên béng mất, giờ đã thoát được thì lão nhớ lại và oang oang cái mồm lên chửi.
Lão chửi bằng đủ các loại ngôn từ tục tĩu nhất, chửi liên mồm, liên miệng như Chí Phèo khi xưa, tiếng chửi cứ thế mà vang đi theo gió, nhưng chẳng có ai đáp lại lời chửi bới của lão cả, có chăng chỉ là tiếng lá cây xào xạc khiến cho lão Hành nóng máu, càng chửi tợn hơn, chửi không ngớt mồm, kéo cả thôn này ra chửi.
Sau một hồi chửi bới thì lão ta cũng thấm mệt, nhưng vẫn chưa hả cơn tức, lão bắt đầu làm một hành động không ai ngờ tới. Sẵn đang nặng bụng vì chầu nhậu, lão lò dò tiến đến cái miếu, rồi vạch quần ra đái thẳng vào đấy. Vừa “xả lũ”, lão vừa thích chí mà uốn éo cả người, vẽ rồng, vẽ rắn lên ngôi miếu.
Xong việc, lão kéo quần lên, còn không quên chửi thêm vài câu nữa, đang định quay ra dựng xe lên rồi dắt về nhà, thì khi vừa quay lưng lại với cái miếu, lão Hành bỗng cảm nhận được một luồng hơi lạnh buốt tận sống lưng, tiếp sau đó là một giọng đàn bà vang vọng đầy âm lãnh.
– Mày chửi xong chưa?
Lão Hành vội quay ngoắt lại nhìn thì thấy một bóng người với mái tóc dài rũ rượi, mặt mày xám ngắt, hai mắt đỏ ngầu đầy giận dữ nhìn lão. Lão Hành á khẩu, còn đang chết điếng thì từ phía sau cái bóng ấy lại xuất hiện thêm một cái bóng khác, nhỏ hơn, cái bóng ấy chỉ thẳng mặt lão mà nói như mách với cái bóng lớn.
– Nó đấy mẹ ạ! Nó bảo là nó vả vỡ mồm con đấy!
Khi này, lão Hành nhận ra được cái bóng nhỏ kia chính là thủ phạm xô ngã xe của mình, tiếc của vì chiếc xe vừa mới mua đã bị trầy xước hết cả, máu dồn lên não, lão không những không sợ hãi nữa mà còn chỉ ngược lại hai cái bóng kia mà quát:
– A!… Thì ra là hai đứa chúng mày thông đồng với nhau để đẩy ngã xe của ông! Hôm nay chúng mày chết với ông!
Nói rồi lão hùng hổ lao tới tính sổ với hai cái bóng kia.
Lão vung tay định vả cho hai đứa kia một cú thật mạnh, nhưng bàn tay của lão lại đi xuyên qua cái hình bóng kia như thể cái thứ trước mắt ấy chỉ là một hình chiếu ba chiều. Hai cái bóng kia cười lên khanh khách đầy hả hê, còn lão Hành thì bắt đầu sợ sun cả họa mi.
Lúc này, cái bóng lớn bắt đầu tiến đến, dùng tay bóp cổ lão Hành. Bàn tay sần sùi như khúc gỗ bóp chặt cổ họng, lão Hành cảm nhận được cái lạnh đến thấu xương từ nó phát ra, lão tím tái mặt mũi vì thiếu oxy, còn cả người thì tê liệt không cử động được. Cái bóng nhỏ hơn thừa cơ lao tới, đấm thật mạnh vào họa mi của lão, khiến lão trợn trắng hai mắt mà ngất xỉu.
Lão Hành nằm đó đến nửa đêm thì được mụ Tỏi cùng thằng Riềng tìm thấy, lão ta lúc này hôn mê bất tỉnh, toàn thân mềm nhũn như bún, thằng Riềng phải còng lưng mà cõng lão về nhà, còn mụ Tỏi thì dẫn bộ chiếc xe. Vừa đi, mụ vừa tru tréo:
– Ôi giời ơi là giời! Chồng với chả con!… Ăn nhậu bù khú cho lắm vào rồi đổ đốn ra như thế này đây!… Hốc cho lắm vào rồi có ngày phơi thây ngoài đường cũng không biết chừng!
Lão Hành giờ đây thì có còn biết trời trăng gì nữa, chỉ khổ cho thằng con cả, không làm gì mà phải lãnh đủ mọi thứ thượng vàng hạ cám từ mồm của bà mẹ nanh nọc.